Phần 4 Kết quả nghiên cứu và thảo luận
4.2. Đánh giá thực trạng quản lý nguồn vốn cho sinh viên vay của NHCSXH
4.2.3. Đánh giá công tác kiểm tra, giám sát vay vốn
Qua bảng 4.14 ta có thể đánh giá được việc tổ chức kiểm tra, giám sát là chưa hiệu quả biểu hiện qua ý kiến tổng hợp của 90 hộ vay vốn điều tra. Kết quả phản ánh phần lớn số hộ cho rằng thủ tục kiểm tra phức tạp (64,44%), tần suất kiểm tra ít (38,89%). Quá trình cho vay vốn thường không được lên kế hoạch một cách cụ thể nên người dân gặp khó khăn trong quá trình triển khai giám sát quá trình thực hiện. Thêm vào đó là việc người dân thường không quan tâm và tham gia vào các cuộc họp đánh giá quá trình cho vay vốn sinh viên, chính vì vậy họ cũng không thể sát sao trong quá trình giám sát. Bên cạnh đó chính quyền địa phương lại thường xuyên tổ chức các buổi tập huấn, tuyên truyền cho nguời dân cũng như cho các tổ trưởng tổ vay vốn về những lợi ích và trách nhiệm của mỗi người trong quá trình thực hiện để người dân cũng như các cán bộ thực thi có thể tự xem xét đánh giá quá trình quản lý vốn vay, từ đó có thể đưa ra những nhận định của mình.
Bảng 4.14. Ý kiến hộ vay điều tra về kiểm tra, giám sát vay vốn
TT Nội dung Số hộ Tỷ lệ (%)
1 Thủ tục kiểm tra 90 100,00
- Phức tạp 58 64,44
- Đơn giản 32 35,56
2 Tần suất kiểm tra 90 100,00
- Nhiều 23 25,56
- Bình thường 32 35,55
- Ít 35 38,89
Nguồn: Tổng hợp số liệu điều tra (2015)
Nhìn chung việc kiểm tra giám sát tình hình quản lý vốn vay sinh viên ở địa phương vẫn chưa được chú trọng, chủ yếu vẫn mang tính hình thức. Chưa đi sâu vào thực trạng thực hiện ở cơ sở, hiệu quả thực hiện công tác này chưa cao.
Chính quyền địa phương cùng với NH CSXH cần đẩy mạnh hơn nữa trong việc kiểm tra, giám sát thực hiện kế hoạch. Cùng với đó công tác lập kế hoạch cũng cần được điều chỉnh lại, lập kế hoạch riêng không lồng ghép với kế hoạch của các ban nghành khác để dễ dàng theo dõi trong quá trình thực hiện cũng như công tác kiểm tra, giám sát. Kế hoạch phải được công bố, công khai để người dân tiện theo dõi, giám sát. Đây là điều NH CSXH cần phải quan tâm nhiều hơn vì chỉ có qua kiểm tra đánh giá và giám sát việc vay vốn, sử dụng vốn của các hộ, mới làm cho quá trình quản lý vốn vay đảm bảo an toàn và hiệu quả (bảng 4.14).
Ngoài ra, ở các Hội đoàn thể cấp huyện cũng thường xuyên lập kế hoạch kiểm tra, giám sát hoạt động nhận ủy thác của các tổ chức hội đoàn ở cấp xã, thị trấn trong toàn huyện về các nội dung cụ thể: "Công tác chỉ đạo việc triển khai thực hiện các nội dung văn bản ký kết giữa Hội Liên hiệp phụ nữ các cấp với NH CSXH về chương trình ủy thác cho vay HSSV và các đối tượng chính sách khác. Kiểm tra các thủ tục triển khai cho vay vốn, hồ sơ vay vốn của tổ theo mẫu, đánh giá chất lượng hoạt động của tổ tiết kiệm và vay vốn gắn với kiểm tra hệ thống sổ sách của tổ trưởng, hội viên vay vốn. Kiểm tra việc vận động tiết kiệm ít nhất 10.000đồng/01hộ và việc sử dụng phí ủy thác của các cấp hội và chi trả hoa hồng đối với các tổ trưởng tổ vay vốn. Công tác thu hồi nợ quá hạn và xử lý cán bộ xâm tiêu vốn, khắc phục thiệt hại rủi ro. Lồng ghép kiểm tra nguồn vốn vay NH CSXH và nguồn vốn tiết kiệm tại chi hội và việc vận động cán bộ hội viên tham gia ít nhất một loại hình tiết kiệm".