Tác giả hay là người đầu trò sân khấu, nhà đạo diễn kịch

Một phần của tài liệu (LUẬN án TIẾN sĩ) nghệ thuật châm biếm trong tiểu thuyết của william thacakeray (Trang 106 - 109)

Chương 2 SỰ PHA TRỘN CHÂM BIẾM CỦA CÁC THỂ LOẠI

3.3. Mặt nạ tác giả hay sự “diễn trò”

3.3.1. Tác giả hay là người đầu trò sân khấu, nhà đạo diễn kịch

Ở mục này chúng tôi muốn nhấn mạnh đến cách xây dựng người kể chuyện linh hoạt năng động của Thackeray. Thông thường trong các tiểu thuyết hiện thực, người kể chuyện được hiểu là tác giả, hiểu biết và thông suốt từ tình tiết cho đến kết thúc truyện. Với người kể chuyện của Thackeray, anh ta diễn nhiều vai khác nhau và có nhiều gương mặt biến hóa khôn lường. Trong luận điểm này, người viết muốn làm rõ tính chất trò chơi trong nghệ thuật xây dựng người kể chuyện của Thackeray và ngòi bút châm biếm được vận dụng khá tài tình, khiến bạn đọc cảm thấy thu hút và tâm đắc.

tay ông tự vẽ minh họa. Nghe nói rằng ngay lần xuất bản đầu tiên năm 1848 ở trên trang bìa cuốn Hội chợ phù hoa, ông vẽ cảnh một người đang đứng trước đám đông, đang kể chuyện hay thuyết giáo đạo đức, điều đáng chú ý là dù đứng ở một vị trí cao hơn những người xung quanh nhưng nhà thuyết giảng đạo đức ấy cũng có những đôi tai lừa giống như mọi người, bình đẳng như mọi người. Bức tranh này được Thackeray giải thích giống như lời đề từ trong Hội chợ phù hoa: “Trong khi ấy nhà đạo đức đứng trước tấm màn sân khấu (đúng là hình ảnh của kẻ hèn này) còn đang tuyên bố rằng nhất định không chịu đội mũ đi hia, mà vẫn chỉ mặc bộ áo nhà nghề có hai tai dài của người làm trò hề; song các bạn thấy không, người ta nhìn thấy sự thật thế nào, bắt buộc phải nói y như vậy, dầu phải khoác tấm áo choàng có đính nhạc, hay được đội mũ vành vểnh lên của quan lớn; và dĩ nhiên, việc ấy sẽ đẻ ra lắm chuyện khó chịu” [65,169]. Thackeray khẳng định người đầu trò chính là ông, tác giả của tiểu thuyết. Tuy nhiên hình ảnh về người đầu trò- tác giả này cũng tạo ra sự thật-giả lẫn lộn.

Bạn đọc đương thời đều biết, Thackeray cũng là người đã chủ trương minh họa thêm cho mỗi chương của tiểu thuyết bằng các hình vẽ với những lời đề từ ở dưới, nhưng sau lần thứ nhất in ra không cảm thấy hài lòng về sức truyền tải thêm thông tin ý nghĩa, tự ông lại xóa bỏ chúng. Tuy nhiên, từ đó chúng ta càng nhận thấy mục đích sâu xa của nhà văn khi tự minh họa mình là một người đầu trò, dẫn trò trên

một cái sân khấu thô sơ, linh động ấy. Tiếp theo trong phần “Trước khi mở màn” (Before the curtain) ông đã tự vẽ mình trong tay cầm một cái mặt nạ và cây quyền trượng của anh hề. Gương mặt hài hước, ngộ nghĩnh trên hình ấy chính là Thackeray. Đối với Thackeray, dụng ý khi xây dựng người kể chuyện đeo mặt nạ “diễn trò” là để truyền tải hết quan niệm và nhu cầu của ông về văn bản nghệ thuật. Tiểu thuyết phải là, nên là một cuộc đối thoại lớn giữa nhà văn và bạn đọc. Nhưng trong tiểu thuyết trước đây và hiện tại - thời kì ông, cuộc đàm đạo tìm kiếm tri âm tri kỷ ấy lại được “gián cách” qua người kể chuyện - người trung gian giữa cái được miêu tả và độc giả.

Như chúng tôi đã bàn ở trên, tuy chưa nhìn thấy cuộc sống lầm than của người dân sau bộ mặt thời đại Victoria rạng rỡ nhưng Thackeray đã thấy bản chất của cái xã

hội muôn màu sắc kia. Bởi vậy với ông, tiểu thuyết không phải là “quầy bán thuốc mê” (B.Brecht), nhà văn đặt ra phận sự cao cả của tiểu thuyết phải thức tỉnh con người, kích thích sự phê phán của họ và giúp họ cải tạo xã hội tốt đẹp hơn. Giống như những trang tuỳ bút đầy tinh thần luận chiến, Thackeray muốn thức tỉnh người dân Anh khỏi giấc ngủ tự mãn và u mê. Người ta thấy ông rao giảng, thuyết lý về đạo đức nhiều nên cho rằng Thackeray thiên lệch vai trò của nhà tiểu thuyết nhưng thực chất ông đang trò chuyện, tranh luận cùng bạn đọc. Dụng ý nghệ thuật của Thackeray không phải viết một tiểu thuyết tái hiện, trình bày lại câu chuyện mà bình luận sự việc. Mục đích chính mà ông hướng tới không phải là độ rung động của cảm xúc mà khơi dậy sự hoạt bát, sắc bén của trí tuệ bạn đọc.

Đọc tiểu thuyết của Thackeray, độc giả buộc phải đọc theo kiểu trí tuệ chứ không có sự liền mạch thông suốt tạo say mê, kiểu đọc lôi cuốn bằng tình cảm cảm xúc như trong tiểu thuyết Bà Bovary của G. Flaubert, Đỏ và đen, Tu viện thành Parme

của Stendhal hay Oliver Twist của C. Dickens. Hội chợ phù hoa không miêu tả nhiều về thiên nhiên tạo chất thơ của cuộc sống, Thackeray chủ yếu dùng hình thức lời của người diễn trò trên sân khấu như một hình thức “gián cách” trong tiểu thuyết Hội chợ phù hoa. Anh ta không giấu mình đi để tự thế giới tiểu thuyết hiện hữu trước mắt bạn đọc, người kể xưng “tôi” luôn xuất hiện trên bình diện cốt truyện, kéo bạn đọc về thế giới thực tại. Anh ta ngăn chặn sự xúc động uỷ mị của bạn đọc bằng sự giễu cợt hài hước thói tật hay khóc của cô Amelia. Anh ta luôn giễu nhại châm biếm kiểu tiểu thuyết truyền thống, phá bỏ ảo giác về tiểu thuyết nhằm hai mục đích: hạn chế bạn đọc không hoà mình vào thế giới tác phẩm, thể nghiệm một cuộc sống như thật; bên cạnh đó tăng cường nhiều lời bình luận, tranh biện cung cấp tiền đề cho sự suy nghĩ, phân tích, kích thích óc hoài nghi phê phán nơi độc giả.

Quả thật người đầu trò ở đây đã đảm nhiệm vai trò trung gian đứng tách bạn đọc với sân khấu, với thế giới tiểu thuyết. Anh ta để bạn đọc đứng ngoài quan sát đối thoại và nhận xét cùng, sau đó tự rút ra điều suy ngẫm cho bản thân mình. Điều quan trọng không phải ở chỗ nhân vật cuối cùng nhận ra vấn đề, mà quan trọng là ở chỗ người xem cuối cùng nhận ra vấn đề. Sáng tạo nên kiểu tiểu thuyết đi “chệch” truyền thống ấy, Thackeray hướng niềm tôn trọng của mình tới bạn đọc - những con người có trí tuệ và hiểu biết, chứ không áp đặt ý kiến, quan niệm đối với độc giả. Nó biểu hiện tinh thần dân chủ cao độ của tác giả - một con người thông thái, có tầm tư tưởng tiên tiến và những thử nghiệm đi trước thời đại.

Nghệ thuật gián cách còn biểu hiện rõ nét qua cách xây dựng cốt truyện tiểu thuyết giống như một vở kịch trên sân khấu - một tấn trò, còn các nhân vật không phải con người thực mà là những con rối tập diễn bắt chước hành động của con người “Con rối Becky nổi tiếng kia tay chân cử động thật khéo, khi giật dây nó làm trò cứ như thật. Con rối Amelia tuy được ít người thưởng thức hơn nhưng cũng được nhà nghệ sĩ để hết tâm lực gọt khắc và trang điểm. Con rối Dobbin bề ngoài cử động như vụng về nhưng thật ra nhảy múa có vẻ tự nhiên coi thật thú vị... và xin quý vị hãy chú ý dùm cái “nhà quý tộc xấu thói” bận bộ áo lộng lẫy kia; dựng con rối ấy tốn kém vô khối tiền đấy; tấn trò đặc biệt này diễn xong ma quỷ sẽ đến mang con rối ấy đi” [65,9].

Trong tiểu thuyết chúng ta cũng thấy tác giả hiện hình khắp nơi, từ vai trò nhà đạo diễn đến người đầu trò, người kể chuyện. Ông không tự giấu mình như cách làm của tiểu thuyết truyền thống mà bước hẳn ra nhận xét đánh giá nhân vật sự kiện cũng như vở diễn sân khấu cùng độc giả (chúng tôi đã chứng minh cụ thể ở luận điểm trên). Điều này đã giúp cho bạn đọc tước bỏ cảm giác “dĩ nhiên”, “vĩnh cửu” của sự vật mà nhà văn áp đặt lên bạn đọc. Ông hoàn toàn xoá bỏ cảm giác quen thuộc và không một nhân vật chính nào là hoàn hảo cả. Nhà văn còn “lạ hoá” nhân vật bằng cách nhìn khác, công bằng và nhân ái: đó là luôn nhìn nhận chúng ở cả hai phía thiện - ác, tốt - xấu, khác với cách đánh giá của tiểu thuyết trước đây thiên lệch trong cái nhìn con người chính diện, phản diện.

Có thể nói với biện pháp nghệ thuật gián cách qua xây dựng người diễn trò, Thackeray đã tạo nên một dáng vẻ mới cho tiểu thuyết Hội chợ phù hoa. Ở đó có một câu chuyện kể không giống trước, thế giới tiểu thuyết lúc gần lúc xa, các nhân vật lúc tạo vẻ thân quen lúc lại như xa lạ, lời dẫn chuyện cũng không đơn giản thuần nhất. Nghệ thuật gián cách đã thể hiện ý thức của nhà văn về người đọc hiện đại, chủ thể chủ động sáng tạo tích cực cùng tham gia vào câu chuyện, suy xét rút ra kết luận với nhân vật và tác giả. Những thể nghiệm táo bạo về hình thức nghệ thuật đã mang đến cho tiểu thuyết Hội chợ phù hoa vẻ đẹp của tinh thần dân chủ và màu sắc hiện đại.

Một phần của tài liệu (LUẬN án TIẾN sĩ) nghệ thuật châm biếm trong tiểu thuyết của william thacakeray (Trang 106 - 109)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(162 trang)