THÔNG CỦA VIỆT NAM
1.1. Giai đọan trước năm 1980 (x. 9, 10, 13)
Phần này đề cập sơ lược tới việc thực hiện phân hoá trong GD THPT trong giai
đoạn trước 1980 của Việt Nam (Xem chi tiết ở Phụ lục 18).
1.1.1. Giai đoạn trước Cách mạng Tháng Tám năm 1945
GD Trung học ở Việt Nam trong giai đoạn này có hai cấp là Trung học bậc thấp và Trung học bậc cao. Trung học bậc thấp gồm hai loại là Trung học bậc thấp có phân ban (3 ban) và không phân ban.
HS tốt nghiệp Trung học bậc thấp có phân ban được học tiếp lên Trung học bậc cao. Sau khi học xong 2 năm đầu không phân ban của bậc Trung học này, HS sẽ thi Tú tài phần I. Những HS đỗ Tú tài phần I sẽ chọn học tiếp một trong ba ban ở năm thứ 3 của Trung học bậc cao.
Sau 4 năm theo học Trung học bậc thấp không phân ban, HS thi lấy bằng THCS. Tiếp theo HS có thể theo học trường dạy nghề hoặc học tiếp 3 năm để thi lấy bằng Trung học bậc cao. Có bằng này HS có thể vào học một số trường Cao đẳng.
1.1.2. Giai đoạn từ 1945 đến 1950
Trong giai đoạn này ở vùng kháng chiến, bậc Trung học gồm hai loại là Trung học phổ thông và Trung học chuyên khoa. Trường Trung học chuyên khoa gồm 3 năm học, trong đó 2 năm học đầu không phân ban và năm cuối được phân thành 3 ban (Xem thêm tài liệu tham khảo 3 và 4).
1.1.3. Giai đoạn từ 1950 đến 1955
Năm 1950 đề án Cải cách GD lần thứ nhất được thực hiện từ liên khu V trở ra với hệ thống trường phổ thông 9 năm, không phân ban và gồm 3 cấp học là cấp I (4 năm, không kể lớp vỡ lòng); cấp II (3 năm) và cấp III (2 năm).
1.1.4. Giai đoạn từ 1956 đến 1980
Năm 1956 đề án Cải cách GD lần thứ hai được thông qua với hệ thống GDPT gồm 10 năm, không phân ban và cũng có 3 cấp như trong Cải cách GD lần thứ nhất, nhưng cấp III gồm 3 năm học. Tuy nhiên trong giai đoạn này đã ra đời các loại
trường phổ thông như trường Phổ thông nông nghiệp, trường Phổ thông công nghiệp, trường Thanh niên dân tộc vừa học vừa làm. Điều này cho thấy có nhu cầu thật sự đối với việc phân hoá trong GDPT, đặc biệt trong GDTH bậc cao. Tất nhiên là việc phân hoá bằng các loại trường phổ thông đa dạng trên đây chủ yếu nhằm tới việc chuẩn bị nghề cho HS, chuẩn bị cho họ có thể tham gia sản xuất sau khi tốt nghiệp trường phổ thông, chứ chưa nhằm tới việc phát triển các năng lực, đáp ứng các nguyện vọng học tập hết sức đa dạng của HS THPT.
Ngoài ra, để phát hiện và bồi dưỡng HS giỏi, từ những năm 60, các lớp chọn, lớp chuyên và một loạt các trường chuyên được tổ chức với tên gọi khác nhau (PTTH chuyên, PTTH năng khiếu, PTTH chất lượng cao...). Các trường, lớp loại này có tỉ
lệ HS đỗ tốt nghiệp và đỗ vào đại học khá cao.
Mặt khác, nhà nước đã cho phát triển các trường phổ thông dân tộc nội trú ở hầu hết các tỉnh miền núi. Đây cũng là một loại hình trường góp phần thực hiện việc phân hoá trong GDPT, trong đó HS của các trường này tuy vẫn học theo chương trình GD thống nhất chung của cả nước, nhưng với những điều kiện dạy học được
ưu đãi và thời gian học cũng được tăng cường. Ngoài ra để tham dự kì thi vào đại học, các HS dân tộc còn được học thêm một năm dự bị sau khi tốt nghiệp THPT.
1.2. Giai đoạn từ năm 1980 đến nay: Thí điểm mô hình THPT phân ban
Sau khi thống nhất đất nước, vào năm 1979 Nhà nước đã quyết định tiến hành cuộc Cải cách GD lần thứ ba với hệ thống GDPT 12 năm thống nhất trong cả nước, trong đó bậc Phổ thông trung học gồm 3 năm học và không phân ban.
Tới năm 2000, Quốc hội khoá X đã ra Quyết định vềđổi mới nhiều mặt đối với GDPT, từ CT, SGK, PPDH cho tới phương pháp kiểm tra, đánh giá kết quả học tập của HS. Hiện nay, công cuộc đổi mới đã được triển khai đại trà từ lớp 1 đến lớp 11 và đang chuẩn bị cho lớp 12 vào năm học 2008 – 2009, trong đó việc phân hóa GD THPT bằng hình thức phân ban kết hợp với dạy học tự chọn chính thức được thực hiện đại trà trên toàn quốc. Để đi tới quyết định này, mô hình THPT phân ban trước
đó đã trải qua 3 lần thí điểm với quy mô và mức độ khác nhau.
1.2.1. Thí điểm lần thứ nhất (1989-1991)
Thực hiện nghị quyết của Bộ Chính trị và nhiệm vụ mà Bộ Giáo dục (cũ) giao, Viện Khoa học Giáo dục đã nghiên cứu và tiến hành thí điểm mô hình trường THPT
phân ban với phương án phân ban hẹp (gồm 5 ban) và sớm (phân ban ngay từ lớp 10). Lần thí điểm này được thực hiện từ năm học 1989 – 1990 tại trường THPT Hoàn Kiếm (Hà Nội), THPT Lê Hồng Phong (Nam Định). 5 ban của phương án thí
điểm là ban Khoa học tự nhiên (ban A với các môn chuyên sâu là Toán, Vật lí và Hóa học), ban Khoa học thực nghiệm (ban B với các môn chuyên sâu là Toán, Hóa học và Sinh học), ban Khoa học nhân văn (ban C với các môn chuyên sâu là Văn, Lịch sử và Địa lí), ban Tiếng nước ngoài (ban D với các môn chuyên sâu là Toán, Văn và Ngoại ngữ) và ban thứ năm dành cho những HS học theo chương trình không phân ban. Tuy nhiên từ năm học 1991 – 1992 việc thí điểm phải dừng lại do không giải quyết được vấn đề thi tốt nghiệp THPT và thi tuyển sinh đại học cho riêng số HS học theo CT, SGK thí điểm.
Mặc dù không thí điểm trọn vẹn mô hình THPT phân ban nêu trên, nhưng những kết quả ban đầu cho thấy việc phân hoá hẹp và sớm phần nào đáp ứng được nguyện vọng của HS. Đồng thời cũng thấy rằng khi thực hiện phân hóa trong GD THPT, dù theo cách thức nào cũng cần phải tính đến ngay từ đầu vấn đề thi tốt nghiệp THPT và thi tuyển sinh đại học. Cũng chính vì nguyện vọng của HS mong muốn được dự
thi đại học mà ban thứ năm đã thực sự không hấp dẫn đối với họ. Ngoài ra việc tổ
chức 5 ban tại mỗi trường đã gây ra nhiều khó khăn trong việc phân chia HS vào các ban, việc bố trí lớp học, phân bổ GV dạy các lớp, việc quản lí hoạt động dạy và học trong nhà trường.
1.2.2. Thí điểm lần thứ hai (1993- 2000)
Năm 1992, theo quyết định của Bộ Giáo dục, Viện Khoa học giáo dục đã tiến hành nghiên cứu và trình Ban Chỉ đạo và Hội đồng giáo dục Trung học của Bộ 4 phương án thí điểm THPT phân ban (còn gọi là chuyên ban). Sau khi xem xét, phương án phân ban được lựa chọn để thí điểm là: Phân ban từ lớp 10 (phân ban sớm) và càng lên các lớp trên thì mức độ phân hóa giữa các ban càng tăng (phân ban đậm dần); chỉ gồm 3 ban (phân ban rộng, ít ban) là: ban Khoa học tự nhiên (ban A), ban Khoa học tự nhiên – Kĩ thuật (ban B, lúc đầu gọi là ban Kĩ thuật) và ban Khoa học xã hội (ban C) và thực hiện phân hóa sâu hơn bằng các giáo trình tự chọn (điều này sau đó đã không thực hiện được).
Việc thí điểm lần này được thực hiện từ năm học 1993-1994 tại 14 trường của 7 tỉnh, kéo dài 7 năm, trong đó đã có 3 lần điều chỉnh. Điều chỉnh lớn nhất là chuyển ban Kĩ thuật thành ban Khoa học tự nhiên - kĩ thuật vì HS của ban này có nguyện vọng được trang bịđầy đủ kiến thức cho việc dự thi vào đại học. Từ sau Nghị quyết 02-NQ/HNTW khoá VIII về Giáo dục- Đào tạo, quy mô thí điểm đã ngừng mở rộng và việc thí điểm chỉ tiếp tục đến tháng 6 năm 2000.
Như vậy lần thí điểm này cũng đã không đưa tới việc triển khai đại trà mô hình phân ban trên toàn quốc. Từ đó những bài học sau đây được rút ra:
- Việc xây dựng và lựa chọn phương án phân hóa GD THPT cần tính đến yêu cầu về phân luồng và các giải pháp cho đầu ra THPT, đặc biệt là nhu cầu và nguyện vọng dự thi vào đại học của HS.
- Những khó khăn trong việc triển khai ban B (ban Khoa học tự nhiên - kĩ
thuật) cho thấy cần tính tới đầy đủ các điều kiện khả thi đối với phương án phân hóa GD THPT như: cơ sở vật chất dành cho THPT, cơ cấu đội ngũ GV, điều kiện dạy học ở những vùng khó khăn, quy chế nhà trường và đánh giá, thi cử, tâm lí xã hội và biện pháp khắc phục những biểu hiện không phù hợp.
- Phương án phân hóa GD THPT cần đảm bảo cân đối các mục tiêu dân trí - nhân lực - nhân tài, các nhiệm vụ dạy chữ - dạy người - dạy nghề, các tính chất phổ
thông - toàn diện - hướng nghiệp - phân hoá.
- Cần thực hiện tốt công tác thông tin, tuyên truyền, vận động để xã hội hiểu và
đồng thuận với mục tiêu và cách thức phân hóa GD THPT.
1.2.3. Thí điểm lần thứ ba (2003 – 2006)
Thực hiện chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ về điều chỉnh chủ trương phân ban, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã tiến hành nghiên cứu xây dựng lại phương án phân ban THPT trên cơ sở của những bài học kinh nghiệm từ các lần thí điểm trước. Sau đó Thủ tướng Chính phủ đã đồng ý cho phép triển khai thí điểm mô hình trường THPT phân ban, trong đó yêu cầu phải bảo đảm cơ cấu đào tạo nguồn nhân lực cho đất nước và mục tiêu GD toàn diện, phải trên cơ sở một chuẩn về kiến thức phổ thông ; Trước mắt nên phân thành hai ban là: ban KHTN và ban KHXH-NV ; Trong quá trình thực hiện sẽ được điều chỉnh; Chênh lệch về kiến thức tương ứng của các môn học có phân hoá giữa 2 ban không quá 20% và tổ chức phân ban từ lớp 10.
Theo đó, mô hình THPT phân ban kết hợp với dạy học tự chọn được tiến hành thí điểm lần này gồm 2 ban và được xây dựng trên cơ sở một CT chuẩn đối với tất cả các môn học của THPT. Riêng CT các môn Toán, Vật lí, Hoá học, Sinh học đối với ban KHTN; môn Văn- Tiếng Việt, Lịch sử, Địa lí đối với ban KHXH&NV được nâng lên khoảng 20% (cả thời lượng và mức độ kiến thức) so với CT chuẩn. Ngoài ra còn có CT cho các môn học tự chọn và các chủ đề tự chọn.
Việc thí điểm lần này được bắt đầu thực hiện từ năm học 2003-2004. Trong năm
đầu triển khai thí điểm, Quốc hội đã yêu cầu “nghiên cứu điều chỉnh phương án phân ban THPT”. Bộ Giáo dục và Đào tạo đã tổ chức nghiên cứu, đưa ra phương án
điều chỉnh và được Thủ tướng Chính phủ chấp nhận, theo đó HS cả nước được học một CT chuẩn thống nhất, đồng thời từng bước phát triển việc dạy và học các môn nâng cao theo các ban KHTN (với các môn nâng cao là Toán, Vật lý, Hoá học, Sinh học), ban KHXH&NV (với các môn nâng cao là Ngữ văn, Lịch sử, Địa lí, Ngoại ngữ) hoặc ban Cơ bản (tự chọn một số môn nâng cao hoặc một số chủ đề) nhằm phân hoá, hướng nghiệp và nâng dần trình độ chung của GD phổ thông.
Bộ Giáo dục và Đào tạo đã tổ chức hoàn chỉnh kế hoạch dạy học, CT, SGK và các điều kiện khác để triển khai đại trà trong toàn quốc mô hình trường THPT phân ban kết hợp với dạy học tự chọn trong năm học 2006- 2007.
Sau năm học đầu tiên (2006-2007) thực hiện đại trà trên toàn quốc mô hình phân hóa GD THPT trên đây, các báo cáo tại “Hội nghị sơ kết một năm thực hiện đổi mới GD THPT” của Bộ Giáo dục và Đào tạo vào tháng 6 năm 2007 cho thấy (x. 1 và xem tài liệu tham khảo 5):
- Một bộ phận lớn HS thực sự có nhu cầu phân hóa và mô hình trường THPT gồm ba ban nêu trên đây là tương đối phù hợp với nguyện vọng, năng lực của HS.
Đa số các hiệu trưởng, GV, HS và phụ huynh đều chấp nhận mô hình phân ban này
đối với trường THPT.
- GV có thể thực hiện các nhiệm vụ và đáp ứng các yêu cầu của CT và SGK mới, HS có khả năng đạt được chuẩn kiến thức và kĩ năng được quy định trong chương trình của hầu hết các môn học.
- Các trường THPT có khả năng tổ chức việc dạy học tự chọn rất đa dạng, phong phú, sáng tạo và linh hoạt theo nhiều hướng khác nhau mà vẫn đáp ứng các yêu cầu
mà chương trình quy định đối với việc dạy học tự chọn của mỗi ban. Điều này được thể hiện đặc biệt đối với việc tổ chức Ban Cơ bản, khi mà số HS đăng kí theo học ban này chiếm tới 73,6% tổng số HS vào lớp 10 của các trường THPT trong năm học 2006-2007 (xem tài liệu tham khảo đã dẫn). Trên cơ sở mặt bằng chương trình chuẩn, các HS theo học Ban Cơ bản được phân hóa theo nhiều hướng linh hoạt khác nhau, thông qua việc tự chọn các môn học nâng cao hoặc tự chọn các chủ đề. Điều này cho thấy mô hình phân hóa trong GD THPT càng mềm dẻo, linh hoạt thì càng
đáp ứng được nguyện vọng và năng lực đa dạng của số đông HS.
- Việc thực hiện dạy học tự chọn trong năm đầu triển khai đại trà mô hình phân hóa trên đây trong GD THPT cũng cho thấy những khó khăn đáng kể, cần được xem xét, rút kinh nghiệm. Báo cáo trong Hội nghị sơ kết này cũng đặt ra một vấn đề
cho giai đoạn sau là cần nghiên cứu xây dựng mô hình phân hóa mới, triệt để, với một CTGD tạo ra nhiều cơ hội lựa chọn cho HS THPT (x.2).