Lập luận, lí lẽ theo nguyên tắc “lột mặt nạ”

Một phần của tài liệu (LUẬN án TIẾN sĩ) nghệ thuật châm biếm trong tiểu thuyết của william thacakeray (Trang 124 - 127)

Chương 4 BÌNH LUẬN NGOẠI ĐỀ MANG MÀU SẮC CHÂM BIẾM

4.1. Châm biếm mang màu sắc trí tuệ

4.1.2. Lập luận, lí lẽ theo nguyên tắc “lột mặt nạ”

Lập luận là sử dụng lý lẽ để đi đến mục đích cần đạt được về giá trị chân lí hoặc về hiệu quả thực tế. Lập luận châm biếm khác với lập luận thông thường ở chỗ mục đích, nó không nhằm thuyết phục hay dẫn dắt người nghe đi đến một kết luận, mà nhằm tạo ra hiệu quả phê phán hay mỉa mai thông qua công cụ chính là cái cười. Trong lời bình luận ngoại đề, Thackeray cũng tăng cường rất nhiều câu lập luận, nhiều lí lẽ để vạch trần bản chất của nhân vật biếm họa theo nguyên tắc “lột mặt nạ”.

Nguyên tắc bóc trần, phanh phui bộ mặt giả tạo của nhân vật thể hiện rất rõ trong tiểu thuyết Hội chợ phù hoa, với nhân vật Becky. Becky Sharp là một người phụ nữ giao xảo, với những việc làm đáng xấu hổ nhiều không đếm xuể. Nhưng một trong những việc làm đáng nói nhất của ả là bỏ trốn theo nhân tình là đại tá Rawdon Crawley, để rồi lại hối hận vì nếu biết thế thì ả đã chẳng cưới Rawdon mà đợi thêm một khoảng thời gian nữa sẽ được làm vợ ngài Pitt Crawley (cha đẻ của Rawdon). Cuối cùng Rawdon, chồng ả, cũng bỏ ả vì biết đến mối quan hệ nhân tình ngoài luồng của vợ mình với huân tước Steyne. Bỏ chồng, Becky liền cặp ngay với một lão béo phị tên Joe Stanley, để đổi lại là chuyến du lịch quanh châu Âu của hai người. Joe phung phí tiền bạc và đột nhiên chết, bất thường đến mức người ta đã phải mở một phiên tòa để xử nhưng cuối cùng lại chẳng tìm ra ai bị buộc tội, đến mức vị thẩm phán cũng phải thốt lên rằng đây quả thực là một trong những phiên tòa kì lạ nhất mà ông từng xử. Becky được nhận tiền bảo hiểm sau cái chết của Joe, và chuyển đến thành phố Bath sinh sống. Tại đây, ả được một nhóm những người “tài giỏi” nhất vùng nhận xét rằng “quả là một người phụ nữ quá đỗi đáng thương”. Becky giờ đây đã trở thành một người sùng đạo, hay đi nhà thờ và để hình ảnh của mình trở nên sùng tín hơn, ả luôn mang theo một người hầu đi sau lưng mình. Thackeray viết: “Tên cô ta có trong tất cả

các danh sách nhà hảo tâm quyên góp từ thiện. Từ cô gái tên Orange cơ cực, đến người thợ làm trong tiệm giặt là, cả người đàn ông luôn giữ bộ mặt đau buồn tên Muffin đều coi Becky là người bạn thân thiết và hào phóng. Ả luôn có một tiệm hàng trong mỗi dịp hội chợ Fancy Fairs để dùng lợi nhuận thu được giúp đỡ những người còn khó khăn. Và đó là cái kết cho câu chuyện về Becky ma mãnh, gian xảo. Những lời châm biếm giàu màu sắc tôn bức họa Rebecca trở nên sống động, chứ không đơn thuần là bức tranh xấu xí về “con thủy quái” gớm giếc. Các nhà nghiên cứu đều đồng tình rằng khi người kể chuyện làm ra vẻ về “hùa”với nhân vật để biện hộ song chính những lời ấy như những nhát dao, những lời sắc nhọn nhất đóng đinh nhân vật lên cho người đời bêu riếu. Giọng châm biếm càng nghiêm trang bao nhiêu, tác dụng của nó càng mạnh mẽ bấy nhiêu. Nhưng đúng là “ẩn dưới những lời trào phúng nhẹ nhàng là những ý tứ kín đáo bắt ta phải suy nghĩ mới hiểu hết được” [65,2].

Yếu tố bất ngờ và thú vị ở đây là giọng điệu của tác giả có vẻ thiên về đồng tình, ca ngợi kích thích sự hiếu kì tò mò của người đọc nhưng sau đó lại chuyển hướng nhằm đả kích phê phán không kém phần cay độc, quyết liệt. Nói về dịp ăn mừng hay hội hè là một nhu cầu giao lưu tất yếu của xã hội thượng lưu. Ở đó họ được là mình, khoe khoang sự giàu có, vị trí của mình trong xã hội. Thackeray cũng rất hóm hỉnh và dí dỏm khi khắc họa các bữa tiệc tùng đó. Trong tiểu thuyết Gia đình Newcome, quý bà Maria xuất hiện trong bữa tiệc của mình với vai trò như một người chủ nhà một cách đầy mỉa mai châm biếm. Bà mời các nhân vật đáng chú ý tới với hy vọng rằng việc kết hợp giữa những người này sẽ phản ánh sự tín nhiệm và tầm quan trọng của mình. Hầu hết khách mời của bà Maria tham gia vì lý do giống nhau và không có mục đích tới sự kiện đó để vui vẻ và thư giãn. Trên thực tế, “sự thư giãn khá là ít ỏi, nó được ví như việc nuôi dưỡng một cơ thể thiếu chất, dấu hiệu rõ ràng nhất của sự thiếu hụt là mất đi đáng kể sự tồn tại các yêu cầu thiết yếu khác nhau của con người”. Lời bình luận với hàm ý so sánh thú vị ấy gợi cho bạn đọc liên tưởng nhiều chiều và tạo ra tiếng cười sâu sắc vì bộ mặt giả tạo của đám đông kia đã bị lật tẩy.

Vẫn là vấn đề châm biếm phê phán sự sắp đặt kiểu hôn nhân thương mại trong giới thượng lưu trong tiểu thuyết Gia đình Newcome, tác giả giới thiệu một nhân vật có thế lực, quyền uy chức trọng trong xã hội ấy là Barnes. Barnes là nhân vật chính đầy hợm hĩnh, một kẻ giả nhân giả nghĩa lấy vẻ bề ngoài làm vỏ bọc che khuất những hành động ô nhục và sự thiếu tình người của hắn. Hắn ta là một phần mở rộng sống động của môi trường hắn sống, và hắn có thể khiến cuộc hôn nhân với Clara dễ thở

hơn bởi số của cải sở hữu và một vị thế được xã hội kính trọng. Tuy nhiên tác giả đã không ngần ngại bình luận: “Nói theo một cách khác thì hắn ta bị tẩy trắng một cách quá kỹ giống như những lăng mộ đá trong toàn bộ lịch sử loài người”. Giọng điệu ấy tuy phóng đại, cường điệu trong lối so sánh ví von đôi chút những cũng đủ để độc giả cảm nhận thấy sự đả kích cay độc, trào phúng và sự bài trừ quyết liệt đối với những kẻ như hắn ta.

Cứ như thế trong bình luận ngoại đề tác giả viện dẫn những lời lẽ để lí giải, hoặc đưa ra một chuỗi các dẫn chứng dẫn dắt bạn đọc, giọng điệu rất nghiêm túc nhưng lại hàm chứa nghĩa phê phán châm biếm. Nhiều khi trong lí lẽ không có giọng ôn hoà, điềm đạm mà giọng điệu ở đây cũng khiêu khích và có tính tranh biện. Bình luận về sự kiện cả gia đình Osborn chào đón cô gái da đen lắm tiền nhiều của, giọng điệu cái “Tôi” ấy hùng hổ, căm phẫn “Trong Hội chợ phù hoa, người ta bám lấy bọn có của một cách rất tự nhiên. Nếu những người có tâm hồn đơn giản nhất thường quen nhìn sự thịnh vượng bằng con mắt có cảm tình (tôi thách người dân Anh nào dám bảo rằng không thấy hai tiếng “giầu có” có ý nghĩa trang trọng, nghe rất thú vị, và tôi thách cả bạn nữa, nếu người ngồi ăn với bạn có nửa triệu bạc, đố bạn không nhìn anh ta với đôi chút thiện cảm đấy)… Vậy nếu người thường vẫn có cảm tình với đồng tiền thì những con người ưa phù hoa còn thiết tha với nó đến đâu? Thiện cảm của họ xổ ra vồ vập chào đón đồng tiền. Đồng tiền làm thức tỉnh nơi họ bao tình cảm mặn mà đối với người có của đáng yêu” [65,386]. Tác giả cũng đưa ra các phản đề khiến người ta không thể ngồi yên: “Ai mà không thấy một khi đã dính đến chuyện tiền nong thì không những người bạn thân nhất đời, cũng rất sẵn sàng nghi ngờ buộc tội nhau là bất lương? Kẻ nào cũng xử sự như thế cả, tôi cho rằng ai cũng phải hết, và cuộc đời toàn là những trò bịp bợm” [65,337-339]. Người kể chuyện còn ra vẻ hiểu đời, đồng tình với cách hành xử giả dối, khuyên nhủ các bạn trẻ: “Đối với những người mới bước vào đời, tôi khuyên nên bắt chước thái độ khác nhau của cả hai người nói trên. Hãy tận dụng tất cả thiên hạ; đừng có làm ra vẻ khó chịu, hãy cứ nịnh nọt người khác ngay trước mặt họ, hoặc sau lưng họ nếu bạn thấy lời nói của bạn có hy vọng bay đến tai họ. Hãy làm như Colingua xưa kia, thấy bất cứ chỗ đất bỏ hoang nào trong nước là rút trong túi ra một hạt dẻ lời tán tụng của mình như vậy mới được. Một hạt dẻ rừng không đáng bao năm nhưng một ngày kia rất có thể nó trở thành một cây đại thụ đấy” [65,354]. Cái Tôi ấy nói bằng giọng điệu sôi nổi, khiêu khích, bắt bẻ khi đối thoại với bạn đọc nói chung, khi gọi tên đích danh tên người đối thoại để đối đáp khiến không

khí tác phẩm trở nên ồn ào, náo nhiệt hơn, cũng như không khí Hội chợ phù hoa ấy khuấy động không khí tác phẩm.

Những lối nói viện lí lẽ thông thường tưởng như rất logic về tư duy lại đầy hàm ý kích thích tư duy hài hước, mỉa mai của bạn đọc. Người viết luôn dụng tâm sao cho độc giả luôn tự suy ra điều tác giả muốn phê phán. Vì vậy lối nói châm biếm là dùng lý lẽ ngược đời rất phổ biến trong tiểu thuyết của ông. “Biết đâu Rebecca chẳng có lý… biết đâu giữa cô ta và một người đàn bà lương thiện, sự khác nhau chẳng phải chỉ là ở đồng tiền và sự may mắn? Nếu ta tính cả những ý nghĩ bậy bạ trong đầu thì chưa chắc người đời ai tốt hơn ai. Một cuộc sống sung túc nếu không khiến được người ta thực sự lương thiện, ít nhất cũng giữ cho người ta khỏi làm bậy. Một ông cố vấn thành phố vừa ăn tiệc toàn thịt rùa xong, hẳn không thèm chui ra khỏi xe mà lấy trộm một cái chân cừu của người khác; cứ thử bắt hắn nhịn đói, xem hắn có xoáy ngay một ổ bánh mì hay không” [65,121]. Tác giả miêu tả Becky xấu xa và đáng ghê tởm thật, nhưng không phải chỉ mình cô ta ưa thói hư danh hão huyền và sự phù hoa hư ảo. Ai cũng muốn leo lên bậc thang danh giá quyền quý của xã hội (chỉ có phương cách thực hiện là khác nhau thôi), những con người thời ấy và ngay cả xã hội thời này cũng vậy. Ước mơ và có tham vọng không hề xấu, có điều người ta cẩn phải biết giới hạn của nó... Có lẽ thế cho nên Hội chợ phù hoa dù miêu tả xã hội thượng lưu nhưng vẫn “thiết thực”, “gần gũi” với xã hội bây giờ, dù viết về tầng lớp cao sang quý tộc nhưng tác phẩm vẫn được bạn đọc bình dân đón nhận nồng hậu.

Có thể nói lập luận trong lời châm biếm theo nguyên tắc “lột mặt nạ” có vai trò đặc biệt quan trọng vì những giá trị phê phán, giá trị phản biện và xây dựng của nó trong đời sống. Ở đây, tác giả đã lột bỏ cái mặt nạ hào nhoáng bề ngoài mà các đối tượng đã cố công tạo dựng để phô bày ra cái bản chất giả dối, thô thiển không tương xứng. Tiếng cười châm biếm mỉa mai đã xé toang cái mặt nạ che dấu một cách không khoan nhượng, đả kích, bài trừ những cái tồn tại xấu xa trong xã hội. Chất triết lí cho thấy ngòi bút của ông không phải là phê phán đả kích một chiều, mà đó là sự kết tinh của chiêm nghiệm ngẫm nghĩ sâu sắc. Nhà văn dám nhìn thẳng vào đời sống mà phản ánh hiện thực khách quan phũ phàng. Sự kết hợp này cho thấy cái nhìn thẳng thắn và có chiều sâu suy nghiệm của Thackeray.

Một phần của tài liệu (LUẬN án TIẾN sĩ) nghệ thuật châm biếm trong tiểu thuyết của william thacakeray (Trang 124 - 127)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(162 trang)