Bộ Giáo dục và Đào tạo là cơ quan chuyên môn được Chính phủ giao nhiệm vụ chủ trì, phối hợp với các Bộ ngành liên quan trong việc xây dựng nhiều chính sách chế độ liên quan đến lĩnh vực giáo dục đào tạo. Để có thể nâng cao được hiệu quả quản lý chi thường xuyên NSNN cho ngành, tác giả kiến nghị với Bộ Giáo dục và Đào tạo như sau:
- Bộ cần có kế hoạch khảo sát thực tế để rà soát lại các nội dung, mức chi trong các chính sách đã ban hành từ lâu mà việc áp dụng tại các huyện hiện nay rất khó khăn do mức chi thấp. Hướng tới xây dựng, sửa đổi định mức cho phù hợp để đảm bảo tính thực tiễn trong chính sách chế độ của Nhà nước, ví dụ như Quyết định số 85/2010/QĐ-TTg ngày 21/12/2010 của Thủ tướng Chính phủ ban hành một số chính sách hỗ trợ học sinh bán trú và trường phổ thông dân tộc bán trú, với mức hỗ trợ tiền ăn cho học sinh bán trú như hiện nay bằng 40% mức lương tối thiểu chung tương đương 460.000đ/tháng, bình quân bằng 15.000đ/ngày/học sinh là quá thấp, trong khi các em đang ở độ tuổi phát triển về thế lực không đủ đảm bảo sức khỏe cho việc học tập của học sinh.
- Bộ Giáo dục và Đào tạo phối hợp với các Bộ ngành liên quan xây dựng Thông tư hướng dẫn thực hiện chính sách phải kịp thời, tạo điều kiện cho địa phương chủ động trong việc chi trả chế độ đối với ngành giáo dục đào tạo. Ví dụ như Nghị định 19/2013/NĐ-CP của Chính phủ về chính sách đối với nhà giáo, cán bộ quản lý giáo dục công tác tại các trường chuyên biệt, vùng kinh tế xã hội khó khăn ban hành ngày 23/2/2013 nhưng đến 27/6/2015 mới có Thông tư số 06/2015/TTLT-BGDĐT-BNV-BTC hướng dẫn thực hiện. Do tính chất phức tạp của đối tượng được hưởng chính sách, độ trễ của việc ban hành Thông tư hướng dẫn nên hầu hết các địa phương chậm thực hiện chi trả chế độ phụ cấp này cho giáo viên.