Chương 2 SỰ PHA TRỘN CHÂM BIẾM CỦA CÁC THỂ LOẠI
3.2. Kiểu nhân vật mặt nạ-con rối của Thackeray
3.2.1. Kiểu nhân vật mặt nạ-con rối xấu xa
Ở loại thứ nhất đó là hệ thống nhân vật trong giới quý tộc, những kẻ trưởng giả hám danh lợi, chạy theo thói phù du của người đời. Đó cũng là những kẻ đổi dạng, biến hình theo thời thế, không giống như bản chất thực ban đầu của nó. Bởi vì con người muốn tồn tại trong xã hội thì cũng phải học cách thích nghi với điều kiện và hoàn cảnh. Vì vậy nhiều nhân vật mang mặt nạ có chủ ý. Thackeray, với nụ cười hóm hỉnh xen lẫn châm biếm chua cay của mình, đã vạch mặt cái vỏ đạo đức giả của xã hội tư sản đương thời. Nhà văn đã vẽ cụ thể kiểu nhân vật đeo mặt nạ mà cười cợt chế giễu. Bằng ngòi bút trào phúng tài tình, nhân vật như tự lột bỏ cái mặt nạ hào nhoáng cố công tạo dựng bên ngoài, bóc trần bản chất giả dối bên trong. Ngay từ năm 1846, Thackeray đánh động lòng tự ái của giới quý tộc hợm hĩnh bằng cuốn Truyện về các trưởng giả học làm sang người Anh do một người trong bọn kể lại. Tuy nhiên, đây mới chỉ là tập hợp các bài tiểu luận đả kích những thói “rởm đời” phát triển tràn lan trong xã hội Anh thời ấy. Sau này các chân dung ấy không chỉ là số đông với sự biểu hiện đa dạng phong phú mà còn chi tiết sắc nét hơn rất nhiều, tiêu biểu có thể nhận diện hai gương mặt là Barry Lyndon và và Becky Sharp.
Trong May mắn của Barry Lyndon, truyện dài tập in trên tờ Fraser's năm 1844, Thackeray khai thác tình huống một kẻ ở tầng lớp bình dân tham vọng, cố len lỏi gia
nhập vào cái giai tầng quý tộc Anh bất chấp mọi thủ đoạn. Chủ đề này cũng thực sự thành công trong Hội chợ phù hoa với cô nàng Becky Sharp. Nét độc đáo là đây chính là tự truyện của nhân vật Barry Lyndon, một cựu chiến binh trong quân đội Anh và Prussian trong Chiến tranh Bảy năm (1756-1763). Barry tin rằng mình trẻ tuổi, là một người đàn ông can đảm và thiên tài, ngộ nhận về tài năng của mình. Anh ta khát vọng, đeo đuổi được gia nhập vào xã hội thượng lưu Anh. Barry đua đòi học cách ứng xử sao cho mình giống quý tộc Anh và bắt đầu tin tưởng rằng “quý tộc người Ailen... nói nhiều hơn những người láng giềng xung quanh họ”. Mặc dù rất thông thạo tiếng Ailen, nhưng Barry đã xa lánh dân tộc mình để chứng tỏ mình là một người Anh thực thụ. Sau khi rời quê hương vì bắn một người đàn ông trong một trận đấu, anh ta trở thành một người lính của quân đội Anh, cũng là một tay cờ bạc chuyên nghiệp. Bên trong là kẻ tận dụng cơ hội, lợi dụng phụ nữ và trẻ em nhưng bên ngoài anh ta luôn thể hiện là người đàn ông hào hoa, lịch lãm, một kẻ thượng lưu xa hoa luôn tán tỉnh các quý cô nhẹ dạ cả tin. Cuối cùng anh ta cũng kết hôn với cô vợ quý tộc góa giàu có và leo lên nhiều chức vụ cao cấp của thành phố. Phần kết của cuốn tiểu thuyết, anh ta phải ngồi tù cho những hành động sai trái thiếu năng lực của mình. Cái thú vị của kiểu nhân vật mặt nạ ở đây là nhân vật chính cũng là người kể chuyện, anh ta viết hồi kí kể lại câu chuyện của mình. Kế thừa truyền thống của Tobias Smollett và Henry Fielding, Thackeray cũng thể hiện một thể loại tiểu thuyết phiêu lưu hấp dẫn, vẽ nên chân dung một kẻ bất lương mánh khóe (Picaro) quay cuồng trong trò chơi cờ bạc, quyền lực và danh lợi. Nhưng nhân vật đeo mặt nạ này không đơn giản một chiều cho việc kể chuyện đời mình hay là lời thú tội của anh ta, độc giả được chứng kiến nhiều bộ mặt khác nhau của anh ta trong đời sống. Với bản chất của kẻ tham quyền đạt lợi đây có phải là lời chân thành và đúng sự thật như anh ta thú nhận không hay bạn đọc vẫn phải rất tỉnh táo trước câu chuyện kể và các giọng điệu kể vừa châm biếm mỉa mai vừa hài hước giễu cợt.
Có thể nói trong những năm 1840, có hai phiên bản nổi tiếng của anh hùng Picarda ở nước Anh mà Thackeray đã xây dựng thành công, một người đàn ông - Barry Lyndon và một phụ nữ - Becky Sharp, diễn tả sâu sắc một câu chuyện đeo đuổi giấc mộng thượng lưu cũng không kém phần phiêu lưu hấp dẫn. Không chỉ thế các nhân vật mặt nạ này còn có hàng ngàn khuôn mặt khác, có nhiều câu chuyện tham vọng, mưu mô, gian lận, lừa đảo khác nhau để theo đuổi thói phù hoa ảo mộng cuộc đời. Trong muôn gương mặt của xã hội phù phiếm ấy, còn có Pendenis là một kiểu anh
hùng chống đối nhưng không có cái mánh khóe, mưu mô sắc sảo nên lại trở thành kẻ đeo mặt nạ yếu thế và như Trollope quan sát, anh ta “yếu đuối, ích kỷ và không đáng tin cậy”…
Bước chân ra khỏi thế giới phù hoa của Thackeray của thế kỉ XIX đến thời hiện đại con người vẫn cảm thấy ông đã phát hiện và xây dựng nên một thế giới rất người. Vì có lẽ mãi sau này con người vẫn không thôi chen chân vào thế giới xô bồ ấy. Trong văn chương Mỹ với Gatsby vĩ đại của nhà vănFrancis S. Fitzgerald, người đọc tiếp tục nhận ra một xã hội thực dụng, con người tôn sùng vật chất và không thôi mơ mộng ảo tưởng về một tình yêu, hạnh phúc trong tiền bạc, giàu sang phú quý, phô trương uy quyền, danh vọng. Trong thế giới ấy, người với người sống trong sự lạnh lùng và giả dối; mưu toan và ích kỉ. Câu chuyện về nàng Becky Sharp, chàng Barry Lydon hay chàng Gatsby cố ngoi lên xã hội thượng lưu đã không còn xa lạ nữa.
Bằng sự chiêm nghiệm của con mắt tinh tường trước hiện thực thời đại, giọng văn điềm tĩnh khách quan pha giễu nhại hài hước, Thackeray đã phát hiện ra một hội chợ phù hoa với cái vỏ đạo đức giả, còn “Fitzgerald lại khắc hoạ sâu sắc bức chân dung thời đại mất mát, phát hiện bản chất của giấc mơ Mỹ đang tan vỡ trong lòng nền văn minh vật chất ngự trị” [45,12]. Sự tái hiện hình ảnh rất quen thuộc trong tiểu thuyết của hai ông cho thấy sự gặp gỡ trong cảm quan nhân sinh của các nhà văn hiện thực về cuộc sống con người: những ngôi biệt thự lộng lẫy, những buổi tiệc tùng xa hoa, đông đúc, các kiểu váy áo trưng diện, đắt tiền dự tiệc suốt ngày đêm, đèn đuốc sáng trưng, âm thanh rộn rã, và bao quý ông, quý bà sang trọng, ngất ngây trong rượu cùng tình. Các tiểu thư, quý bà xinh đẹp, nhàn hạ, sung sướng đến nỗi cảm thấy vô vị, không biết phải làm gì cho hết thời gian, không biết phải nói chuyện về cái gì, nói thế nào cho xứng tầm quý tộc. Họ vui vẻ, tán tỉnh, ngoại tình với nhau. Các quý ông cố tỏ ga lăng, lịch sự một cách hợm hĩnh, quý bà quý cô duyên dáng với nụ cười giả tạo, sự cảm động vờ vĩnh hay những giọt nước mắt tỏ ra nức nở nghẹn ngào trong đống thứ đồ đắt tiền mà rẻ rúng về nhân phẩm. Hình ảnh ấy vẫn chỉ là những mặt nạ trang sức bên ngoài che đậy một tâm hồn lạnh lẽo, ích kỉ giả dối hay một trái tim băng giá, nguội lạnh vì tiền bạc. Cả hai nhà văn ở hai thời đại khác nhau, gặp nhau trong một tiếng lòng chung đau đáu với cõi nhân sinh của kiếp người. Dùng âm hưởng châm biếm, họ đã khai thác sâu sắc thói giả dối, phù phiếm vô nghĩa của con người để phản ánh giấc mơ và số phận của con người thời đại vật chất. Chỉ có sự khác nhau là, nếu Thackeray thấu hiểu ảo tưởng dục vọng của kiếp nhân sinh thì thế hệ nhà văn hiện thực sau này cảm
nhận đau đớn, bi đát về sự vỡ mộng của một xã hội thực dụng, chạy theo kim tiền và bi kịch thân phận con người thời đại mất Chúa. Sự gặp gỡ chung này cho bạn đọc hiểu hơn rằng khi nào con người vẫn không thôi tham vọng về quyền lực và tiền bạc, vẫn thích một thế giới bên ngoài xa hoa bóng bẩy, vẫn thích đánh bóng tên tuổi vị thế của mình bằng muôn vàn thứ trang sức hỡm hĩnh thì nhân vật đạo đức giả, kiểu nhân vật mặt nạ của Thackeray thực sự vẫn hiện hữu là những con người bằng da bằng thịt đời thường.
Đối với kiểu nhân vật mặt nạ này Thackeray không ngừng đả kích trào phúng mãnh liệt để chê cười và tiêu diệt. Thậm chí nhà văn còn cường điệu hóa một cách lố bịch để nó hiện ra trong bộ mặt xấu xa hài hước, đáng chê cười. Isabella, mẹ kế của
Henry Esmond trong tiểu thuyết cùng tên (1852) là một gương mặt như thế. Bà ta là hiện thân của sự ám ảnh một cách lãng mạn đối với quá khứ tới mức làm con người ta mất đi lý trí. Isabella giống như đang đóng vai hài trong một vở hài kịch, sự ám ảnh này đã khiến bà trở thành một nhân vật lố bịch và mang tính giải trí cao. Bà ấy luôn phủ nhận đến cùng vấn đề về tuổi tác của mình, thể hiện tất cả mọi nỗ lực nhằm lấy lại những ngày huy hoàng đã mất. Bức chân dung mà Isabella đóng vai nữ thợ săn trẻ tuổi Diana là tài sản quý báu nhất vì luôn làm cho bà tự thấy mình là một nữ thần. Người phụ nữ già nua này “đã tin tưởng tới khi chết rằng bà chưa bao giờ già đi, luôn quả quyết rằng bức chân dung ấy trông vẫn giống mình”. Khi đã quá độ tuổi sinh nở, Isabella liên tục thông báo rằng mình đang mang bầu, và “sự lố bịch của bà ta đã trở thành một trong số những điều người ta đem ra để mỉa mai”. Thường thì những sự kỳ quặc tương tự sẽ khá thú vị, nhưng nếu nhìn những sự việc dưới điểm nhìn đầy ám ảnh ẩn bên trong thì lại không phải vậy. Quý bà tự mãn Isabella không thể trở thành nhân vật nữ chính của một cuốn tiểu thuyết lãng mạn vì những điệu bộ kì quặc của bà ta và khiến cho nhân vật này trở thành một bản sao tức cười của một nhân vật khác: “Ban đầu Phu nhân muốn được chết giống như Mary, nữ hoàng của Scotts (người mà bà ta tự ảo tưởng rằng bà ta có nhan sắc không hề kém cạnh), và rồi đưa tay lên vừa vuốt cái cổ khẳng khiu gầy gò của mình và nói “Rồi người ta sẽ thấy rằng Isabella của Castlewood cũng có một số phận tương tự nữ hoàng Mary”. Bà ta cố tỏ ra mưu mô, nguy hiểm nhưng lại thất bại trong kế hoạch với Đức cha Holt nên vẫn tạo sự ngây ngô buồn cười. Cái nhìn của Thackeray vẫn khách quan và tỉnh táo, dù châm biếm đả kích ông vẫn tôn trọng sự thật. Cho dù ông hay bạn đọc có ghét bỏ và mong muốn đến mức cho bà ta chết đi, số phận của bà ta cũng chẳng phải bao giờ phải nhận án tử hình hay thậm chí là bị giam cầm trong thời gian dài. Cuộc đời nhiều khi trớ trêu đến mức chính
sự kì quặc đã đảm bảo an toàn cho bà ta. Có điều cuối cùng sự hão huyền đã đẩy bà ta vào một cuộc phiêu lưu khác, đó là một cuộc phiêu lưu kết khúc bằng việc một nhân vật bị tù đày và một nhân vật khác phải nhận lấy cái chết, bao gồm cả chồng của bà ta. Vai trò của Đức cha Holt xuyên suốt cuốn tiểu thuyết Henry Esmond cũng là một kiểu nhân vật giả mạo thấp hèn. Những kế hoạch và vỏ bọc bên ngoài khiến hắn trở thành một nhân vật xấu xa nực cười. Vị linh mục là một người đàn ông bí ẩn mang nhiều danh tính, nhiều mưu mô, có nhiều cánh cửa bí mật, thậm chí mâu thuẫn trong cả niềm tin với Chúa Jesus. Vẻ ngoài, hắn hiện lên là một người thông minh, dũng cảm và có tài thuyết phục, sức ảnh hưởng của Holt còn lan tỏa tới cậu trai trẻ tên là Henry Esmond: “Thực sự là, hắn ta có một sức mạnh khiến bất cứ ai ở bên cạnh cũng phải nghe lời, trong số những người còn lại thì người học trò mới của hắn đã từ bỏ bản thân một cách hoàn toàn tự tin và tự nguyện trói buộc mình với vị Cha đáng kính, thậm chí cậu ta còn tự nguyện trở thành nô lệ của hắn ngay từ khoảnh khắc gặp gỡ đầu tiên”. Nhưng sự thật là cả cuộc đời của ông ta luôn gắn với “sự dịch chuyển, cái đã giữ cho Holt tránh bị rơi vào hoàn cảnh thất nghiệp, sự dịch chuyển này cho phép ông ta đi du lịch đây đó dưới những cái tên và vỏ bọc khác nhau”. Sự thay thế của những ảo mộng thấp kém ban đầu đã chỉ ra rằng vị linh mục thực chất là một kẻ tự mãn luôn tìm cách đánh lừa bản thân. Henry Esmond dần dần nhận ra điều đó, vị cố vấn anh từng coi là toàn năng lại sở hữu rất nhiều nhược điểm, vụn vặt lại dễ chết người: “Hắn cười khi nghĩ lại những lời hắn tiên tri ban đầu, chỉ có điều bây giờ nó không hiệu nghiệm hay thần kì”. Những cố gắng của hắn nhằm đưa nhà Stuarts trở lại nắm quyền cuối cùng kết quả như những trò tầm phào của vị tử tước phu nhân. Sự ám ảnh của Holt đã được đẩy lên tới mức cái vai trò hắn cố nhận lấy lại trở thành thứ quyết định kết thúc cuộc đời Holt. Chính vì tự hão huyền, Đức cha Holt cố gắng giả bộ trở thành người mà hắn mong muốn, thích tạo nên một chuỗi những bí ẩn nối liền nhau để đạt được cái mục đích cao quý giả tạo. Thiếu đi sự nhận thức về chính nhân cách và động cơ của mình, Holt vì thế không thể hiểu hết hiện thực về môi trường chính trị và tâm lý xã hội ở nước Anh. Tác giả hài hước giễu nhại: “Hắn ta đã gần đúng, nhưng không hẳn”. Chưa bao giờ Holt thành công vì hắn ta chưa bao giờ đối diện trực tiếp với sự ngu ngốc và ngông cuồng của chính mình: “Hắn chưa bao giờ nhập cuộc nhưng đã thua sẵn rồi, hoặc luôn bị cuốn vào một âm mưu nào đó, nhưng âm mưu đó cũng chắc chắn kết khúc trong thất bại”.
về bản chất tự huyễn hoặc bản thân. Người phụ nữ già mong muốn lấy lại cái quá khứ tầm thường đã qua, và cha Holt thì bị kẹt trong vai trò tự huyễn hoặc là nhằm lập lại trật tự trước đây. Cả hai cố đạt được mục đích liên quan tới câu chuyện thần thoại lãng mạn họ đặt ra, và sự thất bại liên tục của họ ám chỉ rằng chính sự huyễn hoặc bản thân đã khiến họ nhận kết quả như vậy. Giữa hai nhân vật trên, về cơ bản người này là hiện thân của người kia với mục đích và hành động được quyết định bởi những khái niệm mang đậm nét truyền thống lãng mạn. Và theo như sự bác bỏ đầy chế nhạo đã chỉ ra, những nỗ lực hành động theo một tầm nhìn lãng mạn mà thiếu đi tính thực tế khiến mọi sự vật và sự việc thiếu đi tính cân đối. Gắn với những câu chuyện bi hài kịch trong một xã hội hiện thực, cuốn tiểu thuyết của ông còn cho thấy một kiểu nhân vật mặt nạ hài hước vì sự ảo tưởng, ngu ngốc ở các vai diễn. Các bộ mặt ấy tự tạo một màu sắc riêng biệt của mình, cũng không lẫn lộn trong xã hội đông đảo, hỗn loạn ấy.
Thêm một nhân vật cũng rất nối tiếng trong thế giới phù hoa đó là Beatris. Vẻ ngoài quyến rũ và duyên dáng của Beatris hoàn toàn không ăn nhập với những tính cách ẩn giấu trong con người cô ta. Ngay kể từ khi còn nhỏ, cô đã có thể thao túng cả cha mẹ để phục vụ những mục đích cá nhân của mình. Càng ngày cô ta càng trở thành một người phụ nữ đỏng đảnh đúng nghĩa, biết dùng cả nhan sắc và trí tuệ sáng dạ của