Tổng quan về Việt Nam và Lào

Một phần của tài liệu KY YEU HOI THAO KY NIEM 60 NAM DIEN BIEN PHU (Trang 42 - 43)

Việt Nam và Lào đều nằm ở vùng Đông Nam Á. Dãy Trường Sơn có thể ví như cột sống của hai nước, tạo thành biên giới tự nhiên trên đất liền giữa Việt Nam và Lào. Việt Nam và Lào - hai nước láng giềng núi liền núi, sông liền sông, có chung đường biên giới từ Bắc xuống Nam dài 2.069 km (chiếm 2/3 chiều dọc đất nước Việt Nam và toàn bộ chiều dọc đất nước Lào). Về đường biển, Lào chỉ có thể thông thương qua một số tỉnh miền Trung Việt Nam. Bờ biển Việt Nam tương đối dài, nên việc bố trí chiến lược gặp không ít khó khăn, trong khi đó, dãy Trường Sơn, biên giới tự nhiên giữa Việt Nam và Lào được ví như bức tường thành hiểm yếu để hai nước tựa lưng vào nhau, phối hợp giúp đỡ lẫn nhau tạo ra thế chiến lược khống chế những địa bàn then chốt về kinh tế và quốc phòng; nó trở thành điểm tựa vững chắc cho hai nước Việt – Lào trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ đất nước.

Về các nhân tố dân cư, xã hội, Việt Nam và Lào đều là những quốc gia đa dân tộc, đa ngôn ngữ. Chính quá trình sinh sống xen kẽ của những cư dân Việt - Lào trên địa bàn biên giới của hai nước đã dẫn đến việc cùng khai thác và chia sẻ nguồn lợi tự nhiên. Điều này khẳng định các quan hệ cội nguồn và quan hệ tiếp xúc chính là những điều kiện lịch sử và xã hội đầu tiên, tạo ra những mối dây liên hệ và sự giao thoa văn hoá giữa cư dân hai nước.

Về nhân tố văn hoá và lịch sử, do quan hệ gần gũi và lâu đời, nên nhân dân hai nước Việt - Lào, đặc biệt là người dân ở vùng biên giới rất am hiểu về nhau. Sự hài hoà giữa tình cảm nhân ái và tinh thần cộng đồng là một nét đặc sắc của triết lý nhân sinh giữa người Việt Nam và người Lào.

Trước thế kỷ XX, cả hai dân tộc Việt - Lào đều trải qua hàng nghìn năm không ngừng chiến đấu giành và bảo vệ độc lập dân tộc để khẳng định sự tồn tại của mình với tư cách một quốc gia độc lập. Từ đầu thế kỷ XX, không cam chịu ách nô lệ, nhân dân hai nước Việt Nam - Lào đã đoàn kết, cùng nhau đấu tranh chống thực dân Pháp, mặc dù chỉ dừng lại ở tính chất tự phát. Từ khi được chủ nghĩa Mác-Lênin và tư tưởng Hồ Chí Minh soi đường, đặc biệt khi Đảng Cộng sản Đông Dương ra đời do Chủ tịch Hồ Chí Minh sáng lập, lãnh đạo, tình đoàn kết đó đã được phát triển mạnh mẽ và liên tục.

Trong những năm 1930-1939, các cuộc đấu tranh của nhân dân Việt Nam và Lào đã hỗ trợ lẫn nhau, góp phần thúc đẩy sự phát triển phong trào cách mạng mỗi nước; tiếp đến là giúp nhau tiến hành cuộc vận động khởi nghĩa vũ trang giành chính quyền thắng lợi trong những năm 1939-1945.

Một phần của tài liệu KY YEU HOI THAO KY NIEM 60 NAM DIEN BIEN PHU (Trang 42 - 43)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(111 trang)