Chương 2 SỰ PHA TRỘN CHÂM BIẾM CỦA CÁC THỂ LOẠI
2.3. Châm biếm bằng ngòi bút phê bình
2.3.1. Giễu nhại tiểu thuyết
Một trong những yếu tố làm nên sự đổi mới giọng điệu trần thuật trong tiểu thuyết đương đại là giọng giễu nhại. Giễu nhại là bắt chước để cười. Một trong những hiệu quả thẩm mỹ của giọng điệu giễu nhại là khả năng đem đến tính bất ngờ. Ở những trường hợp này, người kể chuyện thường giả vờ nghiêm trang thuật lại mọi chuyện để rồi “lỡm” độc giả bằng những bình luận sắc sảo, chua cay. Độc giả, nhiều khi đến cuối câu chuyện mới bật ngửa ra trước cái hài hước mà người kể chuyện đã đem đến.
Bàn về vấn đề tiểu thuyết, Thackeray bộc lộ rõ hơn hết tâm niệm, những điều trăn trở của ông về vai trò nhà văn và nghệ thuật tiểu thuyết nhưng qua hình thức thể hiện rất độc đáo: giễu nhại tiểu thuyết bằng ngòi bút phê bình. Nhưng dù ở cách thể hiện nào chúng ta đều cảm nhận sâu sắc tâm huyết của ông và bao dự định nung nấu tìm một hướng đi cho tiểu thuyết. Trong tác phẩm của mình, ông thường hay giễu nhại kiểu nhân vật chính diện hay những cuốn truyện tình phong nhã sướt mướt tình cảm, giễu nhại cách xây dựng tình huống “tình tiết gay go của những nhân vật tiểu thuyết thông thường”, có lúc tự trào, chế nhạo nhà tiểu thuyết uy quyền toàn năng, “biết tuốt”. Ngòi bút phê bình văn chương của Thackeray đã tạo ra một bút pháp phân tích tế nhị, tươi tắn trẻ trung pha chút ranh mãnh, tinh quái, có sắc thái khiêm tốn nhún nhường và duyên dáng. Ở đây có trào lộng hóm hỉnh cũng đầy chất nhân hậu, trầm lắng suy tư.
Tiểu thuyết Pendennis là nơi gửi gắm rất nhiều quan niệm của ông về tiểu thuyết cũng như phát huy ngòi bút châm biếm cao độ về những vấn đề hiện thực tồn tại nơi thế giới của nhà văn hòa trộn vào thế giới phù hoa, hư danh, nhiều ảo mộng. Ông viết: “Nếu lịch sử bí mật của những cuốn sách có thể được viết ra, và những suy nghĩ riêng tư của tác giả được ghi lại cùng với lịch sử ấy, thì chẳng thể biết được bao nhiêu tuyển tập vô vị sẽ biến thành thú vị và bao nhiêu câu chuyện ngu ngốc khiến độc giả thích thú!” [119,518]. Câu nói trên thường được trích dẫn thành một minh chứng cho vai trò quan trọng của yếu tố tiểu sử trong những cuốn tiểu thuyết của Thackeray. Sự hài hước mỉa mai ấy cũng cho thấy nỗ lực của nhà văn qua nhân vật Pendennis để viết nên “bí mật lịch sử” ấy. Chủ đề của cuốn tiểu thuyết không chỉ là tính chất của trải nghiệm – lớn lên, già đi, thay đổi, đi tới giới hạn của quá khứ và tiếp tục sống hướng tới tương lai mà
thông qua quá trình này nhà văn trẻ luôn có sự tranh đấu để là chính mình. Đây là câu chuyện của một gã đàn ông cố gắng để trở thành một quý ông và một nghệ sĩ. Ở đây Thackeray cũng tỏ ra là một tiểu thuyết gia đương đại rất giỏi trong việc mô tả kinh nghiệm phức tạp của một nhân vật trẻ tuổi đấu tranh thông qua những hoài nghi, nghi ngờ và trải nghiệm sai lầm của chính mình.
Ở một góc độ khác, nhà văn lại chế giễu thể loại tiểu thuyết lãng mạn ảo tưởng đang thịnh hành trong xã hội thời bấy giờ. Trong xã hội ấy hiện thực và ảo tưởng cứ thế quay cuồng lại với nhau trong tâm trí của nhiều người là nhà văn. Blanche Amory đương nhiên là một trường hợp sâu xa nhất trong dạng rối trí này. Cô ấy tự sáng tác ba quyển về cuộc đời của mình như pho tiểu thuyết lãng mạn, bận rộn tổng hợp tất cả những cảm xúc có thể được trích dẫn vào quyển sách thơ Mes Larmes và tình cảnh khốn khổ với những gai nhọn của cuộc đời làm cho tâm hồn cô ấy bị chảy máu. Cách viết thư của cô ấy là một hình mẫu: “Tôi đã đã rơi những giọt lệ cay đắng, cực kỳ cay đắng khi đọc thư của ngài! Tôi gửi đến ngài những vẫn thơ tràn trề nhất của nhân loại – những khát khao của tâm hồn luôn mong mỏi được yêu thương…” [123, 923]. Thậm chí tên của cô ấy cũng là một bút danh vì cô ấy đã lấy tên Blanche thay vì cái tên nhàm chán Betsy mà mẹ cô ấy đã chọn. Pen nói với cô ấy: “Em luôn đọc và mơ tưởng về những thước phim đẹp đẽ, và những màn lãng mạn thú vị trong đời thật” [119,920]. Pendennis đã hiểu rất rõ bản chất ấy, việc đính hôn với cô ấy cho thấy Pen đã thân thuộc với thế giới giả tạo, thiếu nền tảng của hiện thực trong giới văn chương lúc bấy giờ. Chương truyện mà anh ấy trở về làng quê và cầu hôn cô ấy được đặt tên là “Phillis và Corydon”, và đây cũng là đỉnh điểm giọng điệu nhại mô típ đồng quê trong kiểu văn chương lãng mạn: “Và em có thực sự thích đồng quê không thế?” anh ấy hỏi cô khi hai người đang cùng đi sóng đôi. - “Em cảm thấy như là mình sẽ chẳng bao giờ đến cái thành phố xấu xa ấy một lần nào nữa. Ồ, đúng vậy đấy thưa ngài Arthur – đúng thế, Arthur, vì những suy nghĩ tốt đẹp của một con người đang lớn dần lên trong những cánh rừng ngọt ngào và sự cô độc bình yên này, giống như những bông hoa kia sẽ không bao giờ nở ở London, anh biết đấy. Người làm vườn đến và thay hoa cho ban công của chúng ta một lần trong tuần. Em không nghĩ là em sẽ chịu đựng được khi đối diện với London một lần nữa – thành phố với gương mặt xấu xa, khói bụi, trơ trẽn!... A! Đâu là câu trả lời cho những điều này trong mắt của một phụ nữ trẻ? Đâu là phương pháp tiến hành để làm cạn kiệt chúng? Cái gì sẽ thay thế? Ô bồ câu và hoa hồng, Ô sương mù và hoa dại, Ô rừng xanh vẫy gọi và không khí dễ chịu của mùa hè!
[119,825 -826]. Đó là một đoạn văn kỳ diệu với cách sử dụng hình mẫu đồng quê, nơi chứng kiến tình yêu nảy nở và thắm đượm được tạo nên bằng cách học vẹt. Ở đó có hai người mang trong mình hơi thở của văn chương, đặc biệt là tính hay tự kịch hóa của Blanche đó đã tạo ra một màn hài dí dỏm về khoảnh khắc tự lừa dối bản thân, và tưởng tượng rằng họ đang yêu nhau, giống như Phillis và Corydon.
Trong tiểu thuyết nổi tiếng của mình, Hội chợ phù hoa, nhà tiểu thuyết cũng ý thức rất rõ về vai trò, tư cách nhà văn và nghề nghiệp văn chương. Ông luôn so sánh đối chiếu với cách xây dựng nhân vật, kết cấu ở nhiều tiểu thuyết khác để tìm kiếm nhận thức lại tư tưởng về thể loại. Từ đó, ông hài hước giễu nhại những thứ tiểu thuyết giả tạo: “Chả cần phải kể lại câu chuyện đang diễn ra giữa Sedley và cô thiếu nữ. Cứ xem đoạn trên đủ biết câu chuyện ấy không có gì là đặc biệt dí dỏm và hùng hồn. Trong những buổi gặp gỡ thân mật ít khi người ta trò chuyện với nhau theo kiểu này, không kể trong những tiểu thuyết kênh kiệu, giả tạo” [65,94]. Ông cũng nhại kiểu tiểu thuyết dành phần thưởng hạnh phúc vĩnh cửu cho nhân vật, nhại thể loại tiểu thuyết lịch sử... Giọng điệu trong ấy vừa có vẻ nghiêm túc vừa hài hước, vừa nghiêm chỉnh vừa bông đùa nhiều khi tinh quái dí dỏm khiến bạn đọc cũng lưỡng lự phân vân trong sự tự suy xét đánh giá “Trong mấy trang trước, kẻ viết truyện này đã mạn phép tự cho mình cái quyền được tò mò ngó vào trong phòng ngủ của Amelia Sedley và với con mắt “thấu suốt nghìn đời” của nhà viết tiểu thuyết, hiểu được những nỗi lo nghĩ, đau khổ êm đềm đang trằn trọc trên tấm gỗ vô tội kia”. Thackeray luôn giễu cợt sự toàn quyền, biết tuốt của nhà văn trong tác phẩm: “Và chắc anh ta đang tơ tưởng đến cô gái ở trên gác (vì các nhà tiểu thuyết vẫn có đặc quyền biết tất cả mọi sự)”. Ông như một con người cần mẫn muốn phá bỏ những cái cổ hủ ngự trị lâu đời trong tư duy tiểu thuyết nên luôn luôn nhắc nhở bạn đọc về “ảo giác hiện thực. Tiểu thuyết là tiểu thuyết, nó được viết như thế đấy, nó là thế giới được bàn tay nhà văn sắp đặt chứ không phải là cuộc đời thực.
Ý thức đối thoại với các nhà tiểu thuyết và các loại tiểu thuyết bao trùm trong
Hội chợ phù hoa. Phát biểu ở ngoài đời, Thackeray mỉa mai loại tiểu thuyết sính viết những điều cao xa, bay bổng lãng mạn khi đó: “Công chúng lịch sự không thể chịu đựng nổi một cuốn tiểu thuyết mô tả chân thực những thói ô uế của người đời, cũng như những phụ nữ chân chính lịch sự người Anh hoặc người Mỹ không bao giờ chịu để cho danh từ “cái quần” lọt vào tai tinh khiết của họ”. Thackeray đã cười nhạo những kiểu cách sang trọng của văn học bằng chất giọng nhại đặc trưng ấy.
Khi bàn về những vấn đề hết sức nghiêm túc, Thackeray lại tìm cho nó hình thức truyền đạt ngược lại và tiếng cười dí dỏm lập tức bật ra từ nghịch lí. Thackeray rất tâm đắc với nghệ thuật và hiệu quả của hài hước. Những lời nói tự trào giễu nhại ấy bắt nguồn từ nhu cầu nhận thức lại, tinh thần này ông đã truyền sang cho cả bạn đọc. Lời văn nhại tạo ra độ gián cách cho việc nhận xét, bình luận, tránh áp đặt đối với người đọc đồng thời nó làm cho sự vật hiện tượng được lật đi lật lại từ nhiều góc nhìn khác nhau nên không còn trở nên cũ kĩ quen thuộc. Bạn đọc tiếp nhận trong tâm trạng thoải mái cởi mở.
Sự giễu nhại tiểu thuyết của ông không chỉ tạo tiếng cười mà còn phản ánh nên một tình trạng tràn ngập những kiểu tiểu thuyết giả dối trên trong xã hội Anh thời bấy giờ, nhiều tiểu thuyết rẻ tiền câu khách đang đầu độc gu thẩm mỹ của độc giả. Sự thật phũ phàng khiến ông day dứt. Hơn thế nữa Thackeray cũng trăn trở về nghệ thuật tiểu thuyết. Từ người kể chuyện, ông luôn đánh động độc giả bằng sự nhắc nhở ảo tưởng về sự giống thật của tiểu thuyết. Phong cách viết này cũng rất nhiều lần được Mạc Ngôn sử dụng trong tiểu thuyết của mình. “Bạn đọc thân mến!”, ông đã mở đầu lời mời gọi bạn đọc và bàn về kỹ thuật viết, tiến trình xây dựng tác phẩm ngay trong tiểu thuyết của mình. Nhiều khi nhà văn cũng không ngần ngại bày tỏ những băn khoăn, suy tính trong việc tổ chức tình huống truyện trong Sống đọa thác đày: “Tôi không thể diễn tả được nỗi đau của Giải Phóng, bởi vì có nhiều nhà tiểu thuyết vĩ đại gặp phải những tình huống tương tự đã viết những câu văn bất hủ, cho nên tôi biết Giải Phóng rất đau, thế thôi, không cần vẽ rắn thêm chân nữa” [55,786] hoặc: “Câu chuyện diễn ra sau đó vô cùng thê thảm. Bạn đọc thân mến! tôi không hề có ý thêm thắt, mà chỉ kể lại trung thực số phận nhân vật mà thôi,… tôi không muốn kể nữa, nhưng đã trót mở đầu thì phải có kết thúc, đành lòng làm một người kể chuyện độc ác vậy!”[56,809]. Nhà văn của thời kì hậu hiện đại cũng luôn cho người đọc biết chuyện bếp núc của sáng tác văn chương để cảm nhận tác phẩm bằng đầu óc duy lý như thủ pháp gián cách trong kịch của Berton Brech. Có thể nói từ Thackeray hay Mạc Ngôn trong khát vọng đổi mới đã gặp gỡ nhau trong tư tưởng biến tác phẩm thành một trò chơi ngôn ngữ (language games) để phát huy tính dân chủ tối đa.cho tiểu thuyết.
Không dừng lại ở sự giễu nhại tiểu thuyết Thackeray còn tự trào cái tôi của nhà tiểu thuyết. Ông tiếp tục vận dụng một phong cách châm biếm khác, tư duy và cách biện luận của một nhà báo, tạo ra tiếng nói kích thích, muốn tranh luận khích bác, giễu
nhại, nhằm phản bác ngầm mà vẫn rất sắc sảo. Với việc vận dụng cách viết đa phong cách trong tiểu thuyết, ông càng ngày càng tạo ra chiều sâu cho ngòi bút châm biếm.