Châm biếm mang phong cách tranh biếm họa

Một phần của tài liệu (LUẬN án TIẾN sĩ) nghệ thuật châm biếm trong tiểu thuyết của william thacakeray (Trang 53 - 55)

Chương 2 SỰ PHA TRỘN CHÂM BIẾM CỦA CÁC THỂ LOẠI

2.2. Châm biếm mang phong cách tranh biếm họa

Ngày nay, không có bất kỳ tờ báo hàng ngày có uy tín nào trên thế giới mà lại không có tranh biếm họa. Khi xã hội còn tồn tại đầy rẫy cái hài hước, xấu xa thì nhu cầu xã hội về biếm họa ngày càng lớn. Từ xưa, các nhà khảo cổ đã chứng minh, hình biếm họa đã có trên giấy cói của Ai Cập cổ đại, trên tượng nhỏ và lọ gốm cổ Hi Lạp, trên tranh tường Pompei... tường và cột nhà ở Roma cũng đã được sử dụng để vẽ tranh biếm họa chính trị... Vì thế từ “caricature” (biếm họa) trong tiếng Anh có gốc rễ từ tiếng Italia: Caricare (nghĩa gốc là cường điệu). Thời Trung cổ, trên trụ của nhiều nhà thờ ở Châu Âu hoặc ở trong sách minh họa đã có nhiều hình châm biếm. Người ta

cũng tìm thấy nhiều hình biếm họa trong tranh tường, tranh dân gian ở Châu Á.

Biếm họa, có thể hiểu một cách đơn giản là sự phác họa hình ảnh hài hước, lố bịch của con người hoặc vấn đề xã hội nhằm gây tiếng cười. Biếm họa cố ý tạo ra các nét chấm phá thái quá, cường điệu thêm thắt vào nét vẽ làm nổi bật bản chất của đối tượng. Dòng tranh đó chưa bao giờ là chủ lưu trong cuộc sống của mọi thời đại, nhưng từ lâu, nhiều người đã xem nó như một phần tư liệu lịch sử chân thật. Bởi vì nó phản ánh con người thời đại bằng một góc nhìn khác với cái nhìn truyền thống, mang tính tự do, dân chủ hơn thông qua màu sắc châm biếm.

Nói về biếm họa trong văn chương, đó là một loại hình nghệ thuật có chính kiến rõ ràng dùng ngôn ngữ tạo hình đặc biệt để biểu đạt một cách cường điệu, khuếch đại được các mâu thuẫn nội tại có khi đến khôi hài. Nó diễn tả sự mất tương xứng giữa mục đích và phương tiện, hình thức và nội dung, ảo tưởng và thực tế phũ phàng, giữa cái cũ lạc hậu và đổi mới, giữa cái đẹp và cái xấu, giữa cái ác và cái thiện, phát triển và môi trường, tồn tại hay không tồn tại... Vì vậy khi đưa vào tiểu thuyết, nghệ thuật châm biếm của Thackeray có lợi thế đặc biệt trong khả năng khắc họa nhân vật một cách sắc nét, cường điệu bóp méo đến mức tối đa hình họa, gây ấn tượng thị giác mạnh mẽ mà vẫn được chấp nhận một cách tự nhiên.

Cội nguồn của sự ảnh hưởng tranh biếm họa là khi Thackeray được tiếp cận việc học hội họa ở Paris. Ông học nghề ấy trong một tình thế bi đát của đời sống. Năm 21 tuổi, dù được thừa hưởng gia sản thừa kế của người cha, nhưng vì phung phí gia tài vào việc cờ bạc cũng như việc đầu tư thua lỗ vào hai tờ báo, ông tay trắng hoàn tay trắng. Thackeray phải quay sang sinh nhai bằng nghề vẽ biếm họa vì gia đình riêng rơi vào cảnh thiếu thốn, mộng tưởng nghề văn cũng chưa thành. Có lẽ đây là một thể tài mà năng khiếu của Thackeray được khẳng định sớm nhất mặc dù chỉ là sự vật lộn của nghệ thuật cho vấn đề mưu kế sinh nhai đời thường. Vốn liếng đó sau này ông dùng vào việc minh họa cho chính cuốn sách của mình. Một sự trớ trêu hài hước của cuộc đời mà nhờ nó, ngày nay chúng ta mới có một nhà văn châm biếm thiên tài. Sau này ông tiếp tục vẽ tranh biếm họa trong các sản phẩm báo chí. Sự nghiệp của ông thực sự khởi đầu với một chuỗi truyện trào phúng được biết đến như The Yellowplush Papers, xuất hiện lần đầu trên tạp chí Fraser's năm 1837 kèm theo các bức tranh biếm họa rất độc đáo. Ông cũng biết khai thác thế mạnh châm biếm đó trong tiểu thuyết của mình.

Thế giới của chúng ta chính là một bức tranh biếm họa vĩ đại, Thackeray quan niệm như thế, nên tư duy châm biếm của ông càng sắc nét. Thật bất hạnh cho ai không

biết và không hiểu nổi tiếng cười. Cao hơn, trí tuệ hơn là tự cười mình. Trong Hội chợ phù hoa, Pendenis hay Lịch sử của Henry Esmond ông luôn tự trào về mình một cách dí dỏm và hài hước bằng giọng điệu ngôn từ và tranh biếm họa. Ở phần “Trước khi mở màn” của Hội chợ phù hoa, ông đã tự vẽ mình trong tay cầm một cái mặt nạ và cây quyền trượng của anh hề, biểu thị ý nghĩa của một người làm trò hài hước trước khi vở kịch bắt đầu. Có thể nói, tư duy biếm họa đã đi vào ngòi bút châm biếm của Thackeray để khắc họa thành công các nhân vật châm biếm của tiểu thuyết. Từ những gương mặt cá nhân ấy ông đã chạm khắc nên một bức họa về xã hội đương thời: xã hội phù hoa.

Một phần của tài liệu (LUẬN án TIẾN sĩ) nghệ thuật châm biếm trong tiểu thuyết của william thacakeray (Trang 53 - 55)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(162 trang)