3.2. Một số kiến nghị nhằm khắc phục những vấn đề tồn tại trong hoạt động
3.2.1.10. Hiện đại hóa cơ sở hạ tầng giao thông
Đường sá giao thông thuận lợi là một nhân tố kích cầu về sử dụng ô tô. Hiện nay, cơ sở hạ tầng của Việt Nam còn kém, việc phát triển lĩnh vực này chủ yếu vẫn dựa vào nguồn vốn ngân sách và vốn ODA. Do đặc điểm của lĩnh vực cơ sở hạ tầng là môi trường kinh doanh còn nhiều khó khăn, trong khi đây là một lĩnh vực không thể thu hồi vốn nhanh. Do vậy, để thu hút nguồn vốn vào khu vực này, Nhà nước cần khuyến khích sự tham gia của khu vực kinh tế ngoài quốc doanh. Nhất thiết các nhà đầu tư phải được đối xử công bằng trong một môi trường thuận lợi, trong đó những rủi ro phi thương mại đối với các dự án đòi hỏi vốn lớn phải được giảm
xuống mức tối thiểu. Để tạo điều kiện thúc đẩy và mở rộng thị trường ô tô nội địa, các kế hoạch quy hoạch đô thị cần thiết kế đường rộng, có đường dành riêng cho ô tô và ưu tiên dành đất để làm bãi đỗ xe với mức thu phí đỗ xe thích hợp. Để làm được việc này, Chính phủ cần phải nâng cao năng lực thiết kế và thực hiện các chính sách thống nhất. Trong ngắn hạn, các biện pháp như đảm bảo việc tuân thủ chắt chẽ pháp luật giao thông, quản lý luồng chảy giao thông tốt hơn, năng động hóa đội ngũ cảnh sát giao thông cần được thực hiện. Về mặt trung hạn, các công việc như xây dựng nhiều tuyến xe buýt hơn, mở rộng các tuyến phố chính, nâng cấp các ngã tư là cần thiết. Trong dài hạn, cơ sở hạ tầng giao thông như cầu, đường hầm, đường cao tốc mới, đường vòng, xe điện ngầm cần được xây dựng. Để thực hiện tốt các chính sách này, Việt Nam cần có một bản quy hoạch giao thông thật tốt. Theo quyết định Số:206/2004/QĐ-TTg về việc phê duyệt chiến lược phát triển giao thông vận tải đến năm 2020, có thể nhận thấy các chính sách cũng như định hướng của Chiến lược này rất có lợi cho ngành công nghiệp ô tô Việt Nam phát triển. Bản chiến lược đã nêu rõ:
- Quan điểm phát triển: Phát triển kết cấu hạ tầng giao thông một cách đồng bộ, hợp lý, từng bước đi vào hiện đại, tạo nên mạng lưới hoàn chỉnh, liên hoàn, liên kết giữa các phương thức vận tải, giữa các vùng lãnh thổ, giữa đô thị và nông thôn trên phạm vi toàn quốc.
- Mục tiêu phát triển: Giai đoạn 2010 - 2020, hoàn chỉnh, hiện đại hóa và tiếp tục phát triển kết cấu hạ tầng giao thông đảm bảo vận tải tối ưu trên toàn mạng lưới. Đảm bảo quỹ đất dành cho giao thông đô thị đến 2020 phải đạt 15 - 25% tổng diện tích đô thị bao gồm cả giao thông tĩnh và động.
Phát triển đa dạng hệ thống kết cấu hạ tầng phục vụ vận tải hành khách công cộng để đảm bảo trật tự - an toàn giao thông đô thị và bảo vệ môi trường. Đường bộ: toàn bộ hệ thống quốc lộ và hầu hết tỉnh lộ phải được đưa vào đúng cấp kỹ thuật; mở rộng và xây dựng mới các quốc lộ có nhu cầu vận tải lớn; xây dựng hệ
thống đường bộ cao tốc trên các hành lang vận tải quan trọng. Các tuyến đường bộ đối ngoại đạt tiêu chuẩn kỹ thuật của đường bộ khu vực.
- Giao thông đô thị: phát triển hợp lý hệ thống kết cấu hạ tầng giao thông đô thị và vận tải công cộng; đảm bảo quỹ đất dành cho giao thông đô thị đạt 15 - 25%. Đối với các thành phố lớn, tiếp tục xây dựng và hoàn chỉnh hệ thống vận tải công cộng khối lượng lớn, đặc biệt là đường xe điện, đường sắt trên cao và tàu điện ngầm, giải quyết ùn tắc và tai nạn giao thông. - Giao thông nông thôn: đường giao thông nông thôn cho phương tiện giao
thông cơ giới tới tất cả trung tâm các xã hoặc cụm xã, có điều kiện đảm bảo thông suốt quanh năm. Tỷ lệ mặt đường nhựa và bê tông xi-măng đạt trên 50%.
Tổ chức quản lý giao thông đô thị một cách khoa học bằng việc sử dụng công nghệ và các trang thiết bị hiện đại như tín hiệu, đài điều khiển, hệ thống camera ... đảm bảo lưu thông thông suốt, an toàn và bảo vệ môi trường.
Đồng thời các nhà sản xuất ô tô, xe máy cần có trách nhiệm góp phần tăng cường trật tự giao thông, giảm tai nạn và ô nhiễm môi trường. Các nhà sản xuất cần tích cực hợp tác với chính phủ để hoàn thành trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp. Mặc dù thiện chí này sẽ làm tăng thêm những chi phí hiện tại song sự tăng trưởng lành mạnh của ngành giao thông sẽ cải thiện đáng kể môi trường kinh doanh và tạo đà phát triển ngành ô tô, xe máy trong dài hạn. Thời gian vừa qua, chúng ta đã có những bước tiến đáng kể trong việc cải thiện hệ thống cơ sở hạ tầng, một mặt nhằm đáp ứng cho yêu cầu của phát triển kinh tế, mặt khác nhằm tạo điều kiện để phát triển công nghiệp ô tô Việt Nam.