Đánh giá nguyên nhân của thực trạng

Một phần của tài liệu Củng cố biểu tượng định hướng không gian cho trẻ 5 - 6 tuổi thông qua tổ chức một số hoạt động học tập theo hướng tích hợp (Trang 38 - 41)

Qua việc điều tra thực trạng việc củng cố biểu tượng cho trẻ 5 – 6 tuổi thông qua trò tổ chức một số HĐHT chúng tôi thấy một số mặt tích cực và hạn chế sau:

- Ưu điểm:

Giáo viên đã cố gắng lựa chọn và sử dụng các biện pháp củng cố biểu tượng không gian cho trẻ nhằm thực hiện mục đích giáo dục của mình. Giáo viên cũng đã nhận thấy tầm quan trọng cũng như tính cần thiết của việc củng cố biểu tượng không gian cho trẻ thông qua học tập. Biện pháp mà các giáo viên thực hiện cũng góp phần phát triển toàn diện nhân cách cho trẻ, chuẩn bị cho trẻ vào bậc học sau.

- Hạn chế - nguyên nhân:

Mặc dù đã quan tâm đến việc củng cố biểu tượng ĐHKG cho trẻ trong một số HĐHT, nhưng trong quá trình thực hiện giáo viên chưa phát huy hết các tác dụng của biện pháp đó đối với việc củng cố biểu tượng không gian cho trẻ 5 - 6 tuổi. Qua quan sát tìm hiểu, chúng tôi đánh giá hạn chế này có thể là do một số nguyên nhân sau:

Thứ nhất, giáo viên mầm non chưa tạo điều kiện cho trẻ mở rộng hiểu biết của mình, chưa có kiện bộc lộ hết khả năng và hiểu biết của mình. Khi quan sát cách đàm thoại, trò chuyện của cô giáo với trẻ chúng tôi thấy cô giáo chưa gợi ý để trẻ tìm tòi đưa ra ý kiến của mình.

Thứ hai, giáo viên thường sử dụng lặp đi lặp lại một vài biện pháp chưa gây được hứng thú cho trẻ.... không kích thích được tính tò mò ham hiểu biết, thích khám phá của trẻ.

Thứ ba, các hoạt động giáo dục tích hợp của giáo viên chủ yếu được tổ chức theo kinh nghiệm nên thiếu đa rạng, chưa thật sự phong phú, chưa có tác dụng kích thích trẻ hứng thú tham gia vào các hoạt động.

Thứ tư, việc sử dụng hệ thống các trò chơi học tập, cũng như hệ thông bài tập có nội dung tích hợp củng cố biểu tượng không gian cho trẻ giúp trẻ nhớ lại kiến thức cũng như kĩ năng về ĐHKG còn hạn chế, nội dung đơn giản chưa thực sự đi sâu vào vấn đề cần củng cố

Thứ năm, mặc dù được sự quan tâm của nhà nước và các cơ quan, tuy nhiên trường mới được thành lập chưa lâu nên cơ sở vật chất chưa thật sự đầy đủ, đội ngũ giáo viên trẻ, kinh nghiệm chưa sâu. Bên cạnh đó cách tổ chức các tiết học của giáo viên chưa thực sự mới mẻ. Hầu hết tiết học mà chúng tôi được quan sát đều thấy một sự quen thuộc, chưa thấy có yếu tố mới lạ và hấp hẫn nên chưa mang lại cho trẻ cảm giác hứng thú khi tham gia hoạt động.

Kết luận chương 1

Từ việc tổng hợp, phân tích, đánh giá khái quát những vấn đề lý luận và thực tiễn liên quan đến đề tài nghiên cứu, chúng tôi rút ra một số kết luận sau:

Việc hình thành và củng cố biểu tượng ĐHKG cho trẻ 5 - 6 tuổi thông qua tổ chức một số HĐHT là rất quan trọng ở trường mầm non. Nó góp phần không nhỏ trong việc giáo dục nhận thức, trí tuệ và phát triển toàn diện nhân cách cho trẻ cũng như tạo tiền đề, đặt nền móng vững chắc cho quá trình học tập và trong cuộc sống của trẻ. Hơn nữa, việc đổi mới hoạt động giáo dục mầm non theo hướng tích hợp là một xu thế phát triển tất yếu của một nền giáo dục hiện đại và tiên tiến, là xu thế chung của thời đại và phù hợp với tình hình thực tế của giáo dục mầm non hiện nay.

Qua nghiên cứu thực trạng cho thấy, hầu hết giáo viên mầm non nhận thức được tầm quan trọng của việc hình thành biểu tượng định hướng không gian cho trẻ mầm non nói chung và cho trẻ 5 - 6 tuổi nói riêng theo hướng tích hợp. Tuy nhiên, do một số nguyên nhân chủ quan và khách quan, việc tổ chức các hoạt động hình thành và củng cố biểu tượng định hướng không gian cho trẻ 5 - 6 tuổi thông qua tổ chức một số hoạt động học tập theo hướng tích hợp chưa phát huy được tối đa hiệu quả.

Từ cơ sở lí luận và thực tiễn, đề tài đã xác định được các căn cứ để xác định các mức độ tiến bộ của trẻ về biểu tượng định hướng không gian. Đây là các căn cứ quan trọng làm cơ sở cho việc đề xuất các biện pháp củng cố biểu tượng định hướng không gian cho trẻ qua các hoạt động học tập theo hướng tích hợp sẽ được trình bày trong chương 2.

Một phần của tài liệu Củng cố biểu tượng định hướng không gian cho trẻ 5 - 6 tuổi thông qua tổ chức một số hoạt động học tập theo hướng tích hợp (Trang 38 - 41)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(103 trang)