Giá trị là phạm trù riêng có của loài người, liên quan đến lợi ích vật chất cũng như tinh thần của con người. Giá trị gắn liền với nhu cầu con người. James People và Garrick Bailey cho rằng giá trị là cái ý tưởng về các loại mục đích hay các loại lối sống của một cá thể, nó được chia sẻ trong một nhóm hay trong toàn xã hội, nó được cá thể, nhóm hoặc toàn xã hội mong muốn hay được coi là có
ý nghĩa. Đó là phẩm chất cơ bản cần phải có để đảm bảo con đường sống, các chuẩn tối thượng chỉ đạo mọi hoàn cảnh thực tiễn. Có những giá trị có thể định lượng bởi một giá, nhưng cũng có những giá trị không thể định giá - vô giá: lòng yêu nước, tình yêu tình bạn, các tác phẩm nghệ thuật... Những hành động của con người vì nhu cầu và thỏa mãn nhu cầu trong quá trình tồn tại của mình ẩnchứa các giá trị văn hóa. Khía cạnh trí tuệ, năng lựcsáng tạo, khát vọng nhân văn của con người biểu hiện trong hoạt động sống của cá nhân, cộng đồng, dân tộc: ăn, mặc, ở, đi lại, giao tiếp xã hội, giáo dục, tập quán, tín ngưỡng,... tạo nên nét đặc trưng của giá trị văn hóa. Dưới góc nhìn nhân học, C.Kluckhohn (1951) cho rằng: Giá trị là điều mong muốn được đặc trưng hiện hay ẩn cho một cá nhân hay một nhóm và ảnh hưởng tới việc lựa chọn các phương thức, phương tiện hoặc mục tiêu hành động…Giá trị văn hóa không phải là cái cố định mà biến đổi cùng sự biến đổi của xã hội. Các giá trị văn hóa biểu hiện trong mọi lĩnh vực của đời sống xã hội, từ tư tưởng, tình cảm, quan niệm, biểu tượng, đạo đức thẩm mỹ, lối sống đến những giá trị tinh thần do con người sáng tạo nên như nghệ thuật, kiến trúc, hội họa, âm nhạc... Những giá trị văn hóa này hình thành và được khẳng định trong quá trình tồn tại phát triển của con người và xã hội, là cái tạo nên nét độc đáo, truyền thống, bản sắc dân tộc. Căn cứ vào đó có thể so sánh, nhận định về nền văn hóa của dân tộc này với dân tộc khác.
Giá trị văn hóa là cái hình thành trong quá trình vận động của các cá nhân, nhóm và cộng đồng xã hội vươn tới thỏa mãn nhu cầu của mình. Do vậy, nói tới giá trị văn hóa là nói tới những thành tựu của một cá nhân hay một dân tộc đã đạt được trong quan hệ với thiên nhiên, với xã hội và trong sự phát triển bản thân mình; nói tới giá trị văn hóa cũng là nói tới thái độ, trách nhiệm và những quy tắc ứng xử của mỗi người trong quan hệ của bản thân với gia đình, xã hội và thiên nhiên; nói tới giá trị văn hóa cũng là nói tới những biểu tượng cho cái chân - thiện - mỹ. Tác giả Trần Văn Giàu cũng đã tổng hợp lại 7 giá trị văn hóa truyền thống của dân tộc Việt Nam gồm: “Lòng yêu nước, cần cù, anh hùng, sáng tạo, lạc quan, thương người, vì nghĩa” [56]. Nghị quyết Hội nghị lần thứ năm BCH Trung ương khóa VIII về “Xây dựng một nền văn hoá Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc” đã nêu ra giá trị bền vững, được vun đắp trong suốt chiều dài của lịch sử dân tộc là: (1) Lòng yêu nước nồng nàn, ý chí tự cường dân tộc; (2) Tinh thần đoàn kết, ý thức cộng đồng (gắn kết cá nhân - gia đình - làng xã - Tổ quốc); (3) Lòng nhân ái,khoan dung; trọng nghĩa tình, đạo lý; (4) Đức tính cần cù, sáng tạo trong lao động; (5) Sự tinh tế trong ứng xử, tính giản dị trong lối sống…
Từ các quan niệm trên đây, có thể rút ra giá trị văn hóa như sau:
Giá trị văn hóa là toàn bộ kết quả kết tinh hoạt động của tư duy, lao động sáng tạo của con người trong môi trường tự nhiên và xã hội đáp ứng những mong muốn tốt đẹp cần có của cá nhân và cộng đồng; là những gì mà cá nhân và cộng đồng vươn tới, nó chi phối lối sống, hành động, hành vi đạo đức, nhân cách của con người trong nếp sống; nó tạo ra những hệ và bảng giá trị mang đặc điểm của cộng đồng, quốc gia và mang tính lịch sử tương ứng với các giai đoạn phát triển của xã hội.