Không gian cõi âm

Một phần của tài liệu Mê hồn ca và đường vào tình sử để tìm ra các loại hình cũng như nghệ thuật kến trúc không gian trong thơ đinh hùng (Trang 68 - 74)

7. Cấu trúc của luận văn

2.3.3. Không gian cõi âm

Đinh Hùng bước vào lãnh địa thơ ca với hành trang trĩu nặng trên vai là nỗi cô đơn bi phẫn và những mặc cảm dày vò tê tái. Từ trong cuộc đời riêng, nhà thơ đã phải đón nhận những mất mát đau thương in hằn lên tâm hồn thành một khối đau buồn bi thiết. Tâm trạng đó gặp gỡ quan điểm sáng tác của nguyên lý mỹ học tượng trưng, đặc biệt là chủ thuyết “thi sĩ thấu thị” của A. Rimbaud khiến Đinh Hùng hình thành nên cảm hứng tâm linh sâu sắc. Nếu như Xuân Diệu luôn xây dựng thế giới hình tượng trên mảnh đất của trần gian thì không gian trong thơ Đinh Hùng lại mờ ảo và siêu thoát giống như không gian trong thơ Hàn Mặc Tử. Là một thi sĩ của tình yêu, không gian trong thơ Đinh Hùng bao giờ cũng gắn bó với tình yêu đôi lứa, chỉ có điều đặc biệt, đó là tình yêu trong mộng ảo của thi nhân với linh hồn trinh nữ ở thế giới

bên kia. Thơ Đinh Hùng vì vậy xuất hiện loại không gian đầy ma quái, đó là

cửa huyệt, cổ mộ, rừng khuya, hang cầm thú, cõi dương trần

Ngay từ đầu, tác giả đã xem như mình đã chết - “chết trong lời ca đồng thiếp” và chết ở đây được xem là sự mở đầu cho một kiếp khác chứ không phải kết thúc. Và vì thế, không gian ấy trong Mê hồn ca khiến nhiều người thấy sợ hãi, rợn mình bởi sự lạnh lẽo và u ám: Ta đem phòng làm cổ mộ

trong Màu sương linh giác hay Thành quánh bến Sông Mê/ Những ngọn đèn hồn lênh đênh trôi về kiếp trước/ Ôi cửa động mù sương, mưa bay tiềm thức!/ Anh theo em đi hết chuyến luân hồi (Lời ca đồng thiếp). Đinh Hùng dường như đã tự phân thân để có thể viễn du vào mọi ngóc ngách của tâm hồn, vừa đau khổ, điên cuồng, vừa ảo vọng và mê loạn. Cái tôi trữ tình luôn luôn chuyển động, luồn sâu vào từng khía cạnh u uất nhất của tiềm thức. Trong bóng tối, người thơ rượt đuổi, vui đùa cùng hồn ma hiện về từ đáy mộ và xem đó chính là hiện thực của cuộc đời mình: Ta mê muội giữa một bầy yêu quái/ Biết cười vui, nói những giọng êm đềm/ Và than ôi! Tàn nhẫn cũng như Em/ Từng nhan sắc ngẩn ngơ hay kiều lệ (Hương trinh bạch).

Thế giới thơ Đinh Hùng là cõi trời loạn, là cõi hỗn mang, hỗn độn, là nơi tử sinh chuyển hóa, đầy mê cung kỳ ảo với máu, sọ người, xương khô, mộ, khăn liệm, điếu tan,... xuất hiện với tần số và mật độ dày đặc: Bừng mắt dậy, lửa hồi sinh đỏ rực/ Thịt xương về trong cổ mộ xôn xao/ Hỏa thiêu rồi làn tử khí lên cao/ Chiều tái tạo bâng khuâng từng ngọn cỏ (Mê hồn ca). Hay: Xa nấm mộ chúng ta cuồng dại hết/ Để yêu tà về khóc dưới trăng sao (Tìm bóng tử thần). Bước đi trên con đường bảng lảng màu sương huyền nhiệm tượng trưng, thi sĩ phiêu diêu trong giấc mơ dài tới những xứ sở ngoài cõi nhân gian, thoáng chốc đạt tới sự vĩnh cửu dù chỉ trong giây lát. Và từ sự vĩnh cửu này, nhà thơ nhanh chóng vươn đến cõi siêu nhiên, trút bỏ được gánh nặng lo âu, khắc khoải về thời gian hữu hạn của đời người. Bi kịch của kiếp

người khiến thơ Đinh Hùng luôn hướng vào việc lựa chọn những không gian kỳ dị, ông muốn xóa đi khoảng cách giữa sự sống và cõi chết, muốn đồng nhất ranh giới âm – dương: Giữa đêm đời sẽ hồi sinh/ Nhân gian hát khúc vong tình lên non/ Đôi ta vào hội oan hồn/ Âm dương tái hợp / Ồ! đây là cuộc tân hôn dị kỳ!. Những bóng ma ấy đến từ quá khứ nghìn xưa, từ một dĩ vãng xa xôi nào đó. Giống như nhiều nghệ sĩ phương Đông khác, Đinh Hùng có vẻ tin vào thuyết luân hồi. Đinh Hùng đã dựng lên một thế giới đắm đuối, say mê, đầy hoang sơ man dại, chết chóc lạnh lùng và nhiệm màu huyền bí như: Gửi người dưới mộ, Màu sương linh giác, Tìm bóng tử thần, Cầu hồn… Hiện tượng này hẳn liên quan nhiều đến chuyện tang tóc bất bình thường trong một thời gian ngắn, liên tục đổ ập xuống cuộc đời của tác giả. Chịu sự ám ảnh của thế giới bên kia, Đinh Hùng đã nghiêng hẳn sang hồn thơ siêu thực với những ý tưởng kỳ lạ, bí hiểm, giọng thơ buồn đau bi thiết: Hỡi hồn tuyết trinh!/ Hỡi người tuyết trinh!/ Mê em, ta thoát thân hình/ Nhập hồn cây cỏ, đa tình mỗi đêm (Gửi người dưới mộ). U buồn vương đầy trời thương nhớ, thi nhân ném hồn mình vào cõi Mê hồn. Thơ là để “cầu hồn” để với tới miền chết lạng lẽo: Em đã về chưa?/ Em sắp về chưa?/ Trăng sao tắt, ngọn đèn mờ/Ta nằm rỏ lệ đọc thơ gọi hồn. Thi sĩ không ít lần muốn đánh thức hồn ma dậy, chiêu niệm bắt hồn nàng, Xin mời nàng giáng lâm để được lắng nghe người yêu ngồi bên cửa mộ kể nỗi niềm, thậm chí để hỏi người đã khuất:

Nắm xương khô lạnh còn ân ái? Bộ ngực bi thương vẫn rợn tình? (Gửi người dưới mộ),... Nhà văn Huyền Viêm viết: “Những cái tang thủơ thiếu thời, và sau này là cái chết của người yêu tên Liên đã ảnh hưởng đến rất nhiều tâm tính của Đinh Hùng, nên thơ anh thường đượm vẻ ảm đạm bi thương” [33].

Bích Liên đã mất nhưng hình ảnh của Liên, giọng nói của Liên mãi mãi còn âm vang trong tâm hồn nhà thơ, không phút giây nào quên lãng. Nỗi đau đớn được nhà thơ đem vào trong giấc mơ nghệ thuật hòng làm thoả mãn khát vọng

yêu đương. Chỉ có cái chết mới mong hoá giải những nỗi sầu đang đè nặng trong hồn anh: Khi anh chết các Em về đây nhé/ Vị chút tình lưu luyến với nhau xưa/ Anh muốn thấy các em cùng nhỏ lệ/ Tay cầm hoa, xoã tóc đứng bên mồ (Cung đàn tưởng niệm).

Chúng ta hiểu vì sao, nếu như Tản Đà lấy cảm hứng ở cõi bồng lai tiên giới thì Đinh Hùng lại tìm về với cõi âm phần, vì ở đở đó hồn ma là bóng dáng người đẹp lãng đãng trong màn sương huyền nhiệm. Cái tôi cô đơn càng thu mình lại, xa lánh cuộc đời ồn ã để chiêu niệm, vọng tưởng hình bóng giai nhân:

Ta hằng nghe rõ/ Tiếng buồn trong sương Hằng thấy trên tường/ Hình ma, bóng nhớ/ Chỗ em ngồi cũ/ Lên màu khói hương (Màu sương linh giác). Quả đúng như Phạm Việt Tuyền nhận xét: “Lòng thương tiếc người yêu đã chết khiến cho thi nhân“hằng nghe”, “hằng thấy” “hình ma bóng nhớ” và có những cảm nghĩ điên cuồng, mặc dù lời thơ lúc nào cũng chỉnh tề chững chạc” [65]. Chúng hiện diện thường trực, trở đi trở lại để nhắc nhở thi nhân rằng, trong cuộc đời lúc nào cũng có những thiếu hụt mà người ta không tài nào san lấp, đổ đầy. Sự thiếu hụt ấy rõ ràng đến mức ngay cả khi ngồi kề bên người con gái bằng xương bằng thịt với mùi hương quyến rũ, thi nhân cũng thấy nàng vụt chốc bỗng trở thành xa lạ: Ôm nhan sắc với hai bàn tay sắt/ Ta nhìn ai, ôi khóe mắt ta nhìn/ Em có là ma, là quỷ, là tiên?/ Em có mấy linh hồn bao nhiêu mộng?/ Em còn trái tim nào đang xúc động?/ Em có gì trong xác thịt như hoa?

(Bài ca man rợ). Bóng dáng con người – đây là người tình – mờ nhạt, nhoà lẫn vào nhau, tan biến vào không gian. Cái đẹp dưới cái nhìn và cảm thức của Đinh Hùng là một thế giới đầy cám dỗ với sự huyền nhiệm, siêu thoát: Mắt em ngây ngất khói hoàng hôn/ Mái tóc còn vương một chút hồn. Cái đẹp trong thơ Đinh Hùng vừa là cứu cánh vừa là cái chết, nó ảo hóa với muôn sắc thái và ma mị nên dễ gây ấn tượng rờn rợn: Hồn hỡi hồn!/ Hồn vốn sẵn bàn tay nhung lụa/ Hồn lại còn cặp má hồng nâu/ Hồn đơn thuốc nhiệm mầu/ Khêu lên

ngọn lửa, tiêu sầu thế nhân (Cầu hồn). Hay: Hồn Vệ Nữ lạc loài bên cửa huyệt/

Xuân bi thương – ôi má thắm, môi đào! (Tìm bóng tử thần). Không chắc rằng khi còn sống người con gái đẹp ấy có thể thỏa mãn được thẩm mỹ tuyệt đối của Đinh Hùng nhưng rõ ràng rằng khi là bóng ma, nàng đã quay trở về trạng thái của Gái Muôn Đời: Mười ngón tay dâng lửa nguyện cầu/ Hỡi ơi hồn chuyển kiếp về đâu/ Ta xin giữ trọn lòng trinh bạch/ Ngưỡng vọng em như Nữ Chúa Sầu (Gặp em huyền diệu). Đinh Hùng đã thành công khi cho ta cảm tưởng giáp mặt với linh hồn trinh nữ mà thời gian đã tàn nhẫn cướp mất, để lại trong chúng ta những ngậm ngùi, những dư âm thảng thốt, những mùi hương đã tàn bay theo từng cánh bướm, như sắc hoa phù dung sớm nở tối tàn.

Tóm lại, có thể nói thơ Đinh Hùng luôn bị ám ảnh bởi một thế giới siêu thoát, kinh dị, đầy sự chết chóc, lạnh lẽo của chốn âm ty. Đó là thế giới của nỗi đau, niềm tuyệt vọng, sự cô đơn đang gặm nhấm xác thịt lẫn tâm hồn. Ngôn ngữ thơ đầy cảm giác, ma quái, rùng rợn… đưa người đọc phiêu diêu vào miền xa xăm huyền bí, đến những bến bờ xa lạ của cảm giác, của cõi tiềm thức, hư vô… Đinh Hùng hiểu rất rõ nỗi đau của mình, và ông tìm đến thơ tượng trưng như một sự cứu rỗi trong linh hồn.

TIỂU KẾT CHƯƠNG 2

Cảm giác lạc lõng, bơ vơ trước dòng đời đang cuộn chảy, Đinh Hùng đã từ bỏ thực tại rời xa không gian đô thị xô bồ bởi ông xem đó là nơi đã mất đi những giá trị truyển thống văn hóa dân tộc và dần trở thành trở thành chốn địa ngục trần gian. Thi sĩ xáo trộn thời gian, xoá nhoà hiện tại, cho độc giả được chắp thêm đôi cánh cùng người thơ phiêu diêu trong không gian của ba cõi: cõi mộng, cõi tiên và cõi âm. Bước vào lãnh địa thơ Đinh Hùng, thi nhân như đưa người đọc về với không gian nguyên sơ - quay về thời tiền sử theo tâm thức về nguồn, sống hòa hợp cùng thiên nhiên, vũ trụ; hay lạc vào cõi mộng để tìm kiếm, kiến tạo không gian mơ ước cho mình và xô tới tương lai sâu thẳm - cõi chết để đi tìm lại chính mình, tìm lại tình yêu. Cho nên, không gian trong thơ Đinh Hùng không chỉ là không gian mơ hồ, ảo mộng mà đôi khi kì dị, ma quái kiến nhiều người thấy sợ hãi bởi sự lạnh lẽo và u ám. Đinh Hùng muốn xóa bỏ khoảng cách giữa mình với thế giới, khát khao giao hòa với vũ trụ, vì thế thi nhân luôn tìm cách kiến trúc nên một thi giới độc đáo thể hiện rõ tư duy thơ của ông.

CHƯƠNG 3: NGHỆ THUẬT KIẾN TRÚC KHÔNG GIAN

TRONG MÊ HỒN CA VÀ ĐƯỜNG VÀO TÌNH SỬ

Một phần của tài liệu Mê hồn ca và đường vào tình sử để tìm ra các loại hình cũng như nghệ thuật kến trúc không gian trong thơ đinh hùng (Trang 68 - 74)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(122 trang)