Giọng tung hứng của người đầu trò

Một phần của tài liệu (LUẬN án TIẾN sĩ) nghệ thuật châm biếm trong tiểu thuyết của william thacakeray (Trang 49 - 53)

Chương 2 SỰ PHA TRỘN CHÂM BIẾM CỦA CÁC THỂ LOẠI

2.1. Kiểu châm biếm của người đầu trò sân khấu trên bình diện lời

2.1.2. Giọng tung hứng của người đầu trò

Nghệ thuật tung hứng của người đầu trò rất quan trọng, nó mang đến một không khí dân chủ thoải mái, bày tỏ được nhiều suy nghĩ và tư tưởng, tạo ra nhiều góc cạnh hài hước giễu nhại, cạnh khóe. Nghệ thuật tung hứng của các anh hề trong kịch không chỉ mang lại tiếng cười cho người xem mà nó còn truyền tải cả những tinh thần, tư tưởng khác của vở diễn. Có thể nói Thackeray rất khôn khéo để người kể chuyện lộ diện để đối thoại cùng bạn đọc, đối thoại một cách bình đẳng, thân mật và suồng sã.

Có thể thấy trên bình diện sự kiện trần thuật, câu chuyện đang được dẫn dắt về mối quan hệ của Becky với ông bố già nhưng lại xuất hiện câu nhận xét tự nhiên “rơi” xuống với kiểu phán xét mỉa mai rất bình thản:

“Ngừng lại một lúc, bác thêm: - Nhưng cụ ạ, cháu coi cô Sharp cũng xứng đôi với cậu ta đấy chứ.

Thật ra thì cô ta cũng xứng đôi... với cả bố lẫn con.

Hay nói về những bức thư tình của Amelia tác giả cũng không ngần ngại chêm xen các lời bình luận: “Tóm lại, suốt bốn trang thư toàn những yêu đương, lo lắng, hy vọng và phấp phỏng. George vừa đọc thư vừa nói: - Emmy bé bỏng đáng thương của anh… Emmy thân mến của anh. Nàng yêu tôi biết bao! Ôi, trời, mấy cốc rượu pha ấy làm cho mình rức đầu khủng khiếp!

Cô Emmy bé bỏng quả đáng thương thật.” [65,253].

Những lời bình phẩm ấy như những đường viền nhẹ nhàng bao quanh làm nổi chân dung của nhân vật, sự kiện mà vẫn cô đọng, súc tích và bao hàm nhiều ẩn ý: “Lão vớ được cô Rodor xinh xắn, thế là đủ; mà khi người đàn ông đã được thoả mãn sở thích thì còn cần gì hơn?” [65,173], “Trong số những bà gái già thì bà Crawley là người hiếu khách và vui tính nhất; cứ theo lời bà thì xưa kia bà cũng có nhan sắc (Chúng ta ai chẳng biết rằng hết thảy mọi bà già xưa kia đều đã từng là mỹ nhân)” [65,191].

Maupassant. Nhà văn Pháp đã tiếp nhận được của thầy Flaubert của mình một phong cách ngôn ngữ cô đọng, sắc cạnh, lạnh nhạt, khách quan, rất phù hợp với quan niệm “nhà văn không xen vào tác phẩm”. Trái ngược lại, trong tiểu thuyết của Thackeray, trên bình diện sự kiện, người kể chuyện đồng thời đưa đẩy lời nhận xét mỉa mai như một sự bộc phát tức thì của chủ thể. Lời bình luận này mang tính chất lưỡng phân vì nó thể hiện ý nghĩ và nhận xét của bạn đọc như hòa đồng cùng người dẫn chuyện. Từ đó tính chủ thể của bạn đọc cũng được phát huy một cách cao độ. Trong tiểu thuyết của Thackeray thường xuyên có những lời chêm xen vào các sự kiện và nhân vật như thế: “Thân thể bà còn sống nhưng tâm hồn thì đã chết từ lâu. Bà đã bán linh hồn của mình để trở thành vợ cụ Pitt Crawley. Trong hội chợ phù hoa, hàng ngày vẫn có những bà mẹ và những cô con gái làm công việc thương mại như vậy” [65,282]. Những nhận xét tưởng vô tình, không chủ thể phát ngôn đã giúp bạn đọc nhận ra sự hiện diện của người dẫn trò. Anh ta hoạt bát sôi nổi chủ động trong cuộc trò chuyện và nêu vấn đề tranh luận. Đồng thời nó góp phần tạo nên giọng điệu nhiệt tình, hăng hái của người kể chuyện. Đó là cái duyên kể của ông, Thackeray luôn biết tạo ra độ kết dính đặc biệt cho tác phẩm khiến người đọc phải chú ý, từ đó bị hút vào tác phẩm khó mà cưỡng lại được. Chính cách dẫn truyện độc đáo này tạo ra độ co dãn linh hoạt cho tiểu thuyết, tiểu thuyết không còn ở dạng đóng khung cứng nhắc mà uyển chuyển, nhịp nhàng và tạo ra “độ mở” trong hình thức thể loại.

Giọng tung hứng của người đầu trò cũng tạo ra các cuộc đối thoại kích thích khơi dậy óc phê phán, năng lực tự phán xét và kinh nghiệm cá nhân từ bạn đọc. Có lúc anh ta đánh thức độc giả sự tự hỏi, tự suy ngẫm: “Bạn hãy tưởng tượng lấy mà xem...”, lúc khơi dậy sự tham gia vào công việc viết tiểu thuyết: “Nếu các bạn tính đúng thời gian cuộc đối thoại trên xảy ra... các bạn sẽ thấy cuốn truyện này viết rất chính xác” [65,297]. Có thể thấy rằng khi người dẫn trò linh hoạt, “xốc vác” với vai trò dẫn dắt của mình thì bạn đọc không thể thụ động, chờ đợi mà phải tham gia vào tác phẩm. Vì thế tiểu thuyết của ông đã phát huy tối đa óc phê phán, khơi dậy sự tự phán xét, tinh thần hoài nghi và kinh nghiệm cá nhân của bạn đọc.

Nhiều lúc cách nói châm chọc, hài hước của người dẫn trò khiến ta còn cảm giác nhân vật - bạn đọc - người kể chuyện không chỉ rất thân mật gần gũi mà còn rất hiểu bản chất của nhau. Có thể những thói quen, tính cách xấu của nhân vật cũng không có gì xa lạ, nó nằm trong mỗi con người chúng ta vậy: “Mà chúng ta - ôi những kẻ ăn bám đáng thương, những kẻ phụ thuộc hèn hạ… Sự nô lệ đáng yêu ấy chúng ta

rất quý… Ôi, xin các bạn hãy thương lấy con người sang trọng bị sa sút kia, vì trong Hội chợ phù hoa này, bạn cũng như họ, cũng chỉ có tiền bạc và tiếng tăm là của cải duy nhất” [65,378]. Trong cuộc giao tiếp này cả ba đều đồng cảm với nhau, tiếng nói của người kể chuyện trở thành tiếng tâm tình chia sẻ, người đọc cảm thấy tìm được tiếng lòng đồng điệu, cảm thông. Ở đây giọng điệu của người dẫn trò rất phong phú, đan xen trong giọng điệu mỉa mai châm biếm là chất trữ tình của sự chia sẻ cảm thông. Vì vậy bên cạnh sự hài hước, bầu không khí tâm tình bao giờ cũng ấm áp thân thiện và người nghe “được lời như cởi tấm lòng”. Nhiều khi nghệ thuật phê phán bằng sự đồng cảm, bằng lời dịu dàng ngọt ngào vẫn dễ đi vào lòng người, thuyết phục người hơn. Đây cũng là đặc trưng của nhiều tác giả tiểu thuyết thời kì Victoria.

Trong luận án Tiến sĩ của Mollie Elizabeth Crisp với nhan đề: “Satire and Sympathy in the Nineteenth-Century Realist Novel: Austen, Thackeray, Dickens, and Eliot” nhà nghiên cứu đã nhận thấy trong văn học Anh với một số tác giả tiêu biểu có sự kết hợp màu sắc cảm thông trong châm biếm. Mặc dù nhiều học giả cho rằng chúng tỏ ra không tương thích, dẫn đến giảm giá trị của tính châm biếm nhưng nghiên cứu của cô ấy xem xét cách các nhà tiểu thuyết này ngày càng phát triển các phương pháp để châm biếm, tăng cường giá trị nghệ thuật qua sự đan cài hai màu sắc đó với nhau. Trong luận án chúng tôi cũng đồng thời nhận ra hai màu sắc quen thuộc đó trong tiểu thuyết của Thackeray. Tuy nhiên ở ông đã có điểm chung nhưng cũng khác biệt, mang nhiều sắc thái phong phú, tạo nên tiếng cười tế nhị, hóm hỉnh. Tiếng nói cảm thông của ông nhiều khi đồng cảm, nhưng nhiều nhượng bộ, chia sẻ đấy lại tạo hiệu ứng ngược lại, vờ thông cảm như cùng hội cùng thuyền mà chế giễu, mỉa mai. Thackeray luôn phát huy đồng hành kiểu giọng này để tạo ra giọng điệu châm biếm đa sắc thái, phát huy cao độ giá trị thẩm mỹ cho tiểu thuyết.

Ngòi bút châm biếm của Thackeray còn mang nhiều nét riêng biệt ở chất giọng, ngôn từ nhiều lí lẽ, lập luận. Sự tung hứng của người đầu trò thể hiện trong cách sử dụng một loạt các từ có tính chất lập luận gây cảm giác về sự có mặt của người kể chuyện đang trò chuyện đối thoại cùng bạn đọc. Hơn nữa các từ, liên từ lập luận có tính xác định thời điểm cuộc trò chuyện của người kể trong hiện tại, dường như đối thoại đang diễn ra chứ không phải đã kết thúc, hoàn thành. “Song bởi lẽ... Phải... Thí dụ... Mà nói cho đúng sự thực thì quả thật... Vậy thì... Có điều chắc chắn rằng... Thật vậy... Kể ra thì... Thử hỏi tại sao... vậy thì dĩ nhiên... Thực ra chỉ có nghĩa là... Chao ôi...” [Yes; for consider; Well, then; Nay; For instance;.If...;Well, well; This is certain;

O why, The fact is; how therefore; of course; Perhaps; that it was a wonder how? Pshaw! and it is a fact, Perhaps, too. Then, however;And oh; and this, and then; What causes... for the fact is....]. Những liên từ này không chỉ có tính chất dẫn dắt vấn đề mà còn thể hiện sự lập luận, lý lẽ với người đối thoại, thuyết phục vấn đề cùng bạn đọc.

Nhìn nhận ở bình diện khác, ta thấy đặc trưng phổ biến trong thời Victoria, đặc

biệt trong văn xuôi đó là tăng cường mục đích luân lý đạo đức và thích ngôn ngữ dồi

dào phong phú, hấp thu thứ ngôn ngữ đẹp thời kỳ Lãng mạn. Các nhà văn hiện thực

thường tránh sự rườm rà và trọng lời văn trong sáng, mềm mại, súc tích (như Stendhal) nên hệ thống các liên từ, từ biểu cảm, cấu trúc câu lập luận xuất hiện trong văn Hội chợ phù hoa bị coi là “thừa”, thuộc dạng văn nói chứ không phải ngôn từ của tiểu thuyết. Thackeray ngầm phản bác quan niệm về ngôn từ ấy. Dường như ông bê nguyên “thứ nguyên liệu thô ráp của từ ngữ” trong các cuộc đối thoại ngoài đời vào tiểu thuyết. Cuộc đời đâu phải là một hệ thống mỹ từ, được chau chuốt, ngôn từ tiểu thuyết tự nó cũng phản ánh cái trật tự ngổn ngang bề bộn của những thứ lời nói, các cuộc đối thoại của cuộc sống. Thackeray đã từng phát biểu quan niệm của mình, cốt để mà nói ra sự thật, nhà tiểu thuyết phải “truyền đạt một cách mạnh mẽ cũng như có thể có tình cảm trong hiện thực đó”. Những ngôn từ của ông trong lời dẫn rất dí dỏm, hóm hỉnh nhiều lúc ẩn ngầm tính châm biếm phê phán lúc nhẹ nhàng, lúc quyết liệt sâu cay.

Hiệu quả nghệ thuật từ những lời châm biếm của người dẫn trò trong các cuộc đối thoại với bạn đọc mang đến cảm giác về cái thực tại và luôn luôn đánh động độc giả bằng cái lối “kể chuyện thực tại”. Nó góp phần thể hiện quan niệm của Thackeray về tính hiện thực của tiểu thuyết. Tiểu thuyết không chỉ bao gồm hiện thực của thế giới khách quan mà còn có hiện thực về tác phẩm hư cấu: hiện thực về người kể chuyện và bạn đọc. Họ sẽ bị kéo ra khỏi thế giới tiểu thuyết và phải ý thức về cái thực tại kể chuyện của người trần thuật. Theo chúng tôi đây là một dụng ý nghệ thuật nổi bật của tác giả qua lời châm biếm của người đầu trò. Ngay cả sau này, không chỉ bạn đọc cùng thời với ông mà bạn đọc của nhiều thế hệ, tuy khoảng cách thời gian khá lớn nhưng vẫn như được trò chuyện, đối thoại với ông trong hiện tại. Độc giả hiện đại sẽ có cảm giác ông là con người của thời này, chứ không phải đọc truyện của ông kiểu “ôn cố tri tân”. Trong dụng ý nghệ thuật tăng cường sự xâm nhập của những yếu tố “tại đây - bây giờ” vào trong cấu trúc trần thuật của tiểu thuyết, bạn đọc như đang được cảm nhận sự mỉa mai hài hước của thời thực tại. Cuốn tiểu thuyết này đang nói lên cảm giác của bạn đọc thời hiện đại chứ không phải thời quá khứ, thế kỉ XIX.

Những nhân vật hề là sản phẩm mỹ học sống động của quá trình sáng tạo nghệ thuật sân khấu. Nhân vật người đầu trò cùng với lời lẽ của anh ta trong tiểu thuyết là sản phẩm sáng tạo của nhà văn Thackeray. Người đầu trò sân khấu trở thành người kể chuyện hiện diện trực tiếp đối thoại trong tiểu thuyết thể hiện tư duy đổi mới nghệ thuật của ông. Các giọng điệu châm biếm không chỉ ẩn ý qua ngôn từ nữa mà còn được thực hiện một cách trực diện, quyết liệt, lời lẽ phê phán một cách mạnh mẽ không khoan nhượng. Tiếng nói đó đại diện cho công lí, đạo đức nhân dân nên rất đanh thép trước cái xấu xa còn hiện hữu trong đời sống. Qua sự vận dụng nghệ thuật dẫn trò của kịch, Thackeray đã tạo nên tiếng nói dân chủ, bình đẳng tự do trong phát ngôn, tạo nên tiếng cười mang hơi hướng bình dân đan xen với tiếng cười uyên bác, trí tuệ. Ông đã đổi mới nghệ thuật châm biếm và đổi mới nghệ thuật tiểu thuyết ngay trong cách vận dụng nhiều thể loại trong tác phẩm của mình. Cái nhìn và cách viết của ông đã tạo ra một môi trường dân chủ khách quan hơn, bạn đọc vừa chơi (nhẩn nha thưởng ngoạn văn chương) vừa ngẫm, không bắt buộc, không áp chế, không giả tạo. Tâm thế của người đọc hoàn toàn tự do trong tiếp nhận, tự do suy ngẫm, liên tưởng vận dụng một giá trị nhân sinh sâu sắc. Ông cũng như một nhà hiền triết của cái châm biếm vì đã thấu hiểu tinh thần ngàn đời trong nhân thế: Con người muốn cười, muốn nhìn và đánh giá sự vật ở góc độ hài hước để thấy đời sống đáng yêu, muôn màu, muôn vẻ. Họ muốn cười để tống tiễn cái xấu, cái cũ và lạc hậu, cái bảo thủ của chính bản thân và mọi người một cách vui vẻ.

Bên cạnh tiếng nói châm biếm trực diện, Thackeray không ngừng mở mang tư duy hài hước và tiếng cười cho bạn đọc bằng một loại hình độc đáo không kém, thuộc sở trường và tài năng của ông: đó là vận dụng tiếng cười châm biếm của tranh biếm họa vào trong tiểu thuyết.

Một phần của tài liệu (LUẬN án TIẾN sĩ) nghệ thuật châm biếm trong tiểu thuyết của william thacakeray (Trang 49 - 53)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(162 trang)