Nhân vật mặt nạ-con rối hài hước

Một phần của tài liệu (LUẬN án TIẾN sĩ) nghệ thuật châm biếm trong tiểu thuyết của william thacakeray (Trang 101 - 104)

Chương 2 SỰ PHA TRỘN CHÂM BIẾM CỦA CÁC THỂ LOẠI

3.2. Kiểu nhân vật mặt nạ-con rối của Thackeray

3.2.2. Nhân vật mặt nạ-con rối hài hước

Nhân vật mặt nạ hài hước trong thế giới tiểu thuyết của Thackeray thường bị tác giả mỉa mai với giọng điệu nhẹ nhàng, chế giễu và nhiều lúc pha cả sự cảm thông chia sẻ. Chúng ta có thể bắt gặp hình ảnh Đại tá trong Gia đình Newcome nổi lên như một nhân vật trung tâm trong một chuỗi các hành động mang tính hài hước của tác phẩm. Xuất hiện với hình ảnh bộ ria mép dài, quần áo thời xưa cũ, phong cách lịch sự, nhã nhặn nhưng luôn mang dáng vẻ cũ kỹ, Đại tá có phần không bình thường so với hầu hết những người trong xã hội ấy. Ông đóng vai như một anh hùng vui vẻ, đầy hài hước, giống như hình tượng nhân vật Eiron, một diễn viên trong bộ phim hài Hy Lạp cổ đại có đặc điểm là luôn đánh giá thấp bản thân và nhận thức rõ ràng về sự mỉa mai châm biếm. Thời trẻ ông đã đánh mất tình yêu với Leonore vì cha mẹ của Leonore yêu cầu cô kết hôn theo ý muốn của họ. Thay vì nỗ lực đạt được nàng và thay đổi vị trí cầm quyền, ông đã bị đánh bại và buộc phải tìm cách ẩn náu ở Ấn Độ. Như vậy Đại tá Newcome không giống như một anh hùng điển hình khi xét tới một số khía cạnh. Điều này được nhắc lại nhiều lần bằng hình thức mỉa mai - phương pháp thường được sử dụng trong câu chuyện này. Sự xâm chiếm của các thỏa thuận ngầm mang tính chất hài hước đã khiến cho người đọc thấy nổi bật lên quyền lực và sự đồi bại của xã hội lúc bấy giờ. Đại tá và Leonore là nạn nhân của xã hội mang nhiều ẩn ý khi cô bị mắc kẹt trong một cuộc hôn nhân không có tình yêu, còn ngài đại tá cũng phải mang nỗi đau khổ dằn vặt khi trải qua những năm tháng cô đơn ở một đất nước xa xôi. Lần này trở về người đàn ông lớn tuổi đến để tìm lại con trai của mình chứ không phải để kiếm vợ.

Ngay sau khi đến Anh, bằng cách thăm viếng các thành viên khác trong gia đình, Đại tá Newcome đã nhanh chóng nhận thấy được những nét đặc trưng trong xã hội của họ. Giống như một anh hùng từ phương trời xa lạ, ông là một kẻ ngoài cuộc khi du hành tới một đất nước mới. Thế nhưng các cuộc gặp gỡ đã phơi bày sự thật về các luật lệ, thỏa thuận ngầm vô lý tồn tại ở đó. Cũng từ những va vấp ngầm đó, Đại tá bắt đầu quá trình lột trần và lên án xã hội giả tạo, đồng thời tập trung vào việc phân

biệt một cách hài hước xã hội đó với tầng lớp xã hội mà ông đã thiết lập.

Chuyến thăm đầu tiên của Đại tá Newcome đến những người họ hàng đã không xảy ra cuộc hội ngộ tình cảm như ông đã dự đoán. Ông bị xao nhãng bởi vì mải chú ý đến sự tiếp đón vì không có vấn đề nào quan trọng đối với họ hơn ông. Bên cạnh đó, những người này cũng không có gì nhiều để khai thác ngoài các công việc riêng, chuyện yêu đương và sự coi trọng vật chất. Cuộc thăm viếng ngắn ngủi của đại tá đã chứng tỏ rõ ràng rằng những người anh (em) cùng cha khác mẹ của ông không có bất cứ sự hiếu thảo nào - thứ đạo đức mà dường như tồn tại trong ông ấy một cách tự nhiên: “Thực tế, Thomas Newcome đã cường điệu hóa trong những miêu tả của mình. Không có sự cân bằng nào trong tình cảm yêu mến tồn tại giữa ranh giới với những người anh (em), thứ mà đáng lẽ ra phải tồn tại như một sự tự nhiên của tạo hóa, điều đơn giản tối thiểu mà ông đã mong đợi tìm thấy ở họ”.

Trong mối quan hệ với con trai Clive, do khát khát tình cảm ruột thịt, ông cũng tự đánh lừa cảm giác rằng mình đang có triển vọng tốt đẹp trong mối quan hệ ấy và gói gọn tất cả hy vọng của mình ở đó. Mối quan hệ của họ được hình thành dựa trên sự thương yêu nhau và theo sự đánh giá của cha mẹ ngài Đại tá thì tình cảm của cha con Clive thường rất tốt. Hai người có nhiều khoảnh khắc hạnh phúc bên nhau và giấc mơ của Đại tá dường như đã được thực hiện: “Đại tá nhấn mạnh rằng ông ấy hoàn toàn hạnh phúc và mãn nguyện. Ông ấy không mong muốn gì hơn ngoài những gì đang có…”. Mặc dù hạnh phúc, nhưng khuôn mặt chân thành của ông ngày càng thêm u sầu”. Ảo tưởng của ngài Đại tá cuối cùng đã bị xua tan: “Mặc dù họ ở cùng nhau nhưng ông ấy vẫn cảm thấy cô đơn”. Dù cho tất cả những nỗ lực của ông rất lớn lao để tồn tại tình cảm cha con giữa họ nhưng trên thực tế khoảng cách giữa ông và Clive như sự xa cách giữa các cá nhân tồn tại độc lập với nhau. Đó là hiện thực tâm lý phũ phàng mà Đại tá Newcome sau rất nhiều lần ngộ nhận, diễn các vai tình cảm khác nhau rồi đã nhận ra và chấp nhận thực tại đó. Những phản ứng mà đại tá Newcome thể hiện trong các cuộc đối đầu có vai trò rất quan trọng cho việc mô tả của Thackeray về “sự vô tâm, tàn nhẫn của London”. Đại tá như một người ngoài cuộc, xa lạ và không ý thức được thực tế. Ông đã lạc lõng, đơn giản và ngây thơ một cách tiêu cực về nhiều vấn đề xảy ra trên thế gian này. Hài hước và châm biếm nhưng Thackeray vẫn trân trọng và nâng niu những tình cảm rất đỗi con người và tính nhân bản trong nhân vật.

Dickens cũng thường xây dựng kiểu nhân vật lập dị, ngớ ngẩn gây cười mà người đọc có thể gọi là loại hài châm biếm cá nhân. Trong sự mỉa mai của ông cũng

chất đầy nỗi buồn về những thói đời lừa gạt nhau. Tính hài hước của Charles Dickens được tạo nên từ hai yếu tố: khả năng quan sát chi tiết tỉ mỉ và lý tưởng hóa những đặc điểm tiêu biểu của nhân vật. Ngược lại, Thackeray coi mình là một nhà văn theo truyền thống thực tế, vì vậy ông thường phân biệt tác phẩm của mình với sự phóng đại và tình cảm của Dickens. Bên cạnh đó, rất nhiều tiểu thuyết gia lớn như George Eliot hay Oscar Wild cũng sử dụng yếu tố trào phúng để châm biếm những cái xấu. Các nhà văn thời Victoria đã gửi tới người đọc thông điệp rằng hãy làm gì đó để loại trừ cái xấu, làm xã hội tốt đẹp hơn. Vì vậy họ đều có dụng ý xây dựng nền tảng kiến thức ngôn ngữ, vốn am hiểu văn hóa nhất định cho người đọc để hiểu được ý đồ sâu xa ẩn sau những câu từ hài hước.

Đặt nhà văn trong bối cảnh thời đại và văn học Victoria, chúng ta có thể nói Thackeray là thiên tài trong việc khắc họa các chân dung biếm họa nhân vật và nghệ thuật xây dựng nhân vật mặt nạ-con rối. Khi đọc tác phẩm, người đọc thường bị lôi cuốn ngay vào dòng xoáy của nhân vật, dẫn dắt theo đường đời, biến cố của họ. Bám sát hiện thực, các điển hình của ông cũng đi theo những cách thức nhìn bên ngoài có vẻ rất khác nhau: có dạng điển hình hóa theo kiểu “tả chân” sắc sảo, có pha những nét biếm họa, có dạng điển hình hóa theo bút pháp hiện thực châm biếm, trào phúng. Ông đã chứng tỏ một bản lĩnh nghệ thuật già dặn của một cây bút tiểu thuyết độc đáo, táo bạo mà ở đó cả một xã hội phù hoa được miêu tả thật sinh động, những nhân vật giàu sức sống, đạt tới giá trị điển hình sắc sảo. Với việc kế thừa các nhà văn hài hước thế kỉ XVII và phát triển kiểu nhân vật mặt nạ ông đã tạo ra những ảnh hưởng lớn trong nhu cầu thẩm mỹ của độc giả, định hình nên những độc giả trí tuệ, tỉnh táo, theo hướng của Thackeray mong muốn là phản bác lại kiểu đọc sách đạo đức giả đang thịnh hành trong thời kì Victoria.

Cũng phải khẳng định thêm rằng hiệu quả nghệ thuật từ kiểu nhân vật mặt nạ là tác giả đã tạo ra cả một xã hội hài hước, trong đó ai cũng buồn cười, lố bịch giống như những con rối, phản ánh một xã hội tạo nên kiểu sống giả tạo, lừa dối, thiếu sự trung thực và chân thành. Cuốn tiểu thuyết là một tiếng cười mỉa mai sâu cay, thâm trầm mà quyết liệt vào bộ mặt xã hội nhố nhăng thời bấy giờ. Sau tiếng cười, mọi người hiểu hơn bản chất của con người và cuộc đời. Con người tự mình biến mình thành con rối trong trò đời, có thể vì tham vọng mà cố nhảy vào guồng quay của xã hội phù du hoặc là do có nguyên nhân khách quan của thời đại chi phối. Xã hội kiểu ấy tất yếu sẽ sản sinh ra các con rối, các kiểu người mặt nạ hay làm trò hề. Đạt được giá trị nhân sinh

ấy, tiểu thuyết của Thackeray đã khám phá, thể hiện chân thật, sâu sắc về đời sống con người và xã hội, đạt đến đỉnh cao phẩm chất nghệ thuật của châm biếm.

Thackeray đã dựng lên cả một thế giới mang màu sắc bi hài kịch. Trong đó, đối tượng chủ yếu là cái xã hội trưởng giả thượng lưu, những nhân vật trong bộ máy chính quyền, những kẻ hám danh hám lợi. Tác giả phơi bày, chế nhạo tất cả những cái xấu xa, bần tiện, đồi bại của một hạng người, phê phán bộ mặt giả trá của lối sống trưởng giả học làm sang. Ông đã cảnh tỉnh mọi người bằng sự hài hước rất quyết liệt của mình: cuộc đời là một sân khấu bi hài kịch, là một câu chuyện ngụ ngôn dài. Ở thời này, tất cả những gì được gọi là cao quý, tốt đẹp mà thiên hạ hằng khao khát và thiết tha có được, thực ra chỉ là những chuyện hết sức vô nghĩa, phù du. Câu chuyện của ông tưởng chừng châm biếm hài hước mà thâm thúy, đến nay vẫn còn để lại cho các thế hệ sau triết lý thâm trầm mà sâu sắc vì bây giờ hay sau nữa “Đời vẫn còn nhiều hội chợ phù hoa” [143].

Một phần của tài liệu (LUẬN án TIẾN sĩ) nghệ thuật châm biếm trong tiểu thuyết của william thacakeray (Trang 101 - 104)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(162 trang)