Là tộc người thuộc nhóm ngôn ngữ Tày - Thái, người Tày cổ đã có mặt ở Việt Nam, trong đó có vùng Đông Bắc từ rất sớm, theo nhiều tài liệu ghi chép có thể từ nửa cuối thiên niên kỷ I trước Công Nguyên. Trải qua quá trình lịch sử lâu dài hàng nghìn năm, chịu những ảnh hưởng nhất định đến từ dân tộc này hay dân tộc khác, họ dần dần bị phân hóa, trở thành những bộ phận cư dân khác nhau. Bộ phận sinh sống ở vùng trung du hòa vào người Việt, trở thành bộ phận dân tộc Việt với một số đặc trưng riêng, mang tính địa phương khá rõ nét. Trong khi đó, bộ phận cư trú ở miền núi trở thành tổ tiên của người Tày hiện nay [156, tr.23]. Lịch sử, tộc người Tày có mối quan hệ gần gũi về nhiều mặt với các dân tộc khác trong nhóm ngôn ngữ Tày - Thái cùng cư trú ở phía Đông Bắc trong đó có người Nùng, người Cao Lan (thuộc nhóm dân tộc Sán Chay), người Giáy, người Bố Y và trong chừng mực nào đó với cả người Choang ở tỉnh Quảng Tây (Trung Quốc). Người Tày hiện nay chia làm 4 nhóm địa phương: Pa Dí, Thu Lao, Ngạn và Phén với những nét đặc trưng. Riêng người Tày ở một số huyện thuộc Tuyên Quang và Thái Nguyên còn tự gọi mình là “Tày Măng giang” (Tày Mảy rạng) hoặc “Tày Mục” (Tày Đooc) để phân biệt với Tày nói theo các phương ngữ khác mà họ gọi là
Tày Thúa. Người Tày chủ yếu sinh sống ở các vùng thung lũng, vùng giữa nơi có đất đai màu mỡ, gần nguồn nước, giao thông đi lại thuận tiện.
Hiện nay, ở tỉnh Thái Nguyên người Tày cư trú ở hầu hết các huyện, thị xã, thành phố, trong tỉnh, đông nhất là ở huyện Định Hóa. Kết quả Tổng điều tra dân số và nhà ở năm 2019, toàn huyện Định Hóa có 26.206 hộ với 89.288 nhân khẩu, trong đó, nam giới 44.929 người, nữ giới 44.359 người. Số hộ ở thành thị 1.908 hộ, số hộ ở nông thôn 24.298. So sánh với kết quả Tổng điều tra năm 2009, sau 10 năm số hộ gia đình trên địa bàn huyện đã tăng 2.221 hộ, số nhân khẩu tăng 3.205 khẩu. Về cơ cấu dân tộc, toàn huyện có 17 dân tộc (tăng 3 dân tộc so với năm 2009), trong đó, dân tộc Tày chiếm đa số với 48.897 người, tiếp đến là dân tộc Kinh với 23.589 người.