7. Cấu trúc của luận văn
1.3.2.2. Ảnh hưởng từ thơ tượng trưng – siêu thực của Pháp
Trong dòng chảy văn học, hiện tượng kế thừa, tiếp thu những thành tựu tư tưởng, nghệ thuật là hiện tượng phổ biến, tất yếu như một quy luật để phát triển. Kế thừa thơ truyền thống dân tộc, tiếp thu chủ nghĩa lãng mạn, tượng trưng, siêu thực của văn học Pháp, thanh niên trí thức Việt Nam đầu thế kỷ XX đã sáng tạo ra “một thời đại thi ca” hoàn toàn khác trước. Một thế kỷ thi ca Pháp với những đỉnh thơ lừng danh như: Lamartine, V.Hugo, Chateaubriand, Baudelaire, Verlaine, Valéry, Mallarmé... đã được các nhà thơ mới thâu tóm, tiếp biến trong vòng 13 năm. Thơ mới, một hiện tượng độc đáo có một không hai trong tiến trình thơ Việt Nam. Chỉ trong một thời gian ngắn của lịch sử, Thơ mới đã khởi đi từ lãng mạn, đến tượng trưng và siêu thực. Ba trào lưu thơ đã tích hợp, tổng hoà, đan xen nhau trong trong khá nhiều tác giả, tác phẩm tiêu biểu, làm cho Thơ mới trở nên giàu có, đa thanh, đa sắc, trong đó, ngoài sự hiện diện tiên phong của chủ nghĩa lãng mạn, còn có phần đóng góp không nhỏ của nghệ thuật tượng trưng - siêu thực, được các nhà thơ mới tiếp biến đầy sáng tạo.
Đầu tiên là chủ nghĩa tượng trưng. Chủ nghĩa tượng trưng là một trào lưu nghệ thuật và một quan điểm mỹ học xuất hiện cuối thế kỉ XIX và đầu thế kỉ XX. Về nguyên tắc mỹ học, nếu như thơ lãng mạn chủ yếu biểu hiện bằng hình tượng, hình ảnh tương phản; thì thơ tượng trưng biểu hiện mối quan hệ giữa con người và sự vật trong mối tương hợp nói như Einstein đó là “tính toàn thể của thế giới và tính nhất thể giữa con người và thế giới”. Họ quan niệm thơ là một thứ siêu cảm giác, thơ “trước hết phải có nhạc tính” do âm nhạc hơn hẳn các nghệ thuật khác trong việc truyền đạt những sắc thái, những bán âm (Verlaine). Chủ nghĩa tượng trưng xem thế giới hữu hình chỉ là hình ảnh, là cái bóng, là tượng trưng cho một thế giới mà ta không nhìn thấy được. Đây mới chính là bản thể của thế giới.
Cho nên, nhà thơ phải đến với cuộc sống bằng trực giác, Dạ Đài xây dựng hình tượng bằng trực giác, chỉ có trực giác mới làm cho người đọc nhìn thấy được thế giới đó và thoát ra khỏi bóng tối của hiện thực: “Chúng ta chỉ có một con đường đi để thoát khỏi mê đồ. Chúng ta chỉ có thể dung hợp được thực và hư bằng hình tượng... Mỗi một thế giới sẽ nằm trong một tầng lớp của tượng hình: tất cả trần gian sẽ đổi thay trên bề mặt, những cảnh giới hoang vu sẽ nằm giấu bên trong. Thực tại và u huyền đã gặp nhau và chỉ gặp nhau ở thể hình duy nhất đó. Chúng ta đã cứu vãn được: cõi đất chúng ta, cứu vãn được: những cõi đất ngoài kia, và cứu vãn được bằng sức gợi cảm âm thầm hình tượng”, hoặc: “Thế cho nên chúng tôi – thi sĩ tượng trưng – chúng tôi sẽ nói lên và chỉ nói lên bằng hình tượng, thứ ngôn ngữ tân kỳ, ngôn ngữ của những thế giới yêu ma, của những thế giới thần nhân mà cũng là của cái thế giới âu sầu đây nữa”. Đinh Hùng cùng Trần Dần, Vũ Hoàng Địch, Trần Mai Châu... tự nhận mình là thi sĩ tượng trưng và tuyên bố: "Chúng tôi sẽ nối lại nghiệp dĩ của Baudelaire, tâm sự của Nguyễn Du – sự nổi loạn và ra đi của Rimbaud – nỗi cô đơn của những nhà thơ lãng mạn. Chúng tôi sẽ vén cao bức màn nhân ảnh, viết lên quỹ đạo của
trăng sao – đường về trên cõi chết... Thi sĩ tượng trưng chúng tôi sẽ nói lên và chỉ nói lên bằng hình tượng, thứ ngôn ngữ tân kỳ, ngôn ngữ của thế giới yêu ma, của những thế giới thần nhân mà cũng là thế giới âu sầu đây nữa" [75].
Khi miền Nam được giải phóng, thơ ca của Đinh Hùng cũng như của các nhà văn, nhà thơ khác sáng tác dưới chế độ ngụy quyền Sài Gòn bị cấm lưu trữ, phát hành, nhà thơ Trần Dần đã nhắn vào cho gia đình nhà thơ Vũ Hoàng Chương: "Anh yên tâm, với chúng tôi, thơ của anh và Đinh Hùng vẫn có giá trị để được trọng vọng như thời tiền chiến..." [58]. Khi được hỏi trong các nhà cầm bút thời tiền chiến, Trần Dần thích ai nhất thì ông đã trả lời ngay: Vũ Trọng Phụng, Vũ Hoàng Chương và Đinh Hùng. Ông khẳng định: “Đinh Hùng là thi
sĩ Tượng trưng đầu tiên của Việt Nam với tập Mê hồn ca" [25].
Đinh Hùng cùng nhóm Dạ Đài vốn tâm huyết và xuất phát từ thuyết tương ứng giữa các giác quan nên rất đề cao tính nhạc trong thơ nhờ các hình tượng tạo tác được những âm thanh huyền diệu nữa. Vì vậy cũng dễ hiểu vì sao nhiều nhạc sĩ khi đọc thơ Đinh Hùng đã cảm nhận được ở đây một sự đồng điệu. Nhiều người lấy thơ Đinh Hùng để phổ nhạc và tạo nên những giai phẩm đi cùng năm tháng, làm say đắm lòng người. Có thể kể đến một số nhạc phẩm có lời thơ Đinh Hùng như: Chiều tím do Đan Thọ phổ nhạc, Gửi người dưới mộ
do Phạm Anh Dũng phổ nhạc, Đợi chờ do Thuận Yến phổ nhạc, Mái tóc dạ hương do Nguyễn Hiền phổ nhạc; Mộng dưới hoa do Phạm Đình Chương phổ nhạc lấy ý trong hai bài thơ Tự tình dưới hoa và Xuôi dòng mộng ảo. Cũng trong bài thơ ấy có câu “nhìn nhau cũng đủ lãng quên đời” đã được cố nhà văn Mai Thảo dùng làm tựa đề cho một truyện dài của ông. Đó là cuốn tiểu thuyết
Cũng đủ lãng quên đời. Ca khúc Mộng dưới hoa đã trở thành một trong những bài tình ca được ưa chuộng và hát nhiều nhất của nhạc Việt ở hải ngoại.
Được coi là nhà thơ Tượng Trưng trong phong trào thơ mới, thơ Đinh Hùng có đầy đủ những đặc điểm của chủ nghĩa tượng trưng. Thơ ông trau
chuốt, gọt giũa, có nhiều ý hay lạ, nhiều hình ảnh và ngôn từ quái dị, yêu ma… Và Tạ Tỵ đã gọi Đinh Hùng là nhà thơ với “cơn mê trường dạ”. Đinh Hùng với Dạ Đài đã nhận mình là thi sĩ theo trường phái tượng trưng và họ đã có ý thức vượt lên trên quan niệm sẵn có để làm một cuộc tiếp biến, đưa nhóm mình theo một hướng riêng. Họ đã cố gắng đưa thơ trở về với nguyên thể của nó và người nghệ sĩ là của thực của mộng của hồn và xác: “Chúng tôi muốn những cảm giác thâm u mà chúng ta mới chỉ có những thi sĩ của lòng. Đã đến lúc chúng ta đợi những thi sĩ của linh hồn, những thi sĩ của cái tâm thầm kín”. Họ đã đưa thơ ca tới bến bờ của U Huyền: “chúng tôi sẽ nói thay cho tiếng nói những loài ma. Chúng tôi sẽ khóc lên cho những nỗi oán hờn chưa giải. Chúng tôi sẽ bắt hiện lên những đường lối U Minh. Chúng tôi sẽ kể lại những cuộc viễn du trong những thế giới âm thầm sự vật”. Không tìm thấy sự đồng điệu trong cuộc đời đầy bất trắc này, Đinh Hùng tìm về chốn địa đàng hay đi vào cổ mộ theo tiếng gọi vô thức, tâm linh. Tìm về nơi thế giới ảo mộng với một niềm tin rằng tình yêu và sự sống sẽ mãi trường tồn, bởi trong thế giới ấy khái niệm thời gian không còn có ý nghĩa. Những câu thơ chứa đầy nỗi u sầu, thương nhớ, đưa chúng ta vào một thế giới liêu trai ma quái, nhưng thấm đẫm tình yêu. Trong thơ Đinh Hùng ta thấy có một sự ám ảnh của thế giới bên kia – cõi hư vô. Đinh Hùng hay đề cập đến cái chết trong thơ mình, có khi là cái chết của người khác: Nàng nằm mộng suốt đêm hè dưới nguyệt/ Nụ cười buồn lay động ánh trăng sao/ Xa nấm mồ, chúng ta cuồng dại hết/ Để yêu tà về khóc dưới non ca (Tìm bóng tử thần), có khi là cái chết của người mình hằng yêu dấu, cũng có khi là cái chết của chính mình: Anh bơ vơ lạc trên đường thiên cổ/ Lạnh tâm tư, mờ tỏ ánh tinh cầu./ Mất anh rồi, Các Em sẽ về đâu? (Cung đàn tưởng niệm). Các nhà thơ tượng trưng có thể tưởng tượng say mê cái chết, nó là cái cớ để xây dựng nên một thế giới thẩm mỹ riêng, vì theo họ cái chết cũng mang tính thẩm mỹ. Do vậy, ai đã từng đọc tác phẩm Mê hồn ca đều bị ám ảnh bởi những hình
ảnh ma mỵ liêu trai, hoang sơ, man dại, chết chóc, lạnh lùng của chốn trần gian lẫn chốn âm ty. Thơ Đinh Hùng luôn bị ám ảnh bởi một thế giới siêu thoát, kinh dị, đầy sự chết chóc, lạnh lẽo của chốn âm ty. Đó là thế giới của nỗi đau, niềm tuyệt vọng, sự cô đơn đang gặm nhấm xác thịt lẫn tâm hồn.
Ở Việt Nam, nhiều nhà nghiên cứu cho rằng không dễ dàng trong việc xếp đặt các nhà Thơ Mới Việt Nam theo một trường phái nhất định: lãng mạn, hoặc tượng trưng hay siêu thực, mà Thơ mới chủ yếu là được sáng tác theo qũy đạo chủ nghĩa lãng mạn, sau đó, men tới chủ nghĩa tượng trưng và chủ nghĩa siêu thực. Hiện tượng đan xen giữa các yếu tố lãng mạn, tượng trưng, siêu thực như trong nhiều bài thơ của Hàn Mặc Tử, Chế Lan Viên, Xuân Diệu, Đinh Hùng là điển hình. Không như những nhà Thơ Mới khác, Đinh Hùng - Người kiến trúc chiêm bao ( Đỗ Lai Thúy), ông đã kiến trúc một thiên nhiên ảo diệu, thần bí. Thiên nhiên của thời hồng hoang, thái cổ còn tinh khôi, nguyên thuỷ. Ở đó, lóe lên ngọn lửa của đêm hồng hoang man rợ, sông núi giao thần; trong không gian Thái Cổ ấy, người thơ cùng Người gái thiên nhiên - Kỳ nữ kết tình ân ái làm đôi người cô độc thưở sơ khai (Người gái thiên nhiên). Có thể nói, những sáng tác buổi đầu thơ Đinh Hùng (Mê hồn ca) thì ông đã nghiêng hẳn sang trường thơ siêu thực, ngôn từ thơ ông được chuốt trau bóng bẩy, lời lẽ trang trọng, ý tưởng thơ kỳ lạ, bí hiễm, giọng thơ buồn đau, bi thiết. Mê hồn ca như lạc bước vào thế giới khác, một thế giới biệt lập với thế giới hiện hữu, thế giới đó do thi nhân kiến trúc trên một nền chiêm bao và tạo ra những giấc mơ kỳ diệu, giấc mơ về thế giới, con người của thời hồng hoang, nguyên thủy với những bóng hình man rợn: Rồi những đêm sâu bỗng hiện về/ Vượn lâm tuyền khóc rợn trăng khuya/ Đâu đây u uất hồn sơ cổ/ Từng bóng ma rừng theo bước đi
(Những hướng sao rơi ). Đinh Hùng đã đi vào Mê hồn ca với một không gian siêu thực, mộng mị, lẫn lộn giữa cõi dương thế với âm phần.
TIỂU KẾT CHƯƠNG 1
Đinh Hùng đến với thi ca với một hành trang chất đầy đau thương và bi phẫn. Từ trong cuộc đời riêng, chàng lãng tử tài hoa ấy phải đón nhận những mất mát, ám ảnh in hằn lên thân thể và tâm hồn. Theo thời gian,vết tích đó lặn vào trong, dồn nén, kết tụ thành một khối đau buồn dằng dặc. Đối mặt với cuộc đời, nhà thơ thấy cõi thế đang đổ vỡ, đổi thay, kể cả đó là không gian quê hương mà cá nhân từng gắn bó, sinh tồn. Đời sống, con người đô thị không còn phù hợp, dung dưỡng cho những tâm hồn “giản dị” như ông nữa. Từ đó, ông luôn đi tìm một nơi để nuôi dưỡng tâm hồn mình. Làm thơ với ông là lẽ sống chân chính của cuộc đời, do đó ông đã sống và viết bằng tất cả trách nhiệm của một người cầm bút.
Với hai tập thơ đã được xuất bản là Mê hồn ca và Đường vào tình sử, Đinh Hùng đã khẳng định được vị trí của mình trên thi đàn với một quan niệm thơ nhất quán và một tư duy thơ độc đáo. Cùng với tiền đề lịch sử - xã hội và tiền đề văn học, Đinh Hùng đã đi tìm sự giải thoát cho kiếp người ở những miền ngoài cõi nhân gian: chốn địa đàng và địa ngục - một thế giới ảo – nơi không còn có tử biệt sinh ly, nơi mà Đinh Hùng sẽ gặp lại người con gái ngày xưa. Ở đó, cái thực hoà vào cái ảo, một thi giới của riêng Đinh Hùng.
CHƯƠNG 2: LOẠI HÌNH KHÔNG GIAN TRONG MÊ HỒN
CA VÀ ĐƯỜNG VÀO TÌNH SỬ