7. Cấu trúc của luận văn
1.2.2. Quan niệm nghệ thuật của Đinh Hùng
Thơ Mới chứa đựng nhiều nỗi niềm, gắn bó với những nỗi buồn riêng thấm thía và đau khổ nhưng cũng mang theo nó hơi thở chung của thời đại. Trào lưu thi ca này giống như một tâm hồn trĩu nặng ưu tư và sầu mộng. Đó là tiếng nói tâm tình của tầng lớp trí thức tiểu tư sản trước một thực tại không như mình mong muốn. Mỗi nhà thơ tìm cho mình một chỗ đứng, một tiếng nói riêng.“Chưa bao giờ người ta thấy xuất hiện cùng một lần một hồn thơ rộng mở như Thế Lữ, mơ màng như Lưu Trọng Lư, hùng tráng như Huy Thông, trong sáng như Nguyễn Nhược Pháp, ảo não như Huy Cận, quê mùa như Nguyễn Bính, kì dị như Chế Lan Viên… và thiết tha, rạo rực, băn khoăn như Xuân Diệu” [19, 29]. Trong bối cảnh đó, tư duy thơ Đinh Hùng tìm đến một thế giới riêng đầy cám dỗ, huyền diệu và siêu thoát.
Chất thơ Đinh Hùng không đi theo một lối mòn sẵn có mà chọn cho mình một con đường đi riêng để thoả sức đắm chìm vào một thế giới thơ đầy mộng mị, nếu không muốn nói là quái dị. Trốn chạy vào cõi vô thức để ngụp lặn trong bể khổ đau, Đinh Hùng tự giam mình vào trong ngục tối của sự mặc cảm. Đinh Hùng đã bị mặc cảm giày vò tái tê từ thể xác tới linh hồn. Giữa cuộc sống xô bồ giả tạo, kiếp người bơ vơ lạc lõng không tìm thấy chỗ dựa tinh thần lẫn vật chất,
cái gánh nặng áo cơm ghì sát đất khiến tâm hồn bị tổn thương và bi phẫn. Để giải thoát nỗi đau đời, Đinh Hùng trốn chạy vào trong thi ca, lấy đó làm điểm tựa để tồn tại, dầu biết rằng sự tồn tại ấy cũng chỉ là thoi thóp mà thôi. Nhưng dẫu sao thơ ca cũng là con đường thanh sạch nhất để cứu rỗi linh hồn trong khi xác thịt đã chứa đầy tội lỗi bi thương.
Trong thế giới ngôn ngữ thi ca đầy mê hoặc của Đinh Hùng, ta nhận thấy một khung trời liêu trai huyền ảo giữa suy tưởng và thực tế. Nếu thế giới
Điêu tàn đầy sọ người, xương tuỷ của Chế Lan Viên tạo cho ta cảm giác rờn rợn của những hồn ma Chiêm nữ; nếu thế giới ràn rụa của máu, của hồn, của tinh lực trong thơ Hàn Mặc Tử có sự ngả nghiêng giữa hai bờ tượng trưng và siêu thực nên mang vẻ huyền ảo, vừa lạ vừa quen; nếu Bích Khê thi vị hoá cái tội lỗi, nhuốc nhơ, rùng rợn thành cái cao siêu, nhân đức, thơm tho, khoái lạc… thì thơ Đinh Hùng lại huyền ảo một thế giới hỗn mang kỳ bí. Nó là tiếng kêu vò xé, là lời thảng thốt giữa cơn mê loạn, là nỗi đam mê, là tiếng thở dài ai oán thoát ra từ cõi lòng cô độc. Nó là thịt da, là xương máu của thi nhân, nó là sự giao hưởng nhiệm mầu giữa thơ và tơ trời kết lại.
Tuy nhiên, thơ Đinh Hùng không phải bài nào cũng mang tính chất quái dị, lạ lùng. Xét ở một phương diện nào đó thì sự mê loạn chẳng qua cũng chỉ là sự hình dung những siêu thoát, những nhiệm mầu mà con người trong khi đau khổ thường bám víu lấy để cầu mong niềm an ủi. Vì thế cho nên, khi nỗi đau dường như đã nguôi ngoai, sức hấp dẫn của thơ Đinh Hùng dừng lại ở một tấm chân tình da diết và nồng cháy với nỗi khát khao, mê đắm của tình yêu mãnh liệt: Tôi mải tìm thu mấy bữa nay/ Mới nên sầu mộng, nhớ nhung này/ Tưởng trong thao thức, lòng giăng gió/ Đều nói cùng em: Yêu lắm thay! (Nụ cười thương nhớ). Đinh Hùng sống để yêu, để ảo tưởng và để khát vọng được tìm về với cõi vô cùng, cõi vĩnh hằng của linh hồn và tình yêu bất tử. Hầu như cả tâm hồn của thi nhân đều dành cho tình yêu: Anh vẫn còn yêu em kiếp sau/ Vầng
trăng về núi sẽ quay đầu/ Bóng Em trên những vì sao lạ/ Sẽ ngả dài qua thế kỷ sâu (Lời thông điệp gửi mai sau).
Thi sĩ chấp nhận tình yêu như một lẽ sống tối thượng để quên, để xa, để lẩn trốn nhưng chính tại cõi trú thanh sắc trong thiên đường tình ái, nhà thơ lại đau khổ thêm một lần nữa. Thế giới phấn hương, hoa bướm chẳng những không giúp nhà thơ quên bớt dằn vặt, vò xé mà nó còn tạo thêm hoàn cảnh để thi nhân nhìn rõ những đau thương, đày đọa. Ở mảnh đất đắm đuối truy hoan, Đinh Hùng càng thấu cảm thêm mệnh số cô đơn của một cái “ta” lạc loài.