Chương 2 SỰ PHA TRỘN CHÂM BIẾM CỦA CÁC THỂ LOẠI
2.3. Châm biếm bằng ngòi bút phê bình
2.3.2. Nhại và tự trào cái tôi của nhà tiểu thuyết
Hài hước trong cuộc sống là điều hết sức cần thiết, bởi nó làm lộ tẩy sự giả tạo, phơi bày bản chất sự vật. Tinh thần hài hước thể hiện sự tự do, bình đẳng trong đánh giá đời sống. Những người hiểu biết bản chất sự việc và bản thân mình bằng sự hài hước, chính họ đã có tự do về tư tưởng. Thậm chí họ lại hay tự trào về chính mình. Tự trào là đỉnh cao của hài hước. Nó không chỉ mang lại tiếng cười mà còn có tác dụng hoàn thiện cá nhân và xã hội.
Thackeray cũng là nhà văn hay có giọng điệu nhại và tự trào như thế. Bao quát tinh thần chung trong quan niệm về văn chương và tranh biếm họa của Thackeray là sự hoài nghi, mỉa mai quyền lực của tiểu thuyết và nhà văn. Người ta coi tiểu thuyết có một sức ảnh hưởng mạnh mẽ to lớn, là tấm gương soi chiếu cuộc đời, Thackeray cho tiểu thuyết chỉ là một trò giải trí khôi hài theo cách nói của ông: “cuốn truyện khôi hài này”, “Trong một cuốn tiểu thuyết tầm thường như cuốn này không phải là chỗ kể lể dài dòng về những lời giảng đạo bên giường bệnh cũng như những sự suy tưởng về tín ngưỡng (như một nhà tiểu thuyết hiện đại thường làm); độc giả mất tiền để mua vui với một tấn hài kịch, không nên thuyết lý làm người ta buồn ngủ”.
Cũng không ít lần Thackeray xưng tên mình khiêm tốn, nhún nhường, tự giễu cợt trong tác phẩm với vai trò là nhà tiểu thuyết: “kẻ viết truyện... ngòi bút thô thiển dốt nát này... tác giả xin để bạn đọc tuỳ ý...”. Nếu người ta coi nhà văn là thượng đế tối cao, Thackeray cho rằng đó cũng chỉ là một người bình thường bị giới hạn trong thân thể cá nhân nhỏ bé, hiểu biết có giới hạn. Trong tiểu thuyết đương thời nhà văn thông hiểu biết tuốt, rất tự tin, tin tưởng vào những điều mình kể. Niềm tin mãnh liệt ấy truyền sang cả bạn đọc và nhiều khi dẫn dắt bạn đọc đến chân lý tận cùng quy luật cuộc sống. Người kể chuyện của Thackeray thì ngược lại, anh ta không toàn tri, không phải là người đáng tin cậy, anh kể chuyện nhưng không có được niềm tin tuyệt đối mà hay thắc mắc và tự phán xét lại. Rất nhiều nhà nghiên cứu Anh và nước ngoài sau này đều nhận ra người kể chuyện độc đáo của ông, như chúng tôi đã dẫn trong phần lịch sử nghiên cứu, đặc biệt người có công đã lên tiếng bênh vực ông giữa dòng chỉ trích tiêu cực là Anthony Trollope. Kế thừa nhận định đó, luận án của chúng tôi đẩy sâu phần nghiên cứu về người kể chuyện này trong sự thâm nhập vào cấu trúc văn bản, chi phối bởi tư duy nghệ thuật châm biếm, đi đến tận cùng sự lí giải về một hình tượng người
kể chuyện yếm thế, nước đôi. Từ đó chúng tôi khẳng định đây là một hướng đổi mới táo bạo của ông. Thackeray đưa ra quan niệm người trần thuật khiêm tốn nhún nhường và vai trò nhà văn kể chuyện không tin cậy, bị giới hạn, không có quyền phán quyết chỉ dám đưa ra nhiều tình huống để bạn đọc tùy ý lựa chọn. Nghĩa là người trần thuật của Thackeray không nhằm thuyết phục bạn đọc mà muốn tranh luận, đối thoại cùng bạn đọc và từ đó điểm nhìn cũng như sự tự phán quyết đã chuyển sang bạn đọc, nhà văn không phải là người toàn quyền. Ngòi bút châm biếm của ông rất linh động, khéo léo, nhẹ nhàng mà chế giễu, mỉa mai sâu sắc. Chính bởi vì giọng văn ấy đã kết tinh một trí tuệ sắc sảo, tư duy biện luận của nhà phê bình đầy tâm huyết.
Chúng tôi còn nhận thấy tiếng nói hoài nghi của tác giả về những khuôn khổ định sẵn cho nghệ thuật chi phối giọng điệu của người kể chuyện ở cả ngôi thứ ba và ngôi thứ nhất. Ngay cái kết cuối cùng, tất cả dụng ý của nhà văn nhằm gây ấn tượng với độc giả hội tụ ở đó. Nếu đọc lướt qua, bạn đọc có cảm giác từa tựa giống kiểu kết thúc truyền thống, Amelia và Dobbin được chung sống cùng nhau đến suốt đời, Becky sau thời gian gắn bó với Joseph Sedley nay lại trở nên cô độc. Tuy nhiên cái kết ấy không đem đến niềm vui và sự thoả mãn cho bạn đọc như truyện của Dickens. “Dickens đã tô thắm cuộc đời này bằng tình cảm và tình yêu. Ông có tài giữ độc giả luôn luôn ở một trạng thái cảm xúc tích cực”, chính nhờ vào kiểu kết thúc có hậu (the happy-end). Còn trước đó, Thackeray viết phần ứng khẩu cho đoạn kết thúc để châm biếm kiểu kết có hậu truyền thống. Ông cố tình chêm xen những câu văn, lời nói khuôn sáo, đoạn lặp đi lặp lại sao cho giống “có hậu” từ đó lái sang hướng khác. Những nhân vật yêu mến của chúng ta có thoả mãn với hạnh phúc ấy không? Khi nói lời tạm biệt Amelia và Dobbin người kể chuyện xưng “Tôi” khi bình luận làm ra vẻ lỡ lời: “Dobbin đã đạt đến đỉnh cao nhất của hạnh phúc, và chúng ta cũng đã đọc tới trang cuối cùng của cuốn truyện này. Xin vĩnh biệt anh chàng trung tá! Cầu trời phù hộ cho anh chàng William chất phác!... Xin vĩnh biệt cô Amelia thân yêu… Hỡi cành tầm gửi xinh xinh bé nhỏ kia, chúc cho ngươi lại xanh tươi trên thân cây sồi cổ thụ sù sì ngươi đã muốn bám lấy làm nơi nương tựa!” [65,592]. Nếu bạn đọc không chú ý sẽ dễ dàng chấp nhận lời nói và tình cảm trên bề mặt câu chữ mà xem nhẹ mối quan hệ tác giả đề cập tới trong hạnh phúc của họ: đó là mối quan hệ giữa cây sồi và tầm gửi. Hình ảnh ấy gợi sự hài hước, mỉa mai, tình yêu thiêng liêng mà bấy lâu Dobbin gìn giữ kết thúc vẫn có “vết gợn”. Ở cuối truyện, cái cách Amelia thở dài và nghĩ thầm khi thấy Dobbin yêu con gái hơn mình cũng là một cách gián tiếp cho người ta liên tưởng đến
một tình yêu, hạnh phúc chưa trọn vẹn “Phải chăng lúc đã chiếm được phần thưởng - tức là thiên đường trong cuộc sống - thì con người may mắn ấy lại bỗng cảm thấy hoài nghi và không thoả mãn?” [65,484]. Thế cũng có nghĩa là món quà dành cho người thiện chưa chắc đã hoàn hảo, mà cái ác - Rebecca lại vẫn ung dung sống với số tiền di chúc để lại đi nhà thờ và làm việc thiện cũng không phải nhận kết cục bi thương của sự trả giá.
Thực chất theo chúng tôi, đây chỉ là cái kết “giả truyền thống”, nhại truyền thống với cấu trúc khép kín. Tác giả đã tạo ra cái kết mở mà ở đó bao nhiêu hoài nghi, bao nhiêu lo lắng và day dứt của bạn đọc còn đọng lại. Qua đó thể hiện cảm quan và tư duy “lững lờ, nước đôi” của Thackeray, ông không phải nhà tiểu thuyết nói tiếng nói phán quyết cuối cùng về nhân vật hay tính cách rạch ròi xấu tốt của con nguời, về tiểu thuyết và hay cuộc sống đang chảy trôi này. Bản chất của hình thức nhại là tinh thần dân chủ, bản chất của tư duy “nước đôi” trong Hội chợ phù hoa theo chúng tôi đánh giá thể hiện nhãn quan tiến bộ của nhà văn.