3.2.1. Nâng cao phẩm chất, đạo đức nghề nghiệp
Bên cạnh việc trang bị kiến thức, kỹ năng, đội ngũ nhân viên phải cónhận thức đúng đắn về nghề nghiệp, có lòng yêu nghề. Họ phải cần có phẩm chất đạo đức tốt, đây chính là đạo đức nghề nghiệp được bồi đắp trong suốt quá trình công tác, tạo nên động cơ, thái độ làm việc, là yếu tố quan trọng tạo ra hiệu quả lao động của
từng cán bộ nhân viên. Chấp hành tốt chính sách, pháp luật, tuân thủ quy định, hành xử theo chuẩn mực văn hóa của tổ chức; làm việc với tinh thần trách nhiệm, chủ động, sáng tạo; có ý thức cầu thị, cầu tiến, không ngừng học hỏi nâng cao trình độ và kỹ năng làm việc.Có một vấn đề chung về nhận thức nghề nghiệp của người làm công tác TT-TV không chỉ ở HVNH mà đây là tình trạng phổ biến của ngành Thư viện Việt Nam, đó là họ cảm nhận nghề thư viện chưa được xã hội và các cơ quan quản lý nhà nước nhìn nhận đúng vai trò đối với sự phát triển của nền kinh tế xã hội, do đó chưa được đãi ngộ xứng đáng, nhận thức này ảnh hưởng rất nhiều đến sự gắn bó, toàn tâm toàn ý với nghề.
HVNH cần quan tâm hơn nữa đến công tác tư tưởng, nhận thức của NNL TT-TV, ghi nhận thành quả, động viên họ bằng cả tinh thần và vật chất, tạo cho họ sự tin tưởng, yên tâm công tác, hăng hái nhiệt tình cống hiến tâm sức cho nghề.
Mặt khác, mỗi cán bộ viên chức của Trung tâm phải tự nhận thức trách nhiệm, nghĩa vụ của bản thân trong làm việc, học tập; có sự say mê với công việc, sẵn sàng hy sinh lợi ích cá nhân để vì lợi ích của tập thể nếu cần thiết, phải có trách nhiệm với môi trường sinh thái và trách nhiệm với gia đình, xã hội. Cùng với sự quan tâm, khuyến khích của các cấp quản lý, họ phải có ý thức tự thân phấn đấu, cầu tiến, tự hoàn thiện để đáp ứng yêu cầu xã hội, hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao.
Về phẩm chất, tác phong
Theo kết quả thống kê khảo sát ý kiến của NDT về năng lực của NNL TT- TV HVNH, những ý kiến đánh giá ở mức độ chưa tốt đối với nhiều tiêu chí như: tính chuyên nghiệp, tính thân thiện,… Những chỉ số này dù không đến mức phải e ngại, gây ảnh hưởng đến nhìn nhận, đánh giá về hiệu quả thư viện nhưng dù vậy, Trung tâm TT-TV vẫn phải chú ý giảm hơn nữa các chỉ số này ở những lần đánh giá sau. Điều đó có nghĩa là Trung tâm cần làm cho NNL nhận thức rõ hơn những nguyên tắc, tiêu chí về tác phong làm việc, tăng cường giám sát NNL trong quá trình tương tác với NDT, có kế hoạch đào tạo nâng cao về kỹ năng trong quá trình giao tiếp, nghiêm khắc trong xử lý các vấn đề về thái độ, tác phong chưa chuẩn mực của NNL.
3.2.2. Nâng cao kiến thức & kỹ năng tác nghiệp
Để công tác quản lý NNL đạt hiệu quả cao một trong những nhiệm vụ nữa rất quan trọng của người lãnh đạo quản lý là phải chú trọng nâng cao năng lực cho đội ngũ nhân viên. Người nhân viên phải có trình độ chuyên môn vừa rộng vừa sâu.Sự hiểu biết về chuyên môn càng sâu, kỹ năng càng thành thạo thì chất lượng, hiệu quả công việc càng cao. Đồng thời, nếu có kiến thức liên ngành, đa ngành thì càng tăng lên khả năng bao quát toàn diện vấn đề, khả năng dự báo trong lập kế hoạch, phòng ngừa rủi ro.Những kỹ năng đặc biệt quan trọng đối với NNL TT-TV là kỹ năng quản lý tri thức, sử dụng CNTT, sử dụng ngoại ngữ.Những kỹ năng này giúp cho công tác tổ chức, quản lý NLTT của cơ quan.Trong quá trình cung cấp các SP&DV TT-TV, người cán bộ thư viện phải tiếp xúc trực tiếp với các đối tượng NDT. Để thực hiện tốt công tác này, đòi hỏi phải có kỹ năng tư vấn, kỹ năng giao tiếp và kỹ năng làm việc theo nhóm, kỹ năng giải quyết vấn đề.
Theo thống kê, tỷ lệ nhân lực có trình trên đại học chuyên ngành TT-TV ở Trung tâm khá cao (60% trên tổng số cán bộ thư viện), do đó, NNL chủ yếu cần tự đào đạo, cập nhật, bổ sung kiến thức mới về khoa học TT-TV và kiến thức xã hội. Trung tâm nên tập trung chú ý phát triển NNL theo hướng mở rộng hiểu biết về chuyên ngành khác và tăng cường về các kỹ năng.
Cần thiết phải cử thư viện viên tham gia các khóa đào tạo ngắn hạn thuộc các chuyên ngành đào tạo của HVNH. Nội dung này đã được đề cập trong phương hướng công tác của năm học 2014 - 2015 nhưng đến nay vẫn chưa có điều kiện thực hiện. Theo đó, cán bộ thư viện sẽ được cử tham gia một số khóa đào tạo tại Trung tâm Đào tạo Bồi dưỡng của HVNH về kiến thức cơ bản của chuyên ngành tài chính, ngân hàng, quản trị kinh doanh, kế toán kiểm toán. Đối với nhóm nhân lực bảo vệ, cần thiết phải cử tham gia các khóa đào tạo chuyên nghiệp về nghiệp vụ công tác bảo vệ và tổ chức đào tạo cho họ kiến thức cơ bản chuyên ngành TT-TV để họ có được kiến thức, kỹ năng của nhiệm vụ chính là bảo đảm an ninh, an toàn về con người và tài sản thư viện, đồng thời hiểu biết về chức năng, nhiệm vụ, quy định của đơn vị công tác, giúp cho họ hòa mình vào môi trường thư viện.
Về kỹ năng ngoại ngữ: tiếp tục cử cán bộ nhân viên tham gia các khóa đào tạo về tiếng Anh giao tiếp, tiếng Anh chuyên ngành, khuyến khích tự đào tạo và có các biện pháp kích thích sử dụng tiếng Anh thường xuyên trong công việc hàng ngày.
Về kỹ năng tin học: chọn lựa đào tạo nâng cao kỹ năng tin học cho một nhóm cán bộ, chủ yếu đào tạo về kiến thức mạng máy tính, xử lý các sự cố về phần cứng, kiến thức về bảo mật dữ liệu, quản trị tài liệu số.
Về kỹ năng giao tiếp, ứng xử: tiếp tục tổ chức tập huấn về kỹ năng giao tiếp với bạn đọc, chú ý theo hướng phù hợp với từng nhóm bạn đọc khác nhau về tâm lý, giới tính, trình độ, vị trí,…
Về kỹ năng làm việc: tiếp tục chú trọng đào tạo NNL về các kỹ năng làm việc nhóm, quản lý thời gian, lập kế hoạch, lập báo cáo.
Về kỹ năng chuyên môn: tổ chức đào tạo tại chỗ hoặc cử cán bộ nhân viên tham gia các khóa tập huấn, hội thảo nghề nghiệp để họ có cơ hội tiếp nhận những kiến thức mới, kinh nghiệm mới.