7. Cấu trúc của luận văn
3.1. NGÔN TỪ CHẤT LIỆU KIẾN TRÚC KHÔNG GIAN
3.1.1. Đại từ nhân xưng
“Đại từ nhân xưng hay đại từ xưng hô hay đại từ chỉ ngôi là
những đại từ dùng để chỉ và đại diện hay thay thế cho một danh từ để chỉ người và vật khi ta không muốn đề cập trực tiếp hoặc lặp lại không cần thiết các danh từ ấy. Tất cả các ngôn ngữ trên thế giới đều chứa đựng đại từ nhân xưng. Đại từ nhân xưng trong một số ngôn ngữ thường chia theo ngôi và theo số ít hay số nhiều” [73]. Trong tiếng Việt, đại từ nhân xưng có số lượng lớn và dạng thức biểu hiện khá đa dạng, phức tạp. Nhân xưng từ đích thực được chia thành ba ngôi: Ngôi thứ nhất, ngôi thứ hai, ngôi thứ ba và phân thành hai số: số ít và số nhiều. Chúng được sử dụng phổ biến trong ngôn ngữ giao tiếp thường ngày. Trong ngôn ngữ văn chương, đại từ nhân xưng cũng thường xuyên được sử dụng, nhất là trong sáng tác của các tác giả có sự biểu hiện mạnh mẽ của ý thức cái tôi cá nhân. Nền văn học trung đại trong khuôn khổ chế độ phong kiến chủ yếu là một nền văn học phi ngã. Sự cựa quậy, bứt phá tìm đến bản ngã đã ít nhiều xuất hiện trong thơ Hồ Xuân Hương, Nguyễn Công Trứ,… Đến Phong trào Thơ mới, cái Tôi ra đời đòi được giải phóng cá nhân, thoát khỏi luân lí lễ giáo phong kiến chính là sự tiếp nối và đề cao cái bản ngã đã được khẳng định trước đó. Đó là ta, là tôi - cái tôi duy nhất, cụ thể trong thơ Xuân Diệu như: Ta là Một, là Riêng, là Thứ Nhất hay Tôi là con chim đến từ núi lạ, Tôi là con nai bị chiều đánh lưới…. Đến với thơ Đinh Hùng, ta có thể thấy trong thơ ông các đại từ nhân xưng xuất hiện nhiều và với các dạng thức khác nhau. Nhưng dù là với các đại từ nhân xưng nào, thì đích đến của thi nhân vẫn là kiến trúc nên không gian, bởi chủ thể nào sẽ gắn với không gian ấy.
3.1.1.1. Ta - tôi
Trong chuyên luận Thơ trữ tình Việt Nam 1975 – 1990 của tác giả Lê Lưu Oanh có nêu ra cách hiểu khái niệm cái tôi trữ tình như sau: “Cái tôi trữ tình là hình tượng - cá nhân cụ thể, cái tôi - tác giả - tiểu sử với những nét rất riêng tư, là một loại nhân vật trữ tình đặc biệt khi tác giả miêu tả, kể chuyện, biểu hiện về chính mình” [45, 3]. Như vậy, thông qua cái tôi trữ tình, chúng ta có thể hiểu được thế giới nội tâm của nhà thơ, nói cách khác, có thể hiểu được những suy nghĩ, thái độ, tư tưởng... của nhà thơ trước cuộc đời. Vì thế, cái tôi trong thơ Đinh Hùng “không còn đông cứng, nguyên phiến, khuôn mẫu mà linh động, phân rã, biến hoá như một viên kim cương đa diện lung linh muôn sắc màu” [48], bởi đó không chỉ là tiếng nói của nhân vật “ta” mà còn là “tôi”, là “anh”,...
Như đã biết thì Ta là đại từ xưng hô, theo nghĩa cũ thì đây là từ dùng để tự xưng khi nói với người ở bậc dưới và trong ngôn ngữ văn chương thì ta là từ dùng để tự xưng khi nói với người ngang hàng với ý thân thiết hoặc khi tự nói với mình. Đại từ xưng hô này chiếm đa số trong thơ Đinh Hùng, cụ thể là trong tập Mê hồn ca từ ta xuất hiện trong 24/25 bài thơ và xuất hiện 40 lần trong tập
Đường vào tình sử. Việc xuất hiện với tầng số dày đặc như thế, tác giả nhằm thể hiện nhấn mạnh cái tôi trữ tình và sự tác động của cái tôi trữ tình lên không gian nghệ thuật nói riêng và quan niệm nghệ thuật nói chung.
Đầu tiên, tại sao tác giả sử dụng số nhiều đại từ ta mà không phải tôi? Từ
Ta trong tập Mê hồn ca xuất hiện 68 lần trong khi Tôi chỉ xuất hiện 7 lần. Bởi
Ta ở đây không phải là cái ta chung mà là cái tôi tột cùng, tự tôn, tự tin, cô độc, ngạo nghễ với đời. Thế Lữ đã làm chủ và xây dựng nên không gian của riêng mình như lời con hổ trong rừng bách thú trong bài thơ Nhớ rừng. Con hổ được thi sĩ nói đến với bao cảm thông và ngưỡng mộ. Nó là Chúa sơn lâm nhưng bây giờ lại sống trong cảnh tù hãm vô cùng cay đắng uất ức đã tích tụ, đã
chứa chất thành một khối. Không căm hờn sao được khi phải nằm dài, trông ngày tháng dần qua trong cũi sắt? Nỗi nhớ rừng thiêng, nhớ quyền uy,... của chúa sơn lâm chính là nỗi nhớ không thể nào quên. Quyền uy của ta là tuyệt đối, mọi vật đều phải khiếp sợ, phải im hơi khi mắt thần của ta đã quắc, ta biết giữa chốn thảo hoa, ta là chúa tể cả muôn loài: Trong hang tối, mắt thần khi đã quắc/ Là khiến cho mọi vật đều im hơi/ Ta biết ta chúa tể cả muôn loài. Hổ nhớ rừng là nhớ đến những kỉ niệm chói lọi một thời vàng son, một thời oanh liệt. Khác với Thế Lữ, Đinh Hùng đã không mượn một hình tượng “chúa tể” nào để thể hiện cái tôi mà ông lấy Ta - chính bản thân mình đưa vào trong thơ và dựng nên một không gian. Và tương ứng với ta là một không gian do ta tạo ra, ta là chủ nhân: Ta đến đây làm chủ hội phong trần, nắm trong tay quyền lực và có thể tự do làm tất cả những gì mình muốn, đầu tiên là dựng nên không gian:
Lấy hoa lá kết nên Tình Thái Cổ (Người gái thiên nhiên) hay Ta dựng lầu Xuân, chắp mối duyên (Hoa sử). Không những thế, tác giả còn mãnh liệt với:
Ta quên hết! Ta sẽ làm Bạo Chúa/ Sống nghìn năm ngự trị một lòng em và với chủ thể là Bạo Chúa thái độ của ta cũng khác hẳn, ngự trị em cũng như:
Tay mỏi ôm sẽ dày vò nhung lụa/ Phấn hương nhàu, tan tác áo xiêm bay/ Ta bắt em cười, nói, bắt em say/ Ta đòi lấy mảnh linh hồn bỡ ngỡ (Ác mộng). Có được quyền lực tối thượng, thi nhân không ngần ngại thể hiện sự khát khao mãnh liệt đối với tình ái. Đó chính là thi giới của riêng Đinh Hùng.
Thứ hai, là cái ta cô đơn, lạc lõng. Trong bài viết nhan đề Đinh Hùng với cơn mê trường dạ, nhà nghiên cứu Tạ Tỵ có nhận định: “Nói đến Đinh Hùng là nói đến cô đơn, là nói đến khát vọng. Nỗi cô đơn và niềm khát vọng đó in hằn trong kích thước thi ca mà Hùng đã dấn thân như người lính cảm tử. Hùng đã sống trọn vẹn và chung thuỷ đến lúc lìa đời với hướng đi tự nguyện”
[68, 231]. Thực ra, đây không phải là một điều ngoại lệ bởi trong thời đại của Thơ mới, cái tôi cô đơn được xem là một quan điểm thẩm mĩ; cái buồn, cái sầu
gắn bó với thi nhân như một người bạn thiết thân. Chỉ có điều, với Đinh Hùng, đó không phải là cái tôi cô đơn mang nỗi buồn thiên cổ như Huy Cận, không phải là cái tôi cô đơn muốn giao hòa với vạn vật như Xuân Diệu; Cái tôi cô đơn trong thơ Đinh Hùng là một cái tôi cô đơn bi thiết, được khơi lên từ nỗi đau đớn tột cùng khi người yêu vội xa lìa trần thế. “Chưa có một thi sĩ nào có thể đem cái riêng tư sầu kín phản ánh qua thơ trung thực hơn Đinh Hùng” [46]. Càng cô đơn, nhà thơ càng khát khao giao cảm với cuộc đời, với mọi người, mong lấp đầy những thiếu hụt trong tâm hồn mình. Vì thế, Đinh Hùng nhắm mắt lại để ru hồn vào quá khứ và hơn ai hết, Đinh Hùng hiểu rõ: cô đơn chính là định mệnh của đời mình. Phải chăng vì thế mà thi nhân buồn bã thốt lên: Tôi sẽ đi như giấc mộng buồn/ Và đi như vệt nắng cô đơn (Nét chữ xuân thu).
Thứ ba là ta gắn với không gian tình yêu. Đinh Hùng chỉ tin vào những điều ở thế giới bên kia, ở một nơi huyễn hoặc và mộng ảo. Mặc dù cô đơn bi thiết nhưng cái tôi trữ tình trong thơ Đinh Hùng vẫn là một cái tôi tha thiết yêu thương. Đó là tấm chân tình, là tiếng lòng, là thế giới nội tâm của thi nhân mở ra và ngỏ với mọi người. Tình yêu dưới ngòi bút của Đinh Hùng hiện lên với đủ mọi cung bậc của cảm xúc, cuồng nhiệt và mê đắm. Cái chết của Liên không chỉ là cái chết của một người kiều nữ, đó còn là cái chết của tâm hồn thi nhân.
Nó khiến thi nhân “vĩnh viễn hoài nghi và phủ nhận”. Và tìm trong mộng không thành, thi nhân lại tìm ở cõi trời âm: Ta để Nguồn Hương nhập xác này/ Hồn như phong vũ đã xa bay/ Mê đi chín kiếp luân hồi nữa/ Về gặp nhân tình hát ở đây (Lạc hồn ca). Thậm chí, có những lúc, tình yêu trở thành nỗi oán giận, đau đớn, điên cuồng: Tất cả em đều bắt ta khổ não/ Và oán hờn căm giận tới đau thương/ Và yêu say, mê mệt tới hung cuồng/ Và khát vọng đến vô tình, vô giác (Kỳ nữ). Liên đã mất, Đinh Hùng đau đớn tưởng như điên dại. Cái tôi cô đơn càng thu mình lại, xa lánh cuộc đời ồn ã để chiêu niệm, vọng tưởng hình bóng giai nhân : Ta hằng nghe rõ/ Tiếng buồn trong sương/ Hình ma, bóng nhớ/
Chỗ em ngồi cũ/ Lên màu khói hương (Màu sương linh giác). Ta ở đây mang sắc màu bi thiết và ai oán. Với những lời thơ rớm máu, đầy ma lực, thực và mộng trong thơ Đinh Hùng luôn luôn xáo trộn tạo nên tiếng kêu vò xé, thảng thốt giữa cơn mê loạn. Và hơn ai hết, Đinh Hùng hiểu rõ: cô đơn chính là định mệnh của đời mình. Trong thực tại tình yêu dù say đắm đến đâu, cũng bị giới hạn trong mực thước. Giới hạn cụ thể nhất là Người Yêu, hiện thể của thi nhân; người yêu là một đối tượng cần chinh phục, thoả mãn, gìn giữ, nó đối diện với tôi, đôi khi chống lại tôi. Người yêu là một khách thể, là một giới hạn và ngay chủ thể cũng bị giới hạn. Trái lại trong hư cấu do tôi dựng lên, chỉ có cái tôi của tôi, tôi làm chủ toàn diện cái tôi, nên tôi có thể yêu đương hết mình.
Và cuối cùng là ta - chúng ta, đôi ta khao khát hòa hợp trong làm nên không gian nhuốm màu huyền ảo: Đôi ta vào hội oan hồn/ Âm dương tái hợp/ Ồ! đây là cuộc tân hôn dị kỳ!/ Nguyệt hoa mặc áo huyền vi/ Màu nghê thường đó - trời ơi! xiêm y biến hình! (Cầu hồn). Cái chết tưởng chừng như có thể chia cắt được tác giả với người yêu nhưng không, với sự hòa hợp của không gian hai cõi âm - dương làm nên cuộc tái hợp kì dị, không có bất cứ điều gì có thể chia cắt được tình yêu của tác giả với người yêu. Và có thể nói đó là một tình yêu vượt lên cả không gian và thời gian, một tình yêu vĩnh cửu. Chỉ có ở đây, thi nhân mới cảm nhận được chúng ta, cảm nhận được tình yêu và mất đi không gian ấy chính là mất đi tín ngưỡng, mất đi linh hồn: Xa nấm mộ, chúng ta cuồng dại hết/ Để yêu tà về khóc dưới non cao (Tìm bóng tử thần). Hay:
Ta dẫn lối về đây đoàn ca vũ/ Tự bốn mùa địa ngục vắng âm thanh/ Chúng ta khóc như một bầy thú dữ/ Lòng dã man nghe trái đất tan tành (Mê hồn ca). Với tác giả, không gian có chúng ta luôn là những không gian tươi đẹp và nược lại, thiếu “chúng ta” không gian trở nên u buồn, ảm đạm: Chúng ta đến, mùa xuân thay sắc diện/ Chúng ta đi, mùa hạ vụt phai nhoà/ Gương mặt mùa
thu phút chốc phôi pha/ Ta dừng gót, chợt mùa đông tàn phế (Đường vào tình sử). Không gian trở nên tươi đẹp hay không, không còn do thời gian hay thời tiết quyết định nữa, mà với tác giả điều này phụ thuộc vào chúng ta- tác giả và em. Mùa xuân là mùa trăm hoa đua nở, thiên nhiên cũng tràn đầy sức sống mới. Đã tươi đẹp như thế, nhưng khi chúng ta đến lại càng tô đậm thêm cho sắc màu cho thiên nhiên, không gian như được khoác lên chiếc áo mới. Và ngược lại, khi chúng ta đi, vạn vật như thiếu đi sức sống theo thời gian từ hè sang đông, càng ngày càng tàn lụi: từ “phai nhòa” đến “phôi pha” rồi cuối cùng là “tàn phế”, không còn thấy sự hiện diên của sự sống. Thơ Đinh Hùng giống như những nét bút vờn, phác họa nên hình tượng cái tôi trữ tình tha thiết yêu thương, mang mang, bàng bạc một tinh thần Đông Phương trên đường tìm về cõi mộng, lấp lánh vũ trụ miên trường. Tâm trí thi nhân bềnh bồng, ký ức phiêu du trên những nẻo đường tình yêu huyền nhiệm. Vì thế, ta có thể thấy được. Ta không những là đại từ xưng hô mà còn là chủ thể, kiến tạo nên không gian trong thơ Đinh Hùng.
3.1.1.2. Nàng – em
Nổi tiếng về thơ tình tại Việt nam có lẽ không ai hơn Xuân Diệu, nhờ những câu hết sức lẩn thẩn kiểu Yêu, là chết ở trong lòng một ít (Yêu) hay
Làm sao cắt nghĩa được tình yêu! (Vì sao). Thơ đã là Mộng, nghĩa là Đẹp; tình yêu trong thơ Đinh Hùng là mơ trong một giấc mơ, thơ Đinh Hùng chính là thứ bướm hai lần mộng, cho nên xa cách với người đọc hơn là thơ Xuân Diệu. Đọc thơ Đinh Hùng, hầu như bài nào cũng thấy có hình tượng Nàng –
em - đại từ nhân xưng ngôi thứ hai. Từ Nàng xuất hiện 16 lần, và em xuất hiện 184 lần trong hai tập thơ Mê hồn ca và Đường vào tình sử. Nàng là từ cũ, từ dùng để chỉ hoặc gọi người phụ nữ trẻ tuổi, xinh đẹp, được yêu quý, tôn trọng. Vì thế, Nàng chính là nơi Đinh Hùng gửi gắm tình yêu, là nơi ký thác nỗi đau đớn suốt đời đồng thời cũng là để cảm xúc thăng hoa. Không khó để
có thể nhận ra, Nàng chính là bóng dáng của người đẹp, một mỹ nhân với nhan sắc yêu kiều, diễm ảo. Và cũng chỉ có đại từ Nàng mới phù hợp với ta. Trong tất cả các bài thơ từ Nàng xuất hiện ở tập Mê hồn ca thì từ này được thi nhân trang trọng viết hoa như một sự tôn thờ, ngưỡng vọng. Và có Nàng
không gian trong thơ Đinh Hùng trở nên diễm lệ và huyền ảo.
Đầu tiên là Nàng - gắn với danh từ riêng, chỉ người cụ thể. Tần Hương cũng là tên bài thơ nhưng cũng là tên của nhân vật “Nàng”. Người đẹp ấy tên là Kiều Hương, nhưng Đinh Hùng sợ gây rắc rối cho nàng khi đi lấy chồng nên sửa lại là Tần Hương. Mối tình ấy của Đinh Hùng tuy là mối tình đầu nhưng không sâu sắc lắm và chỉ là tình đơn phương. Thuở thiếu thời, nhân một ngày đẹp trời thì ai tình chợt đến đó là một người con gái được tác giả miêu tả là có tên “như hoa đẹp” và có tính cách là “thuỳ mị”. Không những thế, tác giả còn đi sâu khắc họa ngoại hình của Nàng từ dáng vẻ, nụ cười, trang phục, mái tóc,... vừa cụ thể nhưng cũng vừa trừu tượng: Nàng nhìn như ý sớm/ Nàng cười như tình xưa/ Áo nàng: hoa vẽ bướm... Tóc liễu buồn phất phơ/ Miệng hoa cười một nửa. Nàng đẹp là không gian cũng trở nên lấp lánh: Đẹp cả giấc chàng mơ. Tình đầu thật đẹp nhưng lại mong manh hệt như một giấc mộng. Chỉ tình cờ gặp nhau rồi mến thương, tác giả cũng không buồn, không nghĩ nhưng lòng lại không tranh khỏi tơ vương
và tác giả phải thốt lên rằng: Có anh chàng thi sĩ/ Tương tư cô Tần-Hương...
(Tần Hương). Mối tình thứ hai mới thực sự mãnh liệt và ghi dấu ấn suốt đời trong tâm khảm nhà thơ. Nàng là một cô bé họ xa, tên Bích Liên. Thuở ấy nàng còn bé nhưng xinh đẹp tuyệt vời: Độ em còn trèo cây khế/ Vin hái quả