Phần 4 Kết quả nghiên cứu và thảo luận
4.4. Một số giải pháp tăng cường quản lý nguồn vốn cho sinh viên vay tại NH
4.4.3. Tăng cường chỉ đạo, kiểm tra, giám sát, thực hiện việc thu hồi nợ cũng
như phòng ngừa rủi ro
Theo nghiên cứu đã chỉ ra những vấn đề hạn chế trong việc thu hồi nợ vay, xử lý rủi ro, biểu hiện cụ thể: Vẫn còn 38,89% số hộ vay vốn cho rằng việc
kiểm tra, giám sát còn ít, số sinh viên nợ quá hạn vẫn còn nhiều trung bình tăng 11,8% và đặc biệt tỷ lệ nợ quá hạn còn ở mức cao trung bình 0,55%. Cần thiết phải:
Tăng cường công tác kiểm tra, giám sát và thực thi việc thu hồi nợ, kiểm soát rủi ro của NH CSXH là một trong những công tác đảm bảo cho việc quản lý vốn đạt mục tiêu đã đề ra, đảm bảo an toàn nguồn vốn cho vay, việc sử dụng vốn vay đúng mục đích. Do đó NH CSXH huyện Gia Lộc cần lưu ý một số vấn đề sau đây:
- NH CSXH cần thực hiện kiểm tra chéo đột xuất giữa các cán bộ tín dụng phụ trách các khoản vay nhằm tránh tình trạng cán bộ tín dụng “quên” khoản vay.
- NH CSXH phải phối hợp với các hội đoàn thể, tổ TK&VV để kiểm tra tình hình sử dụng vốn dưới nhiều hình thức như kiểm tra tại chỗ, kiểm tra định kỳ, kiểm tra chéo, kiểm tra đột xuất, … nhằm có biện pháp xử lý kịp thời những sai sót để uốn nắn, sửa chữa kịp thời.
- Nâng cao chất lượng hoạt động các điểm giao dịch lưu động tại xã, thị trấn, chất lượng hoạt động ủy thác và chất lượng hoạt động của các tổ TK&VV. Đảm bảo 100% giao dịch (giải ngân, thu nợ, thu lãi) được thực hiện tại các điểm giao dịch. Củng cố và duy trì cuộc họp giao ban theo định kỳ với các tổ chức chính trị xã hội. Tại điểm giao dịch phải công khai số dư nợ của từng hộ, đặc biệt là số hộ có nợ quá hạn. Ngoài ra chi nhánh nên thường xuyên phát động các phong trào thi đua: xã, phường, cán bộ tín dụng không có nợ quá hạn.
- Đối với tổ Tiết kiệm và Vay vốn: Cần tuyên truyền và hướng dẫn cụ thể về nghiệp vụ, thủ tục lập hồ sơ vay vốn, cũng như cách quản lý và phương pháp theo dõi trên sổ sách cho các tổ trưởng tổ TK&VV. Tùy từng tình hình thực tế của các xã, thị trấn mà các tổ trưởng tổ TK&VV thực hiện củng cố, sáp nhập, thành lập tổ mới,… Khi hướng dẫn thủ tục vay vốn và tiến hành bình xét phải tuyên truyền nâng cao nhận thức của người vay trong trách nhiệm sử dụng vốn đúng mục đích và hoàn trả vốn vay. Định kỳ kiểm tra đối chiếu, theo dõi việc ghi chép sổ sách của tổ TK&VV. Xử lý dứt điểm và nghiêm minh trước pháp luật các tổ trưởng xâm tiêu, chiếm dụng vốn. Hàng tháng duy trì và nâng cao chất lượng các cuộc Họp giao ban với Hội đoàn thể phường, xã tại điểm giao dịch vào ngày giao dịch đã quy định. Thường xuyên phối hợp với các Hội đoàn thể, tổ TK&VV xem xét xử lý nợ một cách kịp thời khi hộ vay có nhu cầu như: Cho vay lưu vụ, gia hạn nợ, xử lý nợ rủi ro,…. Tăng cường công tác đào tạo, tập huấn
nghiệp vụ đặc biệt đối với cán bộ tín dụng, Tổ trưởng tổ TK&VV nhằm nâng cao trình độ chuyên môn nghiệp vụ.
- Việc xử lý nợ bị rủi ro phải thực hiện theo đúng tinh thần Quyết định 50/2010/QĐ - TTg về việc ban hành Quy chế xử lý nợ bị rủi ro. Các biện pháp xử lý nợ bị rủi ro tại NH CSXH để đảm bảo việc xét duyệt và thực hiện việc gia hạn nợ; khoanh nợ và xoá nợ đảm bảo đúng theo quy định.
- Để tạo điều kiện cho HSSV sử dụng vốn có hiệu quả, NH CSXH cần phải đưa ra cách thức giải ngân linh hoạt, phù hợp với nhu cầu của học sinh sinh viên. Bên cạnh đó, NH CSXH cũng nên tạo điều kiện cho hộ trả nợ bằng cách thức phù hợp, tránh trường hợp cứng nhắc trong quy trình thu nợ, gây khó khăn cho hộ. Việc sử dụng vốn vay không đúng mục đích vay cũng phổ biến, nên hiệu quả vốn vay không đạt được. Về phía NH CSXH không thu hồi được nợ, ảnh hưởng tới hoạt động của mình. Vậy cần phải có biện pháp kiểm soát chặt chẽ quá trình sử dụng vốn của các hộ thông qua các tổ chức đoàn hội, trực tiếp định kỳ tiến hành kiểm tra và có biện pháp xử lý kịp thời.
- Xây dựng chế tài hoặc quy định rõ ràng trong việc xử lý nợ rủi ro do nguyên nhân chủ quan của hộ, phối kết hợp với địa phương, các tổ chức chính trị - xã hội giám sát, xử lý những hộ chây ỳ, nợ đọng.