Chân dung nhân vật biếm họa

Một phần của tài liệu (LUẬN án TIẾN sĩ) nghệ thuật châm biếm trong tiểu thuyết của william thacakeray (Trang 61 - 65)

Chương 2 SỰ PHA TRỘN CHÂM BIẾM CỦA CÁC THỂ LOẠI

2.2.2. Chân dung nhân vật biếm họa

Bên cạnh bức tranh xã hội rộng lớn điển hình mà Thackeray đã vẽ nên, ông cũng rất thành công trong từng chân dung biếm họa cụ thể, không thể nhầm lẫn. Đó là chân dung những kẻ thượng lưu quý tộc, thích khoe khoang sính chữ, sính đua đòi. Ấy thế mà cũng mỗi người một kiểu, mỗi người một gương mặt riêng, mang sắc diện khác nhau.

Nhà văn đã len lỏi vào ý nghĩ tâm trạng nhân vật, khắc hoạ nên những điển hình nhân vật sống động. Hội chợ phù hoa đã để lại những hình tượng nhân vật tiêu biểu cho một xã hội xa hoa, hãnh tiến, phù phiếm và giả dối: đó là Rebecca, là tôn ông quý tộc nông dân Pitt Crawley, là kẻ tư sản khôn ngoan lọc lõi ngài Osborne… Không tả bằng ngòi bút tỉ mỉ với các chi tiết tầng tầng lớp lớp của hiện thực như Balzac, Thackeray chỉ trưng ra các điệu bộ tính cách, tâm lí nhân vật, những nét phác họa giản dị, nhanh gọn nhưng toát lên bản chất nổi bật của nhân vật giống như cách thể hiện các nhân vật của kịch và chân dung nhân vật đậm nét tranh biếm họa. Người ta phải nể phục sự tài hoa nghệ sĩ ở ngoài đời của ông cũng như trong tác phẩm, bằng vài nét phác thảo giống như một họa sĩ đưa vài nét bút trên bức vẽ, nhân vật hiện lên sinh động không thể nhầm lẫn.

Xã hội muôn màu muôn vẻ ấy được tái hiện rất sống động trong Hội chợ phù hoa. Rawdon, con trai út của ngài Crawley, thuộc dòng dõi quý tộc. Chàng mang hàm

đại uý kị binh, ăn mặc rất lịch sự nhưng luôn miệng chửi thề văng tục đủ mọi thứ trên đời cho mọi người thưởng thức. Chàng là ứng cử viên số một cho cái gia tài giàu sụ của bà cô Rawdon, tuy chẳng có năng khiếu đặc biệt gì ngoài thiên tài cờ bạc nhưng không phải bao giờ cũng dùng được mánh khoé nên ngập ngụa trong nợ nần gần hết cả tiểu thuyết. Anh trai của Amelia, Joseph Sedley trong Hội chợ phù hoa, là một gã ngờ nghệch mới phất lên ở Ấn Độ. Gã là một chàng trai khoẻ mạnh, to béo, đi đứng khệnh khạng, ăn mặc khác người, thường đi ủng cao có dây trang trí, lòe loẹt, quàng khăn to sụ, mặc áo gi lê có sọc, áo vét màu xanh lơ, lại thêm đức tính siêng ăn nhác làm, tham lam và rượu chè, tính tình nóng nảy, gắt gỏng lung tung. Anh ta cũng là gương mặt tiêu biểu trong giới thượng lưu, thể hiện từ hình thể sự thừa thãi quá mức nhưng lại ngây ngô, khờ khạo và nhiều khi ngu đần. Gã bị Becky Sharp chăng bẫy ngay từ lần gặp đầu tiên nhưng không thành. Không bao giờ kết hôn, nhưng khi gặp lại Becky, gã chết mê chết mệt nàng và sống cùng nàng dù chẳng cưới xin gì. Và đời thật trớ trêu, hoặc số gã tưởng may mà không may, hạnh phúc không được bao lâu gã cũng quay ra tắt thở. Bằng tài năng văn chương của mình, Thackeray đã vạch trần chân thực sự phù phiếm, giả dối của giai cấp thượng lưu Anh từ thấp đến cao. Tôn ông Pitt Crawley đại diện cho tầng lớp quý tộc thôn quê, chúa đất một vùng, nghị sĩ quốc hội, lãnh chức vụ “bảo an đại quan” một quận; lão bóc lột nông dân tàn nhẫn đến mức hầu hết tá điền trong trang trại của lão đều bị phá sản. Lão lại có thói keo cú bủn xỉn: Ở trại, lão khoác bộ áo đài các của ông chúa một vùng, nhưng hễ ra tỉnh là nơi không ai biết mặt biết tên, lão ăn ở bần tiện đến bẩn thỉu. Ngài Pitt vô cùng sùng đạo và ôm giấc mơ chính trị to lớn, mặc dù rất hiếm ai đánh giá cao trí tuệ của ngài vì lẽ không đủ để có thể đánh giá. Ngài hiểu biết mọi mưu mẹo gian giảo trên đời chỉ mỗi sự thông thái rởm và bảo thủ ở ngài thì ngài không hiểu. Nhà nghị sĩ quốc hội ấy có cái đức không thèm đọc thông viết thạo; là đại diện cho dân nhưng lão chỉ thích những chuyện bắt người, đánh người. Lạc thú duy nhất của lão trên đời là rượu, đàn bà và kiện tụng.

Kết hợp với bức chân dung biếm họa, tác giả không phải chỉ dùng ngòi bút châm biếm của mình ở viền ngoài mà còn lách sâu vào bên trong để làm bật ra đối tượng châm biếm chính của ông đó là dục vọng của con người. Đây không phải là chủ đề mới nhưng cũng là một chủ đề không hề vơi cạn trong văn học. Mọi sự thống khổ của con người đều bắt nguồn từ dục vọng. Khái niệm này đã thể hiện sự tiêu cực, thái quá trong con người, lao theo, chạy theo bất chấp đánh đổi để giành giật danh vọng, tiền tài, chen chân đua đòi vào thế giới ăn chơi sa đọa để thể hiện khoe khoang với đời.

Vì thế không dừng lại ở vẻ về ngoài, tác giả còn trình bày cho ta rõ nguyên nhân gây ra tất cả những sự sa đọa của tôn ông Pitt là dục vọng về danh vọng tiền bạc. Ông ta giàu có thái quá cũng là từ thói biển lận, gian giảo, nham hiểm, mưu mẹo. Lại cũng chính sự giàu có cung cấp cho lão đủ mọi thứ khoái lạc vật chất trên đời, cho nên lão không thiết gì đến tôn giáo, mà cũng không thể vươn tới tín ngưỡng được như Chúa trời đã nói: “Kẻ giàu có muốn lên thiên đường, khó như con lạc đà chui qua lỗ kim”. Đó cũng là nguyên nhân gây ra mối mâu thuẫn đặc biệt giữa lão và ông em trai là mục sư Bute Crawley. Suốt đời lão đã tự ý bóp nghẹt tất cả những tình cảm cao quý để thay vào bằng những dục vọng thấp hèn. Nhưng đến khi bị bệnh làm tê liệt thân thể, bất lực không còn hưởng thụ được nữa, lão mới cảm thấy một sự trống trải ghê gớm xâm chiếm tâm hồn; ấy là lúc phần con người của lão mới thức tỉnh. Một kẻ suốt đời làm ác, lúc hấp hối mới thoáng có một chút ăn năn thành thực.

Nếu Pitt Crawley tiêu biểu cho hạng quý tộc thôn quê ngu dốt, tục tằn và bần tiện, thì hầu tước Steyne tiêu biểu cho giới đại quý tộc ở triều đình, danh vọng to, quyền thế lớn, nhưng cũng sa đọa một cách lịch sự hơn, có học thức, tế nhị và thông minh, nhưng cũng xảo quyệt và tàn nhẫn hơn. Lão là trụ cột của triều đình, tiền nhiều của nhiều, mà nói đến những dục vọng đê tiện thì cũng không ai bằng lão. Lão vớ được tước hầu trong một canh bạc, lấy thế lực và tiền tài để mua dư luận báo chí, chuyên dùng bả vinh hoa để quyến rũ đàn bà con gái và căn cứ vào kinh nghiệm của mình, coi rẻ nhân phẩm của tất cả những ông chồng có vợ đẹp. Đúng tư cách một nhà quý tộc, lão thù ghét con trai cả, vì hắn là kẻ đang nhòm ngó địa vị hầu tước thế tập và cái gia tài kếch xù của lão. Trước mặt thiên hạ, lão là một nhân vật thượng lưu kiểu mẫu, được giới quý tộc coi là “khuôn vàng thước ngọc” cho cách ăn ở, nhưng trong gia đình, đối với vợ con, lão là “một tên bạo chúa”, buộc vợ phải tiếp nhân tình của lão thật lịch sự, nhiếc móc con dâu một cách thô bỉ tàn tệ. Trong cái gia đình tôn quý diễn cảnh xa hoa hạnh phúc ấy cũng có cảnh “ông ăn chả, bà ăn nem”. Lão cũng không từ cả thủ đoạn cho tay sai giam người chồng lại, để tự do với vợ người ta, và khi bị làm nhục thì phái người đi dàn xếp và bảo vệ danh dự bằng cách chuồn ra nước ngoài. Hầu tước Steyne thuộc loại người quá nhiều tiền bạc và thế lực, lão là con đẻ của một chế độ tất yếu sản sinh ra những tên bạo chúa.

Tác giả còn khắc họa một nét tâm lý đặc sắc của hạng người này là cuộc sống sa đọa đã làm cho con người của chúng biến thái: quen được cuộc đời chiều chuộng quá đầy đủ. Chính hầu tước Steyne đâm ra chán ngấy tất cả những lạc thú vật dục

nhưng vẫn lao theo những lạc thú ấy do thói quen bản năng. Thì ra xã hội thượng lưu đã tạo cho lão những kỹ nghệ lõi đời trong sự phạm tội. Với thói quen chà đạp và làm hư hỏng người khác, dần dần lão thù ghét và khinh bỉ hết thẩy mọi người, trong tâm hồn lão, những tình cảm tốt đẹp cũng hoàn toàn tê liệt. Lão chỉ có cảm tình với hạng người tồi tệ, phản bội. Lão yêu Rebecca không những vì dục tình, mà còn vì cô ta là hiện thân của người đàn bà lý tưởng xứng đáng với lão. Rebecca cũng có những dục vọng mãnh liệt, cũng thông minh song xảo quyệt, cũng vô tình, vô nghĩa và dám liều lĩnh không kém gì lão. Cho nên chỉ có một lần hầu tước Steyne say sưa hào hứng, tức là lần xem Rebecca đóng vai kịch Clytemnestra giết chồng như thật; có thể nói buổi tối hôm ấy lão mới yêu Rebecca thật sự.

Một đặc điểm thống nhất giữa Steyne và Pitt Crawley là thái độ vô tín ngưỡng. Pitt vì ngu dốt không hiểu được tôn giáo, và cũng vì không cần tới tôn giáo nên coi rẻ; nhưng Steyne thông minh, có học mà cũng không thiết gì đến Chúa trời. Hắn nuôi hai tu sĩ trong nhà, một mục sư Anh quốc giáo, một linh mục Gia-tô giáo chính thống, để thỉnh thoảng khích bác họ cãi lộn nhau mua vui. Tinh thần vụ lợi của thời đại đã hạ thấp vai trò tín ngưỡng xuống thành một vật trang sức, Steyne là một quan lớn còn cần tới nó phần nào để che mắt thế gian, nhưng Pitt không cần thì vứt xó. Hình ảnh Pitt Crawley (con trai) minh họa cho nhận định này: hắn làm ra vẻ mộ đạo để được lòng mẹ vợ, nhưng hắn cũng sẵn sàng nhảy từ Gia-tô giáo chính thống sang Anh quốc giáo để dễ mưu địa vị trong chính giới, và Pitt là một tay Tory chính cống. Đó là những hình ảnh trung thực của giới quý tộc Anh đang phá sản về mặt tinh thần. Đáng tức cười hơn nữa là những nhân vật thượng lưu quý phái ấy vẫn cứ “thành thực” tưởng mình là cao quý hơn người. Chúng bám lấy giai cấp tư sản để làm tiền, nhưng vẫn có thái độ rẻ rúng. Trong khi ấy bọn con cái nhà tư sản lại ra sức leo lên địa vị quý tộc để rồi quay lại miệt thị ngay chính giai cấp mình. Ngòi bút của Thackeray không một chút nương tay, ông đã bóc trần bộ mặt của chúng bằng những đường nét sắc sảo.

Thế giới của Hội chợ phù hoa là thế giới thượng lưu với vẻ ngoài danh giá, sang trọng nhưng bên trong lại thối ruỗng, mục nát. Mmột thiếu nữ trong tay không có gì ngoài vẻ bề ngoài dễ coi như Rebecca cũng dễ dàng có thể leo tới vị trí của một bậc mệnh phụ phu nhân quyền uy, đài các. Đó là bởi những tố chất thiên bẩm như trục lợi, tham lam, ích kỷ, tàn nhẫn của Becky cũng chính là bản chất thực sự của cái tầng lớp mà cô ta cố len lỏi vào. Xã hội bị chi phối bởi tiền tài và danh vọng với những tôn ông hà tiện Pitt Crawley, những hầu tước Steyne xảo quyệt, tàn nhẫn chắc chắn sẽ hoan

nghênh đón nhận một cá nhân cũng coi đồng tiền là sức mạnh tối thượng và danh vọng là cái đích của cuộc đời.

Xã hội đã nảy nòi ra những kiểu loại người như thế. Trong cái hội chợ ấy, nếu bản thân không thể chống lại được sự cám dỗ của nó thì chúng ta sẽ bị cuốn đi, cuốn sâu vào một vòng xoáy ảo tưởng với những phù phiếm giữa đời. Những chân dung biếm họa như Rebecca, Barry Lyndon chính là một bài học cho sự trưởng thành và trả giá đầy buồn bã ấy. Với ngòi bút châm biếm quyết liệt sâu cay, tác giả muốn chia sẻ, nhắc nhở người đọc có thể dừng lại giữa dòng đời để chiêm nghiệm, suy ngẫm. Đừng để chính mình bị lạc vào mê cung đầy ảo ảnh và cám dỗ, để cuối cùng lại đánh mất đi điều giá trị nhất của cuộc sống, đó chính là đạo đức. Mỗi cá nhân có nhân phẩm tốt đẹp, xã hội ấy sẽ tốt đẹp, văn minh hơn.

Bằng tài năng của mình, Thackeray đã tái hiện chân thực thế giới thượng lưu giả dối, đầy rẫy những góc khuất xấu xa. Ông cũng dùng ngòi bút châm biếm khắc họa đậm nét về thói giả dối, bất lương để phê phán, lên án những cái xấu xa tồn tại đầy rẫy trong xã hội. Các bức chân dung của ông đã kết hợp được tính hội họa với phân tích tâm lý, cái chung với cái riêng, cái tĩnh với cái động một cách khá nhuần nhuyễn. Thackeray khai thác chi tiết về thân hình, bộ mặt, dáng điệu với tả hành vi, cử chỉ, qua đó mà bộc lộ những nét chủ đạo trong tính cách. Vì thế, nhiều khi chỉ qua ít nét chân dung mà lột trần bản chất con người bên trong của nhân vật. Trong rất nhiều trường hợp, những chân dung “ký họa” của ông đã để đời trong lòng bạn đọc. Chỉ cần vài nét nhấn, vài nét tô đậm, Thackeray đã phác ra được một bộ mặt, một tư thế, một kiểu người, vừa phù hợp với bản chất xã hội của nhân vật, vừa thể hiện được cá tính riêng. Qua những chân dung biếm họa sắc nét ấy, nhà văn gửi gắm tới độc giả hãy biết ghê tởm sự phù phiếm bề ngoài để quý trọng sự trung thực, lương thiện và hướng tới cái đẹp nội tại trong cuộc sống.

Một phần của tài liệu (LUẬN án TIẾN sĩ) nghệ thuật châm biếm trong tiểu thuyết của william thacakeray (Trang 61 - 65)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(162 trang)