Là một dân tộc sinh sống trong môi trường thung lũng có khí hậu nhiệt đới nóng ẩm nên trong đời sống và mọi hoạt động sản xuất, sinh hoạt, tôn giáo tín ngưỡng, người Tày luôn sáng tạo cho mình những cách thức riêng để chế ngự thiên nhiên, khắc phục các dòng chảy của nguồn nước, suối lũ, đồng thời có thể tự cung tự cấp đảm bảo cuộc sống hàng ngày và có thể phòng vệ tốt, chống được thú giữ hoặc giặc cướp quấy phá giữa núi rừng hoang vu, vắng vẻ. Vì thế, từ xa xưa các thế hệ cha ông của người Tày đã tính toán một cách chu đáo và cẩn thận để làm sao kiến trúc và xây dựng được những ngôi nhà vừa tiện lợi, vừa bền vững, gắn bó với không gian thiên nhiên. Ngôi nhà của người Tày được thể hiện dưới các hình dạng khác nhau, tùy nơi, tùy vùng và tùy cả vào điều kiện kinh tế của mỗi gia đình, nhưng phổ biến nhất là kiến trúc nhà sàn.
Trong cuốn sách Biến đổi văn hóa các dân tộc thiểu số ở Việt Nam từ đổi mới đến nay của tác giả Nguyễn Thị Song Hà (chủ biên) có viết: Ngôi nhà truyền thống của người Tày gồm nhà sàn, nhà nửa sàn nửa đất, nhà phòng, trong đó nhà sàn là phổ biến nhất. Cấu trúc phổ biến nhà sàn của người Tày là loại nhà 5 gian, 3 gian, 1 gian, hai mái, mái chéo hình lưỡi rìu, xung quanh bưng kín bằng tre, phên nứa hoặc ván gỗ…mái chủ yếu bằng lá cọ hoăc ngói âm dương. Loại hình nhà này thường thấy ở Tuyên Quang, Hà Giang, CaoBằng [60, tr.152]. Nghiên cứu so sánh với nhà của người Tày ở huyện Định Hóa, tỉnh Thái Nguyên cho thấy cũng có nhiều đặc điểm chung với nhà ở của người Tày ở các địa phương khác. Với người Tày ở huyện Định Hóa, tỉnh Thái Nguyên, nhà sàn truyền thống chính là nơi chứa đựng đậm đặc nhất các nghi thức và hành vi văn hóa của cộng đồng. Nhà nơi tiến hành nghi thức cầu an, cầu mệnh cưới hỏi, tang ma, lễ tết. Nhà sàn của người Tày ở huyện Định Hóa, tỉnh Thái Nguyên gắn bó mật thiết với môi trường, cảnh quan thiên nhiên và đời sống văn hóa của công đồng tộc người.
Nhà sàn, người Tày gọi là lườn lạn được gọi là dạng nhà truyền thống và phổ biến nhất. Nhà sàn có hai loại là nhà sàn có hai mái và nhà sàn có bốn mái (ngoài hai mái chính còn có hai mái đầu hồi bao giờ cũng thấp hơn mái chính. Phên vách nhà sàn Tày có thể bưng bằng ván khép khít hoặc thân tre, mai, nứa đập dập đã được ngâm kĩ ở ao, bùn [61, tr.77]. Hệ thống cột của nhà thường được chôn thẳng xuống đất, hay một số nhà dùng đá kê dưới chân cột nhưng vẫn có một cột được chôn xuống đất. Theo quan niệm của người Tày những cột đó để giúp âm dương hòa hợp khiến ngôi nhà được vững chắc, các thành viên trong nhà được mạnh khỏe. Mái nhà sàn được người Tày ở huyện Định Hóa sử dụng là cỏ gianh, có thể che mưa che nắng rất tốt lại vừa nhẹ phần mái, một loại cây mọc khá phổ biến trong rừng. Bộ phận chủ yếu của một ngôi nhà truyền thống là bộ khung, sườn quyết định sự vững chãi và tạo nên hình dáng, ảnh hưởng cơ bản đến tính thẩm mỹ của ngôi nhà. Trước đây, nguyên liệu sử dụng để làm bộ khung nhà là những cây gỗ quý được người Tày khai thác trong rừng theo những quy định khá chặt chẽ cộng đồng.
Nhà sàn truyền thống của người Tày nói chung, người Tày ở huyện Định Hóa, tỉnh Thái Nguyên nói riêng sử dụng được cả 3 mặt bằng. Mặt bằng thứ nhất là gầm sàn, dùng làm nơi nhốt gia súc, gia cầm vì thế phên vách được ken dầy, chắc chắn để ngăn ngừa thú dữ và kẻ gian. Mặt bằng thứ hai là sàn nhà, là nơi quan trọng, sinh hoạt của cả gia đình, là nơi diễn ra nhiều nghi lễ, phong tục tập quán liên quan đến cuộc đời của mỗi conngười. Mặt sàn được trải bằng giát cây mai, vầu hoặc tre đạp dập. Thanh được đặt đầu hồi bên phải hay bên trái, bậc thanh lên xuống bao giờ
cũng là số lẻ, ít hay nhiều phụ thuộc vào độ cao của mặt bằng sinh hoạt. Cầu thang nhà sàn của người Tày gồm 7 hoặc 9 thanh gỗ đẽo thành thang dài khoảng 120 - 150 cm, rộng 20 - 25 cm, hai đầu đóng mộng vào hai khung thang vững chắc. Cầu thang được đặt tại đầu ngoài của sàn nước, nằm trong khoảng trống của một góc lợp mái và chái nhà, chiếm 1/3 chiều dài của sàn nước và hướng lên cửa, tức là nằm ngang so với ngôi nhà. Tuy là một trong những bộ phận phụ trong ngôi nhà sàn của người Tày nhưng chiếc cầu thang lại rất quan trọng không những trong sinh hoạt hàng ngày mà nó còn mang nhiều yếu tố tâm linh của đồng bào. Cầu thang trước hết là vật dụng phục vụ cuộc sống hàng ngày của con người. Song nó là vật nối liền đất với sàn nhà, theo quan niệm của đồng bào thì cầu thang là chiếc cầu nối giữa âm với dương.
Người Tày ở Định Hóa chỉ làm bậc cầu thang số 7 hoặc 9 bởi nó thể hiện cái vía của cầu thang như 9 vía, 7 vía của con người. Bà N.T.X, 73 tuổi, xã Điềm Mặc, huyện Định Hóa cho biết: Người Tày chúng tôi ngày xưa chủ yếu là ở trong những ngôi nhà sàn truyền thống. Thời tôi còn trẻ, nhà sàn hai mái nhiều lắm, có những nhà làm 4 mái. Các cụ nhà tôi làm nhà 4 mái. Khi làm nhà phải tuân thủ những quy định mà ông cha để lại. Cầu thang thường được làm bằng gỗ tốt, bậc bao giờ cũng phải làm số lẻ, không được số chẵn đâu. Theo như đời ông bà tôi truyền lại thì cầu thang chẵn là cầu thang dành cho thế giới người âm, ma quỷ, còn người sống là phải đi cầu thang lẻ. Người Tày có câu lẻ ở, chẵn đi là có ý nghĩa đó. Ở xã chúng tôi phần lớn cầu thang 7 hoặc 9 bậc [PVS, Bà N.T.X, 73 tuổi, xã Điềm Mặc, huyện Định Hóa] [Phụ lục 3].
Nối tiếp cầu thang là một gian nhỏ mà người Tày gọi là thích. Đây là nơi mà đồng bào thường để chum, vại nước sinh hoạt và cũng là nơi để khách đến rửa chân trước khi lên nhà. Từ cầu thang vào nhà đến bếp lửa là nơi giành cho nam giới gọi là pạng nọoc; từ bếp lửa vào phía trong là nơi giành cho phụnữ, gọi là nả đâng. Mặt sàn của người Tày thường làm cao hơn mặt đất khoảng từ 1,6 m đến 1,8 m. Sàn nhà sàn được làm từ thân tre bổ nát theo chiều dọc, rạch một đường xẻ phanh cây thành một tấm gép lại với nhau. Trên mặt sàn của ngôi nhà, việc sắp xếp, bố trí không gian cho các thành viên trong gia đình được sắp xếp một cách trật tự, theo quy định của văn hóa tộc người. Phần trên nhà (hiên trước), sau bàn thờ tổ tiên là nơi đặt giường ngủ của chủ nhà, tiếp giáp là buồng của bà chủ nhà, kế tiếp là buồng của các cô con gái chưa lập gia đình. Các buồng nữ được bố trí khá chặt chẽ theo thứ tự. Buồng chị dâu cả ở gian đầu hồi phía trong tiếp giáp với hiên trước (hướng bàn thờ xuống) rồi đến buồng vợ chồng con trai thứ hai, thứ ba…Giữa các buồng được ngăn cách bởi phên ván hoặc nứa, ở trên vách phía cửa buồng là nơi cắm ống hương thời Mẹ Bjooc (bà Mụ). Khoảng trống giữa cửa buồng là chỗ sinh hoạt và làm việc của nữ giới như quay tơ, kéo sợi, dệt vải, tiếp khách nữ… [61, tr.78]. Cuối cùng gian tiếp giáp là nhà để bồ thóc, chạn bát và những vật dụng khác trong sinh hoạt của gia đình hằng ngày. Hiên trước để thoáng. Liền với hiên trước là sàn phơi thóc.
Mặt bằng thứ ba là sàn gác làm nơi trữ thóc, ngô. Hiện nay, tại các xã Định Biên, Mặc Điềm, Phú Đình, khi quan sát các nhà sàn truyền thống của người Tày nơi đây, NCS thấy rằng cấu trúc, bố cục, bài trí cơ bản vẫn giữ được những đặc điểm của ngôi nhà truyền thống xưa của người Tày. Chẳng hạn như ngôi nhà sàn truyền thống của ông L.V.Q, 76 tuổi, bản Quyên, xã Điềm Mặc, huyện Định Hóa được bố trí như sau: Ngôi nhà sàn được đặt trong một khuôn viên rộng, xung quanh là
vườn rau, ao cá. Nhà chính có mặt bằng 3 gian, mỗi gian rộng khoảng 2,7 đến 3,2m… có bếp liền trong nhà và nhà bếp được làm riêng, nối với nhà chính ở đầu hồi (trên nhà chính vẫn có bếp nhưng chủ yếu dùng để sửa ấm vào mùa đông). Nhà chính có 6 hàng cột làm bằng gỗ. Cầu thang dẫn lên nhà làm bằng gỗ, có 9 bậc. Sàn nhà được làm cao hơn mặt đất khoảng 2,2m. Dưới gầm sàn nguyên xưa chỉ là nền đất nện nhưng ngày nay gia đình ông L.V.Q đã láng xi măng để thuận tiện cho sinh hoạt, làmnơi chứa nông cụ, hoặc các tài sản khác của gia đình…Trên sàn nhà, các gian, chái được phân chia thành các khu chức năng riêng. Đối với người Tày ở huyện Định Hóa, trong đó có gia đình ông L.V.Q bàn thờ gia tiên được đặt ở gian trong cùng, hướng ban thờ cùng hướng với cây đòn nóc và nhìn ra cửa… Sàn nhà thường được chia thành hai cấp (gọi là đẳng). Đẳng trên là phía trước nhà, thường dành để tiếp khách. Đẳng dưới là dãy phía sau nhà, nơi để đồ làm bếp, chứa nông sản… Các buồng, phòng ngủ cũng được bố trí ngăn chia ở phạm vi các đẳng và hai bên chái nhà. Có thể nói, ngôi nhà truyền thống của người Tày phản ảnh một cuộc sống gắn bó với môi trường thiên nhiên, đặc điểm văn hóa tộc người, thể hiện một nề nếp, một kiểu tư duy trong tổ chức lao động sản xuất, trong nếp sống, trong các mối quan hệ gia đình, xã hội. Đó cũng được coi là những giá trị đặc trưng, những di sản văn hóa tiêu biểu của người Tày cần được lưu giữ, bảo tồn và phát huy. [Xem ảnh 1 và 2, Phụ lục 3]
Hiện nay, dưới sự tác động của các yếu tố khách quan và chủ quan, nhà ở truyền thống của người Tày nói chung, người Tày ở huyện Định Hóa, tỉnh Thái Nguyên nói riêng đã có nhiều thay đổi. Nếu như trước kia, trong mỗi làng, bản thường chỉ thấy thấp thoáng những ngôi nhà sàn giữa một màu xanh của cây cối thì hiện nay xen lẫn là những ngôi nhà sàn là những ngôi nhà xây, nhà đất, nhà ống với những kiến trúc khác nhau cũng làm cho cảnh quan không gian cư trú của người Tày đổi khác. Tác giả Nguyễn Ngọc Thanh khi nghiên cứu về văn hóa làng, bản của các dân tộc thiểu số tỉnh Hà Giang đã cho biết: do thiếu nguyên liệu truyền thống hay để tiện cho việc kinh doanh, buôn bán, lắp đặt tiện nghi sinh hoạt hiện đại, nhiều gia đình người Tày đã chuyển sang nhà trệt. Ngôi nhà sàn trở thành bếp hoặc nơi ở cho người già - những người chỉ quen với nếp sống truyền thống như một hoài niệm đã qua. Trong khi ngày càng nhiều ngôi nhà xây bằng gạch, mái lợp phờ- rô- xi- măng hay tôn đã ảnh hưởng rất lớn đến không gian văn hóa của dân tộc [110]. Khi so sánh với cấu trúc làng bản, nhà ở của người Tày tại một bản gần quốc lộ thuộc tỉnh Bắc Kạn cho thấy từ năm 1990 trở về trước 100% ở nhà sàn vớigần 30 nóc nhà trong một bản thì hiện nay số nhà sàn chỉ còn 8 nóc nhà [61, tr.79]. Như vậy, có một sự tương đồng trong biến đổi nhà ở và cấu trúc bản làng của người Tày ở các địa phương, điều đó minh chứng cho sự biến đổi là một xu hướng tất yếu, khi kinh tế phát triển, đời sống được nâng cao, khoa học kĩ thuật ngày càng hiện đại, quá trình giao thoa, tiếp biến văn hóa giữa các tộc người diễn ra thường xuyên.
Hiện nay, nhà sàn truyền thống của người Tày có nguy cơ bị mai một và dần biến mất nếu như không có một cơ chế bảo tồn thích hợp. Số liệu thống kê năm 2019 của Ủy ban Dân tộc về số hộ và tỉ lệ hộ dân tộc thiểu số có nhà ở truyền thống của người Tày ở Việt Nam như sau: Số hộ có nhà ở truyền thống là 121.878 hộ và tỷ lệ (%) số hộ có nhà truyền thống là 27,5%. Trên địa bàn xã Tân Trào, tỉnh Tuyên Quang có 57 ngôi nhà sàn trong tổng số 855 hộ người Tày sinh sống tại xã Tân Trào. Trước đây các thôn: Thôn Cả, thôn Bòng, thôn Thia, thôn Tân Lập có 100% hộ người Tày cư
trú trên nhà sàn; Từ năm 1986 đến nay, thôn Cả còn tồn tại 01 nhà sàn; thôn Bòng còn 01 nhà sàn; thôn Thia có 02 nhà sàn, thôn Tân Lập có 29 nhà sàn, thôn Mỏ Ché còn 15 nhà sàn, thôn Lũng Búng có 7 nhà sàn [95, tr.7].
Theo thống kê của Phòng Văn hóa huyện Định Hóa, tỉnh Thái Nguyên, tính đến cuối năm 2020, toàn huyện chỉ còn giữ được 868 ngôi nhà sàn truyền thống; còn lại đều đã chuyển sang ở nhà đất, nhà tầng, hoặc nhà sàn nhưng bê tông hóa và có sự cải biên cả về quy mô cũng như bài trí nội thất… Người Tày sinh sống ở 23 xã, thị trấn trong toàn huyện nhưng những xã còn nhiều nhà sàn có thể kể tới như xã Phú Tiến (141) Thanh Định (140 nhà), Lam Vỹ (101 nhà sàn), Điềm Mặc (100 nhà sàn), Bình Yên (63 nhà sàn), Phú Đình (41 nhà sàn), Tân Thịnh, Linh Thông (35 nhà sàn), Sơn Phú (18 nhà sàn); Bên cạnh đó là những xã còn rất ít nhà sàn như xã Đồng Thịnh (11 nhà sàn), Kim Phương, Bình Thành (còn 10 nhà sàn), Tân Dương (còn 15 nhà sàn), Bảo Linh (9 nhà sàn), Kim Phượng (7 nhà sàn), Định Biên, Thị trấn Chợ Chu (4 nhà sàn), và có 05 xã, thị trấn không còn nhà sàn truyền thống (thị trấn ChợChu, xã Bảo Cường, xã Phúc Chu, xã Quy Kỳ và xã Trung Lương)… Như vậy, các nhà sàn truyền thống của người Tày ở huyện Định Hóa ngày càng bị mai một. Mai một ngôi nhà sàn truyền thống cũng chính là mai một nghệ thuật kiến trúc, là các tri thức địa phương tộc người trong việc khai thác và sử dụng tài nguyên thiên nhiên để làm nhà. Thêm vào đó, những phong tục tập quán, những quan niệm, những thói quen mang ý nghĩa nhân văn, đạo đức gắn với nếp nhà sàn truyền thống cũng có nguy cơ thất truyền khi nếp nhà - không gian vật chất nơi diễn ra những hoạt động thực hành văn hóa đó không còn. Làm thế nào để nhà ở của người Tày có sự biến đổi để phù hợp với cuộc sống hiện đại nhưng vẫn bảo lưu được giá trị văn hóa đặc trưng của tộc người là một câu hỏi đang đặt ra đối với những người làm công tác quản lí văn hóa, với chính quyền địa phương và chính với cộng đồng.
Huyện Định Hóa đã được Chính phủ công nhận là huyện ATK, di tích ATK Định Hóa đã được xếp hạng là di tích Quốc gia đặc biệt, đây là tiềm năng to lớn để Định Hóa có thể xây dựng mô hình phát triển du lịch gắn với bảo tồn phát huy bản sắc văn hóa trên địa bàn huyện. Đại hội Đảng bộ huyện Định Hóa lần thứ XXIV, nhiệm kỳ 2020-2025, Ban Chấp hành Đảng bộ huyện đã thống nhất đưa Phát triển du lịch cộng đồng gắn với bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa, lịch sử truyền thống các dân tộc là một trong những đột phá trong nhiệm kì. Vì thế, thời gian qua, chính quyền địa phương đã đầu tư, hỗ trợ và khuyến khích các dân tộc sinh sống trên địa bàn, trong đó có người Tày ở khu ATK Định Hóa bảo tồn các ngôi nhà sàn truyền thống. Các ngôi nhà còn giữ lại nguyên gốc hiện nay nằm trong sự quản lý của các cơ quan chức năng, với yêu cầu không được dỡ bỏ nhà sàn, nếu nhà bị hỏng ở bộ phận nào thì được phép gia cố, sửa chữa, thay thế các nguyên vật liệu cũ bằng các nguyên vật liệu truyền thống đồng thời phải có sự giám sát của các cơ quan có thẩm quyền quản lý. Với việc làm này, các giá trị văn hóa liên quan đến ngôi nhà của người Tày có điều kiện được lưu giữ cho thế hệ mai sau.
Tuy nhiên, cũng phải khẳng định rằng, hiện nay, xuất hiện ngày càng nhiều ở vùng người Tày nói chung, người Tày ở huyện Định Hóa nói riêng người dân xây và thích ở trong các ngôi nhà đất, nhà xây. Theo người dân ở đây cho biết, việc ở nhà đất có lợi thế hơn hẳn so với nhà sàn là đi lại thuận lợi, gọn gàng, vì thế mà có nhiều gia đình chuyển từ nhà sàn sang nhà đất. Khoảng 15 năm trở
lại đây, nhiều gia đình khá giả đã thay bằng lợp ngói, vách thưng bằng liếp tre, nứa được thay thế