Hàng rào kỹ thuật

Một phần của tài liệu (LUẬN VĂN THẠC SĨ) Tác động của hoạt động nhập khẩu ô tô tới ngành công nghiệp ô tô Việt Nam (Trang 49 - 52)

2.1. Chính sách nhập khẩu ôtô của Việt Nam

2.1.2.1. Hàng rào kỹ thuật

Để hạn chế việc nhập khẩu ô tô một cách ồ ạt, không kiểm soát được chất lượng và chủng loại, Chính phủ đã ra Pháp lệnh về chất lượng hàng hóa và các Nghị định quy định về việc này và giao cho các bộ liên quan thực hiện. Theo đó, Bộ Khoa học, Công nghệ và Môi trường (BKHCNMT) căn cứ theo:

- Pháp lệnh Chất lượng hàng hóa ngày 27/12/1990; - Nghị định số 22/CP ngày 22/5/1993;

- Nghị định số 86/CP ngày 8/12/1995 của Chính phủ

đã đề nghị của Tổng cục trưởng Tổng cục tiêu chuẩn-đo lường-chất lượng ra hai quyết định liên quan đến việc kiểm tra Nhà nước chất lượng hàng hóa xuất nhập khẩu. Đó là:

- Quyết định số 1091/QĐ-BKHCNMT ngày 22/6/1999;

- Quyết định số 117/QĐ-BKHCNMT ngày 26/1/2000 quy định Bộ giao thông vận tải kết hợp với BKHCNMT chịu trách nhiệm kiểm tra một số các chủng loại phương tiện giao thông. Quyết định này còn chỉ rõ cơ quan

kiểm tra Nhà nước về chất lượng những mặt hàng trên là Cục Đăng kiểm Việt Nam và căn cứ để kiểm tra chất lượng là quyết định số 1944/1999/QĐ-BGTVT ngày 7/8/1999 và các tiêu chuẩn quy định hiện hành.

Theo quyết định số 117/QĐ-BKHCNMT, danh mục hàng hóa phải kiểm tra chất lượng do Cục đăng kiểm phụ trách là toàn bộ các loại phương tiện giao thông đường bộ nhập khẩu. Trên thực tế, trong danh mục này lại bỏ sót một loại phương tiện đường bộ rất thông dụng đó là ô tô đầu kéo. Ô tô đầu kéo là loại phương tiện vận tải có trọng tải lớn, chuyên chở các loại hàng hóa cồng kềnh, nặng, cung đường di chuyển dài mà hiện nay trong nước chưa có doanh nghiệp nào sản xuất loại ô tô này nên phải nhập khẩu dưới dạng đã qua sử dụng. Đây là phương tiện rất cần cho vận tải hàng hóa, phục vụ cho sự phát triển kinh tế của đất nước, nhưng không phải vì thế mà nó không bị kiểm soát về chất lượng.

Năm 2000, Thủ tướng Chính phủ có chỉ thị số 24/2000/CP-TTg về việc triển khai xăng không pha chì ở Việt Nam. Chỉ thị này nhằm mục đích chủ yếu là chống ô nhiễm chì do chất thải của các phương tiện cơ giới đường bộ xả ra, đây cũng là rào cản đối với các loại ô tô nhập khẩu có tuổi phương tiện cao hoặc công nghệ lạc hậu, không đảm bảo cho môi trường.

Năm 2004, Chính phủ ra Nghị định số 23/2004/NĐ-CP ngày 13/1/2004 về việc quy định niên hạn sử dụng của ô tô tải và ô tô chở người. Theo đó, niên hạn sử dụng của xe tại Việt Nam là 25 năm đối với xe tải (tính từ năm sản xuất), 20 năm đối với xe chở người và 17 năm đối với xe chuyển đổi công năng từ các loại xe khác thành ô tô chở người từ ngày 1/1/2002. Việc thực hiện Nghị định này đã loại bỏ khoảng 32.000 ô tô các loại đang hoạt động và các nhà nhập khẩu cũng phải cân nhăc hơn về tuổi của các phương tiện khi tiến hành nhập khẩu. Vì thế, thị trường ô tô đã qua sử dụng nhập khẩu bị bó hẹp hơn.

Năm 2006, với Nghị định 12 cho phép nhập khẩu xe cũ với những tiêu chuẩn mới, đặt ra vấn đề đối với các cơ quan chức năng phải kiểm soát chặt việc nhập xe

cũ . Theo ông Đỗ Hữu Đức-Phó cục trưởng Cục Đăng kiểm Việt Nam: mặt hàng ô tô nằm trong danh mục hàng hóa phải kiểm tra trước khi thông quan và đã có sự chuẩn bị đầy đủ về cả văn bản pháp quy lẫn chỉ tiêu kỹ thuật. Đối với xe mới thì kiểm tra theo lô, kiểm tra theo kiểu loại trên một mẫu xe. Đối với xe cũ phải kiểm tra từng chiếc nhằm ngăn chặn xe cũ nát không đủ tiêu chuẩn lọt vào thị trường. Xe nhập khẩu đã qua sử dụng 5 năm thường chạy không quá 70.000 km. Mỗi đời xe có một đặc điểm kỹ thuật riêng, nhìn hình dáng có thể ước tính được đời xe. Trường hợp khả nghi sẽ chuyển sang Viện Khoa học hình sự (Bộ Công an) giám định, vì nếu đục sửa số khung thì không thấy ngay được, phải chụp phân lớp thì mới phát hiện được. Các hành vi gian lận chỉ tiêu kỹ thuật môi trường, khi kiểm tra thấy sẽ bắt buộc phải tái xuất.

Ngoài các quy định trên, chúng ta còn xây dựng các tiêu chuẩn kỹ thuật một cách có hệ thống, trên cơ sở tham khảo tiêu chuẩn kỹ thuật của các nước tiên tiến như Châu Âu, Nhật Bản, Hàn Quốc... Điển hình như quyết định số 249/2005/QĐ- TTg ngày 10/10/2005 của Thủ tướng Chính phủ được áp dụng kể từ ngày 1/7/2007 (tương đương với tiêu chuẩn EURO 2 của Châu Âu) cho các xe mới sản xuất và xe nhập khẩu. Với tiêu chuẩn mới về khí thải ô tô, nhiều xe khó qua được trạm kiểm định vì không đạt được tiêu chuẩn này. Cụ thể từ ngày 1/7/2008, có 40.664 xe ô tô đến hạn đăng kiểm đã được kiểm định về khí thải trên cả nước và số xe không đạt tiêu chuẩn khí thải là 5.897 xe, chiếm 14,5% tổng số xe đăng kiểm. Để có thể áp dụng cụ thể vào thực tế, năm 2009, bộ Quy chuẩn số QCVN 05:2009/BGTVT được Bộ Giao thông vận tải ban hành kèm theo Thông tư số 31/2009/TT-BGTVT ngày 19/11/2009 quy định quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về khí thải xe ô tô sản xuất, lắp ráp và nhập khẩu mới. Quy chuẩn này quy định mức giới hạn khí thải, các phép thử và phương pháp thử, các yêu cầu về quản lý và tổ chức thực hiện việc kiểm tra khí thải trong kiểm tra chất lượng, an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường xe ô tô sản xuất, lắp ráp và xe ô tô nhập khẩu mới.

Gần đây nhất, ngày 13/5/2011, Bộ Công Thương có Thông tư số 20/TT-BCT quy định các doanh nghiệp nhập khẩu ôtô loại dưới 9 chỗ ngồi khi làm thủ tục nhập

khẩu sẽ phải có thêm giấy chỉ định, giấy ủy quyền của nhà nhập khẩu, nhà phân phối chính hãng hoặc hợp đồng đại lý của chính hãng sản xuất. Đây cũng là một loại hình rào cản kỹ thuật áp dụng đối với ô tô nhập khẩu. Các loại giấy tờ này phải được cơ quan đại diện ngoại giao Việt Nam tại nước ngoài hợp pháp hóa theo quy định. Nếu là bản sao phải có đóng dấu xác nhận. Bên cạnh đó, doanh nghiệp phải xuất trình được giấy chứng nhận cơ sở bảo hành, bảo dưỡng đủ điều kiện do Bộ Giao thông Vận tải cấp, mới được phép đưa xe về thị trường lưu hành. Điều này đã gây rất nhiều khó khăn cho các doanh nghiệp nhập khẩu trong nước không phải chính hãng, và lại tạo điều kiện cho các đại lý nhập khẩu xe hơi chính hãng có thêm cơ hội chiếm ưu thế cạnh tranh.

Bằng hàng rào kỹ thuật trên, Nhà nước có thêm một công cụ để góp phần hạn chế nhập siêu, điều tiết ô tô nhập khẩu, đặc biệt là ô tô cũ, loại bỏ được những ô tô nhập khẩu không sử dụng được, đồng thời tránh cho các đơn vị nhập khẩu không bị vi phạm các quy định, người tiêu dùng được sử dụng phương tiện giao thông nhập khẩu an toàn, tiện nghi, chất lượng hơn. Tuy nhiên, một số chính sách này cần phải xem xét lại về tính phù hợp và thời gian hiệu lực, để hạn chế việc các doanh nghiệp nhập khẩu trong nước bị thua thiệt so với đại lý chính hãng nước ngoài.

Một phần của tài liệu (LUẬN VĂN THẠC SĨ) Tác động của hoạt động nhập khẩu ô tô tới ngành công nghiệp ô tô Việt Nam (Trang 49 - 52)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(118 trang)