IV. TƯ TƯỞNG CHÍNH TRỊ CHỦ ĐẠO CỦA CHỦ NGHĨA MÁC – LÊNIN VÀ HỒ CHÍ MINH
1. Tư tưởng chính trị cốt yếu của chủ nghĩa Mác Lênin a Sự vận động của chính trị bắt nguồn từ tất yếu kinh tế
a. Sự vận động của chính trị bắt nguồn từ tất yếu kinh tế
Mác - Ăngghen đã xem sản xuất vật chất là phương thức tồn tại của con người và loài người. Sản xuất vật chất được tiến hành trong một phương thức sản xuất nhất định mà phương thức sản xuất là sự thống nhất biện chứng giữa lực lượng sản xuất và quan hệ sản xuất; lực lượng sản xuất quyết định quan hệ sản xuất nhưng quan hệ sản xuất lại là cơ sở trực tiếp tạo nên các quan hệ xã hội, kết cấu xã hội. Tất cả những hiện tượng chính trị - tư tưởng xét đến cùng đều được quy định từ các quan hệ sản xuất nên chính trị phải được xem xét trên nền tảng của một quan hệ sản xuất nhất định.
Về cơ bản và lâu dài, chính trị phải làm cho quan hệ sản xuất luôn thích ứng với sự phát triển của lực lượng sản xuất xã hội, nếu không sẽ bị diệt vong. Điều này không phải nói sự lên xuống của từng thời kỳ, từng chính phủ mà cơ bản hơn là, xét cả một chế độ trong sự vận động khách quan của lịch sử. Chính trị phản ánh kinh tế nhưng không phản ánh trực tiếp từng hiện tượng kinh tế riêng lẻ mà là sự phản ánh một cách tập trung cái logic khách quan của sự phát triển kinh tế. Sự tồn vong hay xuất hiện một chế độ chính trị, về cơ bản, không phụ thuộc vào tài năng hay ý chí của những người lãnh đạo mà tùy thuộc vào quan hệ sản xuất của chế độ đó có phù hợp với trình độ phát triển của lực lượng sản xuất hay không.
Mọi hoạt động sống của con người đều diễn ra theo suy nghĩ và điều khiển bởi ý thức, trong những thời đại cụ thể với những biến cố riêng biệt, sức mạnh trí tuệ và tư tưởng của các cá nhân kiệt xuất đều để lại những dấu ấn quan trọng trong lịch sử. Nhưng, xét chung và xét toàn bộ, “vẫn không thể làm thay đổi chút nào một sự thực là tiến trình lịch sử bị những quy luật chung nội tại chi phối” là quy luật về sự phù hợp của quan hệ sản xuất với trình độ của lực lượng sản xuất6. Nếu 6 Xem: C. Mác và Ph. Ăngghen: Toàn tập, Nxb Chính trị quốc gia, HN, 1995, t. 21, tr. 435.
đem các quan hệ xã hội quy vào các quan hệ sản xuất, đem các quan hệ sản xuất quy vào trình độ và yêu cầu phát triển của lực lượng sản xuất thì, sẽ thấy quá trình lịch sử tự nhiên của con người là do sự phát triển của lực lượng sản xuất quy định. Song, sự tác động của lực lượng sản xuất đến đời sống chính trị xã hội chủ yếu phải thông qua quan hệ sản xuất. Quan hệ sản xuất là cơ sở, là bộ khung để tạo nên kết cấu xã hội và quy định kiến trúc thượng tầng chính trị tư tưởng. Kiến trúc thượng tầng chính trị tư tưởng tác động trở lại sự phát triển của lực lượng sản xuất, trước hết và chủ yếu thông qua các quan hệ sản xuất xã hội.