Những nguyên nhân khác

Một phần của tài liệu (LUẬN án TIẾN sĩ) vấn đề di cư trong quan hệ quốc tế (1991 2016) (Trang 104 - 109)

Chƣơng 2 : CƠ SỞ LÝ LUẬN VÀ LỊCH SỬ VỀ DI CƢ QUỐC TẾ

3.3. Những nguyên nhân thúc đẩy di cƣ quốc tế

3.3.3.3. Những nguyên nhân khác

Cuộc cách mạng truyền thông và thông tin đã tạo điều kiện để nhận thấy rõ hơn những khác biệt cùng những cơ hội mà người di cư có thể nắm lấy. Trong khi đó, những biến chuyển về giao thông vận tại giúp việc di chuyển trở nên dễ dàng hơn và nhanh hơn. Bên cạnh đó, sự biến động của môi trường sinh thái cũng là một nhân tố thúc đẩy di cư.

Đầu tiên, có thể nói cuộc cách mạng truyền thông là nhân tố trung tâm của quá

trình toàn cầu hóa. Rất nhiều nghiên cứu về toàn cầu hóa tập trung vào sự bùng nổ gần đây của công nghệ cao và những phương tiện liên lạc như email hay internet, những bản tin điện tử, truyền hình vệ tinh và dĩ nhiên là điện thoại di động. Ước tính rằng, từ năm 1990 đến 2000, số lượng người sử dụng điện thoại tăng từ 700 triệu lên 2,5 tỉ, còn số lượng người dùng internet tăng từ 1 triệu lên hơn 1 tỉ. Hơn thế nữa, với những ứng dụng trên các nền tảng hệ điều hành dành cho điện thoại thông minh, máy tính bảng cũng như máy vi tính, những cuộc gọi thoại video được thực hiện bởi bất cứ ai, ở bất cứ đâu, vào bất cứ thời điểm nào, miễn là có kết nối internet. Chưa có thời điểm nào trong lịch sử loài người được ghi nhận mà khả năng thông tin liên lạc được thực hiện dễ dàng như thời điểm này. Cuộc cách mạng này đã góp phần thúc đẩy sự liên kết toàn cầu, xóa mờ khoảng cách giữa các dân tộc, các quốc gia, các khu vực trên thế giới.

Những cuộc cách mạng truyền thông liên lạc, sự phát triển mạnh mẽ của những loại hình truyền thông đa phương tiện cũng được cho là điều kiện khuyến khích hiện tượng người di cư xuất phát từ những nước thuộc Thế giới thứ ba, những nước đang và kém phát triển. Dường như thông qua những phương tiện truyền thông toàn cầu, những cơ hội và sự thu hút của những nền kinh tế phát triển được truyền tải tới người dân các nước đang phát triển, khiến họ sẵn sàng đối mặt với thách thức, rủi ro của những cuộc di cư. Truyền thông liên lạc phát triển cũng giúp người di cư không cảm thấy bị ngăn cách với nước nhà. Trong thời đại bùng nổ thông tin, khoảng cách dễ dàng bị xóa mờ bởi các thiết bị thông tin, truyền thông liên lạc hiện đại.

Có thể nói, sự phát triển của truyền thông liên lạc gắn với di cư ở ba khía cạnh: (i), cuộc cách mạng đã giúp con người chú ý hơn đến những khác biệt trong cuộc sống giữa những khu vực khác nhau trên thế giới; (ii), con người cũng dễ dàng nhận thấy những cơ hội để di cư, làm việc và ổn định ở nước ngoài; (iii), người di cư và người thân có thể kết nối với nhau rất dễ dàng.

Thứ hai, một cuộc cách mạng khác cũng thường được nhắc tới trong tiến trình

toàn cầu hóa là giao thông. Một mặt, cuộc cách mạng về giao thông đã làm tăng thêm sự lựa chọn để di chuyển quốc tế, mặt khác đã khiến chi phí di chuyển rẻ đi đáng kể. Cuộc cách mạng này đã nổi lên nhờ sự phổ biến và cạnh tranh giữa các hãng hàng không. Sự phát triển của giao thông vận tải giúp con người di chuyển dễ dàng hơn giữa các khu vực. Người di cư trong cự ly ngắn có thể lựa chọn những phương tiện như tàu hỏa, ô tô với ra tương đối rẻ, trong khi đó, giao thông đường không cũng phát triển rất nhanh với nhiều hãng bay có số chuyến bay tăng dần theo thời gian cùng lộ trình hợp lý.

Thêm vào đó, sự cạnh tranh giữa các hãng bay khiến trong chừng mực nào đó, giá thành bay ngày càng rẻ. Ví dụ như trong trường hợp di chuyển giữa Trung Quốc với Đông Nam Á, trong thập kỷ 1990, việc di chuyển hai chiều còn gặp nhiều khó khăn khi chỉ có một số tuyến đường bộ, đường sắt nối các tỉnh biên giới phía Nam Trung Quốc với các nước Đông Nam Á lục địa như Việt Nam, Lào, Myanmar… còn muốn di chuyển đường không thường phải quá cảnh ở Hongkong. Sau thập niên 1990, cùng với sự phát triển của quan hệ chính trị, kinh tế giữa các nước Đông Nam Á và Trung Quốc, số lượng người di chuyển giữa hai khu vực tăng lên, kèm theo đó là sự phát triển vượt bậc cả về số lượng và chất lượng các chuyến vận tải, từ đường sắt, đường bộ đến đường không. Đến đầu năm 2007 đã có gần 40 công ty hàng không kinh doanh các đường bay với số chuyến bay lên đến 800 lượt bay mỗi tuần, chuyên trở hàng vạn lượt hành khách [Thông tấn xã Việt Nam, 2009a, tr. 15]. Hiệp định ASEAN Single Aviation Market có hiệu lực từ 1/1/2016 đã mở rộng thị trường hàng không trong khu vực. Việc các quốc gia Đông Nam Á mở cửa bầu trời tạo liên kết trong hàng không, sẽ tạo thuận lợi cho thương mại và du lịch, nhất là hàng không giá rẻ nhờ quãng đường bay (trong vòng 3 giờ). Rõ ràng, sự phát triển

của công nghệ và giao thông đã trở thành một điều kiện quan trọng bổ sung cho những động lực thúc đẩy vấn đề di cư quốc tế.

Không những vậy, giữa sự biến đổi của môi trường và hoạt động di cư6 có một

mối liên hệ chặt chẽ. Sự biến động của môi trường luôn đi kèm với những thách thức về mặt xã hội, nhân khẩu hay kinh tế trong một phạm vi nhất định. “Sự xuống cấp của môi trường có vẻ là một nguyên nhân gần nhất của nạn di cư, còn những yếu tố cơ bản là áp lực tăng dân số và các cách thức sử dụng tài nguyên” [Suhrke, 1994, tr. 479]. Sự xuống cấp của môi trường gắn liền với quá trình phát triển của các nền kinh tế và mức sống của con người. Thiên tai, lũ lụt có thể gây ra vấn đề di cư cấp tính nhưng ô nhiễm nguồn đất, nước hay nước biển dâng sẽ dẫn tới di cư vĩnh viễn. Rõ ràng, sự biến động về nhân khẩu với quy mô lớn luôn được thúc đẩy bởi những biến động của môi trường và các quá trình liên quan. Với bản năng sinh tồn, con người phải tìm đến những địa điểm với điều kiện tự nhiên đảm bảo cho cuộc sống. Như vậy, sự biến động của môi trường cũng được coi là một nhân tố chủ yếu thúc đẩy di cư quốc tế.

Tiếp theo, dù đây không thực sự là nguyên nhân nổi bật nhưng vấn đề di cư

quốc tế còn bắt nguồn từ những vấn đề liên quan đến cộng đồng sắc tộc, văn hóa và tôn giáo xuyên quốc gia. Khi khái niệm về chủ quyền quốc gia còn mơ hồ, những nhà nước vẫn tồn tại nhưng sự dịch chuyển của con người không gặp quá nhiều khó khăn, không bị cản trở về pháp lý vì những đường biên giới chính trị còn mờ, chỉ mang tính biểu tượng nhằm phân định lãnh thổ. Do vậy, sự chuyển dịch của các nhóm văn hóa, tôn giáo qua biên giới cũng không gặp nhiều trở ngại. Người ta có

6 Liên quan vấn đề di cư vì môi trường, có một vài thuật ngữ thường được sử dụng là “Environmental Refugees”, “Climate Refugees”, “Environmental Migrants” hay theo cách gọi của Chương trình môi trường Liên hợp quốc (UNEP) là “Environmentally Induced Migrants”… Thực tế, biến đổi khí hậu chỉ là một phần của biến động trong môi trường sinh thái nên thuật ngữ “Climate Refugees” dường như chỉ diễn tả một phần nguyên nhân của sự việc. Hơn nữa, ngay giữa các tổ chức quốc tế, trong giới học thuật và truyền thông cũng không thống nhất việc dùng thuật ngữ nào. Theo ý kiến riêng của tác giả, những cá nhân/nhóm người phải di chuyển lánh nạn một cách cấp tính do thiên tai có thể được coi là người tị nạn môi trường, còn những cá nhân/nhóm người thay đổi nơi cư trú vĩnh viễn vì nguyên nhân môi trường tự nhiên biến đổi có thể được coi là người di cư vì môi trường. Vấn đề di cư và di cư vĩnh viễn vì sự biến động của môi trường là đối

thể tìm đến những nơi thích hợp để sinh sống trong một nền văn hóa quen thuộc và thực hành tôn giáo.

Khi một nhóm sắc tộc và tôn giáo vốn chia sẻ những giá trị, bản sắc chung bị “xé lẻ” và sinh sống trên những vùng đất liền kề thuộc những quốc gia gần nhau, biên giới trong nhận thức chung của các cộng đồng sắc tộc và tôn giáo không trùng với biên giới giữa các nhà nước, nhất là trường hợp các nhóm sắc tộc, văn hóa ở châu Phi, Trung Đông. Những nhóm đó thường chỉ là thiểu số trong cộng đồng xã hội. Sự tương tác giữa họ với phần còn lại của quốc gia có khi không lớn bằng tâm lý hướng về những người anh em cùng sắc tộc ở bên kia biên giới. Đồng thời, nhìn lại lịch sử, trong quá trình bành trướng lãnh thổ, các đế chế không ngại ngần sáp nhập những vùng đất và các nhóm người thuộc những nền văn hóa khác nhau. Chính điều này đã tạo ra sự đa dạng về văn hóa.

Giống như trường hợp các dân tộc thiểu số, hầu hết các nhóm văn hóa nhỏ cũng thường sống ở những vùng “ngoại vi” và sự tương tác với những giá trị chủ đạo không thể chắc chắn bằng sợi liên kết với những người chia sẻ chung một nền văn hóa. Trong trường hợp này, một cách rất tự nhiên, nhiều nhóm người muốn di chuyển đến vùng đất nơi họ có chung những giá trị về dân tộc và bản sắc văn hóa. Do vậy, sự tương tác giữa các nhóm dân tộc, văn hóa bị chia rẽ cũng có thể được coi là một nguyên nhân cơ bản dẫn tới vấn đề di cư quốc tế. Trong trường hợp các quốc gia kiểm soát biên giới không chặt chẽ, hoặc không đủ năng lực kiểm soát biên giới, những cộng đồng người này sẽ dễ dàng thực hiện hoạt động di chuyển qua biên giới.

Nguyên nhân của di cư còn có thể có nhiều hơn nữa nhưng nói chung, những nguyên nhân nói trên có thể được coi là những nhân tố chính gây ra vấn đề di cư nói chung và di cư quốc tế nói riêng trong các thời kỳ lịch sử. Những nguyên nhân đó có thể mang tính bắt buộc nhưng cũng thể hiện ý chí và nguyện vọng tự do của con người. Đến thời kỳ sau Chiến tranh Lạnh, bên cạnh những nguyên nhân cơ bản, cùng với quá trình toàn cầu hoá và sự thay đổi tình hình thế giới, một thời kỳ mới được mở ra đã tạo rất nhiều điều kiện mới thúc đẩy sự phát triển của nhiều vấn đề toàn cầu, trong đó có vấn đề di cư quốc tế.

Tiểu kết chƣơng 3

Ở cấp độ cá nhân, di cư gắn với những mục đích cá nhân và gia đình, nhưng chủ yếu nhắm phát triển con người và đa dạng hóa, nâng cao tiềm năng kinh tế. Sự khác biệt về trình độ phát triển, thu nhập, nguồn nhân lực, hay dân số là nguyên nhân ở cấp độ quốc gia. Ngoài ra, nhiều quốc gia hiện nay đã thực thi chính sách nhập cư tạo thuận tiện cho người di cư lẫn người di cư trở về. Bên cạnh đó, trong hệ thống quốc tế những nguyên nhân chủ quan mới lại nảy sinh khiến di cư quốc tế có thêm động lực để phát triển. Những biến động trong nền chính trị thế giới, toàn cầu hóa thị trường lao động, sự phát triển của truyền thông liên lạc và vận tải cùng vai trò ngày càng lớn của các cộng đồng di cư xuyên quốc gia chính là điều kiện thuận lợi để di cư trở nên dễ dàng hơn. Và, mặc dù không nổi bật nhưng những khác biệt về văn hóa, tôn giáo cũng là nguyên nhân của di cư xuyên qua biên giới.

Với những nguyên nhân chủ quan và khách quan đó, số lượng người di cư quốc tế đã tăng rất nhanh kể từ năm 1991. Di cư quốc tế không ngừng tăng lên về số lượng là minh chứng cho thấy tinh thần tự do di chuyển và lựa chọn nơi sinh sống của con người. Trong vấn đề di cư quốc tế hiện nay, Trung Quốc đang nổi lên như một trong những nước có số lượng người xuất cư lớn nhất thế giới với chính sách di cư ồ ạt, tới mọi địa điểm, ngõ ngách trên thế giới. Bên cạnh đó, trong thời kỳ mới, di cư quốc tế cũng mang theo những đặc điểm mới và vấn đề nổi bật như di cư bất hợp pháp, sự thay đổi trạng thái của nước di cư - trung chuyển - nhập cư,…

Thêm nữa, cơ bản, mỗi châu lục lại có một đặc điểm di cư nổi bật riêng của mình. Châu Âu hiện nay phải đối mặt với một cuộc khủng hoảng di cư phức tạp bắt đầu từ năm 2014 và vẫn đang phải căng mình ra giải quyết cuộc khủng hoảng này. Trong cuộc khủng hoảng này, quan hệ quốc tế của châu Âu bị ảnh hưởng nặng nề nhất, không chỉ giữa các nước thành viên EU mà còn giữa EU với các nước đối tác. Một lần nữa, trường hợp khủng hoảng di cư và tị nạn ở EU cho thấy vai trò của lợi ích quốc gia trong việc hoạch định chính sách nhập cư khi rõ ràng nhiều nước không mong muốn tiếp nhận dòng người hỗn hợp di cư - tị nạn.

Chƣơng 4: NHỮNG TÁC ĐỘNG CỦA DI CƢ TỪ GÓC ĐỘ QUAN HỆ QUỐC TẾ

Di cư là một đặc tính lâu dài và có ảnh hưởng lớn trong lịch sử nhân loại. Di cư đã hỗ trợ tăng trưởng kinh tế, đóng góp vào những tiến bộ xã hội và làm giàu cho giá trị văn hóa, văn minh. Trong thế giới đương đại, di cư quốc tế tiếp tục đóng vai trò lớn, quan trọng trong những vấn đề quốc gia, khu vực và quốc tế nhưng cũng tạo ra nhiều thách thức lớn. Theo khuôn khổ lý thuyết quan hệ quốc tế đã được phân chia thành các cấp độ phân tích, phần dưới đây sẽ đánh giá những khía cạnh tích cực lẫn tiêu cực mà di cư quốc tế mang lại cho các chủ thể và quan hệ quốc tế, đồng thời đưa ra đánh giá và từ đó rút ra một số khuyến nghị chính sách cho Việt Nam.

Một phần của tài liệu (LUẬN án TIẾN sĩ) vấn đề di cư trong quan hệ quốc tế (1991 2016) (Trang 104 - 109)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(175 trang)