Lời châm biếm đưa đẩy tự do

Một phần của tài liệu (LUẬN án TIẾN sĩ) nghệ thuật châm biếm trong tiểu thuyết của william thacakeray (Trang 81 - 87)

Chương 2 SỰ PHA TRỘN CHÂM BIẾM CỦA CÁC THỂ LOẠI

2.4. Châm biếm theo phong cách phóng sự, báo chí

2.4.2. Lời châm biếm đưa đẩy tự do

Lời văn, giọng điệu châm biếm của ông rất dễ thâm nhập sâu vào cấu trúc trần thuật vì cách viết rất tự do phóng khoáng của nhà văn. Cũng chính sự kết hợp nhịp nhàng tư duy của một nhà báo, một nhà phê bình, ông đã tự tạo ra một môi trường thuận lợi để nhà văn có thể tiếp xúc thân mật với độc giả. Thackeray đã tận dụng “thế mạnh” đó của tùy bút tạo nên giọng điệu nổi bật ở người kể chuyện xưng “Tôi” thân mật, suồng sã, thoải mái trong việc tiết lộ tâm tình, phô diễn quan niệm riêng tư và tranh luận cùng bạn đọc. Những đề tài bình luận nhỏ bé, giản dị, nhiều khi tầm thường trong tiểu thuyết Hội chợ phù hoa ảnh hưởng rõ nét kiểu đề tài ưa thích theo cảm hứng của tùy bút, các tác giả không bàn đến vấn đề trọng đại mà chủ yếu bàn đến cuộc sống gần gũi với người dân, vấn đề đức hạnh và tập quán thói quen của thời đại. “Đặc điểm nổi bật của tùy bút Anh là thái độ thân mật, thành thực của nhà văn... Tùy bút tái sinh trên báo chí đã tạo thành một trong những đặc điểm của thời kỳ này” [36,371]. Và Thackeray là một kết tinh nổi bật trong sự kết hợp thể loại đó.

Với phong cách viết này tác giả làm cho những tình tiết khe khắt phức tạp của cốt truyện trở nên bớt cứng nhắc, mềm mại và buông lỏng hơn. Kết hợp với cách sử dụng một loạt loại từ lập luận, các liên từ, Thackeray đã làm cho tiểu thuyết có độ đóng mở, co dãn linh hoạt. Sau này trong văn học Anh “nhiều tiểu thuyết gia thời vua Edward như Wells, Bennett, Galsworthy, cốt truyện nhường chỗ cho những nhận định dông dài, những bút chiến tranh luận và vô số đoạn lạc đề. Với những nhà văn thời vua George (1865-1952) như Lawrence, Joyce, Woolf, Dorothy Richardson, Aldous Huxley cốt truyện hình như biến mất, nhường chỗ cho phân tích, thí nghiệm và biện bạch làm cho văn pháp, bố cục và đề tài tiểu thuyết thay đổi đến độ hầu như không còn xác định được

nữa” [36, 263]. Từ những thử nghiệm đặt nền tảng cơ sở ấy sau này nước Anh đã sản sinh ra văn tài James Joyce với đỉnh cao là cuốn tiểu thuyết nổi tiếng Ulysses.

Từ phong cách viết này, Thackeray còn mở rộng biên độ của tiểu thuyết bằng cách tạo cho Hội chợ phù hoa tính “đa phong cách” với sự pha trộn của nhiều thể loại: phóng sự, hội họa (ông từng tự vẽ các bức tranh biếm họa minh hoạ cho từng chương) và phong cách báo chí. Nhà văn đã không ngần ngại đưa vào tác phẩm một loạt các dạng tin tức hàng ngày đăng trên các mặt báo để minh chứng về cuộc sống xã hội thượng lưu, các thông tin nóng hổi, cập nhật cùng với sự tầm thường của các câu chuyện trên các tờ báo mỗi ngày. Điều này sẽ trở thành thừa đối với nhà văn ưa giản dị, ngắn gọn, trọng sự chính xác, trong sáng về lời văn như Stendhal nhưng lại có tầm quan trọng đối với Thackeray. Trong quan niệm của ông, tiểu thuyết không phải là sự chọn lọc mà nó ngổn ngang những vấn đề nhỏ mọn, tầm thường ở các chi tiết cuộc sống. Và cũng vẫn khuynh hướng lời văn nghị luận theo phong cách báo: yếu tố nghị luận là thế mạnh giúp nhà văn đi sâu vào phản ánh hiện thực và phân tích hiện thực. Thackeray viết tiểu thuyết bằng cảm hứng nghiên cứu - phân tích của người hoạt động báo chí về vấn đề thời đại, con người và nghề văn hay kỹ thuật viết tiểu thuyết... Tinh thần này làm nên các cuộc đối thoại, tranh luận bình đẳng, gần gũi giữa người kể chuyện và bạn đọc. Đó là những trang viết mang đầy tính thời sự cùng lối viết trẻ trung mới mẻ mang hơi thở, tinh thần thời hiện đại.

Những đề tài bình luận nhỏ bé, giản dị, nhiều khi tầm thường trong tiểu thuyết

Hội chợ phù hoa ảnh hưởng rõ nét kiểu đề tài tin tức, phóng sự báo chí, các tác giả không bàn đến vấn đề trọng đại mà chủ yếu bàn đến cuộc sống gần gũi với người dân, vấn đề đức hạnh và tập quán thói quen của thời đại. “Đặc điểm nổi bật của tùy bút Anh là thái độ thân mật, thành thực của nhà văn... Tùy bút tái sinh trên báo chí đã tạo thành một trong những đặc điểm của thời kỳ này”. Nhà văn đã không ngần ngại đưa vào tác phẩm một loạt các dạng tin tức hàng ngày đăng trên các báo để minh chứng về cuộc sống xã hội thượng lưu, các thông tin nóng hổi, cập nhật cùng với sự tầm thường của các câu chuyện báo mỗi ngày. Thackeray làm phong phú hơn cho tính chất châm biếm điển hình của mình bằng việc quan sát cuộc sống từ những góc nhìn đặc biệt nhất, lẩn khuất nhất. Ông chú ý đến từng chi tiết nhỏ nhặt - thứ mà những tác giả của thể loại truyện thơ anh hùng hiệp sĩ mang hơi hướng của thời kì Trung Cổ chẳng mấy khi để tâm. Tình yêu đôi lứa và những kì tích, chiến thắng vang dội lớn lao - đó mới là chủ đề chính trong các tác phẩm xưa cũ ấy. Nhưng với Thackeray, ông lại thấy rất hứng thú

để tìm hiểu những điều này. Ông tò mò không biết những chiến binh, anh hùng ngày trước đã làm gì khi không ra trận, và khi nào thì tình yêu trong họ không còn rực cháy như thưở ban đầu để rồi trở thành như một thói quen hàng ngày. Một người được gọi là có sự nghiệp quân sự thành công khi anh ta thắng được bao nhiêu cuộc chiến? Nếu ta có thể thống kê lại, con số quả thực rất nhỏ chắc hẳn sẽ làm chúng ta ngạc nhiên hoặc làm những người bình thường có cuộc sống vốn bình lặng chẳng biết gì về quân sự nhìn vào là kinh ngạc. Thackeray biết rằng với một hiệp sĩ, khoảng thời gian mà anh ta dùng để trừ gian diệt bạo, cứu giúp những cô nàng liễu yếu đào tơ chỉ là một nửa số thời gian của việc làm hiệp sĩ. Nửa còn lại là cho việc đi tìm thức ăn cho cả bản thân và chú chiến mã anh ta cưỡi, tranh luận với những bác thợ rèn, cãi tay đôi với người bán vũ khí giáo mác, trả giá tiền phòng cho một đêm nghỉ ngơi nơi đất khách, và tiêu hóa đống đồ ăn và nước uống anh đã tống vào bụng. Các tác phẩm văn học lãng mạn, thật đáng tiếc, thường bỏ qua những chi tiết rất đời thường này. Chính vì thế mà Thackeray không dành sự quan tâm của mình nhiều đối với thể loại văn học này.

Chính cuộc sống thường nhật với những sự việc rắc rối tình cờ xảy ra, thỉnh thoảng lại căng thẳng, mệt mỏi nhưng cũng đầy vẻ đẹp cuộc sống, mới chính là thứ thu hút Thackeray. Tính đa dạng và bất ngờ này là một điểm quan trọng để nhà văn cảm thấy yêu thích cách dòng chảy cuộc sống diễn ra. Thackeray, cũng như cây đại thụ trong làng văn học hiện thực Balzac, hay bất kì một tiểu thuyết gia vĩ đại nào, đều hiểu rằng cuộc sống là chuỗi những ngày yên bình điểm xuyết vài điểm nhấn là những giây phút kịch tính, gây cảm xúc mạnh. Càng cố tiếp cận và khai thác những yếu tố lạ trong cuộc sống, ta càng dễ bị mờ nhạt và đôi khi, rất cần một điểm sáng, một chi tiết đắt giá để cứu lại. Những khoảnh khắc này rất quan trọng trong việc thể hiện tính chân thực của cuộc sống. Thackeray đã lựa chọn một góc đời sống điển hình của con người là cuộc sống thân thuộc và ấm áp trong gia đình. Vì vậy theo chúng tôi “chất châm biếm” trong tiểu thuyết của Thackeray có sự sắc sảo, tinh tế và độc đáo riêng biệt. Bạn không thể nào hiểu những gì đang thực sự diễn ra trong một gia đình nếu chỉ nhìn vào những giây phút mọi người quây quần bên nhau trong những không gian sinh hoạt chung như phòng khách, phòng bếp, phòng ăn - bạn phải đi sâu tìm hiểu những góc khuất ẩn sau đó. Không phải ai cũng có những bí mật kinh khủng không thể chia sẻ với ngay cả gia đình mình, dù cho thực tế thì trong các tác phẩm của mình, Thackeray luôn để cho nhân vật của mình có các bí mật như thế. Vấn đề cốt lõi cần hiểu rõ ở đây là cuộc sống cá nhân của từng thành viên trong gia đình không phải là thứ dễ nhìn thấy và hiểu được. Thackeray không kể ra hết hết mọi ngóc ngách trong đời sống của nhân vật cho

độc giả thấy. Thay vào đó, ông khơi gợi và để độc giả tự mình khai phá ra những khuất lấp ấy. Đó là lí do vì sao khi đọc văn của Thackeray, ta sẽ được kể chi tiết hơn về câu chuyện, bối cảnh để các nhân vật hiện lên hơn là đi sâu vào phân tích, kể lể chi tiết về từng người một.

Thackeray là một nhà tùy bút nổi tiếng, một cây bút báo chí có tư tưởng tiên tiến và tinh thần nhiệt tình luận chiến. Có thể nói, ở lĩnh vực viết tiểu luận và phê bình, thì Thackeray gần như đạt đến tầm cỡ không có đối thủ cạnh tranh. Ông học hỏi và kế thừa rất nhiều nhà văn hài hước Anh thế kỷ XVIII. Độc giả không quên tập tuỳ bút nổi tiếng của ông “The English Humourists” (Những nhà văn hài hước Anh), tác giả có những lời bình thú vị và thực sự là một “tri kỷ” khi viết về Swift, Addison, Fielding, Smollett. Vì vậy đọc văn của ông, người Anh liên tưởng ngay tới Swift, Addison, Goldsmith hay Fielding. Với kĩ thuật xây dựng này, Thackeray đã tạo ra một phong cách mới cho tiểu thuyết hiện thực, năng động và linh hoạt hơn. Bạn đọc cũng từ đó được chứng kiến nét tài hoa, uyên bác của một nhà tiểu thuyết đa tài.

Mỗi trung tâm văn hóa lớn sẽ sản sinh ra được những cây bút trào phúng của riêng vùng miền đó. Nếu một nhà văn nào đó muốn có được tài năng và sự vĩ đại như những gì Thackeray đã làm được, anh ta không phải chỉ cần một bộ óc sắc bén và lối tư duy phản biện sâu cay, thâm thúy; anh ta còn cần phải biết hòa mình vào cuộc sống, có tấm lòng nhân ái luôn sẵn sàng rộng mở và có thể tìm ra những tiếng cười trước một thân phận con người nghèo khổ đến cùng cực giúp họ xóa tan mệt nhọc vốn dĩ. Quả thật khi cắt nghĩa vì sao ông lại là nhà châm biếm tài tình đến thế, theo ý kiến chủ quan của chúng tôi có lẽ trong cuộc sống ông cũng thường gặp các tình huống trớ trêu gây cười, hài hước như thế, lúc vui và cũng có lúc cười ra nước mắt. Hiện thực và bản chất của đời sống đã hội tụ trong tư duy nghệ thuật châm biếm của ông. Lại có lần nhắc đến câu chuyện của ông thời đăng tiểu thuyết, các nhà nghiên cứu đã viết lại rằng thời đó, mọi sự đều phụ thuộc vào các bài phê bình văn học: nó có thể nâng lên và nó cũng có thể hạ xuống bất cứ một cây bút nào. Toàn cảnh Edinburgh thường hạ các nhà văn chứ không mấy khi nâng đỡ họ. Tờ báo này cũng rất nổi tiếng vì bảo Byron… không biết làm thơ. Vậy nên, bài báo khen Hội chợ phù hoa thật may mắn, đã có vai trò tối quan trọng trong số phận tiếp theo của những tiểu thuyết lần sau, mở ra hướng sự phát triển mới cho nhà nghệ sĩ châm biếm.

Tiểu kết

Thackeray viết tiểu thuyết bằng cảm hứng nghiên cứu - phân tích của người hoạt động báo chí, bằng cảm quan của một nhà phê bình và ngòi bút sắc sảo của nhà

họa sĩ biếm họa. Vì thế, thế giới nghệ thuật trong tác phẩm của ông mang màu sắc hiện thực khác lạ. Đó không chỉ là câu chuyện đời mà còn là những trang viết đầy tính thời sự cùng lối viết trẻ trung mới mẻ mang hơi thở, tinh thần thời hiện đại. Với kĩ thuật này, Thackeray đã tạo ra một phong cách mới cho tiểu thuyết hiện thực, năng động và linh hoạt hơn. Ông đã chứng tỏ mình là một nhà tiểu thuyết bản lĩnh và giàu khát vọng đổi mới tiểu thuyết. Với tư duy nghệ thuật châm biếm sắc bén, ông đã biết kết hợp tài hoa các loại giọng điệu châm biếm từ các thể loại để làm cho tiếng nói, tiếng cười trong tiểu thuyết sinh động, phong phú, hấp dẫn, cuốn hút bạn đọc. Nhà văn đã tạo ra một tâm thế dân chủ, cởi mở với cả bản thân và bạn đọc tri kỉ, sẵn sàng đối diện với cái xấu, cười cợt nó để thay đổi nó từ trong tư duy và bản chất của con người.

Ở chương này luận án cũng khai thác lối kiến tạo đối thoại giữa bạn đọc và tác giả, người kể chuyện thường xuyên trao đổi về sự tháo dỡ cấu trúc tiểu thuyết và các thể loại để bạn đọc chiêm nghiệm. Đây thực sự là những khao khát mà nhà văn, nhà phê bình, nhà báo Thackeray muốn đem đến nguồn năng lượng mới cho tiểu thuyết. Ông tin rằng phương thức hiệu quả nhất để phá vỡ tôn ti trật tự, văn hóa chuẩn mực thời Victoria đó là thông qua tinh thần của trò chơi. Nhà văn đã không ngừng mỉa mai, châm biếm những thứ gò bó, khiên cưỡng đối với con người và sự ép buộc hay tạo ảo ảnh dối lừa bạn đọc ở thời đại này. Tinh thần này làm nên các cuộc đối thoại, tranh luận bình đẳng, gần gũi giữa người kể chuyện và bạn đọc.

Giọng điệu nước đôi, giễu nhại của người kể chuyện cũng là đặc điểm nổi bật trong nghệ thuật châm biếm của Thackeray. Giọng điệu ấy ra đời khi thế giới không còn là một thể thống nhất, duy nhất (unique) và không còn chi phối bởi một tiếng nói độc quyền mà bị phân mảnh, đa diện đa cực, ở đó có nhiều tiếng nói, nhiều ý thức cùng tồn tại. Ông không phải nhà văn nói tiếng nói phán quyết cuối cùng về nhân vật hay tính cách rạch ròi xấu tốt của con người, về tiểu thuyết và hay cuộc sống đang chảy trôi này.

Thackeray còn là một nhà văn luôn trăn trở về bề sâu của tâm hồn và ý nghĩa của cuộc đời, ông luôn chu đáo nhìn quanh hết thảy, quan sát với nhiều góc nhìn khác nhau, hài hước mỉa mai để chiêm nghiệm lại. Điều này càng khẳng định dấu ấn con người và bản lĩnh của ông đậm nét trong tiểu thuyết. Hiểu thấu đáo tâm lý người đời nên ông rất trân trọng con người, đó là tư tưởng tiến bộ của một nhà báo xông xáo hoạt động xã hội, nhà nghệ sĩ yêu cái đẹp, nhà văn vì sự tiến bộ của xã hội sẵn sàng chĩa ngòi bút phơi trần sự bỉ ổi xấu xa và nâng niu chắt lọc những vẻ đẹp thuần khiết còn lại nơi con người.

Chương 3

KIỂU NHÂN VẬT MẶT NẠ HAY “CON RỐI DIỄN TRÒ”

Trong tiểu thuyết, nhân vật không phải là nơi duy nhất nhưng lại là nơi thể hiện một cách tập trung, sâu đậm nhất quan niệm về con người của nhà văn. Quan niệm nghệ thuật về con người có ý nghĩa chi phối, định hướng cách thức sáng tạo nhân vật, “là nhân tố qui định trực tiếp tới nhân vật. Dựa vào đó, người nghiên cứu sẽ có cơ sở chắc chắn để tìm hiểu một thành phần cơ bản trong nội dung hình tượng và để lý giải lôgic tổ chức bên trong của nhân vật” [34,90]. Nói cho đến cùng thì nhân vật là tâm điểm của văn bản và trực tiếp gắn với bản chất của hoạt động sáng tạo của nhà văn. Nghệ sĩ sáng tạo ra nhân vật để khám phá, tìm hiểu bản chất sâu xa một tiểu vũ trụ trong lòng đại vũ trụ, từ đó họ bày tỏ quan niệm suy nghĩ về con người và đời sống. Thế giới bên trong của con người cũng giống như khái niệm “vũ trụ mở”, vô cùng vô tận. Đằng sau phạm trù nhân vật chứa đựng bao nhiêu lớp nghĩa và sự gửi gắm tâm niệm của tác giả. Như vậy, không thể bỏ qua hệ thống nhân vật và quan niệm về con người nếu muốn cảm nhận đời sống và tác phẩm nghệ thuật như một cách chỉnh thể toàn vẹn. Chúng tôi tìm đến hệ thống nhân vật của W. Thackeray vì đây là thành công

Một phần của tài liệu (LUẬN án TIẾN sĩ) nghệ thuật châm biếm trong tiểu thuyết của william thacakeray (Trang 81 - 87)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(162 trang)