Chương 4 BÌNH LUẬN NGOẠI ĐỀ MANG MÀU SẮC CHÂM BIẾM
4.1. Châm biếm mang màu sắc trí tuệ
4.1.3. Lối châm biếm bác học – cội nguồn văn học hài hước Anh thế kỉ XVIII
Mặc dù nước Anh nổi tiếng là một nơi nghiêm túc nhưng sự hài hước cũng thực sự là một đặc trưng của quốc gia nơi đây. Người Anh luôn phát hiện sự hài hước trong
hầu hết mọi thứ. Họ sử dụng tính hài hước để làm dịu bớt những giây phút bất hạnh, đau khổ nhất. Khi cuộc đời gặp biến cố, tiếng cười lại xuất hiện như một liều thuốc quan trọng của tinh thần. Vì vậy bất hạnh hoặc thất bại là những tư liệu phổ biến trong hài kịch Anh trong đó cung cấp nhiều câu hài hước để đời. Mọi nguyên nhân đều có thể được tìm về các vấn đề cội rễ, quy về nền di sản văn hóa riêng biệt của mỗi quốc gia. Với tính cách hài hước của dân tộc Anh, họ cũng đã kết tinh một nền văn học giàu bản sắc, đa dạng và phong phú.
Tính hóm hỉnh, hài hước là một yếu tố nổi bật trong văn học và văn hóa thế kỉ XVIII, đặc biệt trong thời kì Victoria. Hài kịch được biểu diễn ở mọi nơi, trở thành một nét văn hóa đặc trưng. Rất nhiều những tiểu thuyết gia thời kì này được xem là bậc thầy trong việc sử dụng yếu tố hài hước khi sáng tác như Charles Dickens và William Thackeray. Thackeray đã học hỏi, kế thừa rất nhiều các nhà văn trào phúng Anh thế kỷ XVIII. Độc giả không quên tập tuỳ bút nổi tiếng của ông Những nhà văn hài hước Anh (The English Humourists), tác giả có những lời bình thú vị và thực sự là một “tri kỷ” khi viết về Swift, Addison, Fielding và Smollett. Vì vậy đọc văn của ông, người Anh liên tưởng ngay tới những bậc tiền bối đi trước.
Các nhà văn hài hước Anh từ thế kỉ trước đã phát huy nghệ thuật châm biếm như một thứ vũ khí dí dỏm mà hiệu quả. Họ sử dụng sức mạnh của ngôn từ và ngòi bút để chiến đấu với các tệ nạn xã hội, với thói cường quyền của các thế lực chính trị và thế lực vô hình của đồng tiền. Về lịch sử, đây là thời kỳ tích lũy tư bản, cùng với sự phát triển kinh tế nhanh chóng mạnh mẽ xuất hiện theo đó mối quan hệ bóc lột ngày càng tăng. Quần chúng lao động ngày càng bị bần cùng hóa. Từ đó, trong xã hội đã xuất hiện dòng văn học phơi bày các khía cạnh xấu xa của giai cấp tư sản và thể hiện một thái độ châm biếm, mỉa mai. Nhà văn hài hước của thế kỉ XVIII trước hết phải kể tới là Jonathan Swift (1667 - 1745). Ông là một nhà văn châm biếm nổi tiếng của thời đại với các tác phẩm quan trọng: Cuộc giao chiến của sách, Truyện cái thùng, Dự án về việc sử dụng phổ biến sản phẩm công nghiệp, Bức thư của người buôn vải, Dự án đơn giản nhằm ngăn con nhà nghèo trở thành gánh nặng đối với cha mẹ chúng… Đó là những tác phẩm trào phúng, mượn hình thức khôi hài để nói lên các thực trạng của xã hội Anh. Tác phẩm nổi tiếng nhất của ông là Gulliver du ký (Gulliver's Travels) thuật lại những cuộc phiêu lưu của nhân vật chính là Gulliver, lần lượt đi qua các đất nước lạ thường. Tác phẩm mang nhiều ý nghĩa ám chỉ và phê phán xã hội Anh đương thời, chỉ trích tội lỗi và tệ nạn tham nhũng của giới cầm quyền Anh, cùng với sự bóc
lột người một cách tàn nhẫn, vô nhân tính. Câu chuyện dựa trên thực tế xã hội nước Anh đương thời. Nhà văn đã châm biếm hệ thống chính trị và tôn giáo của Anh, ở một khía cạnh sâu hơn, châm biếm những thói xấu ăn sâu vào bản chất con người. Qua đó, tiểu thuyết thể hiện ước mơ của tác giả về một thế giới hạnh phúc đích thực tồn tại chốn nhân gian.
Sự hấp dẫn của tác phẩm còn nằm ở kĩ thuật châm biếm tuyệt vời của ông. Swift tạo ra hiệu ứng châm biếm đầy đủ nhất bằng cách sử dụng sự mỉa mai, tương phản và biểu tượng. Thứ nhất, sự mỉa mai bằng lời nói có nghĩa là sử dụng các từ theo một cách ngược lại. Ý nghĩa ngụ ý thực sự trái ngược với nghĩa đen trên bề mặt ngôn từ. Nói cách khác, ông sử dụng các từ ngữ tích cực, ca ngợi để mô tả những cái xấu xa, đáng ghét, nhưng ngầm ẩn trong đó là sự khinh thường và chán ghét của tác giả. Cuốn sách mang lời mỉa mai từ đầu đến cuối câu chuyện. Thứ hai, sự mỉa mai bằng tình huống xảy ra khi có mâu thuẫn giữa các nhân vật với tình huống, mâu thuẫn giữa kỳ vọng của người đọc với kết quả thực tế của một sự kiện, hoặc sai lệch giữa các nỗ lực cá nhân với các sự kiện khách quan. Trong Gulliver du kí, sự phát triển cốt truyện thường ngược với những gì người đọc mong đợi. Thứ ba, Swift cũng sử dụng sự tương phản như một phương tiện hùng biện để tạo ra các hiệu ứng châm biếm. Để đạt được mục đích của châm biếm, ông đặt các chủ đề mâu thuẫn với nhau để mô tả và so sánh. Cuối cùng, cách phổ biến của ông để đạt được sự châm biếm là thông qua việc sử dụng một người kể chuyện, những ý kiến đơn giản và dễ hiểu của người kể thường trái ngược với cách hiểu của người đọc. Swift áp dụng kỹ thuật này trong Gulliver du kí bằng cách đặt Gulliver làm người kể truyện và luôn nhắc nhở người đọc rằng các sự kiện trong đó chỉ là một hình thức ảo tưởng. Kĩ thuật này đến thế kỉ XIX, Thackeray đã kế thừa và phát triển hơn khi ông xây dựng người kể chuyện xưng Tôi biến hóa khôn lường. Bằng nghệ thuật điêu luyện và ngòi bút châm biếm đầy tài năng của Swift, người đời đã xưng tụng ông với biệt danh là Rabelais của nước Anh và người học trò xuất sắc của ông chính là Thackeray.
Đại diện thứ hai phải nói tới là Henry Fielding (1707 - 1754). Ông là một tiểu thuyết gia người Anh và nhà viết kịch nổi tiếng với các tác phẩm châm biếm trào phúng, đồng thời là tác giả cuốn Tom Jones đứa trẻ vô thừa nhận. Mối quan hệ của W. M. Thackeray với người tiền nhiệm vĩ đại Henry Fielding đặt ra một vấn đề kịch tính trong lịch sử văn học Anh, được rất nhiều học giả về Thackeray quan tâm. Trong những năm đầu của sự nghiệp văn chương của ông, Thackeray đã công khai tuyên bố
Fielding là hình mẫu và người thầy của ông. Mối quan hệ đặc biệt này được các nhà nghiên cứu nỗ lực tìm hiểu ngọn nguồn, Frederic S. Dickson thực hiện nghiên cứu trong bài báo của ông William Makepeace Thackeray và Henry Fielding, Eva Beach Tbuster viết bài báo mang tựa đề Quan hệ văn học của Fielding và Thackeray, Wilson Rader đề cập trong nghiên cứu về Sự bất công của Thackeray với Fielding. Các nhà nghiên cứu khẳng định nhiều tiểu thuyết gia thế kỷ 18 là một đề tài yêu thích của Thackeray trong khi học ở Đại học Cambridge. William H. Thompson có kể lại trong câu lạc bộ văn học sinh viên, Thackeray đã hô vang những lời ca ngợi của các nhà văn hài hước Anh, đặc biệt là hình mẫu của ông ấy, Henry Fielding.
Sự đóng góp đầu tiên của Fielding đã chứng minh rằng Thackeray, giống như Fielding, ngay từ khi bắt đầu sự nghiệp văn chương của mình đã tuân thủ quan niệm thực tế về văn chương phản ánh hiện thực bằng cái nhìn lạnh lùng, khách quan. Ông phẫn uất khi gặp bất kỳ sự lý tưởng hoá và bóp méo thực tế trong các tác phẩm văn học. Vào giữa thập kỷ 1830, ông bắt đầu cuộc đấu tranh sắc bén và kiên quyết chống lại chủ nghĩa lãng mạn trong văn học và nghệ thuật, với tư cách vừa là một nhà phê bình vừa là một nhà văn. Giống như Fielding, vũ khí hiệu quả nhất của ông đã sử dụng là sự châm biếm và giễu nhại. Trong những năm 1830, quan niệm mĩ học và phương pháp sáng tạo của Thackeray có sự ảnh hưởng lớn bởi tác phẩm của người tiền nhiệm. Ông thể hiện sự ngưỡng mộ sâu sắc và chân thành đối với Fielding. Thackeray học trong những cuốn tiểu thuyết của Fielding việc trình bày cho người đọc một bức tranh hiện thực mạnh mẽ, chân thực về cuộc sống và cố gắng nói với họ toàn bộ sự thật về bản chất con người. Năm 1840, ông tìm thấy trong tiểu thuyết của Fielding nhiều giá trị đạo đức tích cực. Đó cũng là cách mà nhà phê bình Thackeray cố gắng để đấu tranh với sự vô đạo đức đang được nâng lên một tầm cao mới bởi xã hội tư sản thời kì Victoria. Những lời bút chiến cho thấy ông thích “chân lý thô” của cuộc đời được mô tả bởi Fielding, trái với hình ảnh hiện thực “được đánh bóng” trình bày trong các tiểu thuyết tình cảm hạng hai phổ biến trong xã hội thượng lưu. Từ đó Thackeray cũng khuyến cáo, cảnh tỉnh người đọc ở thời Victoria về việc “họ đang đọc sách về đạo đức giả”.
Trong suốt quá trình sáng tác, Thackeray đã kế thừa tinh thần châm biếm mang màu sắc khách quan, nghiêm khắc, sự phân tích, lí lẽ sắc sảo đầy trí tuệ của Fielding. Bên cạnh đó ông cũng học hỏi phong cách giản dị và ngòi bút châm biếm sắc nét của Fielding ở một số thủ pháp nghệ thuật: Cấu trúc ấn tượng với yếu tố của sự giễu cợt và
sự lạc đề thường xuyên; tính hài hước; chủ nghĩa hiện thực trí tuệ; ngòi bút châm biếm về sự hư hỏng và thói đạo đức giả. Sự lạc đề trong tiểu thuyết là chủ ý nghệ thuật để tác giả bày tỏ trực tiếp quan niệm của mình về nhiều vấn đề có liên quan đến tình tiết của tác phẩm: về tình yêu và hôn nhân, về tôn giáo và đạo đức, về sân khấu và cuộc đời, về văn học và phê bình, về chính thể và tự do… Ở đây bạn đọc không chỉ tiếp xúc với một nghệ sĩ mà còn gặp một học giả, một triết gia, một nhà luân lý và hơn hết là một người từng trải việc đời. Những nhận xét sâu sắc của ông thể hiện một học vấn uyên bác, một trí tuệ chín chắn, một tinh thần sắc sảo mà độ lượng. Trí tuệ ấy lại được khiếu hài hước và thái độ chân thành hỗ trợ, đã lôi cuốn sức chú ý của bất cứ một người đọc nghiêm túc nào.
Sự thông hiểu đến mức tri kỉ của Thackeray đối với các nhà văn hài hước Anh thế kỉ XVIII còn thể hiện ở tính kế thừa và sáng tạo trong ngòi bút châm biếm của ông. Chúng ta đã thấy sự trưởng thành của Thackeray trong bộ sưu tập các chân dung châm biếm trong Truyện về các trưởng giả học làm sang người Anh do một người trong bọn kể lại, Hội chợ phù hoa. Nhà văn còn thể hiện bản lĩnh ngòi bút ở kĩ thuật sáng tạo trong nghệ thuật châm biếm và kĩ thuật viết tiểu thuyết. Có thể nói, văn học hài hước Anh thế kỉ XVIII là nguồn nhựa sống nuôi dưỡng những cây đại thụ của nền văn học hiện thực phê phán những thế kỉ sau. Thackeray đã tiếp nhận nguồn mạch văn hóa ấy để tạo ra một tư duy nghệ thuật châm biếm chủ đạo và mang đến cho tiểu thuyết hiện thực một màu sắc hấp dẫn riêng biệt.
Nghệ thuật châm biếm có tính chất bác học của ông còn thể hiện ở sự tăng cường vốn hiểu biết về kiến thức liên ngành trong tiểu thuyết, nâng cao tầm trí tuệ cho bạn đọc. Tiểu thuyết của Thackeray xuất hiện nhiều kiểu so sánh về nhân vật văn học, điển tích văn học cũng như bàn luận về vấn đề thể loại, nghệ thuật. Nếu người đọc không am hiểu sẽ khó nắm bắt được tầm ý nghĩa – tư tưởng của lời văn. Chúng thường xuất hiện một cách đầy dụng ý, với tỉ lệ lớn. Từ chuyện có kẻ không chịu được ánh sáng chói chang của giới thượng lưu, ông đưa đẩy dẫn liên tưởng đến chuyện nàng Sémélé, mà châm biếm hài hước: “như xưa kia nàng Sémélé, một con thiêu thân dại dột đáng thương, đã bị cháy vì dám vượt khỏi môi trường tự nhiên của mình mà ngó thần Jupiter rực rỡ trong bộ áo lửa... câu chuyện của Sémélé, cũng rất có thể là câu chuyện cả Becky” [65,256]. Khi kể đến tình yêu Dobbin dành cho Emmy, người kể chuyện đã lập tức liên tưởng ngay tới vở kịch Othello của Shakespeare: “Người đàn bà nào có thể bực mình trước tâm tình của một con người chân thành và trung thực như
vậy? Xưa kia Desdemona cũng có giận Cassio đâu, tuy chắc chắn nàng biết viên tướng trẻ này yêu mình tha thiết (riêng tôi, tôi tin rằng trong câu chuyện đáng buồn này có nhiều uẩn khúc mà vị tướng quân người Môrơ không hề ngờ tới: tại sao Miranda vẫn đối xử nhã nhặn với Cassio)?” [65,410-411]. Ngôn ngữ của ông vừa giản dị vừa uyên bác, giàu trí tuệ. Thackeray không thích kinh viện sách vở nhưng việc sử dụng đúng liều lượng tầm hiểu biết đã khiến độc giả nhận thấy sự thích thú, làm phong phú hơn nhận thức của chính bản thân. Hơn nữa những kiến thức này lại được so sánh ví von rất hài hước, hợp lí hợp tình. Đúng như quan niệm về vai trò nhà văn của chính ông, Thackeray luôn mong muốn xây dựng tầm tư tưởng cho bạn đọc. Sau này các nhà văn hiện đại như Donald Barthelme đã phát triển kỹ thuật ấy một cách tài ba trong truyện ngắn Binh nhì cơ giới Paul Klee để mất một chiếc phi cơ giữa Milbertshofen và Cambrai tháng ba 1916. Nhà văn cứ trưng hết hiểu biết về các lĩnh vực khác nhau trong văn bản văn học buộc bạn đọc phải liên tưởng, phát huy vốn kinh nghiệm thẩm mỹ một cách tối đa.
Luôn trăn trở về vấn đề thể loại của tiểu thuyết, Thackeray cũng gửi gắm rất nhiều tâm tình trong các tác phẩm của ông. Pendenis (1848 - 1850), được viết ngay sau Hội chợ phù hoa, được ví như mảnh đất màu mỡ để nhà văn gửi gắm và trải lòng nhiều điều tâm niệm về nghệ sĩ, nghệ thuật và thể loại. Đâylà một thể loại tự truyện về sự nghiệp của một nghệ sĩ trẻ, nhân vật chính là Arthur Pendennis. Cuốn tiểu thuyết nói về một người nghệ sĩ khao khát sống theo đúng nghĩa một con người, khao khát sáng tạo. Anh ta không phải chỉ sống trong sự trải nghiệm thời gian từ tuổi trẻ đến tuổi trưởng thành hay sự lớn lên, già đi, anh ta mong muốn tìm hiểu nhiều giới hạn khác nhau trong cuộc đời giới hạn của quá khứ và tiếp tục sống hướng tới tương lai. Thông qua quá trình này, nghệ sĩ phải vật lộn đấu tranh để được là chính mình. Anh ấy đã cố gắng sống một cuộc đời tử tế trong cuộc đấu tranh căng thẳng giữa đạo đức và tâm lý, vấn đề hiện thực và nghệ thuật, sự thực và giả tạo, thực tế và ảo mộng. Trong quá trình nhân vật khám phá, trải nghiệm và nhận thức, Thackeray có dịp trao đổi tâm tình về những vấn đề ông nghiền ngẫm suy tư. Thackeray không hề suồng sã về nghệ thuật và thiên chức nghệ sĩ. Vì nếu thành thật và nắm bắt thực tại là việc khó khăn đối với một người thì chúng còn khó khăn cực độ đối với nghệ sĩ, người đã chuyển những trải nghiệm của mình thành nghệ thuật. Trong lời mở đầu, Thackeray viết “Tôi đề nghị mọi người tin rằng người viết này đang cố gắng để nói lên sự thật”. Và người viết là Pen, giống như “Pendennis” người cư trú trên thế giới này, có cùng một quy tắc ngầm.
Anh ấy cầu nguyện khi bắt đầu sự nghiệp văn chương của mình “Tôi cầu Trời tôi có thể nói lên sự thật trong khả năng hiểu biết của mình”. Trong lời bình luận ngoại đề, Thackeray thể hiện quá trình trăn trở của nghệ sĩ trẻ cũng như chính mình luôn tự hỏi bản thân về mối quan hệ phức tạp giữa trải nghiệm và biểu đạt, chân thực và sự giả tạo, hiện thực và hư cấu.
Suy ngẫm về vấn đề thể loại tiểu thuyết lịch sử, Thackeray đã viết nên cuốn tiểu thuyết lịch sử về Đế chế của Nữ hoàng Anne, đó là Henry Esmond. Nhà văn đã sử dụng những tài liệu về lịch sử, văn hóa nước Anh mà ông đã lưu trữ cộng với trí tưởng