Tiền đề lịch sử xã hội

Một phần của tài liệu Mê hồn ca và đường vào tình sử để tìm ra các loại hình cũng như nghệ thuật kến trúc không gian trong thơ đinh hùng (Trang 30 - 33)

7. Cấu trúc của luận văn

1.3.1. Tiền đề lịch sử xã hội

Trung đại là một phạm trù văn học lớn, sự đa dạng của không gian nghệ thuật trong các thể loại với các tác giả khác nhau. Song về mặt tư tưởng - thế giới quan của các tác gia trung đại lại tương đối thống nhất. Cho nên, không gian nghệ thuật cũng có tính thống nhất. Nền văn học Trung Quốc và Việt Nam do chịu ảnh hưởng từ những học thuyết Nho, Phật, Đạo nên có chung một mô hình vũ trụ. Vì vậy, nét chung của không gian nghệ thuật là không gian vũ trụ, gắn liền với tính bất biến của không gian. Con người ý thức về mình như là một bộ phận của thiên nhiên xã hội vì họ đứng trong thiên nhiên mà nhìn thiên nhiên. Mô típ những con người ẩn mình vào thiên nhiên trong thơ ca trung đại không phải là hiếm. Những câu thơ sau đây là một minh chứng rất dễ thấy: Ngư ông thụy trước vô nhân hoán/ Quá ngọ tinh lai tuyết mãn thuyền (Ngư nhàn - Không Lộ thiền sư). Hay: Bước tới đèo Ngang bóng xế tà/ Cỏ cây chen lá, đá chen hoa (Qua Đèo Ngang – Bà huyện Thanh Quan)… Vì thế, có thể nói, mối quan hệ lúc bây giờ là mối quan hệ hài hòa - thống nhất với không gian…

Xã hội Việt Nam trước khi Pháp xâm lược là một xã hội phong kiến phương Đông, một xã hội suốt mấy ngàn năm kéo dài một cuộc sống gần như không thay đổi về hình thức cũng như tinh thần. Nhưng cuộc biến thiên lớn

nhất trong lịch sử dân tộc đã xảy đến, làm đảo lộn toàn bộ cuộc sống yên bình tưởng như bất biến ấy. Đó chính là cuộc xâm lăng của thực dân Pháp nửa sau thế kỷ XIX. Cùng với gót giày của quân xâm lược, lối sống văn hóa và kỹ thuật phương Tây đã tràn vào Việt Nam, tác động mạnh mẽ đến đời sống tinh thần của mọi tầng lớp nhân dân. Nó đã làm thay đổi mọi nền tảng xã hội, trong đó thay đổi cả cấu trúc không gian. Những thay đổi đó cũng do sự tiếp xúc với văn học Pháp đặc biệt là văn hóa lãng mạn Pháp. Chính những điều đó đã dần dần đem đến cho thanh niên tiểu tư sản thành thị những năm 30 của thế kỷ này những tình cảm mới, những rung động mới: họ yêu đương mơ mộng, vui buồn khác các nhà thơ xưa. Chính vì sự khác nhau sâu xa đó giữa hai thế hệ mà những câu thơ ngâm hoa vịnh nguyệt sáo mòn và cũ rích trên Nam Phong,

Văn học tạp chí, Tiếng dân không còn hợp với tình cảm mới của họ. Và thơ mới chủ yếu là tiếng nói của giai cấp tư sản và tiểu tư sản thành thị, đó là nguyên nhân chính cho phong trào Thơ mới ra đời. Cụ thể:

Đầu tiên là sự thay đổi về mặt cơ cấu xã hội với sự xuất hiện của các tầng lớp mới: tư sản, tiểu tư sản và trí thức Tây học. Tiếp đó là sự thay đổi về mặt cơ cấu kinh tế, sự phát triển của kinh tế hàng hóa thị trường với trung tâm là các đô thị đã dần đưa đất nước vào con đường tư sản hóa. Cuộc tiếp xúc với phương Tây, dù chính thức hay không chính thức, tự nguyện hay không tự nguyện cũng đã mang đến những thay đổi chưa từng có trong xã hội Việt Nam: “Chúng ta ở nhà Tây, đội mũ Tây, đi giày Tây, mặc áo Tây. Chúng ta dùng đèn điện, đồng hồ, ô-tô, xe lửa, xe đạp... còn gì nữa! Nói làm sao xiết những điều thay đổi về vật chất, phương Tây đã đưa tới giữa chúng ta! Cho đến những nơi hang cùng ngõ hẻm, cuộc sống cũng không còn giữ nguyên hình ngày trước” [62, 12]. Nền văn minh vật chất gắn liền với kiểu không gian đô thị mới mẻ tạo sự đứt gãy trong tâm lý tiếp nhận của các nhà thơ phương Đông - vốn gắn liền với không gian thiên nhiên - không gian nông

thôn - nông nghiệp lúa nước. Những đổi thay về sinh hoạt dần tới sự thay đổi về ý nghĩ và cảm xúc, đó là tiền đề để các nhà thơ chối bỏ đời sống văn minh - trở về với thiên nhiên cội nguồn. Cuộc va chạm dữ dội ở thế kỷ XIX, đây không chỉ là xung đột chiến tranh, mà còn là xung đột giữa hai nền văn hóa – văn minh Đông – Tây. Thế giới tinh thần phương Đông truyền thống bắt gặp một khuynh hướng đối nghịch xem trọng vật chất khiến khá nhiều các trí thức – Nho sĩ không thể thích ứng chấp nhận, mà trường hợp Nguyễn Đình Chiểu là rõ ràng nhất: Sống làm chi theo quân tà đạo, quăng vùa hương, xô bàn độc, nghĩ lại thêm buồn/ Sống làm chi ở lính mã tà, chia rượu lạt, gặm bánh mì, nghe càng thêm hổ (Văn tế nghĩa sĩ Cần Giuộc). Những vần thơ nối dài từ cuối XIX sang XX của Trần Tế Xương, Tản Đà… phảng phất dư vị chua chát, mỉa mai khi thấy nền văn minh đô thị và đời sống vật chất lên ngôi: Nào có gì cái chữ nho/ Ông nghè ông cống cũng nằm co/ Chi bằng đi học làm thầy

phán/ Tối rượu sâm banh, sáng sữa bò (Chữ Nho- Trần Tế Xương) hay Mười mấy năm xưa ngọn bút lông/ Xác xơ chẳng bợn chút hơi đồng/ Bây giờ anh đổi lông ra sắt/ Đời kiếm ăn có nhọn hơn không? (Thuận bút- Tản Đà)…

Thứ hai là sự ra đời của nền giáo dục mới cho ra đời một đội ngũ trí thức mới – trí thức Tây học. Họ dễ dàng thích nghi hơn với đời sống và quan niệm hiện đại. Từ đó mà sinh ra nhiều khuynh hướng. Có người bằng lòng, hướng đến ánh sáng đô thị như là ánh sáng của văn minh, chẳng hạn Thạch Lam. Trong Hai đứa trẻ, hình ảnh đô thị kết tinh trong ký ức về một Hà Nội “sáng rực và huyên náo”, mà hai chị em Liên – An đợi tàu như giấc mơ về một thế giới khác. Nhưng từ trong thẳm sâu, một nguồn mạch nào vẫn khiến một số thi nhân đau đáu quay lưng với thực tại, tìm về những nơi hoang vu, những chốn xa lạ, trở lại với cội nguồn thiên nhiên hoang dã, tìm kiếm quá khứ, bản thể bị khuất lấp. Như lời con hổ nhớ rừng của Thế Lữ đầy tâm trạng Ghét những cảnh không đời nào thay đổi/ Những cảnh sửa sang, tầm thường, giả dối/ Hoa chăm,

cỏ xén, lối phẳng, cây trồng (Nhớ rừng). Còn với Vũ Trọng Phụng và Số đỏ thì tác giả đã mượn các nhân vật trong truyện để mỉa mai một lối văn minh đô thị “rởm”. Cụ thể là Văn Minh, con trai của cụ cố Hồng, đi Tây du học 6-7 năm chẳng có mảnh bằng nào, về nước mở hiệu may với tôn chỉ cổ vũ phòng trào “Âu hóa” nhằm phô ra những bộ phận kín đáo của phái đẹp”. Nào là bộ Chiếm lòng, Ngây thơ, Dậy thì, Nữ quyền, Kiên trinh,… Nào là cái áo “Ỡm ờ”, cái quần “Hãy chờ một chút”, áo lót “Hạnh phúc”… Người đọc như thấy một cái tát rõ mạnh vào phái yếu, tiết hạnh của người phụ nữ bị đưa ra làm trò cười cho cả thiên hạ. Thế mà đám đàn bà trong xã hội ấy vẫn gật đầu lia lịa, để xin được “Âu hóa theo văn minh, ăn vận theo tiến bộ”. Còn với Đinh Hùng thì ông là người chối bỏ không gian đô thị một cách quyết liệt nhất - không đơn thuần rời bỏ, mà còn đập vỡ, phá hủy, tự dựng cho mình một không gian riêng.

Một phần của tài liệu Mê hồn ca và đường vào tình sử để tìm ra các loại hình cũng như nghệ thuật kến trúc không gian trong thơ đinh hùng (Trang 30 - 33)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(122 trang)