Trong nền kinh tế thị trường, việc mua bán chịu là một việc không thể thiếu. Tín dụng thương mại có thể làm cho doanh nghiệp đứng vững trên thị trường và trở nên giàu có nhưng cũng có thể đem đến những rủi ro cho hoạt động kinh doanh.
Trong năm 2020, kinh tế chưa có nhiều dấu hiệu khởi sắc, tình hình tài chính của các doanh nghiệp còn rất nhiều khó khăn. Do vậy, trong chính sách bán hàng vẫn cần đặc biệt ưu tiên vấn đề an toàn tài chính, kiểm soát tình hình công nợ, thu hồi công nợ, tuyệt đối không để phát sinh thêm công nợ khó đòi. Qua kết quả phân tích ở chương 2 cho thấy, Công ty Cổ phần Nhiệt Lạnh PDF có các khoản phải thu chiếm một tỷ lệ đáng kể trong cơ cấu tài sản của công ty. Ngoài ra các khoản trả trước cho người bán hay phải thu về cho vay dài hạn cũng có giá trị khá lớn. Việc tăng các khoản nợ phải thu sẽ kéo theo các chi phí quản lý nợ, chi phí thu hồi nợ… Chính vì vậy, việc nhanh chóng thu hồi các khoản nợ phải thu để bảo toàn vốn và hạn chế các chi phí phát sinh là một công việc hết sức quan trọng. Để quản lý tốt các khoản này, công ty có thể áp dụng một số biện pháp sau:
- Mở sổ theo dõi chi tiết các khoản nợ phải thu và tình hình thu hồi nợ của từng khách hàng (phân định rõ đối tượng phải thu là nội bộ hay là các đối tượng bên ngoài để có biện pháp quản lý riêng). Định kỳ thực hiện đối chiếu và xác nhận các khoản nợ với các đối tượng nợ, thường xuyên phân loại các khoản nợ theo tiêu chí: nợ luân chuyển, nợ khó đòi, nợ không có khả năng thu hồi, hoặc phân loại nợ theo tuổi nợ.
- Dựa trên cơ sở các nhóm nợ đã được phân loại, công ty kịp thời đôn đốc thu hồi nợ phải thu nhanh chóng nhằm đáp ứng lượng vốn kịp thời đưa vào kinh doanh, hạn chế việc bị chiếm dụng vốn quá lâu; tránh tình trạng nợ phải thu quá hạn dẫn đến phải thu khó đòi, gây thiệt hại, tổn thất cho công ty.
- Đối với khách hàng thường xuyên ký kết hợp đồng và luôn thực hiện đúng các điều khoản của hợp đồng, công ty có thể linh động thực hiện chính sách bán chịu để tăng doanh thu, củng cố mối quan hệ làm ăn lâu dài. Tuy nhiên, trước khi thực hiện cấp tín dụng thương mại cho khách hàng, cần thẩm định rõ khách hàng, đặc biệt về khả năng tài chính, đảm bảo khách hàng có đủ khả năng tài chính để hoàn trả các khoản nợ khi đến hạn.
- Với khách hàng mới: cần đàm phán một định mức nợ hợp lý, thực hiện một số điều khoản về bảo lãnh hoặc trả tiền ngay, .. Hiện nay, đặc biệt các khách hàng mặt hàng phụ xăng, dầu vẫn thường sử dụng nhiều nhà cung cấp dẫn đến tình trạng ép giá, đòi tăng hạn mức nợ. Điều này đòi hỏi doanh nghiệp phải xem xét đánh giá kĩ lưỡng tình hình tài chính, hoạt động kinh doanh của khách hàng, đặt an toàn tài chính của doanh nghiệp lên hàng đầu để linh hoạt trong chính sách bán hàng với khách hàng.
- Đi liền với xây dựng chính sách bán chịu phù hợp, công ty cần thường xuyên kiểm soát nắm vững tình hình nợ phải thu và tình hình thu hồi nợ, theo dõi nhắc nhở, đôn đốc khách hàng thanh toán nợ khi đến hạn. Đối với các hợp đồng mua bán lớn có áp dụng bán chịu, công ty nên tính đến việc bán nợ phải thu cho công ty mua bán nợ để thu hồi vốn kịp thời, đáp ứng nhu cầu hoạt động kinh doanh cũng như tối thiểu hóa rủi ro cho công ty.
- Thực hiện chính sách chiết khấu hợp lý đối với những hợp đồng có giá trị lớn, các khách hàng thường xuyên, đưa ra các chính sách bán hàng có chiết khấu thanh toán phù hợp. Việc đưa ra ưu đãi cho khách hàng sẽ kích thích khách hàng thanh toán sớm, giảm bớt thời gian bị chiếm dụng vốn, tăng nhanh vòng quay của VLĐ cũng như tổng vốn.
3.2.4.Tăng cường quản lí công nợ và nâng cao khả năng thanh toán.
Trong quá trình hoạt động sản xuất kinh doanh công ty luôn phát sinh các khoản phải thu và các khoản phải trả. Quản lí tốt các khoản phải thu giúp
doanh nghiệp giảm bớt áp lực huy động vốn cho sản xuất kinh doanh, vốn của doanh nghiệp ít bị đối tượng khác chiếm dụng và không bị ứ đọng, từ đó tăng tốc độ luân chuyển vốn tăng hiệu quả kinh doanh. Việc theo dõi chặt chẽ, quản lí tốt các khoản phải trả giúp doanh nghiệp vừa tăng được nguồn vốn chiếm dụng phục vụ kinh doanh lại vừa thực hiện thanh toán đúng hạn cho bạn hàng, từ đó nâng cao uy tín của doanh nghiệp trên thương trường.
Hệ số khả năng thanh toán thể hiện khả năng thanh toán nợ của doanh nghiệp, là nhóm chỉ tiêu mà các chủ nợ rất quan tâm. Hệ số khả năng thanh toán cao sẽ cho thấy doanh nghiệp luôn sẵn sàng thanh toán các khoản nợ, giảm thiểu rủi rủi ro vỡ nợ, giúp các chủ nợ yên tâm khi cho doanh nghiệp vay vốn.
Qua nghiên cứu và phân tích tình hình tài chính Công ty Cổ phần Nhiệt Lạnh PDF ở chương 2, ta thấy hầu hết các hệ số phản ánh khả năng thanh toán của doanh nghiệp đang ở mức nhỏ và có xu hướng tăng lên nhưng tăng rất chậm trong năm vừa qua. Ta thấy có 2 vấn đề cần phải giải quyết trong thời gian tới đó là:
Thứ nhất, là doanh nghiệp đang bị chiếm dụng vốn nhiều hơn là đi chiếm dụng vốn.
Thứ hai, là hệ số khả năng thanh toán còn rất thấp.
Để cải tiếp tục nâng cao khả năng thanh toán, công ty có thể thực hiện các biện pháp:
1)Về việc ký kết hợp đồng với khách hàng công ty cần đưa ra thảo luận và thống nhất các điều khoản về thanh toán với khách hàng nhưng quy định rõ thời gian trả tiền, phương thức thanh toán, ngân hàng nhận thanh toán. Đặc biệt phải có các điều khoản cam kết khi không thực hiện đúng nghĩa vụ thanh toán. Bên nào vi phạm hợp đồng thì bên đó hoàn toàn chịu trách nhiệm bồi
thường và trách nhiệm phạt vi phạm hợp đồng kinh tế. Song các điều khoản này phải phù hợp với chính sách, chế độ hiện hành.
2) Thường xuyên đối chiếu công nợ, tiếp tục đẩy mạnh công tác thu hồi các khoản phải thu đến hạn, đôn đốc khách hàng trả tiền đúng hạn. Có các biện pháp khuyến khích khách hàng thanh toán trước hạn và đúng hạn. Để thu hút khách hàng doanh nghiệp nên có các khoản chiết khấu theo tỷ lệ thích hợp (chiết khấu thanh toán). Vấn đề này đặt ra với ban quản trị phải nghiên cứu sao cho với tỷ lệ chiết khấu như vậy công ty sẽ nhanh chóng thu được tiền hàng mà không cần phải đi vay vốn để đáp ứng nhu cầu sản xuất trong khi chờ đợi khách hàng thanh toán nốt các khoản tồn đọng. Việc xác định tỷ lệ chiết khấu thanh toán cũng đòi hỏi tính hợp lý và cần được đặt trong mối quan hệ với lãi suất ngân hàng bởi lẽ khi cho khách hàng chậm trả thì trong thời gian đó vốn của công ty bị chiếm dụng mà công ty vẫn có thể phải đi vay ngân hàng để đáp ứng nhu cầu sản xuất kinh doanh, khi đó tỷ lệ chiết khấu phải nhỏ hơn hoặc bằng lãi suất ngân hàng.
3) Với những khách hàng thường xuyên ký kết các hợp đồng lớn và có uy tín trong thanh toán với công ty thì nên có chính sách bán chịu đúng đắn để củng cố mối quan hệ làm ăn kinh tế lâu dài. Nhưng trước khi đưa ra chính sách bán chịu, công ty phải thận trọng kiểm tra số dư tài khoản, uy tín của đối tác doanh nghiệp khác, hoặc ràng buộc khách hàng bằng những khoản ký quỹ, ký cược. Ngoài ra công ty phải thường xuyên theo dõi, quản lý việc thu hồi nợ, đối với các khoản nợ quá hạn cần tìm hiểu nguyên nhân để có biện pháp xử lý như gia hạn nợ, giảm nợ và trích lập dự phòng khoản phải thu khó đòi.
4) Tiến hành phân loại nợ, đồng thời có các biện pháp đôn đốc, theo dõi đối với các khoản nợ khó đòi. Trong năm 2013, các khoản lập dự phòng phải thu khó đòi đều không có. Vì vậy công ty cần đặc biệt quan tâm đến công tác lập dự phòng các khoản phải thu khó đòi để khi phát sinh các khoản phải thu
khó đòi thì tình hình tài chính của công ty sẽ không bị ảnh hưởng. Công tác thu hồi nợ nên được tiến hành đều đặn, không nên dồn dập vào cuối năm làm cho vốn bị chiếm dụng lâu gây lãng phí.
Cùng với việc tăng cường công tác thu hồi nợ, doanh nghiệp cũng cần phải quan tâm, thanh toán các khoản nợ đến hạn, giảm gánh năng nợ nần, tăng uy tín hạn chế rủi ro tài chính.