IV. TƯ TƯỞNG CHÍNH TRỊ CHỦ ĐẠO CỦA CHỦ NGHĨA MÁC – LÊNIN VÀ HỒ CHÍ MINH
b. Đấu tranh giai cấp và cách mạng xã hộ
Quyền lực của xã hội nói chung, quyền lực Nhà nước nói riêng là quyền lực công cộng phục vụ cho mọi người nhưng bị các giai cấp bóc lột chuyển thành quyền lực nô dịch của thiểu số đối với đa số người lao động. “Hiện thực xấu xa” đó là do sự phân hóa giai cấp, bắt nguồn từ các quan hệ kinh tế có người bóc lột người. Từ đây, đấu tranh giai cấp diễn ra thường xuyên trong lịch sử và trở thành động lực trực tiếp của sự phát triển xã hội hơn hai thiên niên kỷ qua nhằm giải phóng lực lượng sản xuất khỏi các quan hệ kinh tế không còn phù hợp. Nó biểu hiện thành cuộc đấu tranh của giai cấp những người đại diện cho lực lượng sản xuất xã hội tiên tiến chống giai cấp bóc đại diện cho quan hệ sản xuất lạc hậu.
Cuộc đấu tranh diễn ra trước hết trên lĩnh vực tư tưởng, nhằm bảo vệ sự công bằng và vạch trần sự bất công, bất bình đẳng kinh tế, xã hội; đấu tranh đòi hỏi cải thiện điều kiện lao động, mức sống...; cuối cùng, đấu tranh chính trị hướng vào giành lấy quyền lực nhà nước - trình độ cao nhất và là cái đích trực tiếp phải đi đến của cuộc đấu tranh giai cấp. Và, khi nắm lấy được quyền lực nhà nước, các giai cấp cách mạng mới có thể bảo vệ, phát triển hay thay đổi được thật sự các quan hệ kinh tế, tạo môi trường xã hội mới cho sự phát triển lực lượng sản xuất mà đỉnh cao là
cách mạng xã hội - khi mâu thuẫn chính trị - xã hội giữa hai giai cấp cơ bản phát triển đến mức không thể điều hòa.
Những nhân tố cụ thể khác như chủng tộc, tôn giáo, văn hóa, truyền thống bản địa... cũng làm cho mâu thuẫn giữa lực lượng sản xuất và quan hệ sản xuất, kinh tế và chính trị có những màu sắc riêng biệt bởi hình thức, tính chất và mức độ ở các quốc gia dân tộc khác nhau dẫn đến những cuộc cách mạng xã hội mang tính đặc thù của từng quốc gia dân tộc. Nhưng, dù tính đặc thù như thế nào đi nữa thì, cách mạng xã hội cũng phải là sự thay đổi phương thức sản xuất này bằng phương thức sản xuất khác tiến bộ hơn và dẫn đến thay đổi cả “một thời đại”, chứ không phải chỉ là việc giành lấy quyền lực nhà nước. Hơn nữa, các cuộc cách mạng xã hội cụ thể có thể bắt đầu từ kinh tế và kết thúc ở việc thay đổi chế độ nhà nước hoặc bắt đầu từ giành quyền lực nhà nước, tạo ra những tiền đề cần thiết để thay đổi các quan hệ kinh tế - xã hội nhưng, tất cả phải nắm cho được quyền lực nhà nước. Giai cấp tư sản Pháp năm 1789 đã giành lấy quyền lực nhà nước bằng bạo lực trực tiếp trên toàn xã hội nhưng, giai cấp tư sản Anh và Nhật, do hoàn cảnh cụ thể đã đi theo hình thức khác, từng bước chi phối và cuối cùng là nắm toàn bộ quyền lực dù các tầng lớp quý tộc, vua chúa vẫn còn đó.
Ngày nay, thời đại của các cuộc cách mạng vô sản thay thế hình thái kinh tế - xã hội tư bản chủ nghĩa bằng hình thái kinh tế - xã hội cộng sản chủ nghĩa mà giai đoạn đầu là chủ nghĩa xã hội. Các hình thức và trật tự tiến hành cách mạng càng trở nên phức tạp và đa dạng, không thể có một mô hình duy nhất cho giai cấp công nhân và nhân dân lao động ở tất cả các quốc gia dân tộc trên thế giới. Lịch sử cụ thể của từng quốc gia dân tộc sẽ quy định các hình thức cách mạng cụ thể của giai cấp công nhân và nhân dân lao động ở quốc gia dân tộc đó. Tuy hình thức tiến hành cách mạng không qui định thực chất cuộc cách mạng nhưng dù thế nào, quyền lực nhà nước cuối cùng cũng phải là quyền lực của nhân dân lao động. Qua đó và chỉ qua đó
mới thực sự có cách mạng xã hội chuyển đổi hình thái phát triển tư bản chủ nghĩa thành hình thái phát triển cộng sản chủ nghĩa.
Trong lịch sử, các cuộc đấu tranh giai cấp bao giờ cũng đưa đến nền chuyên chính của một giai cấp nhất định - giai cấp đại biểu cho sự phát triển của thời đại và đang thống trị nền kinh tế xã hội. Nhưng, các nền chuyên chính trước đây đều là sự chuyên chính của thiểu số các giai cấp bóc lột đối với đa số các giai cấp người lao động bị bóc lột và với toàn xã hội. Cuộc đấu tranh của giai cấp giữa vô sản chống giai cấp tư sản nhất định sẽ dẫn đến chuyên chính vô sản, tạo ra một sự chuyển biến cơ bản trong lịch sử chính trị nhân loại, chuyển quyền lực nhà nước từ tay các giai cấp bóc lột sang tay nhân dân lao động, từ quyền lực nô dịch nhân dân lao động sang quyền lực chính trị của nhân dân lao động. Chuyên chính vô sản là một hệ thống thể chế thực thi quyền lực chính trị của nhân dân lao động dưới sự lãnh đạo của giai cấp công nhân mà sứ mệnh lịch sử là xóa bỏ sự thống trị giai cấp, thực sự thực hiện những giá trị thiêng liêng trong sự phát triển của xã hội loài người.