Nhận thức xót xa về con người

Một phần của tài liệu (LUẬN án TIẾN sĩ) nghệ thuật châm biếm trong tiểu thuyết của william thacakeray (Trang 139 - 142)

Chương 4 BÌNH LUẬN NGOẠI ĐỀ MANG MÀU SẮC CHÂM BIẾM

4.2. Châm biếm mang màu sắc trữ tình

4.2.1. Nhận thức xót xa về con người

Nhà văn hài hước, hóm hỉnh đôi lúc tự trào giễu nhại ấy rất nhiều lần đã viết nên những trang văn rưng rưng nước mắt. Ông xót xa, ngậm ngùi cho cái đẹp hiền dịu lạc loài giữa bao nhiêu sự tính toán, bon chen: “Cuộc đời người đàn bà góa hiền hậu đó cứ thế mà trôi qua với những sự tính toán hiền lành và những việc vô tội tương tự... lác đác đã thấy một vài sợi bạc điểm trên mái đầu và một nét nhăn thấp thoáng hiện trên vầng trán xinh đẹp” [65,183]. Thackeray cũng bày tỏ triết lý suy tư, chia sẻ cảm thông của một người am hiểu tâm lý phụ nữ: “Có chuyện bí mật gì đang lởn vởn

quanh đây thì phải? Ôi, những người đàn bà? Họ nuôi nấng, nâng niu những linh cảm, ôm ấp cả những ý tưởng đen tối nhất như họ ôm ấp những đứa con đẻ xấu xí của họ” [65,247], “Đàn ông ai thấu hết được những nỗi khổ thầm kín của phụ nữ?” [65,370]. Lời lẽ của người kể chân thành và đồng cảm với sự tận tụy hy sinh của họ: “Đàn bà nhiều khi có thái độ nhút nhát tự hạ mình khiến ta rất cảm động. Họ cam tâm thay chồng nhận hết phần lỗi về mình, bao nhiêu sai trái họ chịu hết, họ tự kết án về những tội lỗi họ không hề phạm, và nhất định che giấu cho kẻ thủ phạm chính thức. Chính những kẻ làm tội đàn bà nhiều nhất lại được họ đối đãi tốt nhất... vì Trời sinh ra đàn bà vốn nhút nhát nhưng nanh nọc, kẻ nào tỏ ra quỵ luỵ với họ, lập tức bị hành hạ ngay” [65,251]. Quả là giọng điệu của cái “Tôi” ấy không bao giờ hiền lành, mà sắc sảo, hóm hỉnh, vừa trầm lắng thật đấy đã trở nên tinh quái với suy nghĩ bất ngờ... không phải không có lý.

Lại nói về câu chuyện số phận con người, từ chuyện ông lão Sedley buôn bán cổ phiếu bị phá sản, nhà tiểu thuyết đã liên tưởng ngay tới bao nhiêu cảnh đời khác. Đến đây tấm lòng nhân ái của tác giả như chan hòa đồng cảm, vừa xót xa trong niềm suy tưởng, vừa muốn sẻ chia bớt nỗi gánh nặng nhân sinh với con người: “Không có gì bi đát hơn là những cuộc vận động, những sự thu xếp đầy bí ẩn của một kẻ bị phá sản. Những lá thư ký tên, những người giầu có những tờ giấy dính nhờn mồ hôi toàn những lời an ủi, hoặc hứa hẹn giúp đỡ, ông lão đặt biết bao hy vọng vào đó! Trong cuộc sống, bạn đọc thân mến, hẳn đã có lần gặp một người bạn không may như thế. Anh ta kéo bạn ra một góc nhà, lôi trong túi áo một bọc giấy má, cởi nút buộc, răng vẫn còn cắn một đầu dây vội vã giơ cho bạn xem một lá thư chờ đợi đã bao lâu nay vừa nhận được, và bạn quên sao được đôi mắt tha thiết buồn rầu tuyệt vọng của anh ta chăm chú nhìn bạn?” [65,373-374].

Ở nhiều tiểu thuyết của ông, ngòi bút đả kích của Thackeray đã chĩa thẳng vào xã hội thượng lưu giả dối một cách không khoan nhượng, nhưng không có nghĩa là ông không đau buồn trước sự đời thế tục đang diễn ra trước mắt. Ông xót xa khi nhìn thấy sự tính toán vị kỷ, lòng vụ lợi, thói giả nhân giả nghĩa, tính phô trương rởm đời, sự lường gạt kèn cựa. Mỗi nhân vật trong tác phẩm đều tiêu biểu cho một thói xấu của con người. Con người ở xã hội này đều mang trong mình dục vọng thấp hèn, tranh danh đoạt lợi. Nhà luân lý Thackeray đã nhìn xã hội nước Anh - đúng hơn là xã hội thượng lưu trưởng giả nước Anh - với con mắt rất bi quan, hoài nghi cũng bởi ông đau nỗi đau khôn nguôi về sự tràn lan của cái xấu, sự thiếu thốn của cái đẹp.

Nhiều khi Thackeray lại đau nỗi đau của một người nghệ sĩ, trăn trở vật lộn với vấn đề về sự thành thật của nghệ sĩ trong bài thảo luận của ông về Sterne: “Một giao thương đầy nguy hiểm thực sự là của một người đàn ông phải mang nước mắt và tiếng cười, những hồi ức của mình, những nỗi đau và niềm vui cá nhân, những suy nghĩ và cảm xúc riêng tư của mình ra thị trường, viết chúng ra trên giấy rồi bán chúng ra ngoài thị trường. Cần bao nhiêu sơn và in đậm để có được thương vụ sân khấu công bằng, và bao nhiêu lời khen ngợi và phấn hồng được đặt trên sự phù hoa của diễn viên? Khán giả của anh tin tưởng ở anh: anh có thể tin tưởng ở bản thân mình không? Có bao nhiêu tính toán và lừa đảo có chủ ý - bao nhiêu là tri giác đã sai lầm - và cảm xúc chân thực là bao nhiêu? Lời nói dối bắt đầu ở đâu, và anh ta biết ở đâu? Và đâu là điểm cuối của sự thật trong nghệ thuật và âm mưu của người đàn ông là thiên tài, là diễn viên, là kẻ lập dị này? [98,665-666].

Nói về chuyện tình cảm và nỗi xót xa cuộc đời, trong giới nghiên cứu văn học thường đối sánh Charles Dickens và William Thackeray. Charles Dickens hoàn toàn tin tưởng vào lòng trắc ẩn của con người và niềm tin vào cái tốt sẽ chiến thắng cái xấu, vì thế, ông là một người lạc quan. Thackeray không thực sự tin vào lòng tốt của con người và sự đền đáp xứng đáng cho sự tốt bụng đó nên, ông là một người bi quan, hay chỉ trích. Tuy nhiên, ta nhận ra dưới lớp vỏ bọc đầy tính chế nhạo, là một Thackeray với tâm hồn ủy mị đầy tình cảm không hề kém cạnh Charles Dickens. Cả hai nhà văn đều rất yêu thương con người và đề cao những phẩm chất tốt đẹp của con người. Nhưng cái khác là Thackeray thực tế hơn Dickens. Ông không cảm thấy thoải mái và tự tin thực sự khi phân biệt rạch ròi cái tốt và cái xấu, cái đúng và cái sai. Đồng thời ấn tượng về cuộc sống đương thời lúc bấy giờ với những giá trị tốt đẹp bị đảo lộn, bóp méo quá đậm sâu trong ông.

Ông thường hay thích thể hiện đối tượng đúng như bản chất vốn có của nó, thay vì cố gắng lý tưởng hóa thành thứ cao siêu hơn nguyên mẫu. Với tinh thần ấy, tiểu thuyết của ông cũng mang đậm hơi thở của văn hóa Anh Quốc trong việc tôn trọng sự thực, trung thành với sự thực. Đây là quan điểm và thái độ khi sáng tác văn học ông áp dụng với tất cả các tác phẩm nghệ thuật của mình, tiêu biểu nhất là tiểu thuyết

Pendennis. Trong lời tựa của cuốn sách này, ông viết: “Tôi mong quý độc giả hãy giữ niềm tin rằng tôi viết nên cuốn sách này để nói lên sự thật. Không phải là thứ gì khác ngoài sự thật”. Đây chính là quan điểm của tiểu thuyết gia Thackeray về thái độ đúng đắn cần phải có: “Hãy tôn trọng sự thật. Và tự khắc những giá trị đạo đức sẽ được bảo

tồn”. Bên cạnh đó với cách chọn phương thức phản ánh đời sống bằng tư duy châm biếm, ông đã dồn nén tình cảm sang một bên để ngòi bút thực hiện chức năng phân tích mổ xẻ các hiện tượng đời sống, phê phán bài trừ các tật xấu của con người và xã hội.

Những trang văn tưởng như vẫn mang trong mình sự hài hước đôi khi không giấu được sự trầm buồn của nỗi đau. Vẫn là cái cười nhưng cười ra nước mắt, cười để ngậm ngùi day dứt khôn nguôi.

Một phần của tài liệu (LUẬN án TIẾN sĩ) nghệ thuật châm biếm trong tiểu thuyết của william thacakeray (Trang 139 - 142)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(162 trang)