III. LỊCH SỬ TƯ TƯỞNG CHÍNH TRỊ VIỆT NAM TỪ CỔ ĐẠI ĐẾN CẬN ĐẠ
c. Đặc trưng trong sự hình thành, phát triển nhà nước và dân tộc
Nhà nước và dân tộc Việt Nam hình thành, phát triển không loại trừ tính quy luật chung. Nhà nước đó cũng là sản phẩm của sự phát triển kinh tế, cũng do lực lượng thống trị trong kinh tế cầm quyền, cũng là công cụ bạo lực có sức mạnh trấn áp của lực lượng xã hội này đối với lực lượng xã hội khác; dân tộc đó cũng ra đời trên sự thống nhất kinh tế, thống nhất lãnh thổ, thống nhất văn hóa và tâm lý tộc người như những nhà nước và dân tộc khác trên thế giới. Nhưng, nhà nước Việt Nam ra đời không phải do yêu cầu trực tiếp bởi sự thống trị giai cấp và các tiền đề cho sự thống nhất cư dân thành dân tộc, không do sự phát triển của chủ nghĩa tư bản mang lại như các nhà nước và các dân tộc ở châu Âu.
Nguyên nhân cơ bản nhất của sự ra đời, tồn tại và phát triển của nhà nước Việt Nam là yêu cầu tập hợp sức mạnh cộng đồng với một cơ quan công quyền đại diện cho cả dân tộc để điều hành, quản lý đời sống chung mà chủ yếu là chống trả với thiên tai và chống giặc ngoại xâm. Cũng chính trong quá trình tương tác và hòa nhập lâu dài chống thiên tai và chống ngoại xâm đó mà các tộc người trên đất nước này đã hợp nhất thành một dân tộc Việt Nam trên cơ sở phát huy ngày càng cao sắc thái của từng tộc người mà bộ phận trọng yếu là cộng đồng người Việt (Kinh). Cho nên, sự tồn tại, phát triển của nhà nước và dân tộc Việt Nam không tách rời nhau. Giai cấp thống trị chỉ tồn tại được khi còn là đại biểu chân chính cho lợi ích của quốc gia dân tộc mà ở đó, việc chăm lo cho sự tồn tại và phát triển của dân tộc nổi trội hơn sự chuyên chế giai cấp. Dân tộc cũng chỉ tồn tại và phát triển hùng cường khi có được một nhà nước với những con người tiêu biểu cho vận mệnh của dân tộc.
Những đặc điểm trên đã làm cho lịch sử Việt Nam nói chung, lịch sử tư tưởng chính trị nước nhà nói riêng phát triển một cách đặc thù trong dòng chảy của sự phát triển tư tưởng chính trị nhân loại.