7. Cấu trúc của luận văn
2.2.3. Không gian vũ trụ
Không gian nghệ thuật trong các bài thơ bộc lộ chí hướng là một không gian vũ trụ khoáng đạt, rộng lớn và hoành tráng, mà trong đó, con người dù nhỏ bé song vẫn cố gắng vươn lên ngang tầm và có khát vọng làm chủ trời đất, vũ trụ, chinh phục thiên nhiên. Con người muốn lên cao chiếm lĩnh không gian trong cái nhìn xa xăm, bao quát, đăng cao để viễn vọng, để
thu vào tầm mắt mụôn trùng nước non. Lên cao để mở rộng khả năng bao quát xung quanh, chiếm lĩnh thế giới. Lên cao để phát hiện tâm hồn phóng khoáng, ý chí cao xa, lánh khỏi bụi trần. Lý tưởng tự do trong thơ ca truyền thống của ta gắn liền với sự chiếm lĩnh đỉnh cao, khác với phương Tây, tự do là một khái niệm xã hội. Do vậy, Thơ mới sau này bị ảnh hưởng nhiều ở phương Tây nên rõ ràng, nhà thơ muốn phá bỏ hết những trói buộc xung quanh mình, muốn hét thật to trong vũ trụ, muốn giải phóng cái tôi để làm những gì mình muốn, mặc sức yêu và mặc sức điên cuồng. Thi nhân muốn xóa bỏ khoảng cách giữa mình và vũ trụ.
Với không gian vũ trụ, ta sẽ bắt gặp trong thơ Đinh Hùng nhiều hình ảnh về “trăng” với nhiều dáng thể khác nhau, làm nên sự phong phú cũng như sự sáng tạo mới lạ. Theo khoa học thì Mặt Trăng (tiếng Anh: Moon) là vệ tinh tự nhiên duy nhất của Trái Đất và là vệ tinh tự nhiên lớn thứ năm trong Hệ Mặt Trời. Nhưng không biết tự bao giờ, ánh trăng đã là nguồn cảm hứng bất tận muôn đời của các thi sĩ văn nhân. Trong cảm quan của người nghệ sĩ, trăng không đơn thuần là nguồn sáng trong đêm mà đã trở thành một hình tượng nghệ thuật độc đáo. Ở đó, nó đã trở thành một âm hưởng đa thanh xoáy sâu vào tâm hồn có sức ám ảnh, khơi gợi cho người đọc
nhiều xúc cảm về hạnh phúc và khổ đau, quê hương và gia đình, tình yêu và thân phận con người... Trăng ở đây không chỉ là một vật thể thiên nhiên vừa gợi yếu tố thời gian Tháng giêng, quê bạn, hội đêm rằm... Nhìn ánh trăng xuân đẹp chỗ nằm (Thảo dã xuân tình), mà trăng còn chỉ một không gian nghệ thuật trữ tình lãng mạn: Trăng vàng, mây bạc, sầu như hoa... Đêm trời, sao cũ sáng long lanh (Đường khuya trở bước). Trăng - với lí tính khách quan của nó - mang đến ánh sáng mát mẻ huyền diệu cho con người và cuộc đời trong đêm đen, khi bước vào địa hạt thơ ca đã trở thành một hình tượng nghệ thuật thực sự, được miêu tả khá độc đáo và sắc nét. Ở đây, nó đã được các nhà thơ vận dụng trong trường liên tưởng một cách tinh tế, sáng tạo.
Từ cổ chí kim, các thi nhân đều lấy trăng để làm người bạn, người tình và Đinh Hùng cũng không ngoại lệ, trăng cũng dần đã trở thành tri âm, tri kỷ của tác giả. Thi nhân đã đem phần đẹp nhất, nhân hậu nhất, trong sáng nhất của trăng để soi vào phần đen tối nhất của con người. Thời gian cứ như dòng chảy không ngừng những nó đã vô tình cuốn đi những người thân, người yêu, người bạn của thi nhân; từ đó tác giả sống trong cô đơn không ai bên cạnh, người bạn đồng hành duy nhất lúc này không rời đi chỉ còn là “trăng”. Trăng
không chỉ là bạn đồng hành mà còn soi sáng lối đi cho thi nhân, dẫn bước thi nhân đến nơi mà tác giả hằng mong, nơi đầy ắp kỉ niệm hạnh phúc - lời hẹn thề: Ba giăng, hẹn một mùa giăng tỏ/ Thao thức, lòng ta lại nhớ mình (Thảo dã xuân tình), ánh trăng giúp thi sĩ xoa dịu nỗi lòng, ru hồn mình trở về những kỉ niệm đẹp.
Ánh trăng đến Thơ mới không còn được miêu tả theo lối ước lệ tượng trưng như thời kì trước mà đã được các tác giả thổi hồn vào làm cho nó thực sự trở thành một chủ thể mang một sức sống mới, một màu sắc cá thể hóa rõ rệt, cao độ. Trăng cũng như người, biết chờ đợi, hẹn hò, có tâm trạng vui, buồn, cô đơn khi xa cách... Dễ thấy trong thơ Đinh Hùng huyền ảo một thế giới ánh
trăng lung linh huyền ảo với đủ mọi hình hài dáng vẻ và Trăng thường được thi vị hóa, nhân cách hóa với nhiều trạng thái cảm xúc khác nhau: Thầm trách vầng trăng không biết sầu/ Ngàn sao theo em bay về đâu?/ Oán cả không gian, thù cả mộng/ Ghen cả trời xanh trong mắt nhau (Hờn giận). Cũng có “vầng nguyệt thẹn” khi tình tứ, có “trăng hờn tủi”, có cả “trăng hạnh phúc” của sự sum vầy. Ngoài ra, Trăng ở đây đã còn là em, là nàng, là biểu tượng của cái đẹp, là người mà tác giả luôn yêu thương: Có lẽ Tình đi lạc mất nhà/ Lặng nằm tưởng đến một tên hoa/ Ngẩn ngơ thương mãi vầng trăng lặn/ Hoài vọng nghe rung một tiếng gà” (Chớp bể mưa nguồn).
Ngoài hình tượng trăng thì không gian vũ trụ trong thơ Đinh Hùng còn có thể nói đến Mặt Trời, mây, cầu vồng, ngàn sao,... được miêu tả qua nhãn quan độc đáo của mình như: Những đóa hoa nở mặt trời xích đạo/ Những làn hương mang giông tố bình sa/ Những sắc cầu vồng nghiêng cánh chim sa (Đường vào tình sử). Một không gian vũ trụ trong tâm tưởng nhuốm màu kì dị. Không gian vũ trụ luôn bao la rộng lớn, trời thu năm ấy cũng luôn xanh mãi và nhắc đến thu không thể nhắc đến chuyển động của bức tranh thu. Mùa thu xuất hiện trong trong Đinh Hùng và nó được gắn với những chuyển động nhẹ nhàng nhưng sâu lắng: Rước em sang nhà/ Trời thu bao la/ Mùa thu niên thiếu/ Có nắng thướt tha/ Và mây yểu điệu/ Làm dáng xa xa. Mây là biểu tượng cưu mang cái vô hạn của không gian và thời gian. Mây là hơi nước bốc lên trời đọng lại thành từng đám. Bản chất của mây là di chuyển và biến hình. Nó đối lập với trạng thái đứng yên, tĩnh tại, hằng định. Và cụ thể ở đây, để làm sinh động thêm cho không gian thì tác giả đã khéo léo sử dụng biện pháp tu từ nhân hóa nhằm diễn tả nét đẹp của không gian nơi đây, dịu dàng, uyển chuyển như dáng nười con gái trong tâm trí thi sĩ. Vạn vật trong không gian đều được thi vị hóa, trở thành phân thân của tác giả, giúp tác giả thực hiện mong muốn phiêu du: Có trăng hoài vọng/ Cùng mây tiêu dao/ Có một vì sao/
Ghé vào giấc mộng, hay Gió lạc theo mây/ Và mây theo gió/ Ôi bóng đêm say/ Thơm từng hơi thở/... Kề đôi lòng nhỏ/ Đôi lòng cùng bay (Khi lòng đầy hương).Để miêu tả mây, tác giả cũng đã chọn lọc cho mình nhiều màu sắc để thơ trở nên ý vị hơn như “mây vàng” hay: Núi xanh và trời xanh biếc/ Mây đào có má đào xinh (Thanh sắc). Sự chọn lọc đó đã làm nên một không gian vũ trụ thấm nhuần nét đẹp tình ái. Không gian là một lời mời, con người đi theo tiếng gọi của trái tim; giữa cảnh và người là sự đón đưa vĩnh viễn. Và trong thơ Đinh Hùng, mỗi sự vật trong không gian luôn có sự liên kết với nhau bằng cách này hoặc cách khác tạo nên sự hòa hợp và đồng thời cùng nhau thể hiện ý đồ của tác giả qua bài thơ. Không một cánh cửa nào ngăn được thi nhân bởi vì: Hồn tôi bay theo khói kinh thành/ Mộng ngoài sơn hải làm mây trắng (Đường vào tình sử). Tôi là mây, là khói, là mộng, tôi vào không gian, tôi trở thành không gian, tôi đầy không gian, tôi là không gian: không còn lằn mức giữa chủ thể và khách thể.
Không gian vũ trụ và hồn thơ thi sĩ hoà quyện với nhau, cùng nhau vì nhau mà tồn tại. Trăng là nơi chia sẻ, cảm nhận, đón nhận những đau thương từ thẳm sâu tâm hồn thi sĩ. Mây như đối tượng để nhà thơ hướng đến, cầm, nắm, bắt rồi tóm gọn nó làm theo ý mình, có khi xa quá, cao quá, rộng quá nó lại là không gian. Trăng sao như một tố chất không thể thiếu được trong cuộc sống của ông, lúc gần, lúc xa, lúc lơi lả gợi tình, lúc dịu dàng đáng yêu, hơn hết lôi cuốn thi sĩ đến một thế giới huyền diệu đầy quyến rũ.