cấp huyện
1.2.1. Nguyên tắc quản lý chi thường xuyên ngân sách nhà nước cho giáo dục đào tạo trên địa bàn cấp huyện
Chi thường xuyên ngân sách nhà nước cho giáo dục đào tạo là một bộ phận của chi thường xuyên ngân sách nhà nước. Vì vậy, quản lý chi thường xuyên ngân sách nhà nước cho giáo dục đào tạo cần quán triệt các nguyên tắc quản lý chi thường xuyên ngân sách nhà nước nói chung, cụ thể:
-Nguyên tắc quản lý theo dự toán.
Lập dự toán là khâu mở đầu của một chu trình ngân sách. Lập dự toán sẽ giúp chủ thể quản lý chủ động trong phân bổ và sử dụng các nguồn lực tài chính. Đối với chi thường xuyên cho giáo dục đào tạo, lập dự toán còn là căn cứ quan trọng để quản lý và kiểm soát các khoản chi trong quá trình điều hành ngân sách. Ngoài ra, quản lý theo dự toán cũng là cơ sở để đảm bảo cân đối ngân sách, tạo điều kiện chấp hành ngân sách. Tuy nhiên, để nguyên tắc này phát huy tác dụng thì việc lập dự toán từ các đơn vị, cở sở giáo dục đào tạo thụ hưởng ngân sách phải khoa học, định mức và chính sách chế độ phải phù hợp với từng nhiệm vụ chi.
-Nguyên tắc đầy đủ, trọn vẹn.
Đây là nguyên tắc quan trọng nhất, đòi hỏi tất cả các khoản chi thường xuyên ngân sách nhà nước cho giáo dục đào tạo đều phải được thực hiện theo đúng định mức, đúng kế hoạch. Các khoản chi đều phải được ghi sổ đầy đủ vào kế hoạch ngân sách nhà nước và được quyết toán rành mạch. Nguyên tắc này được đưa ra nhằm hạn chế tình trạng để ngoài ngân sách của các khoản chi thuộc ngân sách nhà nước, dẫn đến tình trạng lãng phí trong sử dụng vốn ngân sách nhà nước.
-Nguyên tắc tiết kiệm, hiệu quả.
Hiệu quả là yêu cầu của mọi quá trình quản lý, đặc biệt là quản lý tài chính. Tính hiệu quả xuất phát từ thực tế nguồn lực tài chính nói chung, nguồn kinh phí chi thường xuyên cho lĩnh vực giáo dục đào tạo nói riêng có giới hạn, nên việc phân bổ và sử dụng cần đảm bảo nguyên tắc hiệu quả nhằm đạt được các mục tiêu đề ra. Để nguyên tắc này được tôn trọng, quản lý chi thường xuyên của ngân sách nhà nước cho ngành phải làm tốt một số nội dung sau:
+ Phải xây dựng định mức, tiêu chuẩn chi tiêu phù hợp với từng đối tượng hay tính chất công việc, đồng thời phải có tính thực tiễn.
+ Phải thiết lập các hình thức cấp phát đa dạng và lựa chọn hình thức cấp phát áp dụng cho mỗi loại hình đơn vị hoặc phù hợp với yêu cầu quản lý của từng nhóm mục chi.
+ Lựa chọn thứ tự ưu tiên cho các loại hoạt động hoặc theo các nhóm mục chi sao cho tổng số chi có hạn nhưng khối lượng công việc vẫn hoàn thành và đạt chất lượng cao
+ Khi đánh giá tính hiệu quả của chi thường xuyên ngân sách nhà nước cho ngành giáo dục đào tạo phải có quan điểm toàn diện. Phải xem xét mức độ ảnh hưởng của khoản chi trong việc nâng cao chất lượng dạy và học ở mọi cấp học, bậc học, ngành học.
- Nguyên tắc công khai hoá.
Nguyên tắc này được thể hiện suốt trong chu trình ngân sách nhà nước (lập, chấp hành và quyết toán ngân sách nhà nước ) và phải được áp dụng cho các cơ quan tham gia vào chu trình ngân sách nhà nước. Việc chi thường xuyên ngân sách nhà nước cho giáo dục đào tạo phải được công khai để mọi người biết. Nguyên tắc này xuất phát từ những lý do: Giáo dục đào tạo là lĩnh vực nhạy cảm, có liên quan đến lợi ích của toàn dân. Hơn nữa, nguồn tài chính chi cho nhiệm vụ này được thực hiện phần lớn bằng nguồn vốn ngân sách nhà nước một nguồn vốn được đóng góp chủ yếu bởi nhân dân, do đó việc công khai các khoản chi để mọi người dân được biết là một nguyên tắc không thể thiếu.
-Nguyên tắc cân đối ngân sách.
Cân đối ngân sách được hiểu là các khoản chi chỉ được phép thực hiện khi đã có đủ các nguồn thu bù đắp. Việc thực hiện nguyên tắc này đòi hỏi: chỉ những khoản chi nào đã có trong dự toán chi ngân sách nhà nước đã được cơ quan có thẩm quyền phê duyệt thì mới được phép chi. Nguyên tắc này cũng đòi hỏi trong quá trình điều hành ngân sách nếu thu không đủ bù đắp các khoản chi thì cơ quan tài chính phải trình cấp có thẩm quyền cắt giảm những khoản chi phù hợp cân đối ngân sách.
-Nguyên tắc đảm bảo sự tự chủ về tài chính của các đơn vị sử dụng ngân sách.
Ngày 14/02/2015, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 16/2015/NĐ- CP quy định quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm về thực hiện nhiệm vụ, tổ chức bộ máy biên chế và tài chính đối với đơn vị sự nghiệp công lập nhằm trao quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm cho các đơn vị sự nghiệp trong việc tổ chức công việc, sắp xếp lại bộ máy, sử dụng lao động và nguồn lực tài chính để hoàn thành nhiệm vụ được giao; phát huy mọi khả năng của đơn vị để cung
cấp dịch vụ với chất lượng cao cho xã hội; tăng nguồn thu cho người lao động. Lĩnh vực giáo dục, đào tạo chịu tác động của Nghị định này. Theo quy định tại Nghị định trên, các trường học, các cơ sở giáo dục - đào tạo phải chủ động xây dựng dự toán chi phù hợp với nhiệm vụ chi và chủ động sử dụng nguồn kinh phí đã được duyệt để thực hiện hoàn thành các nhiệm vụ được giao.
-Nguyên tắc đảm bảo chi trả trực tiếp qua Kho bạc nhà nước.
Với chức năng quản lý quỹ ngân sách nhà nước, kho bạc nhà nước kiểm soát mọi khoản chi ngân sách và có quyền từ chối thanh toán các khoản chi không đúng quy định, không phù hợp với chế độ. Hiện nay, các đơn vị dự toán phải mở tài khoản tại Kho bạc Nhà nước. Mọi khoản thanh toán đều phải có duyệt chi từ kho bạc trước khi nguồn vốn ngân sách được thanh toán chi trả [23].
1.2.2. Nội dung quản lý chi thường xuyên ngân sách nhà nước cho giáo dục đào tạo trên địa bàn cấp huyện