Chương 2 SỰ PHA TRỘN CHÂM BIẾM CỦA CÁC THỂ LOẠI
2.4. Châm biếm theo phong cách phóng sự, báo chí
2.4.1. Tinh thần luận chiến với tư tưởng tiến bộ tích cực
Cảm hứng này xuyên suốt trong các lời bình luận của Hội chợ phù hoa. Có thể nói bất cứ lúc nào nói về nhân vật, sự kiện người kể chuyện có thể đưa ra những lời nhận xét đánh giá thoải mái và tự do, từ đó mọi giọng điệu mỉa mai, giễu cợt, nhại, phê phán được tăng cường một cách tối đa. Ông vận dụng người kể xưng “Tôi” mang đậm tính chất chủ quan cá nhân, bộc lộ rõ cái tôi bản ngã của mình bằng những quan điểm, triết luận, phóng sự điều tra theo phong cách báo chí. Có thể nói khó ai dám bộc lộ thắng thắn quan điểm phê bình khi trực tiếp đánh động tới quan niệm của cả cộng đồng. Nhưng với cảm hứng của nhà tuỳ bút, tinh thần luận chiến của nhà báo tiến bộ, Thackeray luôn tích cực chiến đấu với thói quen tật xấu của cộng đồng, dân tộc: “Nếu cha mẹ và thầy giáo hãy cứ để mặc trẻ con sống một mình thêm chút ít… thì chắc những chuyện tai hại sẽ bớt được nhiều, tuy rằng chúng có thể thâu lượm bớt đôi chút về kiến thức…” [65,108-109].
Là một nhà báo chuyên hoạt động xã hội, một nhà văn quan sát tinh tường những thói đời, Thackeray hiểu sâu sắc và dám nhìn thẳng vào những thói xấu ấy để
bêu riếu mỉa mai: “Ai cũng từng am hiểu sinh hoạt của người Anh ở nước ngoài đều biết rằng đi đâu chúng ta cũng mang theo cả tính kiêu ngạo, những thành kiến, món nước sốt, món ớt cay cùng đủ mọi thứ thói quen khác, tóm lại để dựng thành một nước Anh Cát Lợi nho nhỏ ngay nơi chúng ta trú ngụ” [65,508]. Ông không ngừng đả phá, phê phán chúng nhưng tế nhị, ý tứ bằng cách dùng ngay cách bông đùa “humour” rất Anh để đánh vào tâm lý người nghe, đánh vào tâm lý tự ái nhưng dễ tiếp nhận: “Do thói quen của người Anh, do tính kiêu hãnh hoặc cũng có thể do vụng về, không viết thêm gì nữa”, hay “George vốn mang tâm lý của một người Anh chính cống, lấy việc được gặp gỡ những vị vương công, những bậc mệnh phụ chen chúc nhau tại những nơi công cộng là một điều vô cùng thích thú” [65,515]. Ngòi bút của Thackeray đã góp phần với phong trào của phê bình dấy lên cuối thời Victoria “đánh thức người dân Anh khỏi giấc ngủ tự mãn, ép buộc nó phải nhìn nhận nhược điểm và xóa bỏ tật xấu”, từ đó khơi dậy tinh thần tốt đẹp của dân tộc vươn tới một xã hội sống cao đẹp hơn kiểu tính cách sống thực tiễn, thực dụng đang ngự trị trong xã hội Anh thời bấy giờ.
Thời kì này, trào phúng là một khía cạnh và phương thức viết nổi bật trong văn học thời kì Victoria. Nó sử dụng những yếu tố châm biếm, những lời mỉa mai, chế giễu để đả kích sự ngu ngốc của con người và chế độ hà khắc của thời đại. Nội dung và mục đích chính của văn học trào phúng không phải là gây cười đơn thuần, mà chính là đả kích những thói hư tật xấu như sự bất công trong xã hội, hệ thống giáo dục và nạn đói nghèo bên cạnh nhiều vấn đề khác. Các tác phẩm của Dickens như Oliver Twist - đầy những chi tiết gây cười hay Thời gian khổ đã chỉ ra những sự thiếu sót của pháp luật và cuộc sống khổ cực trong các trại tế bần. Trào lưu văn học trào phúng lại nổi lên một lần nữa vào giai đoạn cuối của những năm 1880, với sự xuất hiện của Thomas Hardy và George Gissing trong việc miêu tả cuộc sống ở cả thành thị và nông thôn bằng những đả kích và bình luận sâu cay về sự tha hóa đạo đức của xã hội. Oscar Wilde (1854-1900) cũng là một nhà soạn kịch và nhà văn châm biếm nổi tiếng với những đả kích về giá trị đạo đức xã hội bị suy đồi trong thời kì Victoria. Các nhà nghiên cứu cũng nhận xét rằng thời kì Victoria đã sản sinh ra rất nhiều các tác phẩm văn học chỉ ra và giải quyết các vấn đề của xã hội qua việc sử dụng yếu tố trào phúng, châm biếm.
Đặt ngòi bút của Thackeray trong dòng văn học đương thời, chúng tôi nhận thấy tinh thần luận chiến rõ nét và tư tưởng tiến bộ của những nhà văn nổi tiếng thời Victoria. Bên cạnh đó, sự kết hợp của các kiểu tư duy, ngòi bút châm biếm của
Thackeray đã mang giá trị nội dung dân chủ sâu sắc. Nó thể hiện từ cái nhìn, quan điểm không giống như quan điểm chính thống, phổ biến đương thời. Nó khác biệt, thậm chí lộn trái bản chất của sự vật, hiện tượng để đánh giá, bàn luận dù méo mó, hài hước đáng cười nhưng phản ánh đúng quy luật đời sống và nói lên được cái cần nói. Với tinh thần khách quan và dân chủ, Thackeray có xu hướng giải thiêng tinh thần thời đại Victoria. Ông không chạy theo những vấn đề triết học hay khuôn mẫu nghệ thuật mà thời này các nhà văn, nghệ sĩ đua nhau thể hiện. Nhà văn lựa chọn ngòi bút châm biếm với tinh thần luận chiến vừa tạo tiếng cười vừa lật tẩy sự giả dối, phù phiếm của xã hội đương thời, một xã hội chạy theo thứ vật chất phù hoa, một xã hội kêu gọi yêu chuộng cái đẹp nhưng lại đóng khung cái đẹp trong nhiều bộ mặt giống nhau của thời đại.
Trong số những nhà văn nổi tiếng dưới triều đại của Nữ hoàng Victoria, Thackeray cũng là một người đặc biệt: ông không bị chi phối, ảnh hưởng và cũng không quan tâm đến lối suy nghĩ đậm chất triết học sâu xa đang thịnh hành lúc bấy giờ. Xung quanh cuộc sống lúc đó toàn những tư tưởng vĩ đại, to tát và đôi khi làm đảo lộn hoàn toàn cuộc sống vốn có từ trước. Chúng tôi rất đồng tình với nhà nghiên cứu Stockton Axson trong sách Cách tiếp cận và các vấn đề tiếp nhận sáu tiểu thuyết gia thế kỉ XIX (2016) rằng khác với George Eliot và Elizabeth Barett Browning, ông không có những quan niệm về cuộc sống quá cao siêu hay nhìn nhận cuộc sống dưới nhiều góc độ, lớp lang phức tạp. Thackeray là một người rất khéo léo trong việc đề cập đến những cái gì giản đơn nhất, gần gũi nhất, “đời” nhất. Và cũng ở cách nói dễ hiểu, gần gũi cho thấy tư duy và văn phong báo chí, phóng sự đậm nét trong tiểu thuyết của nhà văn. Ông thường suy nghĩ, phân tích cuộc sống ngay thời điểm hiện tại, trăn trở giải quyết vấn đề nhức nhối hiện hữu của cuộc sống thường ngày. Giả như nếu muốn tìm hiểu thêm về lịch sử thời kì Victoria, chúng ta có thể tìm đọc các tác phẩm của Charles Dickens, George Eliot, Alfred Tennyson, Elizabeth Barrett Browning... Riêng đối với trường hợp của Thackeray, ông lại nghiên cứu và lấy ý tưởng, tư liệu cho tác phẩm của mình phần nhiều từ cuộc sống đời thường. Ông tâm tình cùng bạn đọc từ chính những trải nghiệm trong cuộc đời của mình hơn là từ những vấn đề liên quan đến chính trị, kinh tế, khoa học, triết học và đời sống tôn giáo của xã hội lúc bấy giờ. Điều đó, theo chúng tôi, cũng là nền tảng cơ bản về mặt tư tưởng định hình nên phong cách châm biếm trong các tác phẩm của Thackeray.
Cái nhìn và cách viết của ông đã tạo ra một môi trường dân chủ khách quan hơn, bạn đọc vừa chơi (nhẩn nha thưởng ngoạn văn chương) vừa ngẫm, không bắt
buộc, không áp chế, không giả tạo. Tâm thế của người đọc hoàn toàn tự do trong tiếp nhận, tự do suy ngẫm, liên tưởng vận dụng một giá trị nhân sinh sâu sắc. Ông cũng như một nhà hiền triết của cái châm biếm vì đã thấu hiểu tinh thần ngàn đời trong nhân thế: Con người muốn cười, muốn nhìn và đánh giá sự vật ở góc độ hài hước để thấy đời sống đáng yêu, muôn màu, muôn vẻ. Họ muốn cười để tống tiễn cái xấu, cái cũ và lạc hậu, cái bảo thủ của chính bản thân và mọi người một cách vui vẻ.
Có thể nói Thackeray viết tiểu thuyết bằng cảm hứng nghiên cứu-phân tích của người hoạt động báo chí về vấn đề thời đại, con người và nghề văn hay kỹ thuật viết tiểu thuyết bằng một giọng điệu châm biếm hài hước khá lôi cuốn và kích thích tư duy bạn đọc.