Phần 4 Kết quả nghiên cứu và thảo luận
4.1. Thực trạng phát triển sản xuất cây thảo quả trên địa bàn huyện Bắc
4.1.2. Phát triển liên kết trong sản xuất và tiêu thụ sản phẩm
Liên kết trong sản xuất và kinh doanh luôn là hướng được khuyến khích phát triển của nền kinh tế. Đặc biệt đối với nền nông nghiệp ở huyện Bắc Yên vẫn còn đang là nền nông nghiệp nhỏ, manh mún, sản xuất theo kiểu truyền thống. Vì vậy, sự hợp tác, liên kết trong ngành càng cần thiết hơn bao giờ hết. liên kết nhằm mục tiêu phân bổ lợi ích và cả rủi ro giữa những người tham gia để các tác nhân tham gia cùng nhau phát triển. Chương trình nông thôn mới, các chương trình xóa đói, giảm nghèo, an sinh xã hội ở nông thôn được lồng ghép triển khai sâu rộng bằng các nguồn lực đã góp phần giảm tỷ lệ hộ nghèo, đổi mới
bộ mặt nông thôn và cải thiện đời sống người nông dân, mà rõ nhất là thu nhập bình quân của người dân nông thôn đã tăng lên.
Để phát triển sản xuất sản lượng cây thảo quả, cần có sự liên kết chặt chẽ giữa các tác nhân trong sản xuất và tiêu thụ thảo quả. Các giải pháp đề xuất cũng cần tác động đến từng tác nhân tham gia và mục tiêu phát triển cũng nhằm nâng cao hiệu quả hoạt động và mang lại lợi ích nhiều hơn cho tất cả các tác nhân tham gia phát triển sản xuất thảo quả theo hướng tập trung.
Bảng 4.4. Phương thức liên kết trong đầu vào
STT Nội dung Cán bộ Người dân
Ý kiến Tỷ lệ (%) Ý kiến Tỷ lệ (%)
1 Rất chặt chẽ 2 25,00 12 13,33
2 Chặt chẽ 6 75,00 73 81,11
3 Ít chặt chẽ 0 0,00 5 5,56
Tổng 8 100 90 100,00
Nguồn: Số liệu điều tra (2020) Từ bảng 4.4 cho thấy, phương thức liên kết trong đầu vào của việc phát triển sản xuất cây thảo quả có 75,00% cán bộ và 81,11% người dân đánh giá phương thức liên kết đầu vào khá chặt chẽ. Thực tế, đối với cây thảo quả, đầu vào của sản xuất chủ yếu là giống và phân bón cho cây, lượng phân bón cũng ít hơn so với các loại cây trồng khác. Vì vậy, việc liên kết đầu vào khá phù hợp với địa phương.
Kết nối cung cầu trong sản xuất và tiêu thụ nông sản là góp phần hình thành các chuỗi giá trị hàng hoá khép kín. Ngoài ra còn giúp các nhà sản xuất chủ động trong sản xuất, kinh doanh, chú trọng hơn đến việc nâng cao chất lượng, sản lượng và thị trường tiêu thụ, giúp giảm chi phí qua các khâu trung gian, hạn chế rủi ro, ổn định giá cả, đầu vào - đầu ra, nâng cao giá trị sản phẩm. Thông qua các hoạt động kết nối cung - cầu nông sản, các hộ sản xuất, HTX, doanh nghiệp trong huyện đã cơ bản ý thức được vấn đề chất lượng sản phẩm. Với yêu cầu của thực tế hiện nay, người sản xuất chuyên nghiệp phải biết nâng cao năng lực, ý thức sản xuất, để có những sản phẩm an toàn, chất lượng, đáp ứng yêu cầu ngày càng cao của thị trường, cùng với đó chú ý đến vấn đề xây dựng thương hiệu sản phẩm, có truy xuất nguồn gốc. Theo đó, các ngành chức năng, địa phương trong huyện đã tập trung phối hợp đẩy mạnh công tác tuyên truyền nhằm thay đổi tư duy, thói quen của người sản xuất trong việc tạo ra các
sản phẩm đảm bảo tiêu chuẩn quy định về ATTP, đáp ứng yêu cầu cả về số lượng và chất lượng đưa ra của các kênh tiêu thụ.
Bảng 4.5. Phương thức liên kết trong đầu ra
STT Nội dung Cán bộ Người dân
Ý kiến Tỷ lệ (%) Ý kiến Tỷ lệ (%)
1 Rất chặt chẽ 1 12,50 17 18,89
2 Chặt chẽ 5 62,50 47 52,22
3 Ít chặt chẽ 2 25,00 26 28,89
Tổng 8 100,00 90 100,00
Nguồn: Số liệu điều tra (2020) Từ bảng 4.5 cho thấy, phương thức liên kết trong đầu ra của việc phát triển sản xuất cây thảo quả có 75,00% cán bộ và 71,11% người dân đánh giá phương thức liên kết đầu vào chặt chẽ và rất chặt chẽ. Tuy nhiên, còn 25,00% ý kiến của cán bộ và 28,89% ý kiến của người dân cho rằng phương thức liên kết trong đầu ra của việc phát triển sản xuất cây thảo quả ít chặt chẽ. Nguyên nhân chính cũng do yếu tố được mùa thảo quả thì mất giá, thảo quả xuất khẩu chủ yếu sang Trung Quốc qua đường tiểu ngạch, nên thường giá thảo quả không được ổn định.
Hộp 4.3. Lợi ích tham gia hợp tác xã
Cách đây 4 năm, tôi đã chuyển đổi hơn 2 ha đất trồng lúa 1 vụ, năng suất thấp sang trồng cây thảo quả. Tuy nhiên, do sản xuất quy mô hộ gia đình, khả năng cạnh tranh không cao, nên tôi đã tham gia là thành viên HTX Dược liệu Háng Đồng. Gia đình tôi đã trồng thảo quả đúng quy trình kỹ thuật, kết hợp mở rộng diện tích trồng cây trúc để lấy măng. Năm 2019, gia đình thu hoạch trên 3 tấn thảo quả; sản lượng măng trúc đạt trên 200 kg, trừ chi phí lãi khoảng gần 100 triệu đồng.
Nguồn: Phỏng vấn sâu ông Thào A Diên, bản Chống Tra, xã Háng Đồng, huyện Bắc Yên (2020) Những năm qua, Hợp tác xã trên địa bàn huyện Bắc Yên đã khai thác tiềm năng, thế mạnh của địa phương, tích cực chuyển đổi cơ cấu cây trồng, nâng cao chất lượng sản phẩm, mở rộng thị trường tiêu thụ sản phẩm, góp phần tăng thu nhập cho các thành viên của hợp tác xã.
HTX tiếp tục đầu tư, mở rộng sản xuất, mở rộng chuỗi liên kết tại các huyện: Mộc Châu, Phù Yên... Phấn đấu có sản phẩm hoàn chỉnh thảo quả tham
gia Chương trình OCOP đạt 3 sao cấp tỉnh. Đây là điều kiện quan trọng để các thành viên HTX yên tâm phát triển sản xuất, nâng cao thu nhập, góp phần cùng địa phương đẩy nhanh công cuộc xóa đói, giảm nghèo bền vững.