Châm biếm trong cách dẫn truyện

Một phần của tài liệu (LUẬN án TIẾN sĩ) nghệ thuật châm biếm trong tiểu thuyết của william thacakeray (Trang 45 - 49)

Chương 2 SỰ PHA TRỘN CHÂM BIẾM CỦA CÁC THỂ LOẠI

2.1. Kiểu châm biếm của người đầu trò sân khấu trên bình diện lời

2.1.1. Châm biếm trong cách dẫn truyện

Cách châm biếm của nhân vật hề của kịch rất khác với sự châm biếm của truyện cười hay tiểu thuyết vì trong truyện chất châm biếm ẩn đi trong câu chữ, tránh sự đối đầu với đối tượng bị cười. Ngược lại, nghệ thuật công diễn của “hề” công khai giữa thanh thiên bạch nhật. Anh ta trực tiếp xuất hiện trên sân khấu, trực tiếp nói, giễu, mỉa mai, ứng tác trào phúng. Tiếng nói ấy vì thế mang tính trực diện, quyết liệt nhưng lại vẫn gây cười. Nhân vật hề cũng được coi là rất thông minh, bản lĩnh trước búa rìu của giai cấp thống trị. Điều đó thể hiện rõ tài năng, nhân cách của nhân vật hề và dụng ý nghệ thuật châm biếm của Thackeray.

Ngay từ phần mở đầu trong tiểu thuyết Hội chợ phù hoa vai trò của người đầu trò thể hiện rất sinh động, hài hước. Người đọc bị cuốn hút bởi nghệ thuật dẫn truyện của anh ta nên chúng tôi còn gọi “anh ta” là người dẫn trò. Chính sự xuất hiện của người dẫn trò như trong kịch nên người kể chuyện của Thackeray trở thành đặc biệt, nhiều khi đi chệch hướng thông thường của tiểu thuyết truyền thống. Trong các quyển tiểu thuyết trước đó và đương thời, nhà văn chủ yếu xây dựng một người kể chuyện duy nhất và thuần nhất, kiểu người kể chuyện vô hình nhưng biết tuốt. Ngược lại, người kể chuyện của Thackeray đã không thể “tỏ ra lạnh lùng” và “buộc trái tim phải im tiếng” (Stendhal). Tiếng nói ấy không chịu ẩn mình mà công khai “lộ diện”. Điều đặc biệt mà chúng tôi chú ý trong Hội chợ phù hoa là sự đan xen tiếng nói và điểm nhìn giữa các chủ thể kể chuyện. Sự tồn tại song song và cọ xát giữa các tiếng nói tạo nên cảm giác bình đẳng trong điểm nhìn, tồn tại các cung bậc giọng điệu của nhiều chủ thể đang tranh luận với nhau. Vì vậy không phải ngẫu nhiên mà nhà phê bình Anh G.K. Chesterton từ cuối thế kỷ XIX đã cho rằng cảm giác mãnh liệt do cuốn sách gợi nên giống như “nhiều giọng nói lẫn lộn và nhất là như một cuộc thách thức hùng hổ trong một khu đông đúc ngày phiên chợ” [24,592]. Lời phát ngôn kể chuyện trong tiểu thuyết của ông nhiều khi bện chặt xoắn xuýt lấy nhau trong cấu trúc trần thuật khó tách bạch.

nói phê phán mãnh liệt của mình. Anh ta đánh thẳng vào cái thế giới xấu xa, sặc sỡ sắc màu mà thực ra rất nhem nhuốc, nơi “vô khối trò đủ loại” cám dỗ, làm tha hóa con người. Từ sự quan sát tinh vi, người đầu trò không ngần ngại bóc trần thói hư tật xấu của con người, sự phù hoa giả dối của xã hội thượng lưu một cách hài hước: “Khi đưa các nhân vật ra làm trò với tư cách là một con người, và một người anh em trong nghề, tôi xin phép không những chỉ giới thiệu họ mà còn thỉnh thoảng được rời sân khấu bước xuống dẫn giải thêm vài lời về họ; nếu họ tồi, xin được phép che tay áo mà cười; còn nếu chúng đểu quá thì xin được dùng những tiếng thô bạo nhất mà sự lễ độ có thể cho phép để chửi vào mặt chúng” [65,165]. Tiếng nói ấy đanh thép, phẫn nộ lên án nghiêm khắc tình trạng xã hội đang phá sản về mặt đạo đức, tinh thần. Với vai trò là một anh hề - xuất thân từ tầng lớp bình dân, gây cười, Thackeray mang đến tiếng nói quyết liệt gay gắt những vẫn tạo cảm giác gần gũi thân mật cho độc giả. Nhà văn đã truyền sang họ lòng căm ghét sự xấu xa đồi bại của giai cấp quý tộc thượng lưu, tính cách xảo quyệt tàn nhẫn, sự sa đoạ cùng những dục vọng thấp hèn nơi con người.

Ở đoạn kết cuối cùng của vở kịch chính người đầu trò ấy cũng bước ra sân khấu trực tiếp lên tiếng châm biếm mỉa mai “Ôi! Phù hoa giả dối! Thử ngẫm xem chúng ta trên đời này ai là người sung sướng? Ai là người đạt được ước vọng của mình? Ví thử đạt được chăng nữa, thì chắc đâu đã thoả mãn?...” Vậy thì hỡi các cô cậu khán giả tí hon của tôi, chúng ta hãy xếp các con rối vào hộp; buổi biểu diễn của chúng ta đến đây là kết thúc”. Lời nhắn nhủ cuối cùng ngắn gọn súc tích của nhà đạo diễn đã ôm trọn tinh thần, ý nghĩa của cả vở kịch. Nó là lời cảm thán, suy ngẫm triết lí của một trí tuệ uyên bác, sắc sảo. Đó là những câu hỏi còn treo lơ lửng trên đầu mỗi cá nhân con người. Khi nào loài người còn tồn tại trên nhân gian này thì các vấn đề ấy đâu phải là xa lạ. Thackeray từ lời kết tiểu thuyết đã tạo điểm nhấn lắng đọng trong lòng người đọc. Ông đã chạm tới những chủ đề sâu xa, mang tính vĩnh cửu của thói đời: tính kiêu căng hợm hĩnh, tính xa hoa, giả dối, thói đạo đức giả, những ảo tưởng yêu đương, hạnh phúc, sự vượt ngưỡng của dục vọng... Như một triết nhân trải đời và ngẫm nghĩ, nhân vật hề châm biếm các thói đời và khái quát chúng thành vấn đề phổ quát để bạn đọc nghiền ngẫm, suy lắng dần. Bản chất của dục vọng là gì, phải chăng đó là sự “không bao giờ thoả mãn, tìm mọi cách chà đạp lên các giá trị để có mọi thứ mong muốn”? Vậy ai là người trên đời này sung sướng, ai là kẻ đã chạm tay tới đỉnh cao của vinh quang hay leo lên các nấc thang dục vọng, ai đã đạt được ước mơ khôn cùng của mình? Những câu hỏi không lời đáp gieo vào lòng người đọc, chỉ như thế thôi đã khép

lại “vở kịch cuộc đời” day dứt khôn nguôi. Lời dẫn ấy gợi người đọc lại nhớ đến câu nói cuối cùng trong vở kịch Macbeth của W. Shakespeare: cảnh cuối cùng bầy phù thuỷ hét vang: “Macbeth, tham vọng, cuồng vọng, hy vọng, khát vọng của ngươi đâu?” [53,76]. Và trước khi hạ màn người đầu trò cùng các con rối cúi chào khán giả còn người đọc trăn trở với câu hỏi sâu sắc về thế giới người.

Vận dụng hình thức lời chỉ dẫn sân khấu thông qua người dẫn trò, chúng tôi cho rằng đó là dụng ý của tác giả, Thackeray đã vận dụng một cách sáng tạo thể loại kịch pha trộn trong tiểu thuyết. Vì thế những lời chỉ dẫn này cho phép chúng ta tưởng tượng rõ nét hình ảnh người đầu trò dân gian với kiểu diễn thuyết “bình dân” hoa chân múa tay trên sân khấu đơn sơ và trò chuyện cùng độc giả. Anh ta lúc nào cũng nhắc nhở độc giả tập trung vào màn kịch sắp tới. Hình thức lời chỉ dẫn này còn rất phong phú về mặt giọng điệu tạo ra những lời dẫn giản dị, gần gũi có khi bông đùa hài hước, có khi lại nghiêm chỉnh chỉn chu, có lúc lại văn hoa bay bướm, có khi mượt mà mềm mại, lúc lại trào phúng dí dỏm nhiều khi tạo ra chất giọng kịch tính (cố tình làm ra vẻ nghiêm trọng), khi trầm ngâm mà mỉa mai thâm thuý, có lúc úp mở ngụ ý tò mò và nhiều ẩn dụ hàm ý sâu xa. Chúng tôi đang muốn nhắc tới cách đặt tên ở các chương trong nhiều tiểu thuyết của Thackeray, nó cũng đóng vai trò lời dẫn gợi mở sự thú vị, tò mò về nội dung trong tiểu thuyết. Sự đa dạng về sắc thái giọng điệu trong lời chỉ dẫn sân khấu ngắn gọn súc tích ấy khiến chúng không còn vẻ cứng nhắc, máy móc mà sinh động, linh hoạt cuốn người đọc bước vào cánh cửa của màn diễn sân khấu.

Nhìn ở góc độ cấu trúc trần thuật, lời châm biếm của người đầu trò gắn chặt với lời văn trên bình diện sự kiện. Từ đó, tác giả cố tình thể hiện mục đích của anh ta là phá vỡ ảo tưởng của bạn đọc về tính hiện thực của tiểu thuyết. Trước hết người dẫn trò tham gia vào việc kể chuyện, anh ta dẫn chuyện và xưng chúng tôi trước bạn đọc “Trước hết chúng tôi cần trình bày…”, “Cho đến nay chúng ta mới đi qua chương XXII một quãng”, “Trong phần đầu cuốn truyện chúng ta đã nói tới...”, “Trong một chương trước chúng ta đã thấy...”. Với tư cách này anh ta thật nhiệt tình sôi nổi bày ra các sự kiện, đưa đường, dẫn lối liên hệ sự kiện trước sau để dẫn giải, chứng minh. Nét khác biệt dễ nhận thấy, nếu người kể chuyện ẩn mình cố tỏ ra lạnh lùng khách quan để tạo cảm giác có thật trong độc giả, thì người kể chuyện này luôn tìm cách đi ngược lại. Anh ta cố tình phá vỡ bình diện ảo ảnh một cách rất vui vẻ hài hước bằng cách như mổ xẻ sự kiện cốt truyện trên trang giấy, bày các chương, các nhân vật, các tình tiết cho bạn đọc thấy cách viết tiểu thuyết. Cách nói của người dẫn trò cũng làm cho nhân vật,

người kể chuyện và bạn đọc ngang hàng nhau, nhân vật không đứng cao hơn người đọc mà thực ra cũng từ cuộc sống, xã hội ấy mà ra: “Cái cô thiếu nữ dớ dẩn này… Cô Rebecca đáng yêu sống trơ trọi của chúng ta… Đám mày râu chúng ta… Trong bọn chúng ta ai chẳng còn nhớ… Dobbin của chúng ta… Cô bạn giàu trí tưởng tượng của chúng ta… Cô thiếu nữ bé bỏng dịu dàng đáng thương… Cô Amelia bé nhỏ của chúng ta”. Phản đề mà Thackeray cố tình đưa ra để tác động mạnh đến tư duy người đọc là: tiểu thuyết là tiểu thuyết, nó được viết như thế đấy, nó là thế giới được bàn tay nhà văn sắp đặt chứ không phải là cuộc đời thực. Bằng lời châm biếm của người đầu trò, Thackeray phê phán cách “bắt chước, giả tạo” hiện thực của tiểu thuyết, đồng thời từ đó phá vỡ ảo tưởng của bạn đọc muốn được trải nghiệm cuộc đời thực trong các trang sách. Trong hình thức lời dẫn của người đầu trò, Thackeray cũng luôn ý thức đối thoại trò chuyện với bạn đọc. Vì thế khi bước chân vào thế giới từng chương, ở đó chúng ta bắt gặp cuộc đàm đạo đối thoại chứ không đơn giản là kể một câu chuyện. Ông rất nhiều lần nhắc tới bạn đọc, các lời dẫn đều hướng về bạn đọc nên vở kịch diễn ra là sân khấu của trò chuyện tâm tình chứ không chỉ là sân khấu trình diễn.

Lời châm biếm của người dẫn trò cũng rất có dụng ý. Chúng tôi cho rằng chính cách lồng chất tiểu thuyết vào kịch, lồng kịch vào tiểu thuyết đã tạo ra hiệu quả nghệ thuật “kép” ấy. Nhà tiểu thuyết cũng vận dụng tính điển hình của kịch vào ngòi bút châm biếm của mình. Trong kịch thường những chi tiết vụn vặn, dông dài gây loãng sẽ được cắt bỏ và cô đọng lại những gì là điển hình nhất, nổi bật nhất để định hình được bản chất của sự vật, sự việc. Ông không loại bỏ các chi tiết vụn vặt vì đó là nguyên liệu thô ráp của đời sống trong tiểu thuyết. Nhưng ông cũng rất biết vận dụng cái sắc nét điển hình của kịch trong tiểu thuyết. Sau này người ta bắt gặp sự cách tân táo bạo trong kịch của Bertolt Brecht, đó là sự tăng cường yếu tố tự sự trong kịch. Thay vì kịch trình diễn để tạo ra một thế giới ảo giác, loại kịch mới của Brecht sẽ thực hiện chức năng kể thuật - tự sự để lôi cuốn bạn đọc vào quá trình nhận thức, đồng sáng tạo. Sự gặp gỡ của các thế hệ trong sáng tạo nghệ thuật quả là một điều thú vị.

Quả thực, tiểu thuyết và hiện thực luôn có một khoảng cách rất lớn mà độ gián cách ấy trước hết là qua người kể chuyện, (liệu tác giả có xây dựng nên một người kể chuyện trung thực hết thảy, toàn tâm hết thảy?). Nghệ thuật xây dựng người dẫn trò của Thackeray cho chúng ta chiêm nghiệm về điều đó khi ông luôn cố tình tạo ra những lời dẫn chuyện hài hước, mỉa mai, tạo ra nhiều sắc điệu kể chuyện. Xây dựng người kể chuyện linh hoạt mang tính khách quan, Thackeray cũng lựa chọn cho mình

một tiếng nói riêng, bình đẳng, khách quan và rất tự nhiên trong thế giới tiểu thuyết. Với cách tự xưng là người đầu trò, nhà đạo diễn vở kịch là một cách tác giả trực tiếp thể hiện tiếng nói của mình một cách khách quan, cũng như bày tỏ quan điểm một cách thẳng thắn cùng độc giả. Lựa chọn sự pha trộn chất kịch trong tiểu thuyết qua lời người dẫn trò là lối viết vừa hiện thực vừa phi thực vừa như trò diễn vừa như thật tạo nên một hiện thực tiểu thuyết đa sắc màu, giàu ý nghĩa về giá trị nghệ thuật.

Một phần của tài liệu (LUẬN án TIẾN sĩ) nghệ thuật châm biếm trong tiểu thuyết của william thacakeray (Trang 45 - 49)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(162 trang)