Những tổ hợp ngôn ngữ mới mẻ, độc đáo

Một phần của tài liệu Mê hồn ca và đường vào tình sử để tìm ra các loại hình cũng như nghệ thuật kến trúc không gian trong thơ đinh hùng (Trang 95 - 98)

7. Cấu trúc của luận văn

3.1.3.1. Những tổ hợp ngôn ngữ mới mẻ, độc đáo

Nếu như giai điệu, âm thanh là ngôn ngữ của âm nhạc; màu sắc, đường nét là ngôn ngữ của hội họa; mảng, khối là ngôn ngữ của kiến trúc thì ngôn từ là chất liệu của tác phẩm văn học. Như Maxim Gorky nói: “Ngôn ngữ là yếu tố thứ nhất của văn học”. Khác với văn xuôi, thơ ca chỉ dùng một lượng hữu hạn các đơn vị ngôn ngữ để biểu hiện cái vô hạn của cuộc sống bao gồm các sự kiện tự nhiên và xã hội cũng như những điều thầm kín trong tâm linh con người. Do vậy, ngôn ngữ thơ là thứ ngôn ngữ tinh tế, giàu hình tượng và biểu cảm. Các yếu tố đó gắn kết với nhau tạo nên hình tượng thơ lung linh, đa nghĩa và mang tính thẩm mỹ. Đó là thứ ngôn ngữ gợi hình, gợi cảm, góp phần tạo nên tính họa, tính nhạc trong thơ. Nó biến hóa qua nhiều sắc thái ảo thực, bất ngờ, thú vị.

Ngôn ngữ đóng góp vai trò quan trọng trong việc tạo nên dấu ấn, phong cách riêng của mỗi nhà văn. Cách sử dụng ngôn ngữ của mỗi người đều phản ánh cái nhìn của người đó đối với thế giới. Trung thành với quan điểm sáng tác của trường phái tượng trưng, với tư duy thơ hướng nội trực tiếp, thơ Đinh Hùng trong nhiều trường hợp sẽ sử dụng tổ hợp ngôn ngữ khác nhau, cụ thể: không gian mang cảm xúc tình yêu được diễn tả bằng thứ ngôn ngữ mềm mại và diễm lệ, nhiều bài có giọng điệu thủ thỉ, tâm tình, tạo nên sự lôi cuốn và hấp dẫn lớn đối với độc giả; không gian siêu thoát thì ngôn ngữ quái dị, yêu ma gợi liên tưởng đến những điều ma quái, những ý tưởng nảy sinh từ thế giới tâm linh; và để làm nên một không gian huyền ảo, kì bí trong thơ thì Đinh Hùng sử dụng một lối thơ giàu nhạc tính, khiến cho thơ trở thành những bản tình ca ngọt ngào. Những tổ hợp ngôn ngữ sáng tạo, độc đáo đó cũng góp phần làm phương thức biểu đạt trong thơ Đinh Hùng mang tính hiện đại, mới mẻ chứ không cũ mòn, luẩn quẩn trong thơ ca cổ.

Đầu tiên, cái làm nên cảm quan thẩm mĩ mới ở thơ Đinh Hùng trước hết là tư duy tương hợp, một trong những sáng tạo nghệ thuật có ý nghĩa lớn nhất của thơ tượng trưng, mà cha đẻ của nó là Baudelaire. Trong bài Tương hợp, nhà thơ đặt ra một vấn đề vừa mang ý nghĩa phát hiện vừa là tuyên ngôn thơ tượng trưng: Hương thơm, màu sắc và âm thanh tương hợp với nhau. Để tìm tới khả năng diễn đạt linh hoạt, sắc bén, các nhà Thơ mới đã làm ảnh hưởng văn học Pháp đã làn nên “cuộc nổi loạn ngôn từ” (chữ dùng của Đỗ Đức Hiểu. Bước vào thơ Đinh Hùng, ta như được phiêu du trong một thế giới nhiệm màu. Tất cả hoà hợp, tương giao trong một thể thống nhất sâu thẳm giữa con người và thiên nhiên: Rừng buổi đó vang tiếng cười man rợ/ Quả tơ duyên đỏ thắm sắc trên cành/ Chúng ta đi lặng ngắm núi đồi xanh/ Bước trên cỏ để nghìn sau in dấu (Người gái thiên nhiên); giữa hữu hình và vô hình, thực và ảo: Điệu nhạc nghiêng mình, anh sẽ nghe/ Nghìn xưa âm hưởng bước Em về/

Bông hoa áo tím trôi vào mộng/ Anh sẽ tìm Em nhập giấc mê (Nhập mộng); giữa hương thơm, màu sắc và âm thanh: Sóng mắt trôi dòng nhạc khởi nguyên/ Em từ bao kiếp dựng lời nguyền?/ Màu xanh ý niệm chưa thành bướm/ Nhịp bước Em vào tiết điệu Quên (Trái tim hồng ngọc). Dựng lên những không gian có sự tương hợp của nhiều giác quan, Đinh Hùng đã thành công khi đã thể hiện khát vọng của tác giả. Bởi vì, trong cách nhìn của các nhà thơ tượng trưng, quan niệm là thơ ca phải khám phá thế giới ở bề sâu, ở những cái chưa biết, vô hạn và vĩnh cửu chứ không có chức năng mô tả thế giới nhìn thấy. Do vậy, với cách nhìn ấy, ngôn ngữ đã vượt ra khỏi chức năng thuần tuý của nó là phương tiện, chất liệu nghệ thuật hoá sự phản ánh của đời sống và trở thành những tổ hợp biểu hiện tâm hồn con người.

Thứ hai là thơ Đinh Hùng mang những ám ảnh đặc biệt và kỳ dị về cái chết, về một thế giới khác, về các thi ảnh như hồn ma, bóng ma, yêu ma, yêu tà, yêu quái, lệ quỷ, xương khô, hài cốt, tử thần, tử khí, u ngục, địa ngục, nấm mồ, đỏ máu, hoang dại,… sự xuất hiện với tần số dày đặc tổ hợp những thứ ngôn ngữ yêu ma, quái dị trong các bài thơ. Theo thống kê, tập Mê hồn ca (25 bài thơ) có tới 85 chữ hồn và trong tập Đường vào tình sử (57 bài thơ) là 63 chữ. Tương tự, hình ảnh nấm mộ trong tập Mê hồn ca cũng xuất hiện tới 14 lần được biểu hiện bởi các từ ngữ: mộ, mồ, cổ mộ, cửa huyệt,... Cụ thể: ở bài Những hướng sao rơi, Đinh Hùng viết: “Rồi những đêm sâu bỗng hiện về/ Vượn lâm tuyền khóc rợn trăng khuya/ Đâu đây u uất hồn sơ cổ/ Từng bóng ma rừng theo bước đi”. Khổ thơ sử dụng nhiều từ ngữ gợi tả cảm giác ghê rợn, lạnh lẽo của màn đêm như hiện về, khóc rợn, u uất, bóng ma,...làm nên không gian tràn ngập ánh trăng bàng bạc, hư ảo nhưng cũng u ám, kinh dị. Những bóng ma thời sơ cổ từ trong cõi âm phần bí hiểm dần dần xuất hiện, lảng vảng theo dấu chân người. Ở bài thơ Thần tụng, nói về những hồn ma, nhà thơ lại sử dụng thứ ngôn ngữ đầy cảm giác, cảm xúc mang tính cụ thể, như: mơn trớn, ái ân, khoái lạc,...

tưởng chừng như có thể nắm bắt được, cảm nhận được khiến người đọc không khỏi có cảm giác rùng mình, ghê sợ: Hồn mơn trớn ái ân cành nhạt/ Hồn đẩy đưa khoái lạc thuyền ca/ Trắng đêm mờ cặp thu ba/ Mắt phai nét phấn, môi già màu son.

Bên cạnh đó, Đinh Hùng còn phá vỡ cấu trúc liên kết từ, ngữ thông thường tạo nên một tổ hợp ngôn ngữ đầy thách thức, táo bạo và độc đáo. Hay nói đúng hơn, nhà thơ đã để các đơn vị từ ngữ phát huy triệt để giá trị tự thân. Vì thế, người đọc có cảm giác các từ đặt cạnh nhau một cách ngẫu nhiên, lỏng lẽo. Song kì thực, chúng được gắn kết với nhau không phải từ ý nghĩa mà là giai điệu tạo thành một thể thống nhất. Chính lẽ đó, khiến không ít người cho thơ Đinh Hùng khó hiểu. Tuy nhiên, chủ trương theo lối thơ tượng trưng, Đinh Hùng đã đạt được mục đích xác lập sự ngự trị thuần tuý của ngôn từ cho thơ.

Một phần của tài liệu Mê hồn ca và đường vào tình sử để tìm ra các loại hình cũng như nghệ thuật kến trúc không gian trong thơ đinh hùng (Trang 95 - 98)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(122 trang)