Ảnh hưởng của bản thể luận duy tâm mà trực tiếp là “Tâm học” và “Phật học”, Lương Khải Siêu xem: “Tồn tại ở bên ngoài do tâm mà có”; “hết thảy mọi
cảnh vật bên ngoài đều là hư ảo, chỉ có cảnh vật do tâm tạo ra mới là chân thật; không có “vật cảnh” mà chỉ có “Tâm cảnh”, “Ba cõi” đều do “Tâm” tạo ra” nên sức mạnh của “Tâm” là lớn nhất trong vũ trụ.
So với những người cùng thời, Lương Khải Siêu là người hô hào cần phải “biến” nhiều nhất. “Biến là quy luật chung trong thiên hạ”, không có nơi nào, lúc nào, không có bất cứ việc gì trên đời là không biến đổi. Cho dù, “muốn biến hay không muốn biến thì vẫn cứ phải biến”. Cho nên, có hai loại biến: biến chủ động và biến bị động. Biến chủ động thì có thể giữ gìn được đất nước (bảo quốc), bảo tồn giống nòi (bảo chúng), bảo tồn giáo hóa (bảo giáo). Phải biến đổi Trung Quốc là đương nhiên, thế nhưng cũng phải từ từ mà động lực của sự biến hóa là vai trò của cá nhân anh hùng. “Lịch sử là vũ đài của những người anh hùng, không có anh hùng thì coi như không có lịch sử vậy”.
Quốc gia không thể xem là tài sản tư hữu của vua chúa và khanh tướng mà phải là của chung mọi dân chúng trong nước. Cái cổ hủ nhất của Trung Quốc là không giải quyết mối quan hệ giữa “công” và “tư”. Công và tư là hai điều mà con người không thể thiếu một. Muốn biến cũ thành mới, chỉ có cách là ra sức học tập học thuyết chính trị cũng như chế độ chính trị phương Tây, chứ không phải chỉ có đào mỏ và mở rộng buôn bán…
Đạo đức không phải theo kiểu thủ cựu “ép xác bớt lõi”, “tồn tâm dưỡng tính”; đạo đức thực ra là phải thực hiện quyền con người mà trời đã phú cho nó. Đó là những quyền hiểu biết, quyền độc lập, quyền hợp quần. Những quyền này không phải nhất thành bất biến mà ngày càng được tiến triển. Trong những quyền đó, Lương Khải Siêu đặc biệt đề cao quyền tự do và “tự do là luật chung của thiên hạ, là điều tất yếu của con người”.