II. TÁC ĐỘNG CỦA SỰ PHÁT TRIỂN KINH TẾ XÃ HỘI ĐẾN VIỆC PHÂN HOÁ TRONG GIÁO DỤC TRUNG HỌC PHỔ THÔNG
2.3.2. Phân hoá trong giáo dục và quá trình xã hội hóa cá nhân
GD là một phần của quá trình xã hội hóa (XHH) cá nhân, nghĩa là quá trình mang tính xã hội trong việc hình thành và phát triển nhân cách. Quá trình XHH cá nhân là quá trình cá nhân học hỏi, tiếp thu các chuẩn mực xã hội, các giá trị xã hội
để thực hiện các vai trò xã hội, các vị thế xã hội, để gia nhập các nhóm xã hội, hòa nhập vào các nhóm xã hội, các cộng đồng và vào xã hội nói chung.
Chính hệ thống các chuẩn mực xã hội, các giá trị xã hội mà mỗi cá nhân đang học hỏi này cũng đang thay đổi, phát triển, ngày càng mới mẻ và phong phú, tạo nên sự phong phú của nền văn hóa xã hội, tạo nên sự phong phú của lực lượng bản chất con người. Ngày nay, bên cạnh những giá trị truyền thống tốt đẹp còn có các giá trị của công nghiệp hóa, hiện đại hóa, của nền kinh tế thị trường định hướng
XHCN và những giá trị của thế giới được du nhập do quá trình mở cửa và hội nhập quốc tế. Những giá trị này làm phong phú thêm nội dung XHH và cả nội dung phân hóa trong GD.
Như thường nói “học để biết, để làm, để tự thể hiện - tự khẳng định, để làm việc với người khác, chung sống với mọi người” thì đó cũng chính là những nét cơ bản của nội hàm XHH cá nhân. Cũng thường nói “học để làm người”, “học để ở đời”. Trong đó việc “làm người” là độc đáo, riêng biệt của mỗi cá nhân vì mỗi người
được XHH trong những hoàn cảnh, điều kiện sống khác nhau, do quá trình mà họ
cải tạo hoàn cảnh để hình thành chính mình. Mặt khác, “làm người” là sống hòa hợp trong trăm nghìn mối quan hệ xã hội khác nhau, rất đa dạng, muôn màu muôn vẻ, rất phức tạp. Mỗi người được XHH theo một cách riêng nên mỗi người có vị thế rất riêng nên hòa nhập và đóng góp vào sự phát triển chung của cộng đồng và xã hội bằng cách riêng, rất phong phú, đa dạng.
Như vậy trong quá trình XHH nói chung và trong GD nói riêng luôn luôn có quá trình phân hóa. Người ta nói đến sự phân hóa này trong các tầng bậc của môi trường XHH như: (1) môi trường gia đình; (2) môi trường nhà trường; (3) môi trường đào tạo chuyên nghiệp - dạy nghề; (4) các môi trường xã hội (các tổ chức xã hội, các phương tiện thông tin đại chúng, môi trường làm việc, lao động ..v..v..)
Cần lưu ý rằng, trong quá trình XHH các yêu cầu xã hội, mỗi cá nhân tự giác tiếp thu, chuyển hóa và cá nhân hóa các yêu cầu này, biến chúng thành những phẩm chất nhân cách riêng của bản thân và thành bản chất xã hội trong mỗi cá thể. Nhân cách của mỗi con người không thể phản ánh toàn bộ nền văn hóa xã hội, mà chỉ là sự xã hội hóa kinh nghiệm xã hội ở một phạm vi sống và hoạt động nhất định của con người ấy. Thông qua XHH mà con người trở thành con người xã hội và nhân cách riêng của mỗi người góp phần làm phong phú nền văn hóa xã hội, nhưng vẫn là sự đóng góp mang màu sắc cá nhân riêng biệt. XHH gắn liền với cá thể hóa trong học tập, trong đóng góp và thực hiện các vai trò xã hội khác nhau để tạo nên cấu trúc phức tạp khác nhau của nhân cách. Vì thế cần phải thực hiện phân hóa trong quá trình XHH nói chung, cũng như trong GD nói riêng, để mỗi người có các quá trình cá thể hóa phù hợp.