3.2. Một số kiến nghị nhằm khắc phục những vấn đề tồn tại trong hoạt động
3.2.1.8. Xây dựng và phát triển công nghiệp phụ trợ ôtô
Năm 2010, Việt Nam đã xuất khẩu trên 1,57 tỷ USD linh kiện ôtô (thị trường lớn nhất là Nhật Bản với kim ngạch đạt trên 871 triệu USD). Đây quả là một con số bất ngờ đối với ngành công nghiệp phụ trợ của Việt Nam. Thực tế hiện nay khá nhiều doanh nghiệp liên doanh có vốn đầu tư nước ngoài đã đầu tư xây dựng các nhà máy sản xuất linh kiện tại Việt Nam, nhưng với mục đích chính là xuất khẩu ra nước ngoài. Số linh kiện xuất khẩu nói trên là lượng hàng hóa được làm theo đơn đặt hàng phục vụ cho các nhà máy sản ôtô lớn tại các nước khác, không tiêu thụ trong nội địa. Trong khi đó, các doanh nghiệp trong nước lại phải đi nhập khẩu linh kiện về lắp ráp. Thực tế này cho thấy Việt Nam vẫn có khả năng, có lợi thế và đang là thị trường được nhiều hãng xe nhắm tới để đầu tư sản xuất linh kiện.Trong khi đó, sau nhiều năm vật lộn trên thương trường, nhiều doanh nghiệp sản xuất lắp ráp ôtô Việt Nam cũng đã thay đổi nhận thức về đường hướng phát triển.
Việc tăng dung lượng thị trường sẽ khiến cho các doanh nghiệp "tự động" đầu tư chiều sâu để tăng sản lượng, hệ quả là sẽ thúc đẩy việc hình thành các ngành sản xuất linh kiện để phục vụ chủ trương "nội địa hóa". Và Nhà nước sẽ thúc đẩy phát triển lĩnh vực này bằng cách ưu đãi tối đa về thuế cho những nhà sản xuất linh kiện
đạt chuẩn kỹ thuật tiên tiến của các hãng sản xuất ô tô. Nếu sản phẩm được nhà sản xuất ô tô tiêu thụ hay những phụ tùng được những nhà sản xuất ô tô chính thức công nhận, sẽ được miễn thuế VAT và thuế thu nhập doanh nghiệp từ 10 năm trở lên chẳng hạn.
Với các điều kiện như Việt Nam hiện nay, chúng ta chỉ có thể phát triển việc sản xuất, chế tạo một số linh phụ kiện như: điện, ghế đệm, gương, kính, sản phẩm nhựa... Trong số những linh phụ kiện này, chúng ta nên chọn những bộ phận mà việc chế tạo, sản xuất chúng phát huy được tốt nhất lợi thế tiềm năng về lao động có kỹ thuật của mình.
Ngành công nghiệp phụ trợ cho sản xuất ô tô cần được hình thành ở quy mô Nhà nước, và cần coi đó là ngành công nghiệp then chốt. Chúng ta nên mời các nhà đầu tư nước ngoài từ Nhật Bản, Hàn Quốc, Trung Quốc...tham gia tạo dựng và phát triển ngành công nghiệp phụ trợ tại Việt Nam. Đối với các nhà lắp ráp, cần kêu gọi các công ty phụ trợ từ nước ngoài và thu nạp các nhà phụ trợ nội địa vào chuỗi phụ trợ của các hãng chính. Bên cạnh đó, các nhà phụ trợ nội địa cần nỗ lực đầu tư, chuyển giao công nghệ, kỹ thuật để sản phẩm đạt chất lượng cao. Điều quan trọng nữa là cần tạo điều kiện thuận lợi và chính sách ưu đãi thu FDI vào lĩnh vực này.
3.2.1.9. Định vị Việt Nam trong mạng lưới sản xuất ngành công nghiệp ô tô khu vực ASEAN và Đông Á
Theo kinh nghiệm của các quốc gia trong khu vực và trên thế giới, để xây dựng được một ngành công nghiệp ô tô phát triển về quy mô và chất lượng trong bối cảnh hội nhập kinh tế quốc tế, Việt Nam cần định vị hiệu quả ngành công nghiệp ô tô Việt Nam trong mạng lưới sản xuất khu vực Đông Á, thiết kế các chính sách hỗ trợ phù hợp nhằm đạt được mục tiêu định vị nói trên. Ngành công nghiệp ô tô khu vực này được nhìn như là một nhà máy sản xuất lớn, trong đó mỗi quốc gia có một vai trò nhất định và đóng góp vào “chuỗi giá trị”. Các quốc gia trên bản đồ định vị và phân tích chuỗi giá trị ít nhất phải bao gồm Trung Quốc, Thái Lan, Malaysia, Nhật Bản, Hàn Quốc và Việt Nam. Thái Lan tuyên bố mục tiêu định vị
của họ là “cơ sở sản xuất ô tô Châu Á mang lại giá trị cho đất nước với một nền tảng cung cấp nội địa vững chắc”. Malaysia cố gắng định vị như là “nhà thiết kế xe của ASEAN”. Còn sức mạnh của ngành công nghiệp ô tô Trung Quốc được mô tả như là công xưởng của thế giới. Hiện tại, các nhà sản xuất ô tô Nhật Bản xem xét Thái Lan và Trung Quốc như các địa điểm được lựa chọn cho việc lắp ráp và sản xuất ô tô quy mô lớn trong khu vực. Vì thế, Việt Nam không nên cạnh tranh trực tiếp với các quốc gia này trong quy trình sản xuất mà họ đã khẳng định được ưu thế. Thực tế, là Việt Nam có một lợi thế tiềm năng trong những thập kỷ tới đó là nguồn lao động dồi dào, có kỹ năng cao trong lĩnh vực sản xuất, thậm chí được đánh giá là cao nhất trong khu vực Đông Nam Á. Với lợi thế này, Việt Nam sẽ trở thành một mắt xích quan trọng trong mạng lưới sản xuất Đông Á bằng cách chuyên môn hóa một số quy trình và nhập khẩu các hàng hóa trung gian từ các quốc gia láng giềng. Tham gia vào mạng lưới sản xuất của khu vực, chúng ta nên bắt đầu bằng những quy trình sản xuất đơn giản nhưng dần dần sẽ tăng giá trị, trở thành một cơ sở sản xuất nhằm mục đích xuất khẩu một số loại linh phụ kiện ô tô có lợi thế tiềm năng. Việc sản xuất nên ở quy mô lớn và ban đầu thực hiện xuất khẩu 100% vì cầu về linh phụ kiện nội địa hiện tại quá nhỏ. Sau một thời gian, thì tính tới việc cung cấp linh phụ kiện cho thị trường nội địa khi mà thị trường nội địa được mở rộng.