Đơn vị: %
Chỉ tiêu Năm 2015 Năm 2016 Năm 2017
Tổng chi thường xuyên NSNN cho
giáo dục và đào tạo 100 100 100 Chi giáo dục: 98,72 98,61 98,78 Trong đó :
- Mầm non 33,77 33,1 34,1
- Tiểu học 36,47 36,2 35,8
- THCS 28,51 29,3 28,9
Chi Đào tạo: 1,28 1,39 1,22
(Nguồn : Phòng tài chính-kế hoạch huyện Ba Vì)
Như vậy, cơ cấu chi thường xuyên NSNN cho giáo dục - đào tạo ở huyện Ba Vì trong thời gian qua chưa có sự cân đối, chi ngân sách mới chỉ chú trọng đến quy mô, mạng lưới các trường phổ thông nhằm giải quyết các nhu cầu giáo dục trước mắt, chưa có sự đầu tư phát triển quy mô và mạng lưới các trường đào tạo, dạy nghề nên nhìn chung quy mô đào tạo và dạy nghề còn phát triển chậm, chưa đáp ứng được yêu cầu đào tạo nguồn nhân lực phục vụ cho quá trình công nghiệp hoá và hiện đại hoá tại địa phương.
Theo quy định của Nhà nước, để có thể đảm bảo đời sống của thầy cô giáo thì định mức chi con người chiếm 70- 80% tổng chi giáo dục - đào tạo. Đồng thời, để đảm bảo điều kiện cho dạy và học thì định mức chi khác ở khung 20-30% tổng chi.
Số liệu phân tích từ năm 2015 đến 2017 của huyện Ba Vì cho thấy, tỷ lệ chi cho con người khoảng 83,68% đến 84,28% còn chi khác từ 15,72% đến 16,32%. Điều này xuất phát từ những lý do sau:
- Hiện tượng vừa thừa vừa thiếu giáo viên ở các cấp học, bộ môn đã tạo ra gánh nặng tiền lương đối với ngân sách địa phương. Trung ương giao biên chế giáo viên cho địa phương theo dân số ở các độ tuổi. Thực tế địa phương
lại thừa giáo viên ở bậc tiểu học, trong khi lại thiếu giáo viên dạy nhạc hoạ, thể dục ở cấp trung học cơ sở. Cơ cấu giáo viên giữa các môn mất cân đối, nhiều môn còn thiếu giáo viên như môn Công nghệ, môn Sử, môn Địa, môn Giáo dục công dân (khoảng 222 giáo viên); môn học có số lượng thừa nhiều nhất là Ngữ văn (khoảng 310 giáo viên) và Toán học (khoảng 210 giáo viên). Huyện vừa phải đảm bảo tiền lương cho số giáo viên thừa đồng thời vẫn phải chi trả tiền dạy vượt giờ, tiền dạy thêm cho số giáo viên thiếu. Điều này đã làm cho các khoản chi liên quan đến con người cao trong tổng chi thường xuyên cho giáo dục - đào tạo.
- Một số khoản chi được ghi vào chi khác trong chi thường xuyên NSNN cho giáo dục - đào tạo như: chi tổ chức các kỳ thi tốt nghiệp (khoảng 7 tỷ/năm), chi đào tạo lại và bồi dưỡng cán bộ (khoảng 8 tỷ/năm) nhưng lại liên quan đến con người đã làm cho tỷ trọng chi khác thực tế còn thấp hơn số liệu trên, không đảm bảo được theo tỷ lệ quy định.
Mặc dù hàng năm ngân sách địa phương đã cố gắng bố trí các khoản chi ngoài lương nhưng nhìn chung mức chi ngoài lương vẫn không đảm bảo được yêu cầu tối thiểu theo quy định của Nhà nước. Nhằm đảm bảo tỷ lệ chi ngoài lương, nhiều trường thu từ học sinh nhiều khoản quỹ như: quỹ xây dựng trường, quỹ thi đua khen thưởng...
Thời gian gần đây do nhà nước thực hiện lộ trình cải cách tiền lương nên mức lương bình quân hàng tháng của giáo viên tăng ở tất cả các cấp học của khối giáo dục (bảng 2.8). Tuy nhiên đời sống của nhà giáo vẫn gặp nhiều khó khăn, do tiền lương là khoản thu nhập duy nhất đối với đại bộ phận các nhà giáo, chính sách tiền lương mới chưa tạo điều kiện để nhà giáo yên tâm công tác, chưa thực sự đúng vị trí coi giáo dục đào tạo là "Quốc sách hàng đầu". Vì thế nghề dạy học chưa đủ sức thu hút người giỏi, nhà giáo chưa có đủ điều kiện để thực sự toàn tâm toàn ý với nghề.