Phần 2 Cơ sở lý luận và thực tiễn
2.1. Cơ sở lý luận
2.1.5. Các yếu tố ảnh hưởng tới phát triển sản xuất cây thảo quả
2.1.5.1. Điều kiện tự nhiên
Đất đai: là yếu tố sản xuất không thể thiếu được của mọi nghành sản xuất, đặc biệt là nghành trồng trọt, trong đó có cây thảo quả. Số lượng, chất lượng, vị trí của đất đai có ảnh hưởng đặc biệt đến sự phát triển sản xuất cây thảo quả. là yếu tố sản xuất không chỉ có ý nghĩa quan trọng với ngành nông nghiệp, mà còn rất quan trọng với sản xuất công nghiệp. Đất đai là yếu tố cố định lại bị giới hạn về quy mô, do đó phải đầu tư thêm vốn và lao động trên một đơn vị diện tích nhằm nâng cao hiệu quả sử dụng đất đai. Các loại tài nguyên khác trong lòng đất như khoáng sản, tài nguyên rừng, biển và tài nguyên thiên nhiên đều là những đầu vào quan trọng trong quá trình phát triển sản xuất (Trần Văn Đức & Lương Xuân Chính, 2006).
Khí hậu: là môi trường sống của các loài cây trồng nói chung và cây thảo quả nói riêng. Vì vậy, nếu khí hậu thời tiết thuận lợi cây trồng phát triển tốt và ngược lại, nếu thời tiết không thuận lợi thì cây trồng không phát triển được hoặc kém phát triển (Thái Văn Trừng, 1970).
Địa hình: Do cây thảo quả được trồng ở đồi núi cao sẽ cho năng suất và chất lượng quả tốt hơn trồng ở vùng đồi núi thấp. Tuy nhiên địa hình núi cao, nhiều sông suối, vực sâu hiểm trở sẽ ảnh hưởng nhất định tới sản xuất, phát triển giao thông và vận chuyển sản phẩm (Thái Văn Trừng, 1970).
Thời tiết khí hậu cùng với địa hình, đất đai, các yếu tố về nhiệt độ, ẩm độ trong không khí, lượng mưa, thời lượng chiếu sáng và sự thay đổi mùa đều ảnh hưởng trực tiếp đến sinh trưởng, phát triển của cây thảo quả và ảnh hưởng đến năng suất, chất lượng cây thảo quả (Thái Văn Trừng, 1970).
- Chính sách đất đai: Chính sách đất đai phù hợp, ổn định, bền vững sẽ giúp các nông hộ tập trung đất cho trồng cây thảo quả, yên tâm sản xuất, đầu tư cho cải tạo đất rừng, xây dựng cơ sở vật chất góp phần thúc đẩy quá trình cơ giới hóa trong sản xuất, hình thành vùng sản xuất cây thảo quả tập trung, quy mô lớn.
Các chính sách về giao rừng và đất rừng cho hộ gia đình, cá nhân, tổ chức gồm: Luật đất đai sửa đổi năm 1993; Luật Bảo vệ và phát triển rừng năm 2004; Nghị định 02/CP ngày 15/1/1994 qui định về giao đất lâm nghiệp; Nghị định 163/1999/NĐ-CP ngày 16/11/1999 về giao đất, cho thuê đất lâm nghiệp cho tổ chức, hộ gia đình và cá nhân sử dụng ổn định, lâu dài vào mục đích lâm nghiệp (Nguyễn Văn Song, 2015).
Nội dung quan trọng liên quan của các văn bản trên là: Hộ gia đình, cá nhân tổ chức được giao sử dụng ổn định lâu dài các loại đất có rừng trồng và đất chưa có rừng đã được quy hoạch để trồng cây gây rừng, khoanh nuôi bảo vệ thảm thực vật; Người sử dụng đất, chủ rừng có quyền chuyển đổi, chuyển nhượng quyền sử dụng rừng và đất rừng; các Tổ chức Nhà nước được giao đất thực hiện giao khoán đất lâm nghiệp cho các tổ chức, hộ gia đình, cá nhân (thời hạn giao đất với rừng phòng hộ và rừng đặc dụng là 50 năm, rừng sản xuất tuỳ theo chu kỳ kinh doanh). Đối với các khu vực rừng đặc dụng cần bảo vệ nghiêm ngặt, nhà nước qui định chỉ giao khoán bảo vệ rừng cho các hộ gia đình sống trong các trong khu vực xen kẽ chưa hoặc không thể di chuyển đi nơi khác (Đào Thị Mỹ Dung, 2012).
- Chính sách tín dụng
Nhà nước cũng cần có các chính sách như tạo môi trường kinh doanh lành mạnh; hỗ trợ cho vay vốn vì vốn ảnh hưởng lớn đến khả năng phát triển sản xuất của nông hộ. Vốn sản xuất là điều kiện cần có để hộ trồng cây thảo quả đầu tư mua sắm trang thiết bị, công cụ dụng cụ và vật tư cho sản xuất. Hộ có mức vốn tự có cao sẽ chủ động trong sản xuất kinh doanh mà không phải vay vốn, sẽ tiết kiệm được chi phí sản xuất (Đào Thị Mỹ Dung, 2012).
- Khuyến nông
Chính sách khuyến nông là sử dụng khoa học kỹ thuật, dịch vụ nông nghiệp nhằm phát triển thị trường, công tác khuyến nông, phát triển các mối liên kết trong sản xuất là hết sức cần thiết để giúp đỡ hộ và doanh nghiệp tham gia quá trình phát triển sản xuất cây thảo quả (Đào Thị Mỹ Dung, 2012).
- Đầu tư hạ tầng
Thực tế hiện nay, diện tích trồng cây thảo quả dưới các tán rừng, nên hạ tầng hầu như chưa phát triển, tất cả đều dựa vào sức người mang vác. Vì vậy, nhà nước cần có chính sách để đầu tư cơ sở hạ tầng, làm đường giao thông để việc đi lại, vận chuyển sản phẩm cây thảo quả thuận lợi hơn, giảm giá thành của sản phẩm, có khả năng cạnh tranh cao hơn (Đào Thị Mỹ Dung, 2012).
Trong phát triển sản xuất nói chung việc đầu tư phát triển hệ thống cơ sở hạ tầng có vị trí và vai trò vô cùng quan trọng trong quá trình phát triển sản xuất ở hiện tại và lâu dài. Cơ sở hạ tầng phát triển sẽ kích thích đầu tư, gia tăng sản xuất để nâng cao sản lượng. Cơ sở hạ tầng thuận lợi giúp quá trình vận chuyển hàng hóa diễn ra một cách nhanh chóng và tiện lợi, giảm thiểu được nhiều chi phí trong sản xuất từ đó hiệu quả sản xuất được nâng cao (Trung tâm nghiên cứu Lâm đặc sản, 2009).
2.1.5.3. Nguồn lực sản xuất và trình độ của chủ hộ
a. Trình độ, kinh nghiệm của chủ hộ
Trình độ văn hóa và số năm kinh nghiệm của chủ hộ có ảnh hưởng lớn đến hiệu quả sản xuất cây thảo quả của hộ. Chủ hộ có tuổi càng cao thường có nhiều kinh nghiệm trong cuộc sống và tổ chức sản xuất, tuy nhiên tuổi chủ hộ quá cao cũng thể hiện sự hạn chế về thể lực, sự năng động và nhạy bén trong việc tham gia trực tiếp và ra các quyết định trong sản xuất. Trình độ văn hóa của chủ hộ cũng có ảnh hưởng quyết định hiệu quả kinh tế phát triển sản xuất. Chủ hộ có trình độ văn hóa cao sẽ có điều kiện tiếp thu và ứng dụng các tiến bộ khoa học tiên tiến vào sản xuất kinh doanh, ra các quyết định kinh tế quan trọng, kịp thời và có hiệu quả. Trong nền kinh tế thị trường, chủ nông hộ cũng cần có nhận thức và sự am hiểu về phát triển sản xuất, cần có sự phân tích và dự báo về thị trường, giá cả, cung cầu, nhu cầu và thị hiếu của người tiêu dùng để sản xuất ra những nông sản hàng hóa đáp ứng nhu cầu của thị trường (Đặng Nguyên Anh, 2010).
b. Lao động
Lao động của các nông hộ có đông về số lượng nhưng về cơ bản vẫn là lao động thủ công, đa phần là người dân tộc, nhiều người năng suất lao động thấp, trình độ văn hoá, khoa học kỹ thuật và kiến thức kinh doanh theo cơ chế thị trường còn hạn chế. Để phát triển sản xuất cây thảo quả để đáp ướng yêu cầu trước mắt và lâu dài là phải bồi dưỡng một đội ngũ lao động có chất lượng hiệu
quả cao, tiếp thu và áp dụng khoa học kỹ thuật phù hợp với tình hình mới từng địa phương (Nguyễn Văn Song, 2015).
Các điều kiện sản xuất của hộ như đất đai, lao động, vốn sản xuất là các yếu tố ảnh hưởng lớn đến khả năng phát triển sản xuất của nông hộ (Nguyễn Văn Song, 2015). Lao động là yếu tố đầu vào quan trọng trong quá trình sản xuất nông sản. Trong bối cảnh đang có sự dịch chuyển lao động từ nông thôn ra thành thị, từ nông nghiệp sang các ngành kinh tế khác, thì việc giữ lại những lao động có sức khỏe, có kinh nghiệm, có trình độ và sự am hiểu phục vụ trong lĩnh vực sản xuất nông sản đang là mối quan tâm (Mai Quốc Chánh, 2015). Hiện nay, phần lớn lao động nông nghiệp mang tính phổ thông, ít được đào tạo, sản xuất chủ yếu phụ thuộc vào kinh nghiệm và sức khỏe, tổ chức lao động đơn giản, công cụ lao động cũng thô sơ mang tính tự chế cao. Lực lượng chuyên sâu, lành nghề, lao động chất xám không đáng kể, phân bố lao động không đồng đều, vì vậy mà hiệu suất lao động thấp, khó khăn trong việc tiếp thu công nghiệp hiện đại vào sản xuất (Đặng Nguyên Anh, 2010). Vốn sản xuất là điều kiện cần có để hộ trồng cây thảo quả đầu tư mua sắm trang thiết bị, công cụ dụng cụ và vật tư cho sản xuất. Hộ có mức vốn tự có cao sẽ chủ động trong sản xuất kinh doanh mà không phải vay vốn, sẽ tiết kiệm được chi phí sản xuất. Quy mô diện tích đất trồng cây thảo quả là điều kiện ảnh hưởng quyết định đến khả năng phát triển sản xuất của hộ (Lê Hoàng Ngọc & Nguyễn Thị Dương Nga, 2016). Ngoài ra, các điều kiện khác như kinh nghiệm, trình độ, thu nhập của hộ là các yếu tố ảnh hưởng lớn đến khả năng phát triển sản xuất của hộ trồng cây thảo quả.
2.1.5.4. Thị trường
a. Thị trường yếu tố đầu vào
- Nguồn hạt giống: Người dân thường chọn từ những gốc sinh trưởng phát triển tốt không bị sâu bệnh, ra hoa quả nhiều, chất lượng quả tốt từ các vườn thảo quả sẵn có của hộ gia đình, hoặc mua của các hộ trong bản. Chất lượng nguồn giống có ảnh hưởng tới năng suất, chất lượng cây thảo quả (Nguyễn Sơn, 2018).
- Phân bón: Đối với phân bón cho cây thảo quả cũng khá đơn giản. Lượng phân bón cho cây thảo quả thường kết hợp chăm sóc lần cuối trong năm sau khi thu hoạch quả bón thúc cho mỗi gốc 1- 2 kg phân chuồng hoai, tro bếp, trộn với 2% phân NPK. Vì vậy, thị trường về phân bón cung cấp đủ nhu cầu sử dụng cho các hộ, nhưng các hộ dân thường gặp khó khăn về nguồn vốn để mua phân bón,
bón cho cây thảo quả (Nguyễn Sơn, 2018).
b. Thị trường đầu ra
Nhà nước đã có các chính sách liên quan về lưu thông và tiêu thụ sản phẩm thảo quả được qui định tại:
- Thông tư số 896/BNN ngày 20/3/2000 hướng dẫn việc thực hiện Quyết định số 19/TTg ngày 3/2/2000 về việc bãi bỏ các loại giấy phép trái với quy định của luật doanh nghiệp;
- Thông tư số 91/2000/TT-BTC ngày 6/9/2000 do Bộ Tài chính ban hành về việc hướng dẫn thực hiện Nghị quyết số 09/NQ-CP ngày 15/6/2000 của Chính phủ về miễn giảm thuế giá trị gia tăng và thế thu nhập doanh nghiệp trên khâu lưu thông để khuyến khích tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp;
- Quyết định số 59/2005/QĐ-BNN ngày 10/10/2005 của Bộ NN&PTNT về việc ban hành quy định kiểm tra, kiểm soát lâm sản;
- Quyết định 65/TTg ngày 24/3/1998 và Nghị quyết số 09/NQ-CP ngày 15/6/2000 về một số chính sách và biện pháp khuyến khích tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp.
Theo như chính sách, sản phẩm thảo quả được tự do lưu thông trên thị trường. Khi khai thác và tiêu thụ, chủ hàng chỉ cần giấy xác nhận nguồn gốc cho lô hàng do cơ quan kiểm lâm địa bàn gần nhất hoặc UBND xã cấp. Các doanh nghiệp có thể được miễn thuế giá trị gia tăng và thuế thu nhập doanh nghiệp trên khâu lưu thông sản phẩm. Các tổ chức, cá nhân, hộ gia đình hành nghề chế biến thảo quả không cần xin chứng nhận được phép chế biến lâm sản ngoài gỗ (Nguyễn Sơn, 2018).
Những năm qua, cây thảo quả đã góp phần nâng cao thu nhập, cải thiện đời sống cho người dân các xã vùng cao. Tuy nhiên, một thực tế là đầu ra của cây thảo quả luôn phụ thuộc vào thị trường Trung Quốc. Có những năm được mùa, được giá, cây thảo quả mang lại nguồn thu hàng chục tỷ đồng cho người dân. Thế nhưng vài năm gần đây, cây thảo quả không chỉ mất mùa mà còn mất giá khiến người trồng thảo quả ở địa phương gặp nhiều khó khăn. Phần lớn quả thảo quả khô được thương lái mua của người dân, rồi xuất bán sang Trung Quốc (Phan Văn Thắng & cs, 2011).
Khi nhu cầu của Trung Quốc giảm, chắc chắn giá thảo quả sẽ giảm theo. Hiện giá thảo quả chỉ khoảng 70 nghìn đồng/kg nhưng vẫn không có người mua.
Một nguyên nhân nữa khiến giá thảo quả khô giảm là do chất lượng. Theo đúng thời vụ thì khoảng tháng 11 - 12 mới vào mùa thu hoạch thảo quả, nhưng một số xã đã thu hoạch gần xong. Như vậy, người dân đã thu hoạch thảo quả non, dẫn đến năng suất, chất lượng thảo quả giảm, thương lái ép giá cũng là điều dễ hiểu. Khi chất lượng thảo quả thấp thì giá bán chắc chắn bị thương lái ép xuống. Chúng tôi cũng tuyên truyền, vận động người dân nên thu hoạch thảo quả đúng thời vụ để đảm bảo năng suất, chất lượng nhưng người dân sợ mất trộm nên thu hoạch non (Phan Văn Thắng & cs, 2011).
2.1.5.5. Công nghệ chế biến và sự có mặt của doanh nghiệp trong chế biến, tiêu thụ sản phẩm
Để được một tạ thảo quả khô, người trồng thảo quả phải mất ít nhất 2m3
củi. Năm ngoái, gia đình thu gần 5 tạ thảo quả khô, cả nhà phải đào lò và chặt hàng chục cây gỗ to mới đủ củi sấy khô toàn bộ thảo quả được thu hái từ trên nương về. Nhưng hiện nay, Nhà nước hỗ trợ vật liệu và hướng dẫn kỹ thuật sấy thảo quả theo phương thức mới mà lượng củi chỉ tiêu tốn khoảng 1/4, chất lượng quả sấy vẫn tốt, thời gian cũng giảm một nửa (Vũ Văn Hùng, 2014).
Công nghệ chế biến thảo quả hiện nay chủ yếu sử dụng mô hình lò sấy. Các hộ thực hiện mô hình này được dự án hỗ trợ một phần nguyên vật liệu xây lò và hướng dẫn kỹ thuật sấy thảo quả. Việc ứng dụng rộng rãi mô hình lò sấy thảo quả kiểu mới kết hợp với quy hoạch diện tích đến các khu rừng được trồng thảo quả, đẩy mạnh tuyên truyền nâng cao ý thức bảo vệ và phát triển rừng trong nhân dân sẽ góp phần bảo vệ tài nguyên rừng, bảo vệ môi trường tự nhiên (Vũ Văn Hùng, 2014).
Sản phẩm thảo quả lưu thông trên thị trường khá đơn giản, thảo quả tươi được người dân thu hoạch và sấy tại chỗ hay chuyển về xã, sau đó thảo quả khô được các cơ sở thu gom địa phương thu mua. Phần lớn thảo quả (khoảng 80%) được các cơ sở này bán trực tiếp cho các thương nhân Trung Quốc. Số lượng còn lại (khoảng 20%) được bán cho các công ty xuất khẩu tại Hà Nội và các tỉnh lân cận để xuất đi các thị trường ngoài Trung Quốc và tiêu thụ tại thị trường trong nước. Giá trị gia tăng trong các công đoạn không lớn do không có những công đoạn chế biến sâu. Giá cả thảo quả phụ thuộc hoàn toàn vào thị trường Trung Quốc (Vũ Văn Hùng, 2014).