Triết lí trong nhan đề tiểu thuyết

Một phần của tài liệu (LUẬN án TIẾN sĩ) nghệ thuật châm biếm trong tiểu thuyết của william thacakeray (Trang 121 - 124)

Chương 4 BÌNH LUẬN NGOẠI ĐỀ MANG MÀU SẮC CHÂM BIẾM

4.1. Châm biếm mang màu sắc trí tuệ

4.1.1. Triết lí trong nhan đề tiểu thuyết

Cái tên Hội chợ phù hoa đã trở thành ấn tượng khắc sâu trong tâm trí mọi người, vì hàm chứa trong nó sự bóng bẩy của hình ảnh ẩn dụ vừa có tính triết luận sâu xa. Tên nhan đề hàm nghĩa cô đọng điển hình lại pha chút hài hước vừa ý tứ cả sự thăng trầm, bi hài về ý nghĩa cuộc đời. Ngay trong lời bình luận ngoại đề, Thackeray cũng đưa ra cái tên độc đáo ấy để cắt nghĩa lí giải. Nhà văn đã trao đổi với độc giả trong tác phẩm: “Yêu cầu bạn đọc nhớ cho rằng câu chuyện này có tên là Hội chợ phù hoa; mà Hội chợ phù hoa thì chính là một nơi toàn những chuyện ngu xuẩn, vô nghĩa lý, toàn những chuyện giả dối huênh hoang”. Có lẽ cũng hiếm nhà văn hiện thực nào đưa ra lí lẽ để giải thích hàm ý của nhan đề tiểu thuyết một cách đầy ẩn ý như thế.

Thực ra, như đã nói, cái tên Hội chợ phù hoa đã có xuất xứ từ trước đó, trong cuốn Con đường của người hành hương (Pilgrim Progress) của John Bunyan. Người ta thường tìm thấy vấn đề khi so sánh sự khác nhau trong cách đặt tên tác phẩm lần đầu và thay đổi ở lần sau, phương pháp này rất hiệu quả trong trường hợp Thackeray. Đầu tiên cuốn sách của ông có tên là “Những bức kí họa về xã hội nước Anh” (Sketchs of English society). Sau đó giống như nhà khoa học Acsimet tìm ra định luật sáng tạo của cuộc đời mình, cảm hứng nghệ thuật đã đưa ông đến với cái tên Hội chợ phù hoa.

Từ đó nó trở thành cái tên vinh danh tiểu thuyết và tài năng của ông. Không phải ngẫu nhiên ông tâm đắc với tên tiểu thuyết như thế, theo chúng tôi đánh giá sự thay đổi nhan đề đánh dấu bước phát triển tầm tư tưởng của nhà văn và chủ đề quán xuyến toàn bộ tác phẩm. Tiêu đề đầu tiên có thể mục đích của ông là phản ánh và tố cáo xã hội nhưng đến cái tên Hội chợ phù hoa nó còn chạm đến ý nghĩa nhân sinh của cuộc đời.

Nhan đề này gợi cho chúng tôi nhớ tới một tiểu thuyết của Trung Quốc Hồng lâu mộng (giấc mộng lầu hồng) của Tào Tuyết Cần. Phương Tây có Hội chợ phù hoa, Phương Đông có Hồng lâu mộng và dù cách trở phương trời, thời gian xa thẳm, dù khác nhau về lối sống, tập tục nhưng họ vẫn gặp gỡ đồng điệu ở nhân sinh quan tiến bộ về con người.

Khi nói về ý nghĩa ẩn dụ của nhan đề, Hội chợ phù hoa có tính chất tượng trưng ngầm biểu hiện sự đánh giá của tác giả về xã hội đương thời. Đó là một nơi buôn bán ồn ào, hỗn tạp xô bồ của thị trường thương mại và có đầy đủ các loại mặt hàng từ Sắc Đẹp, Danh Vọng, Tình Yêu, Hạnh Phúc cho đến Đạo Đức, Nhân Cách. Mặt hàng nào cũng được định giá của nó, người mua kẻ bán đều có lời, cuộc sống cứ theo quy luật ấy mà tồn tại. Thế nhưng chúng cũng chỉ là vô nghĩa, hư ảo, phù phiếm mà thôi. Ngay cả phụ đề của tiểu thuyết cũng truyền tải thông điệp ấy: “A novel without a hero”, cuốn sách không có nhân vật chính, không có nhân vật anh hùng, không có nhân vật chính diện bởi xét về khía cạnh nào đó tất cả bọn họ cùng với số phận đều đang bị cuốn vào vòng quay phù hoa hư ảo kia.

Trở về với lịch sử thời Victoria, khi cuộc sống tấp nập cái xa hoa màu mè, Hội chợ phù hoa của Thackeray có một ý nghĩa quan trọng. Cuộc sống mà ông tái hiện không phải thế giới tưởng tượng mà đang phơi bày bộ mặt xã hội thời ông sống. Trong các giai đoạn phát triển của nước Anh, thời kỳ Victoria được coi là bộ mặt có vẻ huy hoàng thịnh vượng, nó tạo ra một không khí lạc quan vui vẻ. Người dân đã thoát ra khỏi cuộc chiến tranh, có rất nhiều kẻ phất lên trông thấy nhờ buôn bán nên tất cả đều đổ xô vào thương mại. Cuộc sống ngày càng sung túc, mọi người hướng về phía trước tràn trề hy vọng, tin tưởng vào tương lai khi thấy xã hội giàu có, tầng lớp quý tộc tư sản cao sang quyền quý. Nhưng xã hội ấy có hai mặt của nó, người tinh tế và hiểu đời sẽ thấy cuộc sống ấy giả tạo hời hợt, nó không mỹ lệ như nhiều người lầm tưởng mà cũng buồn tẻ, chán ngắt. Nói một cách khác đi xã hội ấy có hai bề mặt: lạc quan và bi quan. Tiểu thuyết Hội chợ phù hoa thể hiện hai giọng điệu ấy của thời đại. Lạc quan được tạo ra từ chính chất hài hước “humour” và sự thông thái hiểu đời của một nhà tiên tri vui vẻ đứng ngoài nhân gian mà đoán định điều bất hạnh, lỗi lầm “truyền kiếp” của con người. Nhưng trước thực trạng xấu xa bỉ ổi đang làn tràn phơi bày khắp nơi ông trút tiếng thở dài nặng nề bi quan, Thackeray chỉ biết đề ra giải pháp đạo đức thoả mãn khát vọng lớn lao cải tạo xã hội mà ông ấp ủ. Qua tiêu đề tiểu thuyết, ông đồng thời bày tỏ thái độ phủ nhận sự hiện hữu tồn tại của xã hội ấy. Thực chất hơn bất kỳ ở

nơi nào khác, nhân dân Anh cảm thấy rõ ràng “hư vinh của cuộc sống”: những cuộc chiến tranh kéo dài, sự tồn tại dai dẳng của một chính phủ bảo thủ, tính đạo đức giả ngự trị trong khắp xã hội. Hội chợ phù hoa của Thackeray là sự kế thừa chủ đề truyền thống, phát triển khái quát tâm trạng đặc tính ấy ở người Anh thành bản chất xã hội và vấn đề nhân sinh của con người.

Có một điều đặc biệt trong tiểu thuyết, cái tên nhan đề của tác phẩm được lặp đi lặp lại trong cấu trúc truyện kể: “Ôi! Hội chợ phù hoa! Hội chợ phù hoa! Có thể xưa kia cô ta là một thiếu nữ nhí nhảnh... Hội chợ phù hoa... Hội chợ phù hoa! Tại đây có một thằng đọc không thông cũng không chịu tập đọc... có những thói quen và tính xảo quyệt của một thằng biển lận” [65,174]. Chúng tôi thống kê tên “Hội chợ phù hoa” được nhắc lại 71 lần trong toàn bộ tác phẩm, chưa kể vô số lần tác giả gọi các tên phái sinh như “khu chợ, hội chợ”, “thú phù hoa, thứ phù hoa, chuyện phù hoa”. Đây là một dụng ý nghệ thuật của Thackeray. Nhiều khi tiếng “Hội chợ phù hoa” vang lên như một tiếng kêu than vì người ta căm phẫn chua chát hay đau đớn xót xa mà kêu trời vậy. Với dụng ý này, danh từ “Hội chợ phù hoa” không còn là danh từ riêng chỉ xã hội thượng lưu trong câu chuyện hay tên của một tiểu thuyết nữa mà trở thành danh từ chung định danh về cuộc sống vô nghĩa phù phiếm của con người. Theo chúng tôi, Hội chợ phù hoa ngay cả trong tiểu thuyết không chỉ tả lại thế giới thượng lưu xa hoa phú quý, hiểu như thế sẽ thu hẹp tư tưởng gửi gắm sâu sắc của tác giả. Khi nào con người vẫn còn chất chứa trong mình ngọn lửa dục vọng không giới hạn, không thoả mãn, khi họ còn u mê không nhận chân ra cuộc sống đích thực, chừng đó người ta vẫn còn đua nhau chen chân xô đẩy vào thế giới phù hoa. Một thế giới ồn ào hỗn tạp xô bồ của đời thường, trần tục. Con người cũng sẵn sàng ngã giá, sấp ngửa tất cả những gì họ cần có. Kẻ mua người bán trở thành những kẻ lố lăng kệch cỡm, xấu xa nhơ bẩn, làm trò với cuộc đời mà thôi.

Những cắt nghĩa của tác giả trong lời bình luận ngoại đề cho chúng ta hiểu tên nhan đề Hội chợ phù hoa chi phối toàn bộ kết cấu của tiểu thuyết. Tác giả đã đạo diễn câu chuyện thành vở kịch có nhiều màn, cả tiểu thuyết là cái hội chợ lớn ồn ào náo nhiệt. Phương thức kể chuyện được tổ chức như rất nhiều tiếng nói tranh cãi lớn tiếng với nhau, những con người trong ấy được xây dựng như những con rối của vở kịch cuộc đời, làm trò hề hay con rối trong sự điều khiển của kẻ khác, bình luận nội đề, bình luận ngoại đề cũng đều được hút vào hạt nhân trung tâm của nó. Có thể nói tiêu đề đã là sợi chỉ đỏ xuyên suốt, là chất keo dính bền vững làm nên một kết cấu thống

nhất hữu cơ của tác phẩm.

Qua hình ảnh tượng trưng ẩn dụ của nhan đề chúng tôi thấy nghệ thuật gián cách phát huy rất hiệu quả. Ở đây có sự đối chiếu đan xen của nhiều hình ảnh: hình ảnh xã hội truyện kể, xã hội tác giả đang sống và không loại trừ cả xã hội sau này nữa.

Hội chợ phù hoa đến nay vẫn gần gũi với bạn đọc bởi lẽ người ta vẫn nhìn thấy chính bản thân mình và cuộc sống đương thời hiện hình trong tiểu thuyết, dù không hoàn toàn thì cũng thấp thoáng dáng dấp của nó. Bởi làm sao con người tiêu diệt hết dục vọng của chính mình về tiền tài, danh vọng. Đến với Hội chợ phù hoa ngay từ nhan đề đã tạo cho bạn đọc một sức hấp dẫn khó có thể cưỡng nổi.

Một phần của tài liệu (LUẬN án TIẾN sĩ) nghệ thuật châm biếm trong tiểu thuyết của william thacakeray (Trang 121 - 124)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(162 trang)