Hàn Phi Tử cũng chia sự phát triển của xã hội cho đến thời ông sống thành 3 thời kỳ:
(1) Thời “Thượng cổ” do ít người nên thương nhau mà tập trung lo về đức hạnh;
(2) Thời “Trung cổ” thì tranh nhau về trí;
(3) Thời “Đương kiêm” thì tranh nhau về sức mạnh.
Từ đó, Hàn Phi còn khẳng định: đời đã khác thì việc cũng phải khác, việc đã khác thì phải phòng bị sự biến đổi của nó, sống ở thời kỳ này mà dùng biện pháp của thời kỳ khác thì không phải là cách xử sự của người Trí. Cai trị dân không có gì là cố định nên phải lấy pháp luật để cai trị, pháp luật lại phải chuyển biến theo thời thế, thời thế chuyển mà pháp luật không đổi thì xã hội sẽ loạn. Hàn Phi còn cho rằng, kẻ tàn bạo và người Nhân cai trị đều sẽ mất nước; hơn nữa, người trị nước mà mê tín quỷ thần thì đất nước cũng không còn, vì tôn “Thần quyền” và thi hành pháp chế là hai việc chống đối nhau.
Hàn Phi Tử chủ trương “Pháp”, “Thuật” và “Thế” cần phải kết hợp làm một mà “Pháp” là trung tâm, “Thuật” và “Thế” là những điều kiện tất yếu trong việc thi hành pháp luật:
- “Pháp” (pháp luật) là những quy ước, khuôn mẫu, chuẩn mực do vua ban ra, được phổ biến rộng rãi để chúng dân thực hiện. Pháp luật phải hợp thời, đáp ứng được những yêu cầu phát triển của xã hội. Pháp luật viết ra phải rõ ràng, dễ hiểu, phù hợp với trình độ dân chúng để người hiền và kẻ ngu đều hiểu được và thi hành đúng. Pháp luật phải công bằng để người mạnh không lấn kẻ yếu, đám đông không hiếp đáp số ít. Pháp luật phải vì lẽ phải và phục vụ lợi ích chung nên việc phạt tội không trừ bậc đại thần, việc thưởng công không bỏ sót kẻ thất phu. Vua phải nắm chắc hai phương tiện cưỡng chế là thưởng và phạt mà thưởng phạt phải căn cứ trên cơ sở pháp luật chứ không thể tùy tiện. Vua phải phục tùng pháp luật, khi có thế, uy quyền sẽ tăng lên, lời nói có thêm sức mạnh.
- “Thuật” là thủ đoạn hay thuật cai trị của người làm vua để kiểm tra, giám sát, điều khiển bầy tôi. Thuật là phương pháp tuyển chọn, sử dụng người đúng chức năng, tạo cho họ làm tròn bổn phận của mình. Thuật phải được giữ bí mật, kín đáo, không được tiết lộ với bất cứ ai: vua không để lộ sự yêu ghét của mình, đề phòng quần thần lợi dụng. Vua không phải làm gì (“Vô vi”) mà bắt các quan phải làm việc - cai trị dân.
- “Thế” là quyền lực đảm bảo cho việc thi hành pháp luật. Thế tạo nên uy tín của người cai trị nên quyền lực cần phải theo nguyên tắc tập trung vào một người là vua; không được chia sẻ, không để rơi vào tay của người khác. Vua đề ra pháp luật, quan lại theo dõi việc thực hiện, dân là người thi hành pháp luật. Quần thần phục tùng nhà vua, không phải theo tình cốt nhục mà là chịu sự ràng buộc bởi quyền uy của vua.