Những nguyên nhân liên quan đến kinh tế

Một phần của tài liệu (LUẬN án TIẾN sĩ) vấn đề di cư trong quan hệ quốc tế (1991 2016) (Trang 100 - 104)

Chƣơng 2 : CƠ SỞ LÝ LUẬN VÀ LỊCH SỬ VỀ DI CƢ QUỐC TẾ

3.3. Những nguyên nhân thúc đẩy di cƣ quốc tế

3.3.3.2. Những nguyên nhân liên quan đến kinh tế

Trước hết, toàn cầu hóa thị trường lao động là điều kiện quan trọng đầu tiên

thúc đẩy di cư quốc tế. Như đã phân tích ở trên, theo Lý thuyết hệ thống thế giới của Immanuel Wallerstein thì di cư là kết quả hết sức tự nhiên và cũng là điều không thể tránh khỏi trong quá trình phát triển của chủ nghĩa tư bản [Massey, 1993, tr. 444-445]. Theo đó, di cư quốc tế gắn với việc hình thành thị trường tư bản ở các nước đang phát triển hay sự thâm nhập của kinh tế tư bản vào thị trường các nước đang phát triển; đồng thời, dòng lao động di cư quốc tế chạy theo dòng hàng hóa, dịch vụ và vốn quốc tế. Toàn cầu hóa dường như là một xu thế tất yếu của lịch sử, là một hiện tượng cuốn các quốc gia nói chung và các chủ thể quan hệ quốc tế vào

vòng xoáy của nó. Toàn cầu hóa trước hết là diễn ra trong lĩnh vực kinh tế. Thời kỳ mới này đã tạo ra nhiều cơ hội và cả thách thức cho tất cả các cộng đồng và xã hội trên thế giới, phản ánh sự liên kết rõ ràng giữa di cư với phát triển cũng như những cơ hội nó mang lại cho sự phát triển của điều kiện kinh tế và xã hội ở cả quốc gia là nơi xuất phát cũng như điểm đến của người di cư. Trong thời kỳ toàn cầu hóa, vấn đề di cư đang thay đổi cùng với thị trường lao động và các xã hội đã trở nên “toàn cầu hơn”.

Thực tế, toàn cầu hóa về kinh tế đã bắt đầu từ trước khi Liên Xô và khối các nước Xã hội chủ nghĩa Đông Âu sụp đổ, khi những họat động kinh tế - thương mại đầu tư không chỉ gói gọn trong nhóm các nước tư bản phương Tây, bằng chứng là Trung Quốc đã thực hiện bước chuyển đổi cơ chế của nền kinh tế sang kinh tế thị trường, Ấn Độ cũng quyết định tiến hành cải tổ thị trường và gia nhập hệ thống thương mại toàn cầu. Đến lúc này, hệ thống kinh tế toàn cầu đã bao gồm các nước OECD, Mỹ La-tinh và Caribe, một phần của châu Phi và một phần châu Á. Người lao động làm việc ở Mỹ và các nước phát triển hoặc đang ở ngưỡng cửa phát triển không phải đối mặt với sự cạnh tranh từ những công nhân giá rẻ từ Trung Quốc, Ấn Độ hay những nước thuộc Thế giới thứ ba. Một nhà quản lý từ một công ty của Anh hay Mỹ có thể tới Trung Quốc để đào tạo công nhân trong những ngành sản xuất mới, một giáo sư từ Châu Âu có thể tới sống ở Australia và giảng dạy ở Hongkong hay một y tá được đào tạo ở Philippin lại làm việc ở Dubai…

Với xu thế toàn cầu hóa như hiện nay, một thị trường lao động toàn cầu là điều có thể. Công nghệ phát triển sẽ đóng vai trò quan trọng, kinh tế tri thức sẽ phát huy tính sáng tạo và thúc đẩy các thị trường toàn cầu. Tuy nhiên, toàn cầu hóa thị trường lao động còn gặp nhiều thách thức. Trong bối cảnh đó, sẽ cần nhiều thập kỷ để nền kinh tế toàn cầu có thể thành lập một thị trường lao động thực sự.

Trong thị trường lao động đã được toàn cầu hóa phần nào đó, tỉ lệ thất nghiệp ở các nước phát triển đã giảm trong những năm gần đây tỉ lệ thất nghiệp ở nhiều nước đang phát triển vẫn ở mức cao hoặc gia tăng; chẳng hạn, tình trạng này diễn ra phổ biến ở Trung Đông và Bắc Phi (12%), cao hơn tỉ lệ trung bình của các nước phát triển (6%) [Koser, 2007]. Không có việc làm không chỉ là một khía cạnh của

cuộc khủng hoảng việc làm toàn cầu. Nhiều người lao động đang thất nghiệp. Họ thường làm việc trong những ngành không chính thức, mà ở đó việc làm khó đoán định; cơ hội việc làm đến và đi theo thời vụ và đối với một số việc làm tạm bợ thì còn tính theo ngày, điều kiện làm việc rất kém. Đối với những người có việc làm, thu nhập cũng thường chỉ đủ sống.

Thứ hai, toàn cầu hóa đã mang lại nhiều lợi ích, nhưng cũng không thể bỏ qua

mặt trái của quá trình này. Toàn cầu hóa đã làm gia tăng khoảng cách phát triển giữa những nước giàu nhất và nghèo nhất thế giới. Số lượng những người nghèo sống với thu nhập dưới 1 USD/ngày vào khoảng 1,2 tỉ người, tăng cao hơn so với thời kỳ giữa thập kỷ 1980. Sự thụt lùi đáng kể nhất nằm ở các nước châu Phi, nơi chứa đựng 29 trong tổng số 34 quốc gia nghèo nhất thế giới, nơi mà các loại dịch bệnh đang đe dọa tính mạng con người và làm trầm trọng thêm tình trạng kinh tế vốn đã tồi tệ [Goldstein, 2005, tr. 460]. Toàn cầu hóa có tác động bất bình đẳng tới cả bán cầu Bắc và Nam. Trong khi Mỹ hay Tây Âu tiếp tục cuộc sống giàu có thì tình hình một số nước Đông Âu có vẻ đi xuống.

Tình trạng phân hóa còn diễn ra trong các nước thuộc bán cầu Nam bởi trong khi nhiều nước đang dần thoát nghèo thì hàng chục quốc gia hiện nay lại nghèo hơn so với 20 năm trước. Trong khi Trung Quốc và Đông Nam Á cùng một số nước Mỹ La-tinh đang thoát khỏi tình trạng khó khăn thì nhiều nước châu Phi ngày càng lún sâu vào nghèo đói. Toàn cầu hóa đã tạo ra người thắng - kẻ thua, với hàng tỉ người nghèo nhất đang phải gánh chịu những tác động tiêu cực nhất. Trong tình cảnh này, rõ ràng toàn cầu hóa và phân hóa giàu nghèo Bắc - Nam đang góp phần thúc đẩy thêm những nguyên nhân liên quan đến kinh tế - xã hội, tạo điều kiện cho hoạt động di cư phát triển.

Thứ ba, không thể không kể đến sự phát triển của ngành “công nghiệp” di cư.

Hoạt động di cư được thúc đẩy bởi một loạt những cá nhân và tổ chức trung gian, bao gồm người tuyển dụng, luật sư về nhập cư, các đơn vị tổ chức di cư, nhà môi giới, người cung cấp chỗ ở, mối giới hôn nhân, cơ quan cung cấp dịch vụ chuyển kiều hối, các quan chức nhập cư, cũng như những cơ quan như IOM vốn chịu trách nhiệm hỗ trợ người di cư định cư hoặc tổ chức những chương trình hồi hương, hay

các các tổ chức phi chính phủ hỗ trợ người di cư và tị nạn. Bên cạnh đó còn có những kẻ buôn người và tổ chức đưa người di cư bất hợp pháp.

Những chủ thể này ít nhiều đều tham gia và quá trình di cư và được nhiều nhà phân tích mô tả như đang thành lập một ngành công nghiệp di cư, hay kinh doanh di cư, giống như những ngành kinh doanh vì mục đích lợi nhuận. Những lợi nhuận khủng khiếp mà các chủ thể giành được từ hoạt động di cư đã đóng góp thêm động lực đáng kể vào quá trình di cư này. Cùng với đó là sự liên hệ phức tạp giữa những nhóm có tổ chức với những đơn vị chân rết ở nước di cư, nước trung chuyển và nước nhập cư, khiến việc thiết lập và triển khai những chính sách ngăn chặn cũng rất khó khăn. Ngành công ngiệp di cư không mới, dù cho quy mô và lợi nhuận đã mang những đặc tính mới. “Rõ ràng là cơ quan nhà nước, quan chức nhà nước, luật sư, chủ nhà trọ, kẻ cho vay nặng lãi, thương gia, người đưa tin ở các thành phố trong vịnh, người môi giới, và thậm chí người lái tầu đều phụ thuộc vào thương mại di cư” [Harney, 1977, tr. 42].

Tiếp theo, các dòng vốn đầu tư và công nghệ toàn cầu chảy giữa các quốc gia

đã tác động đáng kể số lượng người di cư quốc tế. Nền kinh tế toàn cầu đang được định hình mạnh mẽ với sự di chuyển của các dòng vốn, nhân lực và công nghệ, những nhân tố được coi là phương tiện để sản xuất và cũng là kết quả của nền kinh tế toàn cầu. Từ những năm cuối thế kỷ XX, xu hướng gia tăng trong hoạt động đầu tư ra nước ngoài đã đi cùng với sự gia tăng về di chuyển nguồn lao động, nhờ đó thế giới đã gắn kết hơn trong một không gian chung ngày càng rộng lớn [Sanderson & Kentor, 2008, tr. 515].

Trong một nền kinh tế thế giới tương tác tương đối chặt chẽ hiện nay, dòng vốn đầu tư nước ngoài có thể giúp hạn chế số lượng người di cư từ các nước nhận đầu tư, nhưng lại làm gia tăng số người di cư từ các nước thực hiện đầu tư, do các dòng vốn, công nghệ cần được nhân lực trình độ cao và có độ tin cậy quản lý. Bên cạnh đó, dòng người di cư lao động quốc tế đi theo dòng vốn đầu tư cũng là cách một số nước giải quyết tình trạng dư thừa lao động ở trong nước; tức là, khi một nước khuyến khích đầu tư ra nước ngoài, nước đó sẽ thu được nhiều lợi ích từ hoạt động sản xuất, kinh doanh cũng như giải quyết vấn đề nhân lực.

Một phần của tài liệu (LUẬN án TIẾN sĩ) vấn đề di cư trong quan hệ quốc tế (1991 2016) (Trang 100 - 104)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(175 trang)