Bức biếm họa về xã hội

Một phần của tài liệu (LUẬN án TIẾN sĩ) nghệ thuật châm biếm trong tiểu thuyết của william thacakeray (Trang 55 - 61)

Chương 2 SỰ PHA TRỘN CHÂM BIẾM CỦA CÁC THỂ LOẠI

2.3.1. Bức biếm họa về xã hội

Bên cạnh văn học là sự nghiệp chính của Thackeray, các tác phẩm hội họa của ông cũng có chỗ đứng nhất định. Ông không thiếu những cốt truyện thú vị để “ký họa bút chì” đời sống của bất cứ một xã hội nào. Bởi vì hiện thực đời sống ấy đã là nguồn tư liệu trực tiếp, phong phú đang hiện hữu từng ngày từng giờ trước mắt ông. Đó là bối cảnh lịch sử của nước Anh lúc bấy giờ, bên ngoài vẻ hào nhoáng xa hoa là một nước Anh đầy rẫy cái xấu xa, đen tối. “Thế kỷ XIX, chế độ tư bản nước Anh đang trong giai đoạn phát triển cực thịnh. Năm 1875, tính ra bốn phần năm dân số Anh sống về công nghiệp. Lợi nhuận bóc lột được của công nhân trong nước và vơ vét được tại các thuộc địa tạo điều kiện cho giai cấp tư sản và giai cấp quý tộc tư sản hóa sinh hoạt hết sức xa xỉ. Bề ngoài xã hội Anh đương thời có một bộ mặt phồn vinh; việc kinh doanh dễ đem lại những món lợi lớn; địa vị của của giai cấp tư sản trong xã hội được nâng cao… Trong ngai vàng ngự trị xã hội, có hai thế lực cùng ngồi song song, là đồng tiền và danh vọng. Đó là hai thế lực có tác dụng nhào nặn tâm lý con người đúc theo một cái khuôn chung, và biến cuộc đời thành một cái chợ trong đó mọi thứ quan hệ đều có tính chất “tiền trao cháo múc”. Cuộc chạy đua theo đồng tiền và danh vọng lôi cuốn tất cả các tầng lớp từ bậc trung lưu trở lên. Tôn giáo bị giảm bớt hiệu lực, vì một nền luân lý mới có tính chất thực tiễn hơn đã hình thành: hạnh phúc tối cao của cuộc đời là có địa vị sang trọng và có thật nhiều tiền, vì thiên hạ đang xô nhau vào mà quỳ lụy, bợ đỡ, sợ hãi kính phục kẻ có của và có địa vị. Đạo đức và tài năng trở thành những thứ đồ cổ bị gạt ra bên lề cuộc sống, bởi lẽ trong một xã hội thương mại chỉ có hai thần tượng được người ta phụng thờ là đồng tiền và uy thế của dòng họ. Ngược lại, người có tài nhưng nghèo túng và xuất thân tăm tối của mình thì bị rẻ rúng. Văn hào Stendhal đã có một nhận xét lý thú: “Trí thông minh và thiên tài đặt chân lên nước Anh là mất ngay hai mươi lăm phần trăm giá trị”. Ông muốn nói tới cái “Tinh thần chiết khấu” đặc biệt

thương mại thấm nhuần trong mọi quan hệ của xã hội Anh” [65,3].

Thackeray là một nhà văn mang cảm quan nhạy bén, ông rất hiểu bản chất và cội nguồn của xã hội ấy. Hàng ngày hàng giờ phải chứng kiến những cảnh đời trớ trêu ngang trái, ông đã ôm trọn niềm đau thời thế trong tâm can. Cũng như bao nhà văn hiện thực đương thời khác, quan tâm đến “con người xã hội” là đặc điểm chung của chủ nghĩa hiện thực phê phán. Khrapchenko khẳng định: “Cá nhân con người, số phận của nó, tất nhiên bao giờ cũng thu hút sự chú ý của các nhà hiện thực phê phán, song cái quan trọng nhất trong sự miêu tả hiện thực của họ sẽ là sự phụ thuộc của số phận con người vào sự phát triển của những quan hệ xã hội, vào xã hội nói chung” [43,358]. Ý thức về mối quan hệ biện chứng giữa con người và hoàn cảnh trong trạng thái đầy biến động của lịch sử - xã hội, nhà văn đã đưa ra một loạt chân dung biếm họa rất mực sinh động, đủ loại nhân vật tiêu biểu cho cái xã hội tư sản tham lam địa vị tiền bạc vốn là những thứ vô nghĩa, phù du. Giống như bức tranh biếm họa của hội họa, bên cạnh những điểm nhấn của đường nét, màu sắc chủ đạo ông đã tôn tạo thêm những đường diềm, những nét phối màu vào chủ đề của bức vẽ. Như chúng tôi đã từng đề cập đến trong tổng quan các vấn đề nghiên cứu, ở hướng thứ nhất các nhà nghiên cứu đều ca ngợi bức tranh hiện thực xã hội điển hình trong tiểu thuyết của Thackeray, tuy nhiên không phải ai cũng nhận ra màu sắc độc đáo được khắc họa bằng ngòi bút biếm họa tài tình.

Thackeray đã rất nhiều lần kí họa bút chì về xã hội ấy. Nghệ thuật khắc họa của ông thể hiện trước hết ở bức chân dung đám đông, chân dung của những kẻ được sản sinh bởi xã hội kim tiền. Những chân dung đám đông này tuy khởi thảo bởi nét bút ký họa tưởng sơ sài nhưng bức vẽ lại rất sinh động, ấn tượng. Đó là một xã hội sa đọa vì đồng tiền và danh vọng, thiếu vắng tình yêu và sự trân trọng con người. Ngay như tình yêu và hôn nhân là những thứ thiêng liêng nhất thì ở đây lại chỉ là trò mua bán, thương lượng mà hạnh phúc thì vô cùng ít ỏi. Ta có thể bắt gặp trong thế giới của Pendennis, mỗi người che dấu một sự thật riêng ngoài vẻ bóng bẩy xa hoa. Quí bà Fribsby dường như mất hết ảo tưởng về tình yêu. Cuộc hôn nhân vỏn vẹn hai tháng trong những năm đầu đời, sau đó ông Amory có luôn 2 vợ, đã bỏ lại cho bà một kho đầy nước mắt, tiếng thở dài cùng với niềm tự hào hạnh phúc mỗi khi hồi tưởng về quá khứ. Vì vậy đến bây giờ việc làm chính của bà ấy là trở thành người quảng bá hào phóng cho các cuộc hôn nhân của những người khác. Tình cảnh tương tự các cuộc hôn nhân sắp đặt, bày bán ấy, trong thế giới của Gia đình Newcome, Ethel, nhân vật nữ trong cuộc trao đổi dù vẫn nghe lời cha mẹ nhưng không ngừng chua chát và phẫn uất cho tình cảnh bị đổi

chác của mình: “Bà ơi, con nghĩ rằng,’ Ethel nói, ‘những cô gái trẻ như bọn con trên thế giới khi được trưng bày nên có những tấm thẻ nhỏ màu xanh lá ghim trên lưng ghi là “đã bán”; nó sẽ giúp bọn con tránh được rất nhiều phiền toái và cả sự trả giá trong tương lai, bà biết đấy. Rồi đến cuối mùa chủ nhân sẽ đến để mang chúng con về nhà” [122;187]. Đó là tình cảnh của bất cứ thanh niên nào lớn lên trong vòng tay yêu chiều của xã hội thượng lưu đều được thu xếp có kết cục giống nhau như thế. Thackeray đã vạch trần chân thực sự phù phiếm, giả dối của giai cấp thượng lưu Anh thời bấy giờ. Từ những thương nhân giàu có đến những vị quý tộc danh giá, tất cả thành phần trong xã hội thượng lưu Anh thế kỷ XIX đều chạy theo sức mạnh tối thượng của đồng tiền và danh vọng. Từ sự chi phối này, cuộc đời lập tức biến thành một cái chợ, trong đó mọi thứ quan hệ đều là những món hàng hóa hào nhoáng và ai nấy đều quay cuồng choáng ngợp vì sự lộng lẫy của chúng mà nhốn nháo chen chân xông vào bằng mọi cách.

Tuy đối tượng của ông không mở rộng ra đến thế giới của những người lao động, những người nghèo như Charles Dickens nhưng thế giới phù hoa của ông đã trở thành một bức tranh biếm họa sắc nét về thời cuộc lúc bấy giờ. Bằng các nét khắc cô đọng, súc tích, ông làm hiện hình những kẻ trưởng giả học làm sang với kiểu thói thời thượng, đua đòi, lố lăng kệch cỡm, gây cười. Trong tác phẩm, nhà văn đã phơi bày lối sống xa hoa của tầng lớp quý tộc và tư sản Anh. Đó là những buổi tiệc tùng sang trọng, những thú vui săn bắn, khiêu vũ mà giới quý tộc nông thôn như gia đình Crawley thường xuyên tổ chức. Hơn thế nữa, trong cái hội chợ náo nhiệt ấy, những kẻ quý tộc không bỏ sót một cuộc vui chơi nào, săn chuột, chơi quả lăn, giong xe tứ mã, chơi bài. Người ta đều học đòi tất cả những thứ quý phái ấy ngay khi tuổi còn nhỏ và suốt cả một đời quý tộc hay tư sản theo đuổi sao cho mình đúng cách thể hiện là giới hạng sang. Trong các cuộc nói chuyện, chủ đề chính của các quý bà thường là trang phục, âm nhạc, kịch, hay cách cư xử sao cho lịch sự, duyên dáng. Họ hội hè tiệc tùng kéo dài liên miên mãi, lại còn có một cuộc dạ hội lịch sử được tổ chức, giới phụ nữ bàn tán sôi nổi về cuộc dạ hội, người ta đánh nhau, vận động nhau, van xin nhau để có một vé dự dạ hội. Ở Hội chợ phù hoa, người nào có tấm áo quý tộc khoác bên ngoài đều phải ăn mặc, nói năng, hành động theo những chuẩn mực được quy định của giới thượng lưu. Bản thân George cũng tự mình nói rằng: “Gia đình anh đã quen sống trong một xã hội tiền trao cháo múc, giữa những ông chủ ngân hàng, những ông tài phiệt. bất cứ họ khi nói chuyện đều xóc xóc cái túi kêu xủng xoảng”. Ở đó, ngoài việc có tài sản, sự kiểu cách cũng là một thước đo cho sự giàu sang, họ càng trang nhã, lịch sự, kiểu

cách chừng nào thì được kính nể chừng ấy. Điển hình của sự kiểu cách đến máy móc ấy là Pitt Crawley (con trai lớn của tôn ông Pitt Crawley), anh ta chú trọng vẻ hình thức đến buồn cười, bắt đầy tớ phải đặt thư vào khay rồi mới đưa cho anh ta và thà chịu chết đói chứ không bao giờ chịu dùng bữa mà thiếu chiếc cà vạt quàng ở cổ. Em trai của Pitt là Rawdon cũng thế, anh ta không chấp nhận sự nóng nảy, giận dữ và ăn nói thiếu nhã nhặn dù đó là bố đẻ của mình: “Người ta không dám dùng từ “dám làm” để nói với một đại uý trong quân đội nước Anh”. Còn đối với các quý bà, cách ăn mặc đúng quy cách với áo có đuôi dài quét đất, phải đội mũ có gài một túm lông và phải được đưa vào triều kiến đức kim thượng thì mới được công nhận là người có địa vị trong xã hội, được kính nể. Cuộc triều kiến như là con dấu chứng thực một người đàn bà lương thiện, được phong sắc “tiết hạnh khả phong” và trở nên “trong như ngọc, trắng như ngà”. Cứ thế, bằng cách này hoặc cách khác, những người thuộc dòng dõi quý tộc như gia đình Crawley, Sedley, Osborne,… đều ra sức tô vẽ cho cuộc sống phong lưu, thời thượng thêm nhiều màu sắc.

Tầng lớp quý tộc còn được tô đậm nét bởi nhiều nét vẽ nghịch lí, lố bịch bởi nhiều tật xấu. Ngài Pitt, đại diện cho tầng lớp quý tộc nông thôn, hiện lên là một kẻ dốt nát, không đọc thông viết thạo mà lại keo kiệt. Lão cũng là người bóc lột tá điền của mình tận xương tủy, khiến họ phải lần lượt phá sản. Ông ta cũng là kẻ hám lợi, bên ngoài cùng với con trai mình nịnh bợ, ngon ngọt bà cô Crawley để tranh giành thừa hưởng tài sản thừa kế. Sự thể hiện lố lăng kệch kỡm, đối lập giữa bên trong và bên ngoài khiến người ta bật cười với bản chất giả dối lừa lọc của những kẻ ngu dốt học làm sang. Bên cạnh đó, hình ảnh tầng lớp đại quý tộc ở triều đình được tác giả vẽ bằng các nét điển hình qua nhân vật hầu tước Steyne. Có được tước hầu trong một canh bạc, lão đứng trên đỉnh vinh quang, được sự kính nể của thiên hạ nhưng lại vẫn là kẻ nhỏ mọn, hèn hạ, dùng vinh hoa để dụ dỗ đàn bà con gái, dùng thế lực tiền tài mua sự tung hô của dư luận báo chí. Đi ra ngoài ông ta tỏ oai nghiêm bệ vệ nhưng lại là kẻ chửi bới con dâu thậm tệ và đối xử với vợ không khác con vật sai khiến trong nhà… Ngòi bút của tác giả còn mở rộng đến những thanh niên quý tộc Anh như George hay Joseph, những kẻ hay dựa dẫm vào gia thế, cái danh “quý tộc” mà mình có được ăn chơi xa xỉ, tổ chức nhiều thú vui như khiêu vũ, sắn bắn… Tầng lớp thượng lưu không chỉ có giai cấp quý tộc mà còn có những nhà tư sản mà đại diện là ông Orbon, chủ hãng buôn sáp lớn ở thành phố. Lão là kẻ suốt ngày chạy theo đồng tiền, coi trọng đồng tiền hơn cả tình thân, ép con mình là George lấy một cô gái tỉ phú da đen, người mà anh không

thích. Lão sẵn sàng từ bỏ con vì anh dám trái ý và cưới Amelia. Bức tranh biếm họa của Thackeray đã khắc họa làm nổi bật đặc trưng của tầng lớp quý tộc Anh thời bấy giờ là lối sống xa hoa, tính hám lợi, đê tiện, xảo quyệt, bất nhân, thường dùng địa vị để thu lợi cho riêng mình, đặc trưng của giai cấp tư sản Anh là thói hám lợi, tôn thờ đồng tiền lên trên tất cả.

Từ cái hiện thực xã hội đầy dục vọng, xấu xa với những con người chỉ thiết đến tiền và danh vọng, tác giả lại vạch rõ một khía cạnh đáng phê phán nữa. Những đứa con quên chính cha mẹ mình vì lạc thú vui chơi, vì những tờ di chúc để lại, dửng dưng với người thân của mình. Joe và bạn bè cứ chè chén với nhau, trong khi ấy ngay trên gác, ông lão Sedley cứ trút dần sinh lực của mình như một chiếc đồng hồ cát. Sự dửng dưng đó đáng lên án mạnh mẽ, họ coi sinh mạng một con người chẳng đáng giá là bao nếu người đó chẳng có chút tài sản gì. Khi Bà Crawley bệnh thì cả nhà đều mong chờ lập di chúc, con cái có chút lo lắng, chăm sóc cho xong di chúc. Sau đó bà cũng bị bỏ một mình trơ trọi trong phòng, kiệt sức dần dần, chẳng ai buồn để ý đến, y như đối với một ngọn cỏ trong vườn. Một cảnh tượng cũng khôi hài diễn ra trong bi kịch đau đớn, đám ma của cụ Crawley giống như một vở kịch được diễn hết sức gượng gạo: mọi người cầm khăn tay sẵn sàng khóc nhưng không có nước mắt. Thực sự thì ai ai trong gia đình Crawley đều làm ra vẻ cho đúng hình thức đám tang bởi họ không quan tâm đến việc còn mất của ông mà chỉ ngắm vào gia sản kia. Đám tang của tôn ông Pitt Crawley cũng ấn tượng cho người đến vì đây là dịp để gia đình chứng tỏ sự giàu sang bằng tấm biển treo báo tin cụ tạ thế cũng hết sức sặc sỡ và lộng lẫy, chứng tỏ sự hiếu thảo yêu thương hết mực đối với người đã khuất.

Cũng có đôi lúc nhà văn nhìn thấy những tình người le lói trong xã hội phù phiếm xa hoa ấy nhưng nó cũng nhanh chóng vụt tắt. Ông đã trân trọng tìm kiếm những thứ tình cảm thiêng liêng, đạo đức nhân cách còn lại trong con người để thấu hiểu chia sẻ với tình cảnh đáng thương của họ, những sinh vật nhỏ bé bị guồng quay của cuộc đời cuốn đi. Nhưng ông cũng đau đớn, phẫn nộ và quyết liệt phê phán thói rởm đời, vô tình, bạc nghĩa trong họ. Yêu thương và phê phán là những cung bậc cảm xúc phức tạp pha trộn trong nhà văn tạo ra một cái nhìn nhân ái của nhà văn giàu tình yêu thương, một nhà tâm lí thấu hiểu, nhìn nhận con người ở nhiều chiều, nhiều góc độ và một nhà đạo đức hết mình vì cái Đẹp, cái Thiện.

Thackeray cũng không quên tạo dựng một thế giới phù hoa luôn biến chuyển, vận động không ngừng được mất chỉ trong cái chớp mắt, không có địa vị, tiền tài nào là

bền vững. Người ta tìm mọi cách để có được tiền bạc, rồi dùng tiền để mua danh vọng, cấp bậc, họ tranh nhau một vị trí trong xã hội, bày hết cơ mưu này đến thủ đoạn khác để thăng tiến, để người đời xun xoe kính nể, phỉnh nịnh. Nhưng cũng trong phút chốc, mọi thứ tan thành mây khói, cuộc sống của Rebecca cũng lên voi xuống chó, từ một mệnh phụ quý tộc, là trung tâm quyến rũ ở các cuộc dạ hội nhưng thoáng chốc lại nay đây mai đó, cô đi từ Boulogne đến Dieppe, từ Dieppe đến Caen, rồi đến Tours… đi đến đâu cũng bị xa lánh, ruồng rẫy. Đến như ông Sedley, một thương gia giàu có, kẻ hầu người hạ, không ít lời ca ngợi nhưng khi nằm dưới nấm mồ cũng chả có ai trong giới quý tộc kia

Một phần của tài liệu (LUẬN án TIẾN sĩ) nghệ thuật châm biếm trong tiểu thuyết của william thacakeray (Trang 55 - 61)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(162 trang)