Chương 2 SỰ PHA TRỘN CHÂM BIẾM CỦA CÁC THỂ LOẠI
3.3. Mặt nạ tác giả hay sự “diễn trò”
3.3.2. Người kể đeo mặt nạ, xưng “Tôi”
Việc tiếp cận đời sống với những điểm nhìn khác nhau là một hình thức linh hoạt để nhận thức hiện thực sâu sắc hơn. Sử dụng người kể chuyện ở ngôi thứ nhất bên cạnh ngôi thứ ba là lựa chọn nghệ thuật của Thackeray. Hội chợ phù hoa đặc biệt lôi cuốn bởi một lối kể chuyện tự nhiên, có duyên và kích thích sự tham gia nhập cuộc của bạn đọc. Đó là một nghệ thuật trần thuật giàu sắc thái. Có được sức hấp dẫn này
theo chúng tôi đánh giá chính là nhờ tác giả đã xây dựng một cái “Tôi” trần thuật uyển chuyển, cách thức tổ chức điểm nhìn có vẻ biến hoá và giọng điệu kể chuyện thay đổi linh hoạt. “Một cái Tôi trần thuật đa năng”: khi thì anh ta trở thành cái Tôi - kẻ viết truyện, khi là người trần thuật ngụy trang dưới lốt “thám tử” khám phá bí mật và chân lý, lúc là cái Tôi - nhân chứng và trở thành nhân vật tham gia vào thế giới Hội chợ phù hoa. Trong chương này chúng tôi triển khai làm rõ dụng ý nghệ thuật của Thackeray khi xây dựng người kể chuyện đeo mặt nạ ở ngôi thứ nhất, nét khác biệt của người kể xưng “Tôi” so với truyền thống và mối quan hệ của anh ta với nhà văn.
Quả thực đến với tiểu thuyết của ông, đặc biệt trong Hội chợ phù hoa người ta bắt buộc phải để ý tới người trần thuật ở ngôi thứ nhất vì anh ta luôn hiện diện khắp tác phẩm và rất to tiếng nhưng không đáng tin cậy. Người kể chuyện xưng “Tôi” này không thuần nhất mà luôn xuất hiện ở nhiều hình dạng, nhân danh ở các vai khác nhau, đeo nhiều mặt nạ khác nhau. Có thể vẫn là cái “Tôi” ấy thôi nhưng anh ta cố tình đánh lừa cảm giác người đọc bằng cách thay đổi ở nhiều vị trí, diễn nhiều vai cùng một lúc.
3.3.2.1. Tôi là nhà tiểu thuyết?
Roland Barthes, trong lời tựa Năm ngoái ở Marienbad của A. Robbe-Grillet đã có nhận định rất chính xác về kiểu nhân vật mặt nạ, đó là “Đừng đặt tên cho họ... có thể họ còn vô vàn những cuộc phiêu lưu khác nữa”. Lời nhận xét này không chỉ phù hợp với các nhân vật trong tiểu thuyết thế kỉ XX và văn học hậu hiện đại mà còn rất đúng đối với nhân vật người kể chuyện của Thackeray.
Khi người kể chuyện xưng “Tôi” trong tiểu thuyết thế kỷ XVIII, anh ta muốn khẳng định toàn bộ dấu ấn của chủ thể cũng như câu chuyện có thật của mình. Bạn đọc không thể nhầm lẫn với bất cứ nhân vật nào khác, vì người kể xưng “Tôi” có tên tuổi, ngoại hình, lai lịch và cùng với nhiều cuộc phiêu lưu thú vị của cuộc đời họ. Khi kể chuyện mình, hình ảnh anh ta hiện ra rõ nét. Robinson Crusoe kể về cuộc phiêu lưu của cuộc đời đồng thời anh ta cũng tự phác họa rõ chân dung của chính bản thân mình. Từ đó nhiều nhà nghiên cứu so sánh đối chiếu sự kiện của nhân vật với tiểu sử tác giả và cho rằng Robinson là hình ảnh tự thuật của nhà văn Daniel Defoe. Trong những tiểu thuyết ấy không ai phủ nhận mối quan hệ nhân vật với chính bản thân nhà văn. Robinson cũng như nhiều cái “Tôi” trần thuật khác trong tiểu thuyết thế kỷ XVIII chủ yếu là kể chuyện mình, rất thuyết phục và đáng tin cậy.
định dạng. Trước hết anh ta tự xưng mình là người viết tiểu thuyết bạn đọc đang cầm trên tay Hội chợ phù hoa: “kẻ viết truyện, tác giả”. Mà tác phẩm ấy ở ngoài đời đã đóng dấu “bản quyền” của chính nhà văn Thackeray rồi? Vậy nghĩa là ông tự xưng mình trong tiểu thuyết để kể lại câu chuyện có thực như bao nhiêu nhà tiểu thuyết truyền thống thường làm? Trong các tiểu thuyết hiện thực phê phán, dù người kể chuyện lạnh lùng khách quan nhưng hình ảnh tác giả vẫn ôm trùm toả bóng lên tác phẩm rất rõ. Bạn đọc cảm nhận được suy nghĩ quan niệm của nhà văn gửi gắm qua nhân vật, và nhiều khi bộc lộ ý tứ qua những đánh giá, nhận xét ngầm. Có những lúc không kiềm chế nổi cái tôi, nhà tiểu thuyết quá tay mà biến nhân vật trở thành cái loa phát ngôn của mình, tâm tình chia sẻ những điều ấp ủ, những dồn nén, dự định với độc giả. Thackeray phá vỡ những kìm nén ấy, không cần giữ ý tứ hay bóng gió trong Hội chợ phù hoa, trực tiếp lên tiếng xưng “Chúng ta”, “Tôi”. Nhưng đó có phải chính là Thackeray không, thật không dễ trả lời. Lời văn chắc chắn thuộc về tài năng của ông vì nhà văn là người viết nên tác phẩm, nhưng tiếng nói, giọng điệu, suy nghĩ, tư tưởng có phải ông không?. Ảo ảnh lấp loáng của nghệ thuật xây dựng người kể chuyện xưng “Tôi” là ở điều đó. Nhiều nhà văn xưng tôi và công khai một số nét đời tư, sự kiện cuộc đời vào tác phẩm, nhưng chúng tôi đã đối chiếu với cuộc đời của Thackeray trong Hội chợ phù hoa về tiểu sử không khớp. Có thể đây chỉ là cái Tôi thứ hai của nhà văn, cái tôi nghệ sĩ, cái tôi sáng tạo biến hoá trong tác phẩm: đó là cái tôi của nhà tiểu thuyết, một nhà phê bình tài hoa, một nhà viết tuỳ bút và một cây bút báo chí sắc sảo. Và chỉ ở đó ta mới thấy ông hiện hình thật rõ nét.
Có điều, đối với người kể chuyện, độc giả không thể nhận diện được anh ta - người kể chuyện, không tên tuổi, không lai lịch, đến ngoại hình gương mặt xác định bản thể cũng không miêu tả. Cái căn bản phân biệt được anh ta là ngôi xưng “Tôi” và phải chú ý lắm mới có được đôi điều thông tin mong manh, thoáng lướt qua trong lời anh ta nói. Thực hiện phương pháp đối chiếu chúng tôi nhận thấy Thackeray đã “cố tình” để người kể chuyện xưng “Tôi” trá hình thành một nhà tiểu thuyết đối thoại với bạn đọc, chia sẻ tâm tình. Như vậy trong Hội chợ phù hoa không chỉ xây dựng cặp đôi nhân vật Amelia và Rebecca mà còn cặp đôi bạn đọc hư cấu - nhà tiểu thuyết hư cấu, bạn đọc thực tế - nhà văn ngoài đời. Những cặp đôi tồn tại song song và có quan hệ mật thiết đã tạo nên sự thú vị cho tiểu thuyết. Đặc biệt điều chúng tôi nhấn mạnh xây dựng kiểu nhân vật “Tôi” hư cấu là muốn nói lên “ảo giác” về hình ảnh nhà văn trong tác phẩm. Thackeray luôn nhắc nhở bạn đọc phá bỏ ảo giác về hiện thực trong tiểu
thuyết nhưng rồi bạn đọc lại rơi vào ảo giác khác, ảo giác nghệ thuật về người kể chuyện (tưởng chính là Thackeray) mà ông chủ ý xây dựng nên. Thực tình không phải ông “đánh lừa” mọi người mà đó là cách nhà văn tôn trọng sự sáng tạo, óc phê phán tinh tường của bạn đọc.
Người kể chuyện ở đây xưng “Tôi mà không phải là tôi” ở ý nghĩa ấy, rõ ràng tự xưng là tác giả của truyện Hội chợ phù hoa nhưng không chắc đó là Thackeray. Có thể đây lại là một thể nghiệm đổi mới về người kể chuyện ở ngôi thứ nhất của nhà văn chăng? Chúng tôi nhận thấy cách làm ấy sau này đã được các nhà văn thế kỷ XX phát huy một cách cao độ trong thể loại tự thuật nổi lên ở Pháp như Nathalie Sarraute, Marguerite Duras hay Claude Simon...Thackeray đã thể nghiệm những đổi mới ngay từ những cách kể chuyện riêng biệt và người kể chuyện độc đáo của ông.
3.3.2.2. Tôi là thám tử điều tra hay phóng viên báo chí?
Như luận điểm trên chúng tôi chứng minh, người kể chuyện ở ngôi thứ nhất tự xưng mình là “kẻ viết truyện, kẻ viết những dòng này” hay “tác giả” đã bị phát giác và “bị lộ”. Nhưng anh ta còn nhiều “vai diễn” khác, đeo nhiều mặt nạ khác nhau tùy vào từng tình huống.
Trước hết anh ta hé lộ mình là “kẻ đi khám phá”: “ở đó đã có dịp nói rằng nhà tiểu thuyết có con mắt thấu suốt mọi sự, cho nên tôi cũng có đủ thẩm quyền tiết lộ với bạn đọc tại sao vợ chồng Crawley không một xu dính túi mà vẫn sống đàng hoàng. Nhưng tôi có thể yêu cầu các báo chí có thói quen trích bài đăng trong các tuần báo khác đừng in lại những chuyện tôi kể dưới đây được không?... Bởi lẽ tư cách là kẻ đã khám phá ra sự thực (mà cũng có tốn kém đôi chút đấy) tôi muốn được hưởng chút lợi lộc” [65,25]. Hình ảnh này gợi cho chúng tôi liên tưởng tới kiểu nhân vật xưng “Tôi” hay đi khám phá bí mật và chân lý trong loại tiểu thuyết melodrama. Đương thời, Dickens là nhà văn có nhiều tác phẩm được chuyển thể sang kịch vì các nhà soạn kịch thấy tính chất melodrama đậm nét trong sáng tác của ông. Các tác phẩm kiểu melodrama như Oliver Twist hay David Copperfield thường xuất hiện loại nhân vật phụ đảm nhận chức năng khám phá bí mật trong truyện. Theo bước chân dẫn dắt hồi hộp, nhiều khi lo sợ ở cuộc hành trình phiêu lưu của anh ta những sự thật bị che dấu được hé mở dần tạo cảm giác bất ngờ thú vị đối với bạn đọc. Dường như ở đây có hơi hướng kiểu trinh thám.
Thackeray cũng tạo ra một kiểu người kể chuyện có chức năng ấy. Có lúc thấy anh ta đội lốt “thám tử trinh thám” mà đôi lúc trong giọng điệu lời nói giống một
phóng viên báo chí “săn tìm” sự kiện thông tin để viết bài. Từ đấy anh ta thâm nhập vào Hội chợ phù hoa: “Về cái thế giới phụ nữ sang trọng này cùng mọi phong tục riêng của họ, kẻ viết truyện chỉ nghe phong phanh mà biết... Kẻ thường mòn gót trên vỉa hè phố Pornmon và lui tới các câu lạc bộ thủ đô này cũng thế... Ta còn dẫn được ra tên nhiều vị khác, nếu họ có liên quan đến chuyện này... đàn ông ở Luân đôn ai cũng rõ những sự thực ghê gớm này, nhiều bà có vẻ sang trọng giàu có ra phết, thế mà bị tống cổ ra khỏi giới này một cách tàn nhẫn. Ai từng quan tâm nghiên cứu đời sống của đồng loại mà không phải ngạc nhiên khi thấy các “quý bà” nói trên cố tìm trăm phương ngàn kế để len lỏi vào “giới” này, dùng cả đến những thủ đoạn bỉ ổi và chịu đựng bao điều khổ nhục. Cuộc săn đuổi danh vọng rất gian khổ sẽ là một đề tài thú vị, ai có chút thông minh, có thì giờ rỗi rãi, lại am hiểu kha khá tiếng Anh cũng nên chú ý đến mà viết lại thành truyện” [65,42-43]. Quả thật không có điều gì che dấu nổi con mắt tò mò “ham săn tin tức” của anh ta, bức tranh về thế giới thượng lưu cứ thế mà được mở rộng mãi... Nhưng lần này nó không phải là bức vẽ của tiểu thuyết, nó giống như những trang tin nóng hổi cập nhật “sự thật, việc thật” của thể loại phóng sự vậy. Cái “Tôi” này la cà khắp nơi trên vỉa hè phố Pornmon, hay ở công viên Hawdor, có lúc tạt ngang tạt ngửa để tìm hiểu cảnh đời thực. Anh ta lấy tin bằng nhiều cách có thể đích thân tìm đến được hoặc nhờ bạn bè mách bảo, anh ta còn trực tiếp giao lưu phỏng vấn qua nói chuyện với họ mà viết về đề tài “thế giới phụ nữ thượng lưu và cái cách len lỏi vào thế giới ấy như thế nào” (chúng tôi mạn phép đặt tên-NTTD). Vì thế “người phóng viên” trưng ra những cái tên đầy tin cậy “Bà Fairebreso thuộc loại này, tức là người đàn bà sang trọng có mớ tóc quăn quăn xinh xinh... một bà khác tên là Rocus... bà vợ ngu si của ông quý tộc nhà quê ở Shomuse” mà hiểu thêm ít nhiều về đời sống của giới thượng lưu thành Luân đôn.
Chủ đề xoay quanh Hội chợ phù hoa nhưng đề tài của anh ta rất đa dạng phong phú, anh ta quan sát ở nhiều góc độ, khía cạnh khác nhau. Còn đây là đề tài “Mùa cưới và đời sống tình cảm của giới phụ nữ” (NTTD nhấn mạnh): “Với tư cách là một người quan sát nhân tình thế thái, tôi vẫn hay la cà vào trong nhà thờ Saint George ở Quảng trường Hanovo suốt trong những mùa cưới. Tôi chưa hề thấy những anh Phù rể khóc lóc hoặc thấy những ông thầy cả hoặc thầy dòng đang hành lễ tỏ vẻ cảm động, nhưng thường được thấy những người đàn bà hoàn toàn không có liên quan gì đến cuộc hôn lễ đang tiến hành - nghĩa là những bà mệnh phụ đã quá tuổi lấy chồng lâu lắm rồi, những bà nạ dòng to béo con trai con gái đầy đàn, đó là chưa kể những cô con gái xinh
xắn trẻ măng đội mũ trùm màu hồng đang độ “đào tơ ngó sen”, họ quan tâm đến cuộc lễ là dĩ nhiên - tôi nói rằng thường thường những người đàn bà có mặt trong buổi lễ đều khóc nức nở, khóc thút thít, rồi xịt xoạt hỷ mũi và cầm những chiếc khăn tay bé tý rất vô dụng để cho kín mặt đi, tất cả, già cũng như trẻ đều bồi hồi xúc động” [65,306- 307]. Nếu bạn không tin anh ta còn dẫn luôn câu chuyện có thật mà bản thân đã chứng kiến theo kiểu dẫn chứng kịp thời những điều tai nghe mắt thấy: “Khi anh bạn tôi là Horn Pimlico cưới cô Bengravir Green Packe xinh đẹp làm vợ, tất cả mọi người đều cảm động quá đến nỗi cái bà lão khịt mũi dẫn tôi đến chỗ ngồi cũng giàn giụa nước mắt. Tôi tự hỏi: “tại sao thế nhỉ? Bà lão có phải đi lấy chồng đâu mà cũng khóc?”.
Đọc những trang viết này chúng tôi có cảm giác đang lạc vào các thiên phóng sự điều tra xã hội chứ không phải là tiểu thuyết. Tiểu thuyết là một nỗ lực kể câu chuyện đã xảy ra nhưng gây cảm giác nó đang diễn ra trong hiện tại nhằm xác định sự tươi mới, trẻ trung của thể loại. Ở Balzac ta thấy sự cố gắng không ngừng ấy. Nhưng với Thackeray thời điểm mà ông muốn xác định phải mang “tính hiện tại” không phải ở câu chuyện kể (cốt truyện), mà ở các vấn đề trao đổi đối thoại giữa người kể chuyện và bạn đọc. “Người phóng viên” xưng “Tôi” này đã đóng góp tích cực vào dụng ý ấy. Phóng sự điều tra của anh ta rất mang tính thời sự, cập nhật thông tin nhanh chóng, nóng hổi, nó thể hiện đậm nét “cái tôi báo chí” trong phong cách Thackeray. Đó là sự kết hợp nhịp nhàng khiếu quan sát sắc sảo của một nghệ sĩ và sự nhạy bén của một người hoạt động xã hội, một nhà báo có kinh nghiệm nắm bắt sự việc một cách kịp thời, chính xác. “Ông có kiểu “chộp” được vấn đề rất nhanh để có dịp ném ra những suy nghĩ của mình một cách trực tiếp”, các chi tiết, tư liệu được chọn lọc tạo những ấn tượng thẩm mỹ mạnh mẽ và lời văn hóm hỉnh hài hước mà giễu cợt sâu cay.
Bằng cách đưa phong cách báo vào những trang viết tiểu thuyết, chúng tôi có cảm tưởng Thackeray có khuynh hướng viết tiểu thuyết thời sự - luận đề với cảm hứng nghiên cứu - phân tích. Bằng chứng là không đẩy lùi câu chuyện về quá khứ, người trần thuật có những đánh giá nhận xét ở thời thực tại có tính chất thời sự. Đến đây chúng tôi nhớ đến Vũ Trọng Phụng, không phải với tư cách một nhà tiểu thuyết mà là cây bút phóng sự sắc nét trong làng văn chương Việt Nam. Không có một chứng cớ nào để nói rằng Vũ Trọng Phụng ảnh hưởng cách viết của Thackeray nhưng rõ ràng phong cách phóng sự cùng với tài năng của người nghệ sĩ đã kéo hai con người, một bậc tiền bối - một bậc hậu thế cách xa nhau về thời gian, địa lý xích lại gần nhau. Ở cả Thackeray và Vũ Trọng Phụng đều có những con mắt nhìn tinh nhanh sắc sảo và cảm
hứng căm phẫn ghê tởm đối với những cái kệch cỡm, lố lăng, những thói đời hài hước (Tiểu thuyết Số đỏ của Vũ Trọng Phụng gặp gỡ đề tài, chủ đề với Hội chợ phù hoa). Các ông đã thể hiện những cái tôi phóng sự trần thuật biến hoá linh hoạt, khi thì đứng ngoài khách quan nhìn nhận đánh giá sự việc, lúc lại xông xáo nhập cuộc trở thành